Cộng đồng người Việt tại Bỉ hướng về quê hương
Sáng 17/5, hơn 300 học sinh, sinh viên và kiều bào Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Bỉ đã biểu tình trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc tại Brussels để phản đối việc Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương – 981 (Haiyang Shiyou-981) trên vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, đoàn người biểu tình mang theo cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp với nội dung “Trung Quốc hãy ra khỏi vùng biển Việt Nam”, “Chúng tôi muốn hòa bình, không muốn chiến tranh”, “Trung Quốc hãy tôn trọng Công ước 1982 về biển”. Trong số người biểu tình, có rất nhiều em nhỏ và các bạn bè Bỉ yêu mến Việt Nam. Thay mặt Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, Bá tước Baudouimd de Crombrugghe nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trên thềm lục địa thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam và tàu Trung Quốc tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và các thỏa thuận có liên quan khác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc.
Cộng đồng người Việt tại Bỉ phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Hương Giang/TTXVN
Hành động này làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, gây khó khăn thêm cho việc đàm phán giải quyết tranh chấp về chủ quyền trên biển bằng biện pháp hòa bình; đe dọa an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, gây mất ổn định trong khu vực và trên thế giới; ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt hợp tác và làm tổn hại mối quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bỉ, ông Marnix Smets, Giám đốc công ty Pinakes kêu gọi Trung Quốc nên tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay hành động xâm nhập trái phép vùng biển của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế lên án. Theo ông Smets, việc tàu Trung Quốc được máy bay yểm trợ đã tấn công các tàu ngư chính và cảnh sát biển của Việt Nam đang làm nhiệm vụ “là hành động xâm lược không thể chối cãi”.
Trong khi đó, anh Trịnh Đình Khuyến, giảng viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, hiện là nghiên cứu sinh tại Bỉ, khẳng định cùng với sinh viên và cộng đồng người Việt Nam tại đây, tất cả đều hướng về biển đảo quê hương và đề nghị nhà cầm quyền Bắc Kinh rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và mong muốn chung sống hòa bình với các quốc gia trên thế giới.
Ông Huỳnh Công Mỹ, Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ đã tuyên bố: “Là một dân tộc có truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân dân Việt Nam mong muốn duy trì tình hữu nghị và hợp tác bình đẳng với nhân dân Trung Quốc nhưng tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác và không bao giờ nhân nhượng trước những hành động sai trái và ngang ngược của nhà cầm quyền Bắc Kinh”.
Ông cũng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ bất khả xâm phạm. Nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo và từng tấc đất mà ông cha đã đổ bao xương máu để gìn giữ. Góp sức cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững giang sơn, hải đảo, máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ kiên quyết phản đối hành vi của nhà cầm quyền Trung Quốc, lên án mạnh mẽ mọi hình thức gây hấn, kích động bạo lực của Trung Quốc trên Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu, thiết bị, nhân sự ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Video đang HOT
Ông Huỳnh Công Mỹ cũng cho biết Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình trước trụ sở Hội đồng châu Âu để gây tiếng vang đối với quốc tế và cùng với Hội hữu nghị Việt Nam tại một số quốc gia như Pháp, CH Séc, Ba Lan tổ chức các cuộc tuần hành lớn nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam.
Theo TTXVN/Tin tức
Ra "Quyết tâm thư 5 điểm" phản đối Trung Quốc
Lúc 16h chiều 15/5 tại khuôn viên Đại học Nha Trang, cán bộ, viên chức, sinh viên nhà trường đã tổ chức mít tinh ôn hòa và ra "Quyết tâm thư 5 điểm" phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam.
Tại lễ mít tinh, đông đảo sinh viên đã giương cao các khẩu hiệu phản đối hành động sai trái của Trung Quốc trong những ngày qua trên vùng biển của Việt Nam với 3 thứ tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung. Cụ thể như: " Trung Quốc rút ngay giàn khoan khỏi Việt Nam"; "Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc"; "Chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam là bất khả xâm phạm"; "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".... Đi cùng với đó, các sinh viên đã hát vang các bài ca yêu nước đồng thời hô vang các khẩu hiệu nói trên.
Phản đối hành động sai trái của Trung Quốc trong những ngày qua trên vùng biển của Việt Nam với 3 thứ tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung.
Trước hành động Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép Hải Dương - 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cán bộ, viên chức, sinh viên trường Đại học Nha Trang đã ra "Quyết tâm thư 5 điểm" để phản đối.
Một: "Hoàng Sa, Trường Sa là máu, là thịt của Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý này không bao giờ thay đổi..."
Hai: "Chúng tôi rất bất bình và cực lực phản đối hành động xâm phạm lãnh thổ Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc".
Ba: "Yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức và vô điều kiện giàn khoan Hải Dương - 981 cùng các tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam".
Bốn: "Chúng tôi ủng hộ và luôn đứng bên cạnh Chính phủ, các lực lượng chấp pháp trong việc đấu tranh chống lại hành động sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng đóng góp trí tuệ, sức lực và kể cả xương máu để góp phần bảo vệ từng tấc đất, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc thân yêu".
Năm: "Vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và trên thế giới, chúng tôi kêu gọi nhân dân Trung Quốc, các nước trên thế giới đấu tranh với những hành động sai trái, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc".
Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Vũ Văn Xứng, Hiệu trưởng trường Đại học Nha Trang - cho biết cuộc mít tinh có khoảng 7 nghìn sinh viên, cán bộ, nhân viên nhà trường hưởng ứng và qua lễ mít tinh "mong muốn sinh viên hiểu được quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc".
"Chúng tôi rất quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, chúng tôi cũng rất biết ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc cho Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc. Nhưng chúng tôi phản đối hành vi gây hấn của Trung Quốc, đặc biệt đưa giàn khoan nước sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc sớm rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam chúng tôi", Tiến sĩ Xứng nhấn mạnh.
Một số hình ảnh do PV Dân trí ghi nhận tại lễ mít tinh:
Chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam là bất khả xâm phạm.
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Quyết tâm bảo vệ chủ quyền của sinh viên Nha Trang.
Viết Hảo
Theo Dantri