Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Doanh nghiệp Việt vẫn “chầu rìa” miếng bánh 2.500 tỷ USD?
Với số dân khoảng 650 triệu người, kim ngạch thương mại đạt 2.500 tỷ USD khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN ( AEC) thành lập, 10 nước ASEAN sẽ là thị trường tự do hóa rộng lớn, với dân số trẻ và mức tiêu dùng cao. Nhưng trên thực tế, đây là “miếng bánh” không hề dễ đối với doanh nghiệp và hàng Việt.
Từ năm 2013 đến nay, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam và ASEAN luôn thâm hụt, tỷ lệ nhập siêu ngày càng được nới rộng. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN đạt 19 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 23 tỷ USD, dẫn đến nhập siêu 4 tỷ USD. Trước đó năm 2013, Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN đạt 18,5 tỷ USD, nhập khẩu 21,4 tỷ USD, nhập siêu là 2,9 tỷ USD.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào cuối năm 2015
10 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN đạt 15,4 tỷ USD, nhập khẩu là 19,6 tỷ USD, nhập siêu vượt cả năm 2014 là 4,2 tỷ USD.
Đáng nói, trong khi xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 500 triệu USD (năm 2014 so với năm 2013) thì nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam tăng mạnh, đạt 1,6 tỷ USD. Đây là con số cho thấy, hàng hóa các nước ASEAN vào Việt Nam nhiều hơn, mạnh hơn so với hàng hóa từ Việt Nam sang các nước. ASEAN đã là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc, nhưng ở thị trường xuất khẩu, các nước ASEAN vẫn xếp thứ 3 thậm chí thứ 4 sau Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản…
Theo thông tin từ Trung tâm WTO, Hiệp định ATIGA (sau này là Hiệp định thương mại tư do (FTA) giữa 10 nước ASEAN) từ năm 2010, các nước ASEAN 6 gồm Thái Lan, Singapore, Brunei, Indonesia, Philipinese và Malaysia đã thực hiện xóa bỏ thuế quan về 0% đối với nhiều hàng hóa thông thường từ các nước đối tác ASEAN.
Trong khi đó, 4 nước còn lại gồm Việt Nam – Lào – Myanmar và Campuchia vẫn được hưởng lộ trình dỡ bỏ thuế 0% đến năm 2014 và 2015. Điều đó có nghĩa, hàng Việt Nam vào các thị trường này có cơ hội hưởng mức thuế 0% từ 5 năm trước và có lợi thế gia tăng về xuất khẩu. Trong khi đó, các mặt hàng từ 6 nước đối tác vẫn phải chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu từ 50% – 75% thuế quan hàng hóa thông thường khi vào Việt Nam.
Video đang HOT
Xét về cơ cấu mặt hàng và đối tác trong ASEAN, năm 2014, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam xuất siêu tại 5 thị trường Campuchia, Philipines. Indonesia, Myanmar và Brunei với kim ngạch 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, lại nhập siêu lớn từ 4 thị trường Singapore, Thái Lan, Malaysia và Lào với kim ngạch gấp đôi 6,46 tỷ USD.
Thị trường ASEAN có sự phân hóa tiêu dùng rõ rệt, trong đó các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia có GDP/người cao, mức tiêu dùng lớn, DN Việt Nam lại không tận dụng được, mà rất nhiều hàng điện tử, điện lạnh có mặt tại Việt Nam đều có xuất xứ từ Thái, Malaysia hay Singapore. Trong khi đó, tại các thị trường Việt Nam xuất siêu, hàng Việt Nam xuất siêu nhờ lợi thế về khối lượng cũng như cạnh tranh tuyệt đối về một số mặt hàng như gạo, thủy sản, hoa quả…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lý giải, thời điểm AEC chính thức thành lập vào cuối tháng 12 năm nay, cộng đồng DN Việt không mấy kỳ vọng về một thị trường xuất khẩu mở rộng, bởi cơ cấu kinh tế và các mặt hàng giữa Việt Nam và các nước ASEAN tương đồng nhau, dẫn tới cạnh tranh loại trừ nhau.
“Với cơ cấu kinh tế tương đồng nhau, Việt Nam rất khó để khai thác và cạnh tranh được với các nền kinh tế ASEAN. Về mặt hàng nông sản, Việt Nam đang phải cạnh tranh rất gay gắt với Thái Lan, Campuchia, Lào, thậm chí Myanmar. Về xuất khẩu điện tử, công nghiệp chế tạo, Việt Nam cũng thua so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Về du lịch, dịch vụ tài chính, vận tải biển, Việt Nam không có cửa xuất khẩu dịch vụ sang Singapore, Thái Lan, Brunei hay Malaysia… Việt Nam chỉ lợi thế về xuất khẩu may mặc, gia công hàng điện tử và chế biến thủy sản… Tuy nhiên, các mặt hàng này, ngay bản thân DN và thị trường các quốc gia ASEAN đã đáp ứng đủ, sản phẩm Việt khó có thể cạnh tranh được. Đây là lý do các DN Việt Nam phải bơi sang Mỹ, EU, nơi có thị trường rộng lớn, có cơ cấu nền kinh tế tương hỗ để xuất khẩu được.
TS Đặng Đức Đạm – nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, với cơ cấu kinh tế tương đồng nhau, dù có lợi thế về mặt địa lý nhưng DN Việt gặp nhiều bất lợi trong gia tăng cạnh tranh và xâm nhập thị trường. Thuế giảm về 0% ở hầu hết các thị trường từ năm 2010, nếu DN Việt tận dụng được đã gia tăng khoảng cách về thương mại, song thực tế cho thấy DN Việt, sản phẩm Việt vẫn khó vào các nước AEC. Giải pháp cạnh tranh cùng hợp tác để vươn ra thị trường khác được coi là quan trọng đối với DN Việt Nam, đặc biệt ở các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
AEC tạo tiền đề cho vốn ngoại chảy vào bất động sản khu vực
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015, với mục tiêu tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên. Bất động sản sẽ hưởng lợi gì từ AEC (?), Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, Công ty TNHH CBRE Việt Nam vừa có báo cáo về vấn đề này.
Hội nhập ASEAN mang lại lợi ích gì cho bất động sản đang là vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Theo CBRE, việc thành lập một thị trường chung cho Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vào cuối năm 2015 ngay lập tức sẽ mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp của các nước thành viên với nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường văn phòng và bán lẻ.
Các chuyên gia CBRE dự đoán nguồn cung - cầu không gian công nghiệp và văn phòng tại hầu hết các thị trường trong khối ASEAN sẽ tăng lên trong thời gian ngắn và trung hạn khi ngày càng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các công ty đa quốc gia được thành lập trong khu vực.
Thị trường kho vận đặc biệt được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng và phát triển trong khối ASEAN, tạo điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và từng bước xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Sự tăng trưởng của thị trường công nghiệp cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng nguồn cung văn phòng khi có nhiều công ty đa quốc gia tham gia vào thị trường và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng mở rộng. Đặc biệt, ngành dịch vụ tài chính và pháp lý tại các thị trường mới nổi có thể đẩy mạnh trên cơ sở thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng và đề xuất tự do hóa thị trường vốn của khu vực.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài cũng đang xúc tiến để gia nhập vào thị trường ASEAN, xây dựng trên nền tảng họ đã tạo lập trong những năm qua. Du lịch hiện là điểm sáng cho các nước thành viên khi kế hoạch của Cộng đồng Kinh tế ASEAN tập trung vào việc củng cố cơ sở hạ tầng cho giao thông đường bộ và đường hàng không và tăng cường hợp tác khu vực để thu hút nhiều du khách đến khu vực.
Ông Desmond Sim, Giám đốc phụ trách Nghiên cứu của CBRE tại Singapore và khu vực Đông Nam Á phát biểu: "Tuy vẫn còn nhiều rào cản và hạn chế mà các nước trong khối ASEAN cần phải vượt qua, khu vực này vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì sức hấp dẫn cho các doanh nghiệp và bất động sản thương mại với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhằm tăng cường sự phát triển trong khu vực."
Theo đó, có rất nhiều trở ngại cho sự tăng trưởng trong khu vực. Trong đó, khả năng của việc quản lý yếu kém nguồn cung nở rộ có thể dẫn đến biến động giá thuê mặt bằng bán lẻ. Điều này sẽ gây trì trệ hoặc thậm chí ngăn cản việc mở rộng của các nhà bán lẻ. Việc thiếu nguồn lao động có tay nghề cũng là thách thức cho phân khúc văn phòng và công nghiệp trong ngắn và trung hạn, có thể gây trở ngại cho việc mở rộng của các nhà sản xuất công nghiệp có giá trị cao. Sự chênh lệch lớn về chuyên môn giữa các nước thành viên cũng hạn chế những tác động tích cực của đề xuất tự do hóa lao động ASEAN.
Một trở ngại khác là việc thiếu các chính sách hỗ trợ đầu tư bất động sản để thúc đẩy tự do hóa chính sách đầu tư và lưu chuyển vốn tự do. Các nhà đầu tư bất động sản thường bị hạn chế về quyền sở hữu đất cho người nước ngoài và thời hạn cho thuê ngắn. Một môi trường đầu tư chuyên nghiệp phải thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hoàn thiện tiến trình phát triển chung của khối ASEAN.
Do đó, từng nước trong khu vực cần xem xét lại luật sở hữu đất với mục đích mua bán để cho phép người nước ngoài tham gia phát triển bất động sản.
Tuy nhiên, các nhà quan sát thị trường vẫn lạc quan về dòng vốn đổ vào bất động sản, dựa trên tài liệu chi tiết thu thập được tại cộng đồng ASEAN trong thập kỷ vừa qua. ASEAN ghi nhận tổng dòng vốn đầu tư vào bất động sản trong khu vực từ năm 2005 đến năm 2014 là 28,190 tỉ đô la Mỹ. Trong vòng 5 năm gần đây, từ năm 2010 đến năm 2014, Trung Quốc giữ vị trí là nhà đầu tư hàng đầu vào thị trường ASEAN, chiếm 29% tổng vốn đầu tư với trị giá đầu tư lên đến 4,423 tỉ đô la Mỹ. Singapore đứng vị trí thứ hai với trị giá đầu tư là 4,268 tỉ đô la Mỹ, chiếm 28% tổng vốn đầu tư trong cùng giai đoạn. Cùng với việc gia tăng các khoản đầu tư xuyên biên giới vào thị trường ASEAN, có một bước dịch chuyển lớn trong việc phân bổ vốn đầu tư toàn cầu vào các nước thành viên trong những năm gần đây.
Ông Sim cho biết thêm: "Cộng đồng Kinh tế ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc tự do hóa thị trường đầu tư tại khu vực này, tạo tiền đề cho vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường của các nước thành viên. Sự phát triển đa dạng của thị trường bất động sản trong khu vực ASEAN thiết lập phạm vi rộng lớn hơn cho chiến lược của các nhà đầu tư. Những thị trường phát triển như Singapore và Malaysia có thể cung cấp cho các nhà đầu tư cơ hội đầu tư "cốt lõi" hoặc "giá trị cộng thêm". Trong khi đó, những cơ hội đầu tư "nhất thời" có thể nắm bắt được tại các thị trường mới nổi như Việt Nam và Philippines. Vì vậy, vốn đầu tư vào thị trường bất động sản khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khi các nhà đầu tư đang tìm kiếm thị trường mới cho danh mục đầu tư bất động sản."
Theo Quang Hưng
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
"Cuộc chơi" TPP: Sẽ có kẻ cười, người khóc! Hiệp định TPP giữa Việt Nam và 11 quốc gia khác dự kiến sẽ được ký kết trong thời gian tới và sẽ ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế của mỗi quốc gia trong TPP cũng như kinh tế toàn cầu khi các nước trong TPP chiếm 40% GDP toàn cầu. Trong đó Nhật Bản và Mỹ là 2 đối tác kinh...