Công chức Mỹ ngày đầu chính phủ đóng cửa
Hàng nghìn công chức Mỹ hôm nay đến văn phòng chỉ để xác nhận họ nghỉ việc, thu xếp đồ đạc, đóng cửa văn phòng rồi đi về trong sự giận dữ.
Một nhân viên gắn biển đóng cửa bên ngoài đài tưởng niệm Martin Luther King trong công viên National Mall ở thủ đô Washington. Ảnh: AFP.
Các chuyến tàu điện ngầm ở thủ đô Washington ngày 1/10 vẫn xuất hiện nhiều công chức như mọi ngày. Nhưng hôm nay, họ đến văn phòng chỉ để khóa cửa và để lại tin nhắn xác nhận nghỉ việc, AFP cho hay.
Các công chức cáo buộc Quốc hội đã làm kế hoạch ngân sách Mỹ gặp bế tắc “vô thời hạn”, khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa tạm thời.
“Quốc hội đã không làm tốt phần việc của họ và giờ đây họ còn cản trở cả công việc của chúng tôi”, Christine Baughman, một nhân viên làm việc cho cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), tức giận nói.
Christine tỏ vẻ giận dữ với cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. “Vấn đề ngân sách không phải là việc của Tổng thống Barack Obama. Đó là việc của Quốc hội”, Christine nói thêm. Cô từng trải qua lần ngừng hoạt động của chính phủ Mỹ cách đây 17 năm.
“Từ bây giờ trở đi, chúng tôi không được trả lương”, cô nói vào ngày đầu tiên chính phủ Mỹ đóng cửa, khiến 800.000 người mất việc làm. Đây cũng là ngày đầu tiên trong năm tài khóa mới ở Mỹ.
Một nhân viên EPA giấu tên mô tả lại những gì cô ấy cùng các đồng nghiệp được thông báo.
“Họ yêu cầu chúng tôi có mặt, kiểm tra lại mọi thứ và đóng cửa văn phòng”, cô nói khi nhân viên bảo vệ ở lối vào cơ quan chúc cô một buổi sáng tốt lành. “Chúng tôi còn phải xác nhận vào hộp thư thoại, nói rằng chúng tôi đã nghỉ việc”, cô nói thêm.
Carlos Matuz, kiểm toán viên tại Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), nằm trong danh sách những người tiếp tục làm việc do tính chất quan trọng của công việc.
“Công việc tôi đang làm được cho là cần thiết. Do đó, tôi vẫn phải làm dù chính phủ có đóng cửa hay không”, Carlos cho biết. “Tôi không quan tâm đến chính trị nhiều và chỉ đến làm việc. Nhưng tình trạng hiện tại không tốt chút nào”.
Bên cạnh các cơ quan chính phủ, một số bảo tàng thuộc Viện Smithsonian cũng phải tạm thời đóng cửa, chờ đợi các thông tin tiếp theo. Điều này khiến cho nhiều đoàn khách, lớp học tới Washington để tham quan thất vọng.
Video đang HOT
Bên ngoài Bảo tàng lịch sử quốc gia Mỹ, 4 nhân viên bảo vệ khiến du khách lúng túng khi họ buộc phải dừng lại không được vào bên trong.
Nhiều đài tưởng niệm trong công viên National Mall, một khu đất xanh mát nằm không xa tòa nhà Quốc hội Mỹ, cũng đóng cửa. Những đoạn băng màu vàng với dòng chữ “Không phận sự miễn vào” được dán xung quanh khu vực đài tưởng niệm.
Ở phía trước đài tưởng niệm cố tổng thống Lihncon, Ray, một người Los Angeles đang đi du lịch cùng gia đình, đã không giấu được vẻ thất vọng. “Tôi từng hy vọng sẽ được ngắm bức tượng trong chuyến du lịch này”, anh nói.
Nguyễn Tâm
Theo VNE
Người Mỹ hoang mang vì chính phủ đóng cửa
Những người làm công ăn lương cho chính phủ Mỹ hết sức bực bội, thậm chí "sợ đến chết' khi bị cho nghỉ không lương; sinh viên ra trường càng gian truân hơn khi tìm việc, trong khi khách du lịch vừa thất vọng vừa kinh ngạc.
Các khách du lịch tần ngần trước bảng thông báo Tượng Nữ thần Tự do ở New York đóng cửa. Ảnh: AP
Darquez Smith, một nhân viên kiểm lâm sắp làm cha, lo lắng không biết mình sẽ phải sống ra sao. Chính phủ có nguy cơ đóng cửa trong một thời gian dài, còn anh thì đã dành dụm hết số tiền có được để trang trải cho việc học đại học.
"Hiện tại tôi có rất nhiều khoản phải chi tiêu, học phí, tiền nuôi con, các hóa đơn", Smith, 23 tuổi, nhân viên của Công viên Lịch sử Di sản Hàng không Quốc gia Dayton ở bang Ohio nói. "Tôi chỉ biết lo lắng và chờ đợi giống như bao người khác".
Thời hạn để thống nhất ngân sách hoạt động cho chính phủ Mỹ đã qua đi, giữa những tranh cãi và chỉ trích lẫn nhau của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Việc chính phủ đóng cửa đã ngay lập tức gây nên những tác động đối với mọi mặt đời sống của người dân Mỹ.
Từ Tượng Nữ thần Tự do ở New York đến Công viên Quốc gia Denali ở Alaska đều được lệnh đóng cửa, trong khi hàng nghìn nhân viên liên bang phải nghỉ việc không lương và các dịch vụ chính phủ không cần thiết đều bị ngừng hoạt động. Người dân Mỹ cũng đã không còn được nhận các khoản hỗ trợ cho vay liên bang hay hỗ trợ thực phẩm cho trẻ em và phụ nữ có thai.
Gần 3.000 giám sát viên an toàn của Cục Hàng không Liên bang (FAA) đã được cho nghỉ không lương cùng hầu hết các nhân viên của Ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong đó có cả các điều tra viên về các vụ tai nạn.
Hầu hết các bộ phận của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA đều ngừng hoạt động, ngoại trừ Ban Điều khiển ở Houston.
Tuy nhiên, tại Colorado, nơi lụt lội đã giết chết 8 người hồi đầu tháng, các quỹ khẩn cấp để hỗ trợ tái thiết nhà cửa và các doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng việc các nhân viên liên bang phải nghỉ phép có thể sẽ khiến nguồn tiền này chậm giải ngân.
Các binh sĩ đang xây dựng lại những con đường sạt lở có thể vẫn được trả lương đúng thời hạn, như số quân nhân đang hoạt động còn lại của Mỹ, theo một dự thảo được thông qua vài giờ trước khi chính phủ đóng cửa. Các dịch vụ An ninh Xã hội và Y tế cho cựu chiến binh và thư tín cũng sẽ không bị ảnh hưởng.
Nếu chính phủ tiếp tục đóng cửa, tất cả các nhân viên dự kiến vẫn sẽ được trả lương vào đúng thời hạn là ngày 15/12.
Tuy nhiên, Marc Cevasco, làm việc tại Bộ Cựu chiến binh, cho hay dù chính phủ chỉ đóng cửa một tuần đi chăng nữa, thì một phần tư tháng lương của anh cũng bị ảnh hưởng.
Cevasco, 30 tuổi, được biết rằng văn phòng của anh vẫn có đủ tiền để trả lương cho nhân viên trong ngày 1/10, vì thế anh tiếp tục lịch làm việc của mình. Tuy nhiên, anh có thể phải gác lại mọi thứ vào cuối ngày và trở về nhà chờ đợi, cho đến khi chính phủ tái mở cửa.
Thông báo được dán sáng 1/10 giờ địa phương ở Thư viện Quốc hội Mỹ, cho biết thư viện đóng cửa trong thời gian chính phủ không có ngân sách hoạt động. Ảnh: AP
'Tôi sợ đến chết'
Victoria Friedensen, 57 tuổi nói, là giám đốc điều hành chương trình của NASA. Nhưng cũng như nhiều nhân viên khác, Friedensen sẽ phải ở nhà khi chính phủ đóng cửa.
Một số nhân viên đã nghỉ phép năm nay, khi NASA cắt giảm chi tiêu. "Thật bực bội khi phải chứng kiến sự bế tắc này", bà nói. "Bạn đã mất 6 ngày lương và bây giờ lại thế sao?"
Elerky Crosby, 66 tuổi, một nhân viên lâu năm ở Viện Sức khỏe Quốc gia, nhớ lại lần chính phủ đóng cửa năm 1996. Lúc đó, bà được xếp vào danh sách những nhân viên chủ chốt. Còn bây giờ, là một nhân viên hỗ trợ hành chính, bà nằm trong số 40.512 người bị cho nghỉ phép không lương.
"Tôi sợ đến chết", bà nói.
Matthew Denicola, 22 tuổi, một nhân viên tư vấn kinh tế ở New York, cho biết anh sẽ không bị ảnh hưởng gì bởi sự cố trên vì đang làm việc trong lĩnh vực tư nhân. Tuy nhiên, Denicola vẫn chứng kiến những tác động của việc chính phủ đóng cửa đối với cuộc sống của bạn bè mình.
Họ mới tốt nghiệp đại học Georgetown nhưng không thể tìm được công việc trong lĩnh vực công đúng nguyện vọng, ở Thượng viện, Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng, chỉ vì cắt giảm ngân sách. Việc chính phủ đóng cửa làm cho những nỗ lực tìm việc của họ càng gian truân hơn.
Denicola cho hay anh đã ngừng theo dõi các tin tức về biến cố này. "Tôi không xem nữa. Tất cả cũng chỉ là mọi người đang đẩy đất nước vào nguy cơ tranh chấp đảng phái. Thật nực cười", anh nói.
Trong khi đó, thị trưởng Washington Vincent C. Gray tuyên bố chính quyền thành phố sẽ không đóng cửa, nghĩa là rác vẫn sẽ được thu dọn, các loại giấy phép vẫn sẽ được cấp ra và các văn phòng vẫn mở cửa.
"Trừ khi có ai còng tay tôi giải đi, còn không, tôi sẽ không đóng cửa bất cứ thứ gì", ông nói, cho biết các luật sư thành phố đã chấp thuận việc sử dụng nguồn ngân sách dự trữ đặc biệt, có tổng trị giá 144 triệu USD, để duy trì hoạt động của chính quyền.
'Kỳ lạ và hấp dẫn'
Emily Enfinger, một khách tham quan Tượng Nữ thần Tự do, cho rằng các nhà chính trị cần tìm ra cách thức làm việc cùng nhau. "Họ nên sẵn sàng thỏa hiệp, cả hai phía, và tôi thấy thất vọng khi dường như họ không thể làm được điều đó", cô nói.
Joe Wentz, một nhân viên liên bang đã nghỉ hưu ở Virginia, đang du lịch San Francisco cùng vợ, đã mua vé đến thăm đảo Alcatraz vào ngày 3/10, tất nhiên là nếu nó mở cửa.
Wentz cũng cho hay anh rất thất vọng khi một số chính trị gia đang dùng ngân sách để thúc đẩy những thay đổi trong Bộ luật Chăm sóc Sức khỏe. "Đã từ lâu chúng tôi cảm thấy chán ghét khi họ không thể làm việc với nhau", anh nhắc đến hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Marlena Knight, một người Australia đang thăm Philadelphia, thì bày tỏ sự kinh ngạc khi biết rằng bế tắc của chính phủ Mỹ nằm ở hệ thống chăm sóc sức khỏe, một dịch vụ không thể thiếu ở đất nước của cô.
"Chúng tôi không tưởng tượng được sẽ thế nào nếu không có hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia", cô nói. "Tôi không thể tin được nước Mỹ lại đóng cửa vì một chuyện như thế. Với một người Australia, điều này thật kỳ lạ, nhưng rất hấp dẫn".
Hôm nay, nhiều nhân viên liên bang vẫn được phép đến văn phòng làm việc. Nhưng ngay sau đó, họ được lệnh ngừng toàn bộ mọi thứ, kể cả kiểm tra email. Trong tình cảnh không rõ chính phủ sẽ bị ngưng trệ đến bao giờ, các chương trình không bị ảnh hưởng bởi sự cố này thậm chí cũng có thể hết tiền để hoạt động.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong vòng 17 năm. Trong lần gần đây nhất dưới thời chính quyền cựu tổng thống Bill Clinton, tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài 21 ngày.
Theo VNE
Người Mỹ "phát cáu" vì chính phủ đóng cửa Trong ngày đầu tiên chính phủ phải đóng cửa vì thiếu tiền, nhiều người Mỹ đang tỏ ra thất vọng và giận dữ. Một số nhân viên chính phủ thì lo lắng tình hình kéo dài sẽ ảnh hưởng tới đời sống khi các hóa đơn đến hạn mà không có lương. Nếu cần một ví dụ điển hình nào cho sự giận...