Công dân Mỹ lĩnh án 9 năm tù vì tội dâm ô bé trai tại Việt Nam
Joseph Ricky Park, hay Joseph Demasi, một công dân Mỹ từng cư trú tại Việt Nam, đã bị kết án 108 tháng tù giam và sẽ chịu quản thúc suốt đời vì tội dâm ô một bé trai 11 tuổi người Việt.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, vào khoảng tháng 1/2015, Joseph Ricky Park đã mời 3 bé trai người Việt Nam đến căn hộ của mình với vỏ bọc giảng dạy tiếng Anh. Tại căn hộ, Park đã bắt đầu thực hiện hành vi động chạm tình dục không phù hợp với một bé trai.
Sau đó, bé trai trên đã trình báo vụ việc lạm dụng này cho các cán bộ thuộc Bộ Công an và Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa (HSI/HCMC) tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM trong một cuộc phỏng vấn pháp y.
Vào tháng 1/2016, Park bị truy tố tại tòa án của một bang tại Mỹ do thực hiện hoặc cố ý thực hiện hành vi tình dục bất hợp pháp tại nước ngoài. Theo đó, đối tượng đã bị HSI Guam bắt giữ vào tháng 2/2016 và dẫn độ về Washington D.C.
Đối tượng Park đã kháng cáo bản cáo trạng, tuy nhiên vẫn chịu sự giam giữ trong suốt quá trình thụ lý vụ việc, cho đến khi đối tượng nhận tội vào tháng 2/2021. Park bị kết án 108 tháng tù giam và sẽ chịu quản thúc suốt đời.
Theo hồ sơ tòa án, Park từng có nhiều tiền án tiền sự về các tội liên quan đến các trẻ vị thành niên. Vào năm 1987, đối tượng đã bị kết án tại bang Connecticut với hai tội danh về hành vi gây thương tích hoặc có nguy cơ gây thương tích cho trẻ em, và một tội danh về tấn công tình dục ở cấp độ hai. Theo đó, đối tượng bị tuyên 10 năm tù giam. Năm 2003, đối tượng bị kết án với tội danh cố ý thực hiện hành vi dụ dỗ một trẻ vị thành niên ở Cuba quan hệ tình dục và thụ án tù hơn hai năm.
Video đang HOT
“Vụ án này là minh chứng khi Mỹ và các đối tác thực thi pháp luật quốc tế phối hợp điều tra những kẻ tìm cách bóc lột trẻ em, thì không có nơi nào trên thế giới này mà tội phạm có thể đến để lẩn trốn khỏi công lý”, bà Marie Damour, Đại biện Lâm thời của Mỹ tại Việt Nam, cho biết.
“Lời tuyên bố của nạn nhân về tác động của vụ việc được đọc trong quá trình tuyên án đã nêu bật sự ảnh hưởng sâu sắc và kéo dài mà những tội ác này gây ra cho trẻ em. Tôi hy vọng bản án này sẽ mang lại phần nào sự an ủi và giúp nạn nhân tiếp tục được chữa lành”, bà Damour nói thêm.
HSI là lực lượng chủ lực về công tác điều tra thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ và giữ một vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh với các tổ chức tội phạm lợi dụng bất hợp pháp các hệ thống của Mỹ về du lịch, thương mại, tài chính và xuất nhập cảnh. HSI cũng là đơn vị tiên phong toàn cầu trong công tác đấu tranh chống lại các tội phạm về bóc lột tình dục trẻ em.
Với hơn 200 văn phòng nội địa tại Mỹ và 80 văn phòng đại diện tại nước ngoài, HSI có khả năng theo sát chuyên án tới bất cứ nơi nào trên thế giới mà chuyên án có liên quan.
Mỹ bác tin chiến hạm bị Trung Quốc 'xua đuổi' trên Biển Đông
Hải quân Mỹ bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về việc triển khai lực lượng "xua đuổi" khu trục hạm Curtis Wilbur ở Biển Đông ngày 20/5.
"Tuyên bố của quân đội Trung Quốc về chuyến tuần tra này là sai sự thật, USS Curtis Wilbur không bị xua đuổi khỏi vùng biển của bất cứ quốc gia nào. Chiến hạm này thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) theo quy định của luật pháp quốc tế và tiếp tục các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế", Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết trong thông cáo ngày 20/5.
Thông cáo được Hạm đội 7 đưa ra sau khi đại tá Điền Quân Lợi, phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Chiến khu phía Nam, tuyên bố quân đội Trung Quốc triển khai máy bay và tàu hải quân "xua đuổi" tàu Curtis Wilbur khi khu trục hạm Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
"Tuyên bố của quân đội Trung Quốc là động thái mới nhất trong chuỗi hành động nhằm diễn giải sai các hoạt động hàng hải hợp pháp của Mỹ, đồng thời nêu ra các yêu sách hàng hải phi lý và bất hợp pháp của họ tại Biển Đông bất chấp quyền của các nước láng giềng ở Đông Nam Á", thông cáo của Hạm đội 7 cho biết.
"Hành vi của Trung Quốc trái ngược với việc Mỹ tuân thủ luật pháp quốc tế và tầm nhìn của chúng tôi về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", thông cáo có đoạn. "Mọi quốc gia lớn và nhỏ đều cần được đảm bảo về chủ quyền, không bị ép buộc, có khả năng theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với quy tắc và thông lệ quốc tế đã được chấp nhận".
Khu trục hạm USS Curtis Wilbur của Mỹ di chuyển trên Biển Đông ngày 20/5. Ảnh: US Navy .
Hạm đội 7 của Mỹ ngày 20/5 thông báo khu trục hạm Curtis Wilbur thực hiện chuyến tuần tra "khẳng định các quyền và tự do hàng hải" gần quần đảo Hoàng Sa.
"Luật pháp quốc tế không cho phép đơn phương áp đặt bất cứ yêu cầu xin phép hoặc thông báo trước về việc đi qua vô hại", thông cáo của Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết.
Trước đó, khu trục hạm Curtis Wilbur ngày 18/5 thực hiện "chuyến di chuyển bình thường qua eo biển Đài Loan", khẳng định hành động này phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây là lần thứ 5 tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong năm nay.
Mỹ gần đây điều tàu tới Biển Đông thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải thường xuyên hơn, nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực.
Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ hồi tháng 12/2020 ra thông cáo cho biết "những yêu sách hàng hải quá mức và bất hợp pháp tại Biển Đông đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và tự do về cơ hội kinh tế cho các quốc gia liên quan".
Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS .
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Việt Nam từng nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Việt Nam đề xuất nội dung xây dựng châu Á hậu Covid-19 Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 6 nội dung hợp tác hậu Covid-19 khi phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á. Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay tham dự Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 theo hình thức trực tuyến. Đây là một trong những diễn đàn đối thoại chính...