Cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Dư luận quốc tế không đồng tình với hành động triển khai hệ thống tên lửa đất đối không của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời lo ngại động thái mới này đe dọa sự ổn định trong khu vực.
Mỹ điều tàu khu trục USS Curtis Wilbur tuần tra sát Hoàng Sa hồi tháng trước
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa lên án việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Phát biểu trước các phóng viên hôm 17-2, ông John Kerry nhấn mạnh, hành động này đi ngược lại cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông khi ông gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington hồi năm 2015.
“Có mọi bằng chứng, mỗi ngày rằng, có sự gia tăng quân sự hóa theo cách này hay cách khác. Điều này thực sự rất đáng quan ngại. Tôi tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc nói chuyện “rất nghiêm túc” về vấn đề này trong những ngày tới”, ông Kerry nói.
Tuyên bố trên được ông John Kerry đưa ra sau khi hãng tin Fox News đăng tải các hình ảnh thu được từ vệ tinh dân sự do ImageSat International chụp được cho thấy, hai khẩu đội tên lửa đất đối không, cũng như một hệ thống radar đã được Trung Quốc triển khai bất hợp pháp tới đảo Phú Lâm.
Video đang HOT
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Bill Urban, đây dường như là hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn khoảng 201km. Ông Bill Urban nhấn mạnh, những hành động này của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và phản tác dụng.
Trong khi đó, Đô đốc Harry B. Harris Jr., Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng, hành động của Trung Quốc đi ngược lại cam kết của Bắc Kinh về không quân sự hóa khu vực. “Chúng tôi sẽ thực hiện thêm các chiến dịch “Tự do hàng hải” phức tạp hơn tại Biển Đông”, ông Harris nói. Tại cuộc gặp giữa ông Harris B. Harris Jr. và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ở Tokyo hôm 17-2, hai bên nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ để đối phó với việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông.
Phản ứng trước thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản quan ngại sâu sắc trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cũng nhấn mạnh hành động này là không thể chấp nhận.
Theo ông Suga, Nhật Bản chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế trước những hành động của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Nhật Bản tin tưởng rằng, điều quan trọng là cộng đồng quốc tế cần hợp tác cùng nhau để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không.
Ngày 18-2, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết, bà đã nêu vấn đề quân sự hóa ở Biển Đông tại cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì. Trong khi đó, Phó Đô đốc Alexander Lopez, chỉ huy quân đội Philippines chịu trách nhiệm khu vực Biển Đông, nói rằng bất kỳ hoạt động triển khai tên lửa nào như vậy cũng sẽ gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế và đe dọa sự ổn định trong khu vực.
Theo_An ninh thủ đô
Mỹ phản ứng mạnh trước ý đồ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc
Giới chức Mỹ ngày 17/2 (theo giờ địa phương) đã đồng loạt lên tiếng phản ứng về thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tại Biển Đông.
Trả lời báo giới tại thủ đô Washington DC về việc hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã triển khai tên lửa tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh phi quân sự hóa là quy chuẩn cần được áp dụng đối với tất cả các nước liên quan đến Biển Đông.
Ảnh vệ tinh cho thấy tên lửa trên bờ biển đảo Phú Lâm hôm 14/2 (trái) trong khi ngày 3/2 chưa có gì. Ảnh: IMAGESAT INTERNATIONAL.
Trước đó, các quan chức quốc phòng của cả Mỹ và Đài Loan đều xác nhận Trung Quốc đã đưa 2 khẩu đội tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Ngoại trưởng John Kerry nêu rõ trong chuyến thăm Mỹ vào cuối năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định Trung Quốc sẽ không quân sự hóa Biển Đông, nhưng mỗi ngày qua đi lại có thêm bằng chứng về sự gia tăng quân sự hóa tại khu vực này.
Ngoại trưởng Kerry bày tỏ quan ngại sâu sắc trước diễn biến trên và cho biết trong vài ngày tới Mỹ sẽ nói chuyện "rất nghiêm túc" với Trung Quốc về vấn đề này. Ông Kerry hy vọng Trung Quốc sẽ nhận thức được rằng tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết thông qua hình thức ngoại giao và phối hợp với các bên liên quan khác chứ không phải bằng hành động đơn phương, vũ lực và quân sự hóa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Mark Toner cũng cảnh báo nếu Trung Quốc thực sự triển khai tên lửa tại đảo Phú Lâm thì động thái này sẽ phản tác dụng và khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hối thúc các bên liên quan làm rõ các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế và cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ông Earnest một lần nữa khẳng định máy bay và tàu chiến Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông.
Tháng 12 vừa qua, một tàu khu trục của Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn trong khi máy bay ném bom chiến lược B-52 cũng đã bay sát đảo do Trung Quốc tôn tạo trái phép tại khu vực Trường Sa.
Một số chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc đang tìm cách tăng cường hiện diện quân sự nhằm xác lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông trong khi một số khác cho rằng động thái triển khai tên lửa của Trung Quốc là để phản ứng lại hoạt động tuần tra của Mỹ tại đây./.
Nhật Quỳnh
VietBao.vn (Theo_VOV>>>)
Thế giới đồng loạt chỉ trích Trung Quốc đưa tên lửa tới Hoàng Sa Các quan chức và chuyên gia từ Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Đài Loan... đã đồng loạt lên án Trung Quốc về việc triển khai tên lửa tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng động thái này cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông và xem thường các nỗ lực ngoại giao....