Cộng đồng mạng săn bắt kẻ cướp tài sản táo tợn giữa ban ngày
Sau gần 1 giờ đăng tải clip ghi lại hành vi trộm tài sản của người dân ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) trên mạng xã hội, đối tượng trộm cắp đã bị bắt cùng tang vật.
Sáng 4/9, trên địa bàn khối 5, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) xảy ra một vụ cướp tài sản. Tuy giá trị tài sản bị cướp là không lớn nhưng đây là hành vi cực kỳ táo tợn, gây nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử lý, răn đe.
“Do khi đối tượng đột nhập vào nhà ông Hồ Thanh Mại không thấy tài sản nào giá trị nên mới nảy sinh ra ý đồ cướp chim”, ông Nguyễn Trọng Danh, Trưởng Công an thị trấn Phố Châu thông tin.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhà báo Phan Xuân Hồng, Uỷ viên Ban biên tập báo điện tử Người Đưa Tin đã đăng tải lên Facebook cá nhân một clip ghi lại cảnh kẻ gian đột nhập do người dân cung cấp. Hình ảnh đối tượng trộm cướp tài sản đã lộ rõ tuy nhiên chưa xác định được danh tính.
Vào nhà dân cướp tài sản giữa ban ngày. Ảnh cắt từ camera.
Ngay sau đó, từ đoạn clip trên, nhiều thanh niên địa phương đã cùng truy ra danh tính tên cướp chim. Họ đã thu về đầy đủ tang vật giao nộp cho gia chủ và CQĐT. Sự việc đã khiến gia chủ và người dân địa phương rất cảm kích.
Đối tượng gây ra vụ trộm cướp.
Anh Mạnh, người dân trú thị trấn Phố Châu cho biết: “Sau khi đọc được thông tin trên Facebook nhà báo Phan Xuân Hồng, tôi đã nhờ bạn bè và xác minh ra đúng đối tượng và vận động thanh niên này đến cơ quan công an khai nhận sự việc”.
Danh tính đối tượng được làm rõ là Nguyễn Chí Công (SN 1995), trú tại thôn Trà Sơn, xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn.
Công đồng mạng xã hội tìm ra Facebook của đối tượng sau 1 giờ clip ghi lại cảnh trộm cướp được đăng tải.
Ông Hồ Thanh Mại, khối 5 thị trấn Phố Châu vui mừng nói: “Cảm ơn nhà báo Phan Xuân Hồng và đặc biệt là những “anh hùng” đã vào cuộc, nhanh chóng tìm ra đối tượng cướp tài sản. Tuy giá trị tài sản không lớn nhưng việc táo tợn vào nhà dân, trộm cướp giữa ban ngày là rất đáng lên án”.
“Vai trò của nhà báo Phan Xuân Hồng cùng các thanh niên trên địa bàn là rất lớn. Chỉ không lâu sau khi gây ra vụ cướp, đối tượng và tang vật đã bị bắt giữ. Đây là một hành động đáng được biểu dương”, đại diện Công an huyện Hương Sơn cho hay.
Được biết, đối tượng Công thường có hành vi ăn cắp vặt, đang chịu sự quản lý của chính quyền địa phương.
Video đang HOT
Hồ Thắng
Theo antt.vn
'Điểm mờ' tố tụng trong án mạng xôn xao Hà Tĩnh: Những phận người điêu linh sau phán quyết vội vã
Từ khi bị bắt đến khi ra tòa, Nguyễn Đức Hiệp đều không nhận tội. Dù Hiệp bị dư luận cho là có nhân thân xấu, bản thân "giang hồ", mẹ thụ án chung thân tội ma túy, nhưng săm soi hồ sơ vụ việc, đối chiếu các quy định pháp luật, nhận thấy khó có thể kết tội Hiệp là chủ mưu, trực tiếp cầm dao giết người. Vậy mà bất chấp những dấu hiệu vi phạm tố tụng, cơ quan chức năng Hà Tĩnh vẫn truy tố, tuyên án.
Các bị cáo (từ trái qua) Tuấn, Hiệp, Thìn
Hơn hai năm đã qua kể từ khi vụ án xảy ra và dự đoán vụ án sẽ còn phải rất lâu mới tới "hồi kết".
Xét xử kiểu "khép tội bằng mọi giá"
Sau nhiều phiên xử với nhiều tranh cãi, bỏ qua những mâu thuẫn chưa được giải quyết, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Hà Tĩnh nhận định:
Trong vụ án giết người xảy ra ngày 10/7/2016 tại sân vận động Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh, Hiệp phải chịu trách nhiệm "đầu vụ", là người trực tiếp đâm nạn nhân.
Bị cáo Trần Văn Thìn ban đầu là người bị nhóm nạn nhân chặn đánh, nhưng sau đó dùng sống kiếm chém nạn nhân. Hành vi này đồng phạm về tội giết người, Thìn phải chịu trách nhiệm hình sự sau Hiệp.
Bị cáo Hồ Anh Tuấn cũng như Thìn, không trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân nhưng lấy hung khí, tham gia vây đánh, phải chịu trách nhiệm hình sự sau Hiệp và Thìn.
Tòa tuyên Hiệp 14 năm 6 tháng tù, Thìn 13 năm tù, Tuấn 10 năm tù giam về tội Giết người. Trong đó Hiệp không nhận tội, "không thành khẩn khai báo" nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Về phía nhóm nạn nhân trong vụ này, HĐXX nhận định: lỗi ban đầu thuộc về nhóm người có nạn nhân tham gia (do Hồ Xuân Sơn mời đến). Trong đó Sơn ngoài việc gọi người đến giải quyết mâu thuẫn với Thìn, thì chính Sơn đã ném đá, hô hoán người đánh Thìn. Do đó, vai trò, vị trí của Sơn, Thìn trong vụ án là ngang nhau, cần áp dụng mức hình phạt tương xứng.
Tuy nhiên, do Sơn được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên "được hưởng án treo là phù hợp". Tòa tuyên Sơn 18 tháng tù treo về tội Gây rối trật tự công cộng. Các bị cáo còn lại đều được hưởng án treo từ 9 - 18 tháng về cùng tội danh.
Mỗi bị cáo một nỗi niềm. Trong khi Hiệp kêu oan, bị cáo Thìn lại cho rằng cơ quan tố tụng "không công bằng, thiếu khách quan, bao che" cho nhóm Hồ Xuân Sơn. Các bị cáo kháng cáo.
Phán quyết trên cũng bị luật sư phản ứng dữ dội. Luật sư bào chữa cho Hiệp chỉ ra những điểm trong hồ sơ vụ án mâu thuẫn, quá trình tranh tụng tại tòa mâu thuẫn, việc truy tố Hiệp phạm tội Giết người là không có căn cứ. Vậy nhưng về việc này, bản án sơ thẩm TAND tỉnh Hà Tĩnh ghi: "Luật sư và bị cáo Hiệp đều không xuất trình được tài liệu, chứng cứ bác bỏ các chứng cứ buộc tội. Vì vậy, HĐXX không có căn cứ chấp nhận".
Theo luật sư, theo luật, việc chứng minh sự thật khách quan thuộc về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng; bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Việc tòa sơ thẩm yêu cầu như trên là trái luật, vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
"Chỉ mong đúng người, đúng tội"
Mỗi bản án không chỉ quyết định số phận pháp lý của một con người. Đằng sau đó là biến cố cuộc đời của cha mẹ, vợ con... bị cáo. Cũng do "không thành khẩn khai báo" nên hơn một năm từ khi bị bắt, Hiệp bị cách ly với người nhà.
Khi người viết đến nhà Hiệp vào tháng 7/2018, tròn hai năm xảy ra vụ án, ngôi nhà gần như trống trơn. Thẳng gian giữa là bàn thờ mẹ Hiệp, khói nhang chưa dứt 49 ngày.
Bố Hiệp bị tai biến đã nhiều năm, ông đứng hé cửa lẳng lặng nhìn như cố lắng nghe chuyện về con trai.
Vợ Hiệp rơm rớm: "Trước chồng ở nhà lo lắng mọi việc. Khi anh ấy bị bắt, chỉ còn em một mình vừa chăm ông vừa bận 3 đứa con. Rồi mẹ ốm điều trị ở Nghệ An. Việc của chồng em, chỉ mong sự việc sớm sáng tỏ, đúng người, đúng tội".
Nhớ lại ngày chồng bị bắt, vợ Hiệp kể: Hôm đó Hiệp nhận được triệu tập của công an. Như những lần trước đã lên lấy lời khai, Hiệp nói với vợ "anh đi một lát rồi về". Người vợ vừa ra đến chợ thì nghe nói chồng bị bắt đưa đi. Gia đình từ đó không được gặp cho đến ngày mở tòa.
"Em nói với anh ấy, nếu anh có tội thì nhận tội. Nếu thực sự có tội, có trốn thì lương tâm mình suốt đời cũng không yên ổn. Nhưng nếu không có tội thì anh đừng nhận. Anh đừng lo về em và các con", vợ Hiệp tâm sự.
Năm năm, 3 đứa con lít nhít ra đời. Khi Hiệp "đi", đứa con thứ ba mới trong bụng mẹ được sáu tháng. Hiệp ít chụp hình nên đứa trẻ ngay cả mặt cha trong ảnh cũng không được nhìn thấy.
Còn với người mẹ phải mang án tù chung thân, kể từ ngày đi thăm bà trong trại giam về rồi xảy ra án mạng, Hiệp chưa từng được nhìn mẹ. Hơn một năm cách ly, Hiệp không biết mẹ bị bệnh ung thư. Ngày bà qua đời, Hiệp là con trai duy nhất song không thể về chịu tang.
Chị và em gái Hiệp đều ở xa. Người chị khổ tâm chuyện nhà, chuyện mẹ, chuyện em trai, xác xơ, tiều tụy vì ẩn ức: "Phải chăng vì gia đình có mẹ đi tù, nhân thân xấu, nên em mình mới bị đổ tội?". Thế nhưng chị vẫn phải gạt nước mắt mà sống, đưa người em gái bệnh tật ra ở cùng chăm sóc.
Vợ Hiệp tâm sự, chỉ trong mấy năm gia đình liên tiếp xảy ra biến cố đau lòng. Bố tai biến, mẹ bị bắt, em đổ bệnh, Hiệp "dính" án mạng, rồi mẹ qua đời, gia đình xơ xác, tan tác.
Vợ Hiệp vừa chăm con vừa theo chồng đến các phiên tòa. "Khi tòa hỏi tại sao chồng khai không phạm tội mà em lại bồi thường cho gia đình bị hại, em chỉ biết trả lời: vì nghe nói chồng liên quan đến vụ án nên cố gắng bồi thường để khắc phục hậu quả. Dù sao chồng em cũng đá bóng trên sân, anh Tuấn, Thìn là bạn thường chơi với nhau nên gánh một phần trách nhiệm cũng là chuyện bình thường".
Án vẫn "mờ", nhưng hệ lụy thì rất rõ
Liên quan đến tiền bồi thường cho nạn nhân, đau lòng hơn cả là chuyện của mẹ bị cáo Thìn. Nhà Thìn ngay cạnh sân bóng, hiện trường xảy ra vụ án. Mỗi sáng dậy, bà cụ gần 80 tuổi lại nhớ đến biến cố khiến con phải đi tù. Không chịu được nỗi đau, bà hay đóng cửa rời nhà, nghe có khách mới chạy về.
Nhà bị cáo Thìn cạnh sân vận động, nơi xảy ra vụ án
Cánh cửa xộc xệch vừa mở, mấy con gà từ trong nhà tán loạn bay ra. Bà xua nốt một con núp dưới bàn, ngại ngần: "Nhà bà nghèo. Khổ. Phên rách vách nát, tan hoang hết".
Thìn là trụ cột chính trong gia đình, khi bị bắt cả nhà cũng xiêu vẹo theo.
Nhớ đến con, mẹ Thìn chảy nước mắt: "Con bà oan uổng quá. Người ta kêu người đến đòi "giết" nó, thế mà thành ra nó đi tù. Đêm đó cả nhà bà sợ phải đi nơi khác ngủ, sợ người ta đến giết, sáng hôm sau mới về".
Phiên tòa nào của con bà cũng bắt xe khách từ Hương Sơn xuống Hà Tĩnh nghe xử. Tiền bồi thường cho bị hại, bà cũng thay con vay mượn đưa được 40 triệu đồng. "Vay mượn hết. Bà có sổ liệt sĩ của ông chồng trước. Mang ra ngân hàng họ không nhận nên phải vay ngoài".
Riêng cái sổ liệt sĩ, bà "cắm" được 17 triệu. Hỏi có phải trả lãi không, bà gạt nước mắt: "Không. Người ta cho vay rồi cầm sổ. Mỗi tháng đi lĩnh được 1,4 triệu, họ cho lại bà 220 ngàn đồng để ăn sáng, ăn trầu". Vợ Thìn đi làm từ sáng đến đêm được hơn 2 triệu, mua từng bát cháo cho con cũng phải tính toán mới cầm cự nổi.
Nhà Tuấn cũng hoàn cảnh không kém. Hàng xóm cho biết vợ Tuấn đã đưa con đi nơi khác, ngôi nhà giờ không ai ở.
Thị trấn Phố Châu nhỏ xíu, đi dăm phút đã hết đường, người dân gần như quen biết nhau. Xưa gần cửa khẩu Cầu Treo, có tiếng dân làm ăn, nhưng thực chất nhiều nhà "có tiếng mà chẳng có miếng". Thời điểm xử lý vụ án, đặt trong bối cảnh nhiều trọng án liên tiếp làm đau đầu cơ quan chức năng địa phương, nhiều hoạt động núp bóng "xã hội đen" dưới dạng băng ổ nhóm thanh toán nhau, dư luận đồng ý việc phải mạnh tay trấn áp tội phạm; nhưng phải sáng tỏ sự thật, đúng người, đúng tội để đảm bảo kỷ cương pháp luật, người sống thanh thản "tâm phục khẩu phục", người chết cũng an lòng. Còn đó dấu hỏi về sự công minh của các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này.
PLVN sẽ tiếp tục trở lại sự việc trong các số báo tới.
Phiên tòa phúc thẩm đã diễn ra vào đầu năm 2018 nhưng cũng phải hoãn để làm rõ các tình tiết. Vẫn là chuyện rất nhiều mâu thuẫn từ chứng cứ đến lời khai của bị cáo, nhân chứng...
Tranh luận tại tòa sơ thẩm, đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh từng thừa nhận: "Đúng là trong hồ sơ có nhiều lời khai khác nhau. Nhiều nhóm lời khai cho rằng bị cáo Hiệp có tội, nhiều nhóm lời khai thể hiện Hiệp không phạm tội. Nhưng VKS chỉ sử dụng những lời khai phù hợp, khách quan nhất, phù hợp với vụ án có sự bàn bạc nhận tội thay".
Nhìn lại toàn bộ quá trình xét xử sơ thẩm, dư luận lại ngờ vực: Vụ án có sự bàn bạc nhận tội thay hay có "kịch bản đổ tội" cho Hiệp là bị cáo đầu vụ?
Trong 3 bị cáo bị truy tố tội Giết người thì Tuấn và Thìn đều nghèo. Hiệp ít tuổi hơn Thìn, nhưng trong "xã hội" lại ở vai "đàn anh". Chính Tuấn khai đã được Hiệp giúp đỡ nhiều, "cho tiền để ổn định cuộc sống". Án mạng xảy ra, Hiệp không nhận tội. Phải chăng có lý do gì khiến các cơ quan tố tụng bất chấp dấu hiệu sai phạm, kết tội bị cáo bằng mọi giá?
Tuyết Lan
Theo baophapluat
Bắt giữ con nghiện cùng một lượng lớn hàng nóng Khi bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Đức (ở Hà Tĩnh) về tội tàng trữ chất ma túy, lực lượng chức năng còn phát hiện một lượng lớn hàng nóng như lựu đạn, thuốc nổ, đao... tại nhà đối tượng này. Đối tượng Đức tại cơ quan điều tra Chiều ngày 8/6, Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị...