Công bố Sách trắng “Úc trong thế kỷ châu Á”
Ngày 28.10, Thủ tướng Úc Julia Gillard công bố Sách trắng mang tựa đề Úc trong thế kỷ châu Á, nhằm đưa ra chiến lược giúp nước này phát triển mạnh mẽ trong 13 năm tới.
Theo đó, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Úc sẽ thuộc nhóm 10 quốc gia đứng đầu thế giới, tăng từ vị trí thứ 13 trong năm 2011. Sách trắng nêu rõ hơn: “GDP bình quân đầu người thực tế sẽ đạt 73.000 AUD (hơn 75.000 USD/người) vào năm 2025 so với mức 62.000 AUD (hơn 64.000 USD) của năm 2012″. Ngoài ra, Úc đề ra mục tiêu được xếp vào nhóm 5 quốc gia có điều kiện giao dịch kinh doanh cởi mở nhất thế giới. Về giáo dục, Úc muốn thuộc nhóm 5 quốc gia có hệ thống đại học dẫn đầu thế giới, tăng từ vị trí thứ 10 hiện nay.
Đặc biệt, Sách trắng này nhấn mạnh đến việc Úc tăng cường hợp tác với châu Á. Theo đó, quan hệ mậu dịch của Úc với châu Á sẽ đạt ít nhất 1/3 GDP nước này, tăng đáng kể so với mức 1/4 hiện nay. Tối thiểu, 1/3 thành viên ban giám đốc của 200 công ty và các cơ quan liên bang hàng đầu của Úc là những người có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về châu Á. Canberra đề ra mục tiêu tăng cường quan hệ ngoại giao với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, việc Úc cùng Nhật Bản chia sẻ nhiều lợi ích và giá trị chung cũng được khẳng định khi hai bên đều là đồng minh thân cận của Mỹ. Sách trắng nêu rõ: “Quan hệ của chúng tôi với Nhật có thể sẽ trở nên quan trọng hơn trong thập niên tới trong việc xây dựng an ninh bền vững trong khu vực”.
Theo TNO
Philippines muốn liên minh quốc phòng với Úc
Manila đang đề nghị Úc, sau Mỹ và Nhật Bản, trở thành một trong 3 đồng minh quân sự hàng đầu với Philippines.
Hôm qua, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III có cuộc gặp chính thức với Thủ tướng Úc Julia Gillard tại thủ đô Canberra. Theo tờ Philippine Daily Inquirer, hai bên bàn luận nhiều vấn đề song phương, từ hợp tác quân sự, an ninh hàng hải, thương mại, du lịch đến tăng cường quan hệ xã hội. Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Aquino dự kiến đưa ra đề nghị thành lập liên minh quân sự chủ chốt với Úc, nâng cấp quan hệ song phương lên mức "chiến lược". Nếu hai bên đồng ý, Canberra cùng với Washington và Tokyo sẽ là ba đồng minh quân sự quan trọng nhất của Manila. Theo giới quan sát, đây là động thái nhằm thiết lập một chiến tuyến hợp nhất ở châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, nếu đồng ý với đề nghị của Philippines, Úc có lẽ sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng. Vì thế, để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại với Bắc Kinh, Canberra chắc phải cân nhắc vấn đề trên.
Tổng thống Philippines Aquino và Thủ tướng Úc Gillard tại Canberra - Ảnh: AFP
Lúc khởi hành từ Manila, ông Aquino từng khẳng định tham vọng của Philippines là lôi kéo sự ủng hộ từ phía Úc đối với vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Theo Tổng thống Aquino, Canberra đang xem xét đề nghị này. Trong khi đó, văn phòng Thủ tướng Úc vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức về khả năng thành lập quan hệ chiến lược với Philippines. Trong một diễn biến liên quan, Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) và Hải quân Hoàng gia Úc vừa tiến hành cuộc tập chung mang tên LUMBUS 2012 kéo dài đến ngày 26.10.
Trong một diễn biến khác, Tân Hoa xã hôm qua đưa tin một nhóm chuyên gia Đài Loan và Trung Quốc đại lục sẽ bắt đầu nghiên cứu giả thuyết bản đồ "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp trên biển Đông. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều cuộc hội thảo quốc tế gần đây liên tục chứng minh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý quốc tế để chứng minh chủ quyền hợp pháp đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Indonesia
Ngày 24.10, Trường đào tạo nhân viên và sĩ quan chỉ huy hải quân Indonesia (SESKO AL) tổ chức hội thảo quốc tế "Chiến lược hàng hải mang tính hợp tác nhằm tăng cường an ninh và ổn định trên biển Đông" tại thủ đô Jakarta. Tham dự có lãnh đạo lực lượng quân đội Indonesia, Hải quân, Cảnh sát Quốc gia Indonesia, các quan chức ngoại giao, tùy viên quốc phòng các nước tại Indonesia cùng các học giả về chính trị, quân sự đến từ Anh, Trung Quốc, Singapore và Indonesia. Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu và học giả tái khẳng định lập trường chung của các nước có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến biển Đông cần đảm bảo an ninh, ổn định trên vùng biển này trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, thỏa thuận hiện hành như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) tuân thủ Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Theo TNO
Úc - Singapore sau sự kiện "tro tàn của châu Á" Thủ tướng Úc Julia Gillard nói lãnh đạo nước này "bị ám ảnh" bởi lời khuyến cáo của Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu năm 1980. Trong chuyến thăm xứ chuột túi dưới thời ông Malcolm Fraser, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã "thẳng tuốt" nói với người tương nhiệm rằng nếu không cải cách, Úc sẽ trở thành "tro tàn của...