Công bố hiệu quả của thuốc điều trị COVID-19 ‘Made in Korea’
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Tập đoàn dược phẩm khổng lồ Celltrion Inc. của Hàn Quốc ngày 12/1 thông báo hiệu quả của thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng (CT-P59) của tập đoàn này.
Giới thiệu vaccine phòng dịch COVID-19 do công ty dược Hàn Quốc nghiên cứu phát triển, tại Incheon, phía Tây Seoul. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Celltrion cho rằng thuốc CT-P59 cho hiệu quả cao hơn so với 2 loại thuốc của Mỹ, do 2 hãng dược phẩm Eli Lilly và Regeneron Pharmaceuticals phát triển. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho hai loại thuốc này.|
Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đang xem xét cấp phép có điều kiện cho thuốc này của Celltrion. Nếu được thông qua, thuốc điều trị COVID-19 “Made in Korea” đầu tiên sẽ được đưa vào sản xuất và sử dụng.
Celltrion đã thử nghiệm thuốc CT-P59 trên 327 bệnh nhân có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình để đánh giá hiệu quả và độ an toàn. Celltrion cũng có kế hoạch nộp đơn xin EUA và xin giấy phép tiếp thị có điều kiện lên Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho CT-P59 trong những tháng tới.
Liên quan đến vấn đề vaccine ngừa COVID-19, ngày 12/1, Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc đàm phán sơ bộ với hãng dược phẩm Valneva của Pháp để mua 60 triệu liều vaccine của hãng này.
Video đang HOT
Valneva là hãng dược phẩm thứ 8 mà EU đang đàm phán để mua vaccine ngừa COVID-19. EU cũng đã ký hợp đồng với 6 công ty nhằm đảm bảo việc có được gần 2,3 tỷ liều vaccine để tiêm cho người dân.
Valneva vẫn chưa bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine tiềm năng ngừa COVID-19. Dự kiến, hãng dược phẩm này sẽ công bố dữ liệu thử nghiệm an toàn vào tháng 4/2021. Nếu thử nghiệm thành công, vaccine của hãng này có thể được phê duyệt trong 6 tháng cuối năm 2021.
Cùng ngày, trang tin Axios của Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ sớm ban hành các hướng dẫn mới nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Theo Axios, các hướng dẫn liên bang mới có 3 điểm thay đổi. Thứ nhất, hướng dẫn mới khuyến khích việc ưu tiên tiêm vaccine cho những người trên 65 tuổi và những người trưởng thành có bệnh lý nền. Thứ hai, các bang cũng sẽ mở rộng danh sách các địa điểm mà người dân có thể tới tiêm vaccine, bao gồm các trung tâm y tế cộng đồng và khoa dược. Thứ ba, chính phủ sẽ sử dụng ngay toàn bộ số vaccine ngừa COVID-19 hiện có mà không cần để dành cho mũi tiêm thứ 2.
Tính đến ngày 11/1, gần 9 triệu người dân Mỹ đã được tiêm mũi thứ nhất vaccine phòng COVID-19.
Nhiều nước đẩy mạnh việc mua vaccine phòng bệnh
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới đang khẩn trương đẩy mạnh việc mua vaccine phòng bệnh.
Vaccine phòng Covid-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
Tây Ban Nha thông báo sẽ nhận 600.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Mỹ Moderna trong 6 tuần tới theo hợp đồng của Liên minh châu Âu (EU).
Tương tự, Hungary thông báo có thể sẽ nhận lô vaccine phòng bệnh đầu tiên của hãng Moderna vào tuần tới. Theo thỏa thuận mua vaccine với EU, Hungary sẽ nhận 1,7 triệu liều vaccine, giúp quốc gia Trung Âu này có thể tiêm chủng cho 872.000 người dân.
Còn Ireland cho biết đã nhận được các cam kết phân phối 470.000 liều vaccine cho nước này trước cuối tháng 3.
Ireland đã xác nhận đơn đặt hàng mua 360.000 liều vaccine do hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech của Đức bào chế và 110.000 liều vaccine từ hãng Moderna. Bộ trưởng Y tế Ireland Stephen Donnelly hy vọng nước này sẽ có đủ lượng vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh) và có thể là của hãng Johnson&Johnson (Mỹ) trong quý I/2021.
Trong khi đó, Chính phủ Anh đang làm việc với hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và AstraZeneca của nước này để tăng nguồn cung vaccine phòng COVID-19 trong bối cảnh việc triển khai chương trình tiêm phòng COVID-19 của nước này đang bị hạn chế do thiếu nguồn cung vaccine.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã đưa ra thông báo trên sau khi vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford sản xuất từ ngày 7/1 đã được tiêm cho các bác sĩ phẫu thuật, trong chương trình tiêm chủng cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong 6 tuần. Hơn 1,3 triệu người ở Anh đã được tiêm một mũi vaccine của hãng AstraZeneca hoặc của hãng Pfizer.
Còn Nam Phi thông báo sẽ nhận 1,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), trong đó 1 triệu liều sẽ tới Nam Phi trong tháng 1 này và số còn lại sẽ được chuyển tới trong tháng 2. Bộ Y tế Nam Phi đang phối hợp với Cơ quan quản lý sản phẩm y tế Nam Phi (SAHPRA) nhằm đảm bảo không có chậm trễ trong quá trình triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Saudi Arabia Tawfig F. Al Rabiah thông báo nước này sẽ phát hành "hộ chiếu y tế" cho người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, hộ chiếu y tế sẽ do Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Quản lý Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo Saudi Arabia (SDAIA) cấp cho người dân.
Chủ tịch SDAIA Abdullah Al-Ghamdi nêu rõ: "Hộ chiếu y tế sẽ được cấp cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19". Theo ông, Saudi Arabia là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành loại hộ chiếu này. Cơ quan chức năng sẽ ban hành hướng dẫn sử dụng loại hộ chiếu nói trên.
EU chính thức cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 của Moderna Ngày 6/1, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna Inc (Mỹ) bào chế và phát triển. Hình ảnh lọ vaccine ngừa COVID-19 bên logo của Hãng dược phẩm Moderna Inc (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo như trên vài giờ sau...