Cộng đồng đặt loạt câu hỏi nghi vấn quanh vụ nâng điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang
Mặc dù đã có những kết luận điều tra ban đầu và tìm ra thủ phạm trong vụ sai phạm nghiêm trọng ở Hà Giang, tuy nhiên dư luận vẫn có nhiều thắc mắc xoay quanh sự việc.
Chiều hôm qua (17/7), sau 5 ngày điều tra, Bộ GD&ĐT đã có kết luận chính thức về những nghi vấn điểm thi cao bất thường ở Hà Giang. Theo đó, ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí của Sở GD&ĐT Hà Giang, chính là người trực tiếp can thiệp kết quả 330 bài thi của 114 thí sinh ở Hà Giang. Và những kẽ hở trong công tác giám sát, chấm thi đã tạo cơ hội cho ông này thực hiện hành vi sai trái của mình.
Điều đáng nói là các bài thi được sửa điểm chênh lệch điểm so với điểm chấm thẩm định từ 1 đến 8 điểm, thậm chí là hơn 9 điểm. Có thí sinh từ điểm liệt bỗng chốc trở thành thí sinh ở top đầu với điểm cao chót vót.
Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo công bố những sai phạm ở Hà Giang
Trước những sai phạm này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng như lãnh đạo tỉnh Hà Giang kiên quyết xử lý đúng người, đúng tội và không có vùng cấm để đảm bảo công bằng, đúng pháp luật và không ảnh hưởng đến tâm lý các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, xoay quanh sự việc này, dư luận vẫn đặt ra nhiều câu hỏi.
Liệu ông Lương có thể thực hiện mọi việc một mình? Có hay không việc tồn tại 1 đường dây mua điểm ở Hà Giang?
Theo ông Nguyễn Cao Khương, cán bộ A83 (Bộ Công an) thi ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án các môn thi THPT quốc gia, điện thoại của của ông Vũ Trọng Lương – Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng đã nhận rất nhiều tin nhắn liên quan đến số báo danh của thí sinh.
Và sau đó ông này đã thực hiện hành vi sửa điểm cho các thí sinh. Cụ thể, với quy trình quét bài thi trắc nghiệm, ông Vũ Trọng Lương trực tiếp phụ trách và dùng chiếc máy tính quét. Cán bộ này đã đối chiếu với số báo danh nhận được qua tin nhắn điện thoại và nhập lại điểm (chỉnh sửa điểm) cho thí sinh. Sau đó, ông này chuyển toàn bộ hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về phòng Khảo thí rồi mở ổ khóa niêm phong, rút bài thi của thí sinh sửa đáp án trên giấy.
Video đang HOT
Quá trình này, được ông Lương thực hiện từ 12h đến 14h38 ngày 27/6, có nghĩa là ông này chỉ dùng hết 6 giây để chỉnh sửa điểm cho một thí sinh trong khi thành viên ban giám sát vẫn túc trực.
Điểm thi trước và sau khi chấm thẩm định của những thí sinh có điểm tổ hợp xét tuyển A1 cao bất thường. Ảnh Zing
Dư luận đặt ra câu hỏi, vừa thực hiện trên máy tính, vừa sửa đáp án trên giấy thi với 330 bài thi trong hơn 2 tiếng thì rất khó để 1 người có thể thực hiện được. Hơn nữa, quá trình quét bài thi và lên điểm không thể chỉ có 1 mình ông Lương làm mọi việc.
Ông Nguyễn Cao Khương cũng cho hay: “Tôi thấy, nếu việc này chỉ thực hiện một mình thì cực kì khó. Do đó, chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm tiếp để xác định xem có hay không có sự tiếp tay của một số trường hợp có liên quan”.
Kết quả thi của những thí sinh được nâng điểm xử lý như thế nào?
144 thí sinh đã được can thiệp kết quả thi với số điểm cao hơn rất nhiều so với số điểm chấm thẩm định sau đó. Về số phận của những bài thi được can thiệp này, Bộ GD-ĐT đã kết luận kết quả chấm thẩm định phía trên được sử dụng để thay thế cho toàn bộ kết quả chấm bài thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang công bố ngày 11/7/2018.
Các thí sinh này vẫn sử dụng kết quả chấm thẩm định của Bộ để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH – CĐ nếu đủ điểm yêu cầu.
Trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang nơi có nhiều thí sinh có điểm chênh lệch so với chấm thẩm định
Tuy nhiên, dư luận đặt ra câu hỏi, việc nâng điểm là vi phạm quy chế thi, vậy các thí sinh được nâng điểm có vi phạm quy chế thi hay không và bài thi vi phạm quy chế theo quy định sẽ bị hủy kết quả và không được xét tốt nghiệp hay xét tuyển ĐH – CĐ.
Thế nhưng có ý kiến cho rằng, hiện chưa có kết quả điều tra chính thức khẳng định các 144 thí sinh có ‘mua điểm’ hoặc nhờ can thiệp điểm hay không, chính vì vậy chưa đủ căn cứ để hủy bài thi của các thí sinh này.
Tất cả vẫn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu Hà Giang làm được, thì các tỉnh khác liệu có tồn tại tiêu cực?
Sự việc ở Hà Giang khiến dư luận dấy lên những nghi ngờ về tính minh bạch trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở nhiều tỉnh thành khác. Không ít người dân còn kiến nghị: ‘Có nên chăng rà soát kết quả thi trên toàn quốc’? để đảm bảo tính minh bạch, công bằng.
Theo ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH trả lời trên Infonet cho rằng, hành động này ở Hà Giang đã vô tình “vẽ đường cho hươu chạy” để các tỉnh thành khác “học tập”. Đặc biệt, việc gian dối trong thi cử không chỉ đơn thuần là bệnh thành tích, mà còn là vấn đề lợi ích nhóm.
Ông cũng cho rằng để lấy lại sự công bằng cho các thí sinh, bộ GD&ĐT cần kiểm tra lại công tác chấm điểm ở tất cả các nơi bị nghi ngờ và nên kiểm tra xác xuất ở một số địa phương khác để đảm bảo tính công bằng và lấy lại niềm tin trong dư luận cả nước.
Sự việc ở Hà Giang vẫn tiếp tục là điểm nóng được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến quý độc giả.
Theo tiin.vn
Infographic: 6 giây, 330 bài thi và những con số giật mình trong vụ nâng điểm thi ở Hà Giang
Những sai phạm nghiêm trọng cùng những con số không tưởng trong vụ nâng điểm thi ở Hà Giang khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.
Hà My
Theo tiin.vn
Vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang: "Hé lộ" thêm những tình tiết mới Theo nguồn tin riêng của Dân trí, vụ gian lận thi cử ở Hà Giang không đơn thuần chỉ do một cá nhân đảm nhận mà có thể còn liên đới đến những người khác. Vụ việc này chắc chắn sẽ được Bộ Công an làm rõ trong thời gian tới bởi Thủ tướng đã có chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm...