Công chức thêm tận tình, thân thiện…
Sau gần 8 tháng thực hiện, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã phát huy tác dụng trong việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, chuẩn mực và hiệu quả. Đồng thời, qua thực hiện, đội ngũ cán bộ công chức Thủ đô ngày càng đảm bảo tính kỷ cương – trách nhiệm – tận tình – thân thiện.
Nhiều chuyển biến
Tháng 1.2017 UBND TP.Hà Nội đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP.Hà Nội. Quy tắc gồm có 4 chương, 11 điều quy định cụ thể đối tượng, phạm vi điều chỉnh và hướng tới mục đích là xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô (gọi chung là cán bộ, công chức- PV) theo hướng “Kỷ cương – trách nhiệm – tận tình – thân thiện”.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Muốn thực hiện tốt quy tắc ứng xử, việc đầu tiên phải lấy “cải cách” con người làm trọng. Chúng ta không chỉ quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, mà còn đòi hỏi họ cần có những hành vi ứng xử văn minh, thân thiện khi tiếp xúc, làm việc với người dân”. Ông Tô Văn Động -
Giám đốc Sở VHTTHà Nội
Bộ quy tắc được xem là kênh để định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, trong gia đình và xã hội. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Sau khi bộ quy tắc được ban hành, nhiều quận huyện, cơ quan trực thuộc TP.Hà Nội đã hưởng ứng thực hiện. Tại quận Hoàn Kiếm, UBND quận đã triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử tới 100% cán bộ, công chức, đồng thời tuyên truyền, vận động để đông đảo nhân dân trên địa bàn quận biết cùng thực hiện và giám sát thực hiện.
Video đang HOT
Ông Hoàng Công Khôi – Bí thư Quận uỷ quận Hoàn Kiếm cho biết, quận yêu cầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của cán bộ, gắn với kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đến nay, các đơn vị công sở trên địa bàn quận đã đưa quy tắc ứng xử trở thành nếp sống của mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân. “Ngoài việc tổ chức các hội thi tuyên truyền về bộ quy tắc ứng xử, Quận ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể còn thực hiện ký cam kết thực hiện “quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP.Hà Nội” – ông Khôi nói.
Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, sau một thời gian triển khai, quy tắc đã thực sự đi vào công sở. Nhờ sự cụ thể trong từng nội dung về việc cần làm và không nên làm của cán bộ, công chức, đội ngũ này đã thực hiện dễ dàng. Điều này đã phần nào khắc phục những vi phạm phổ biến của cán bộ, công chức như làm việc riêng, sử dụng đồ uống có cồn, nấu nướng, nghe nhạc, chơi điện tử trong giờ làm việc; hút thuốc; sách nhiễu, gợi ý đưa tiền, dọa nạt dân…
“Cán bộ, công chức đã ăn mặc lịch sự hơn, nói năng nhã nhặn, văn minh hơn, đến làm việc đúng giờ hơn. Việc ăn sáng, trang điểm, làm việc riêng trước mặt người dân để dân phải chờ đợi hầu như không còn. Từ đó, tạo được hình ảnh đẹp trong mắt nhân dân sẽ góp phần giải quyết công việc hiệu quả hơn” – ông Động nói.
Tăng cường giám sát, kiểm tra
Bên cạnh những thành quả đạt được, ông Động cũng cho rằng việc thực hiện quy tắc ứng xử vẫn còn một số hạn chế. Ví dụ, một bộ phận cán bộ, công chức chưa tự tin trong giao tiếp với người nước ngoài, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng xử lý vấn đề còn hạn chế. Một số ít trường hợp cán bộ, công chức vẫn ứng xử thiếu văn hóa, gây bức xúc dư luận, nguyên nhân do cán bộ, công chức chưa ý thức được vinh dự, tự hào khi là cán bộ nhà nước và trách nhiệm phục vụ nhân dân, có tư tưởng “bề trên”.
“Quan điểm của thành phố với những trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử sẽ bị xử lý nghiêm, nặng hơn người dân. Lãnh đạo cơ quan để cán bộ, công chức vi phạm chịu trách nhiệm liên đới và không có ngoại lệ nhằm răn đe, giáo dục và chấn chỉnh kỷ cương” – ông Động nói.
Trước đây từng có những vụ việc công chức gây gổ, đánh nhau với người dân ngoài phạm vi cơ quan không chỉ bị xử lý theo quy định của pháp luật mà còn bị cách chức, đuổi việc.
Để phát huy tiếp thành quả, tới đây ngoài việc tổ chức cuộc thi ảnh, viết bài, Hà Nội sẽ triển khai kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cơ quan trực thuộc nhằm đưa quy tắc đi vào chiều sâu ở công sở. Bên cạnh đó, UNBD TP.Hà Nội cũng sẽ huy động người dân, cơ quan báo chí tham gia giám sát, phản ánh, tố giác về hành vi thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức để kiểm điểm và xử lý.
Theo Danviet
ĐBQH Dương Trung Quốc: "Quần jeans, áo thun không làm nên người cán bộ"
"Một cán bộ mặc quần jeans, áo thun tiếp xúc dân với thái độ tôn trọng tốt hơn một người ăn mặc chỉnh tề nhưng đối xử với dân không ra làm sao", ông Dương Trung Quốc nói.
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Dương Trung Quốc.
Mới đây, UBND TP.Cần Thơ đã ban hành "Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước", trong đó có quy định, các cán bộ không được mặc quần jeans, áo thun đi làm.
Được biết, những quy tắc ứng xử này do Sở Nội vụ tham mưu cho UBND TP.Cần Thơ và đã được Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/9/2017. Tuy nhiên, quy định mới đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Xung quanh vấn đề này, chiều 8/9, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chia sẻ, hiện theo Luật công chức, viên chức không có quy định cụ thể về trang phục cho cán bộ mà chỉ quy định ăn mặc sao cho đàng hoàng, đứng đắn.
"Luật không quy định cụ thể, vì thế trên địa bàn của họ, họ quy định thế nào thì tôi tôn trọng quy định đó. Còn phù hợp hay không phù hợp thì để dư luận xã hội đánh giá", ông Quốc nói.
Quy định về trang phục đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước do UBND TP.Cần Thơ ban hành.
Quan điểm cá nhân, ông Quốc cho rằng: "Cần Thơ còn nhiều việc cần làm hơn để củng cố, chấn chỉnh cán bộ, công chức hơn là trong cách ăn mặc. Quần jeans, áo thun không làm nên người cán bộ.
Một cán bộ mặc quần jeans, áo thun tiếp xúc dân với thái độ tôn trọng tốt hơn một người ăn mặc chỉnh tề nhưng đối xử với dân không ra làm sao".
Ông Quốc cho biết thêm, để không cứng nhắc trong quy định ăn mặc, Cần Thơ có thể quy định tùy từng bộ phận và tùy từng lúc chứ không nên quy định đồng loạt như thế.
"Một số trường hợp như lễ tết, tổ chức sự kiện, bộ phân chuyên trách thì quy định đồng phục, lễ phục để thể hiện sự nghiêm túc về hình thức. Còn thường phục quy định làm sao để người mặc thấy thoải mái, nhất là giới công chức trẻ cần sự năng động", ông Quốc cho hay.
Đại biểu Quốc hội khóa XIV lấy dẫn chứng, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới vẫn mặc quần jeans. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày xưa cũng mặc quần soóc, áo veston tiếp khách, cảnh sát mặc quần soóc mùa hè...
Cùng quan điểm, nhà tâm lý học Nguyễn An Chất cũng cho rằng: "Mục đích của UBND TP Cần Thơ là muốn cán bộ lịch sự khi đến công sở, văn hóa công sở được nâng lên. Tuy nhiên, quy định không mặc quần jeans, áo thun là hình thức bắt buộc, mà bắt buộc thì làm mất đi quyền tự do trong ăn mặc của con người".
Theo ông Chất, trước khi đưa ra quy định, UBND TP Cần Thơ cần phổ biến, lấy ý kiến, thảo luận dân chủ với những công chức, viên chức. Nếu cán bộ đồng tình, hưởng ứng thấy đó là hay thì tốt. Còn nếu ra chỉ thị, quy định bắt thực hiện ngay thì không nên.
Theo Danviet
Đà Nẵng trả gấp 280 lần mức lương cơ sở để thu hút người tài Theo nghị quyết, TP Đà Nẵng sẽ hỗ trợ kinh phí từ 80 - 280 lần mức lương cơ sở để thu hút nhân lực chất lượng cao đến làm việc lâu dài tại thành phố. Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng vừa ban hành nghị quyết quy định chính sách phát triển nguồn lực chất lượng cao khu vực công TP...