‘Công dân trẻ’ của thành phố nghĩa tình – Kỳ 2: ‘Giấc mơ’ của Thống ‘giang hồ’
13 tuổi, Hồ Quốc Thống theo cậu rời quê Quảng Ngãi vào Sài Gòn bán vé số. Anh chưa một lần nghĩ có ngày mình lại thành thợ chụp ảnh, rồi trở thành điển hình trẻ của TP này.
Hồ Quốc Thống cùng gia đình nhỏ của mình tại tiệm ảnh Dreams – Ảnh: Q.L.
“Tôi có được nhiều thứ, nếu không muốn nói là có tất cả, như hôm nay đều nhờ vòng tay yêu thương của TP này. Danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” đã mở ra cho tôi nhiều cơ hội mới mà nhiều khi tôi nghĩ như một giấc mơ” – Quốc Thống tâm sự.
1. Hồi đó Thống có biết Sài Gòn chi mô. Chỉ là ở quê nghèo quá, học cũng chẳng tới đâu, nghe người cậu rủ nên theo vào đất này kiếm sống. Sài Gòn ngày Thống đặt chân xuống bến xe cơ man nào là người, là xe, tấp nập quá mức. Thống theo về ở chung nhà với nhiều người cùng quê trong xóm trọ gần ga Sài Gòn.
Mỗi ngày, nhận cọc vé số, Thống đi bán lang thang khắp ngõ ngách. Được hai năm thì anh chàng không bán vé số nữa, chuyển qua bán báo, đi phụ hồ, đánh giày và có cả “nghề”… đánh lộn! “Thường đánh giày phải có nhóm, phân chia địa bàn rồi nên đứa nào léng phéng mò qua địa bàn của nhóm khác sẽ bị xử ngay. Tụi tui đánh nhau bất chấp, hở ra là đánh” – Thống nhớ lại.
Không bán vé số nên không còn ở nhà chung nữa. Những ngày sống lang thang đường phố cũng bắt đầu. Thống bảo sống gần như… giang hồ, ngày đánh giày, tối tìm góc vỉa hè chung cư ngủ.
Nhưng rồi có đêm đang ngủ thì công an đến, “hốt” cả đám về phường. Là dân chung cư thấy cái đám loai choai cứ ngủ ở đó hoài, sợ mất an ninh, báo công an.
“Bị hốt vài lần, tụi tui không nằm vỉa hè nữa mà tối leo cây bàng ngủ. Dãy bàng dọc kênh Nhiêu Lộc hồi đó giờ không còn” – Thống nói.
2. Lang bạt mãi nhưng Thống không hư! Đánh nhau như cơm bữa. Lay lắt kiếm sống lề đường vậy nhưng tay Thống chưa một lần nhúng chàm. Cũng bởi anh luôn tự nhắc mình về giới hạn cuối cùng, để không làm chuyện bậy.
Qua một người bạn cùng quê, Thống xin được vào mái ấm dành cho trẻ lớn ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Nhờ thầy Nguyễn Văn Tuyển – quản lý mái ấm, “thằng Thống giang hồ” được giới thiệu đi học miễn phí lớp chụp ảnh trong dự án dành cho trẻ đường phố, rồi gửi qua học nghề xử lý ảnh ở một cửa tiệm.
Đều đặn đạp xe mỗi ngày từ Bình Thạnh qua Q.5 học nghề, mà chỉ đứng nhìn là chính. Nên trưa nào Thống cũng canh mấy người thợ chính của tiệm đi ăn thì xin vào máy vọc, làm lại đúng những gì học lóm trước đó. Cũng nhờ thầy Tuyển, Thống mua được chiếc máy tính cũ, mang về mái ấm vừa luyện nghề, vừa tranh thủ chỉ lại bạn nào muốn học.
3. Tháng lương đầu tiên ra nghề, Thống bỏ túi 1,8 triệu đồng. Nhờ tay nghề ổn, Thống được chủ một tiệm ảnh ở Hóc Môn mời về làm, bao ăn ở, trả lương 3,5 triệu/tháng, số tiền quá mơ ước khi ấy. Tại tiệm ảnh này, anh đã gặp người bạn đời, giờ là thợ trang điểm chính của Dreams.
Tiệm ảnh kèm trang điểm, dịch vụ cưới riêng ấy ra đời sau khi Thống được vinh danh “công dân trẻ”. Một phần nhờ sự tiếp sức từ quỹ vay vốn giúp thanh niên làm kinh tế của Hội LHTN VN TP.HCM.
Danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” vinh danh nỗ lực vượt khó, hành trình vươn lên của Thống dù trong cảnh ngặt nghèo. Đó cũng là năm đầu tiên giải thưởng ra đời, năm 2006.
Có gia đình ở tận Tiền Giang, sau khi đọc báo biết trường hợp của Thống đã lần theo địa chỉ, chở cả nhà từ quê lên Q.12 chụp bộ ảnh gia đình, coi như ủng hộ “một bạn trẻ biết vượt lên số phận”.
Thống bộc bạch: “Danh hiệu ấy là món quà quá bất ngờ, nó mở ra một trang đời khác với tôi, cho tôi mọi thứ như hôm nay. Nên làm gì tôi cũng luôn nghĩ phải giữ gìn để đời mình xứng đáng với danh hiệu đã nhận”.
4. Hơn tuần trước Thống nhập viện vì chứng bệnh đau bao tử tái phát. Trước đó nữa anh từng nằm viện hai tuần nhưng không ổn. Anh bảo tranh thủ lúc giãn cách xã hội, người ta cũng hoãn cưới xin, thôi thì mình vào viện mong trị dứt hẳn đặng còn yên tâm làm việc.
Video đang HOT
Câu chuyện ngay căngtin bệnh viện đôi lúc bị ngắt quãng bởi những cơn đau. Nhưng nói về chụp ảnh, về cửa hiệu Dreams, Thống như một con người khác dù gần hai tháng nay do dịch COVID-19, tiệm đóng cửa, khoản tiền thuê nhà 15 triệu mỗi tháng cũng khá “đuối”.
“Giờ chụp ảnh giá cả cạnh tranh chỉ là một phần, hơn nhau ở chỗ có bắt kịp “trend” không chứ đâu chỉ cầm máy bấm cái ra ảnh là xong. Tôi cũng phải nghe ngóng, đón bắt xu hướng của khách theo từng giai đoạn, rồi bà xã trang điểm cũng phải bắt trend mới sống được” – Thống nói.
Và anh nói về ý tưởng mới, thao thức làm mới công việc của mình, về xu hướng chụp ảnh hiện tại, về một phim trường chụp ảnh cho khách hàng nhí. “Có bạn trẻ nào muốn học nghề, tôi luôn sẵn sàng. Ngày xưa được giúp thế nào, nay tôi cũng muốn giúp lại như vậy” – Thống nói lúc chia tay.
Đào tạo thợ miễn phí
Lúc còn sống trong mái ấm, Hồ Quốc Thống đã bắt đầu sự nghiệp truyền nghề của mình cho các bạn khác. Đến nay, sau gần hai chục năm làm nghề, có cửa hàng riêng, Thống đã đào tạo cho gần 60 thợ từ chụp ảnh, quay phim đến xử lý ảnh.
Các bạn đều đã ra nghề, có tiệm riêng nhưng vẫn liên lạc, hỗ trợ nhau khi cần. “Tôi từng sống lang thang, hiểu cái khổ của nghèo khó, giờ công việc ổn định rồi, giúp được ai thì giúp. Phần lớn các bạn đến học đều nghèo khổ như tôi ngày trước. Có bạn do người quen gửi đến, cũng có bạn đọc tin qua báo đài biết nên tự tìm đến, vì vậy giúp được gì tôi luôn sẵn sàng” – Thống bộc bạch.
Nguyễn Trường Hận – học viên đang được Thống đào tạo – kể anh Thống dễ tính và rất nhiệt tình với học trò, không bao giờ giấu nghề.
“Dù ảnh chỉ biết mình qua giới thiệu của một người quen nhưng sẵn sàng nhận vào, không lấy phí mà còn nuôi ăn ở luôn. Ngoài việc dạy xử lý ảnh trên máy tính, anh Thống luôn cho mình theo mỗi khi đi chụp ảnh ngoại cảnh để chỉ mình công việc thực tế. Vợ chồng ảnh còn kêu học xong muốn về quê thì về, không thì ở lại Sài Gòn làm luôn với ảnh” – Hận cho biết.
QUỐC LINH
'Công dân trẻ' của thành phố nghĩa tình - Kỳ 1: Tiến sĩ chân đất của bà con nuôi tôm
Từ sáng kiến của Thành đoàn TP.HCM, danh hiệu 'Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM' được bình chọn và tuyên dương mỗi năm.
TS Trần Hữu Lộc (thứ hai từ phải qua) cùng nhà khoa học các nước dự hội thảo quốc tế về nông nghiệp - Ảnh: T.HỮU
Sau 14 năm kiên trì tìm kiếm, đã có 99 điển hình trẻ trên các lĩnh vực được vinh danh, giới thiệu diện mạo một lớp trẻ mới của TP mang tên Bác tự tin, tài giỏi và sống nghĩa tình...
Được bình chọn là "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" năm 2014, TS Trần Hữu Lộc hiện đang giảng dạy tại khoa thủy sản Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, đồng thời là giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh tôm tư nhân ShrimpVet-Dr.Tôm, Công ty Minh Phú AquaMekong.
Ở đó không chỉ đơn thuần để khởi nghiệp, mà là nơi để anh cùng cộng sự thực hiện tham vọng lớn hơn - cung cấp con tôm giống sạch cùng phương pháp nuôi tôm an toàn, giúp bà con nuôi tôm yên tâm làm ăn. TS Lộc chia sẻ:
- Đến từng vùng nuôi tôm, cùng làm với bà con, tôi có thêm nhiều bài học mới từ chính họ. Với bà con, lưu ý hay khuyến cáo gì cũng vậy, đừng quá bảy "gạch đầu dòng", tốt nhất là năm cái thôi.
Mọi thứ đều phải rất cụ thể, xuất phát từ thực tiễn, kinh nghiệm nuôi thực tế mà nói, chứ khoa học hay sách vở quá đều... "không ăn"!
"Tôi đang nỗ lực để tạo cuộc chơi công bằng khi làm việc với các đối tác nước ngoài. Thay vì "làm cho", tại sao không phải là "làm với, làm cùng" họ một cách bình đẳng, minh bạch."
TS TRẦN HỮU LỘC
Xuống ruộng với nông dân
* Đó là lý do người ta hay thấy anh với bộ dạng không khác gì nông dân và sẵn sàng xắn quần lội ruộng?
- Mình làm gì cũng phải đi từ thực tế. Với nhà khoa học, đôi khi phải tự biến mình thành "chuột bạch" để biết nông dân đang làm gì, hiểu được cảm giác thất bại trong làm ăn của họ.
Có lần báo cáo chuyên đề cho nông dân ở miền Tây, một lão nông hỏi: "Chớ chú có nuôi đâu mà biết tụi tui thất bại sao?".
Nhưng thực tế là tôi đã thiệt hại tính bằng tỉ đồng đúng với chứng bệnh mà nhiều hộ nuôi tôm ở đó đang gặp, nên nói ra bà con hiểu ngay.
Đứng nói trước hội thảo cả trăm nhà khoa học quốc tế thiệt sự là không khó bằng nói sao để bà con mình hiểu, rồi nuôi cho đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Hiệu quả cuối cùng nằm chỗ đó.
* Còn vai trò cố vấn cho một số tổ chức quốc tế về nuôi trồng thủy sản thế nào rồi, thưa anh?
- Tôi vẫn có tên trong danh sách nhà khoa học cố vấn cho một vài tổ chức quốc tế liên quan đến nông nghiệp, thủy sản, vẫn dự các hội thảo quốc tế khi sắp xếp được thời gian.
So với trước, tôi giữ liên hệ thường xuyên với các liên minh, tổ chức tư nhân nghiên cứu về bệnh động vật, đặc biệt là con tôm.
Tôi thấy các đơn vị này thường có mục tiêu kinh doanh rõ ràng, hướng đến phục vụ người dân tốt hơn vì người sáng lập thường là "dân trong nghề" với nhau nên hiểu rõ.
Ở Việt Nam cũng vậy, tôi thấy việc phối hợp công - tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay làm khá tốt. Nhiều tổ chức tư nhân về nông nghiệp hoạt động hiệu quả song song với các tổ chức của Nhà nước và chính sách quản lý về nông nghiệp. Điều này rất quan trọng vì có lợi cho nông dân.
Trung tâm nghiên cứu của tôi vẫn trung thành với sứ mệnh đặt ra từ trước, đã tìm ra nhiều chứng bệnh trên con tôm và giải pháp phòng tránh.
Điều chúng tôi mong muốn là đưa ra những cảnh báo quan trọng, kịp thời, giúp bà con đủ thông tin, bình tĩnh xử lý các tình huống gặp phải trong quá trình nuôi.
Hành trình tạo con tôm bố mẹ
* Con tôm giống mà anh và cộng sự đang cung cấp cho bà con hiện đang ở tiêu chuẩn nào?
- Mỗi năm trung tâm chúng tôi đưa ra thị trường khoảng vài trăm triệu con tôm giống. Nếu tính tỉ lệ chắc mới đạt chừng 1% nhu cầu nguồn tôm giống mỗi năm.
Tôi tự tin khẳng định rằng chúng tôi đưa ra thị trường con giống hầu như sạch bệnh hoàn toàn và quy trình sản xuất sạch, không kháng sinh cũng như chọn lọc nguồn gen phù hợp với các điều kiện nuôi ở Việt Nam.
Chúng tôi mong có nhiều người, nhiều công ty cùng cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng tôm giống, giúp người nuôi có nhiều sự lựa chọn.
Cùng với nhiệm vụ tạo ra con giống sạch, đội ngũ nhà khoa học trẻ tại trung tâm luôn đề cao nghiên cứu để không chỉ xét nghiệm, phân tích các loại bệnh mà còn tìm ra giải pháp phòng tránh, hoặc nếu tôm có bệnh trong quá trình nuôi sẽ cần làm gì để xử lý hiệu quả các tình huống ấy, phù hợp điều kiện nuôi thực tế trong nước.
Trung tâm có dịch vụ nghiên cứu làm với nước ngoài, nhiều hợp đồng chúng tôi nhận được đến từ nhiều nước có tỉ trọng nuôi tôm lớn của thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, khoảng 70% công ty thủy sản của nhiều nước trên thế giới đã biết và từng làm việc với phòng nghiên cứu của chúng tôi.
* Anh từng chia sẻ về ước mơ tạo ra con tôm giống bố mẹ. Hành trình đó đã đến đâu rồi?
- Tôi và cộng sự vẫn đang theo đuổi ước mơ đó bên cạnh các việc vẫn làm hằng ngày. Nhưng đây là hành trình dài, đòi hỏi nhiều công sức lẫn vốn đầu tư.
Hiện tôi vẫn làm việc với nhiều đối tác nước ngoài việc nhân giống nguồn gen đang có, để chọn lọc được nguồn gen con tôm giống bố mẹ phù hợp với điều kiện nuôi của Việt Nam.
Nhu cầu nuôi tôm trong nước mỗi năm cần khoảng 500.000 con tôm giống bố mẹ. Và nếu muốn có con giống tốt, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện việc nhân giống tôm bố mẹ ở Việt Nam với các đặc điểm di truyền và phẩm chất phù hợp với điều kiện nuôi trong nước.
Thực sự chúng tôi rất cần sự tiếp sức cả về nguồn đầu tư, chính sách quản lý về mặt nhà nước để có thể "chạy" nhanh hơn, vì nếu chỉ mình chúng tôi tự làm chắc chắn tốn nhiều thời gian hơn.
Cần tạo thị trường cạnh tranh
Nhiều năm gắn bó với ngành thủy sản, đặc biệt là con tôm, TS Trần Hữu Lộc nói giá trị của ngành này không nhỏ nhưng cần tạo ra thị trường cạnh tranh tự do.
Theo anh, vì còn phụ thuộc thế độc quyền của nhiều công ty nước ngoài nên ngành chăn nuôi nói chung, thủy sản nói riêng tại Việt Nam còn chịu thiệt thòi.
Trong đó, chuyện người nuôi bị ép giá, còn người mua phải chịu giá vật tư đầu vào rất cao là một trong những điều khiến anh thao thức. Ngành thủy sản có một thị trường trong nước rộng lớn, tiềm năng xuất khẩu cũng không nhỏ.
Vấn đề mấu chốt là phải ứng dụng khoa học kỹ thuật và phương pháp nuôi để làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho người nuôi.
"Chúng ta có lợi thế quốc gia khi điều kiện nuôi trồng đều tốt hơn nhiều nước khác. Điều cần lúc này là nắm được chuỗi giá trị trong nông nghiệp, tạo ra sản phẩm, thương hiệu nông nghiệp riêng, phá thế độc quyền.
Khi đó nông dân có nhiều lựa chọn hơn, giá cả cũng cạnh tranh hơn chứ không bị ép như hiện nay" - anh Lộc phân tích.
QUỐC LINH thực hiện
Được chồng chiều chuộng, kiêm luôn thợ trang điểm, Nhã Phương dù hóa bà già vẫn xinh tươi roi rói Dưới bàn tay tô vẽ của ông xã Trường Giang, "bà già" Nhã Phương dù da hơi nhăn nheo vẫn khiến dân tình ngưỡng mộ không ngớt. Đâu chỉ nấu cơm cho vợ, Trường Giang bây giờ còn kiêm luôn cả thợ trang điểm của Nhã Phương. Sau hơn một năm về chung nhà và có con gái đầu lòng, cuộc sống gia...