Công an xã tới lập biên bản bị chém trọng thương
Một trưởng công an xã tới nhà dân lập biên bản vụ con trai chém vợ và bố đã bị chém trọng thương.
Nạn nhân là ông Trần Anh Quốc, trưởng công an xã Đức Long, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Cụ thể, tối 5/8, sau khi đi uống rượu về, Lê Văn Thành 39 tuổi (trú xã Đức Long) đã gây gổ cãi nhau, dùng dao đuổi đánh vợ là Ngô Thị Huệ (38 tuổi).
Phát hiện sự việc trên, ông Lê Văn Thắng (bố đẻ của Thành) đã chạy lại can ngăn. Thành đã vung dao chém một nhát trúng vào tay trái, gây thương tích ở ngón trỏ của bố.
Khi chính quyền xã Đức Long đến nhà ông Thắng để lập biên bản sự việc, Thành đã cầm dao tới gây gổ và chém vào tay trái trưởng công an xã là ông Quốc, khiến ông này bị thương nặng và phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ.
Đại tá Nguyễn Xuân Chính, Trưởng Công an huyện Đức Thọ cho biết, hiện đơn vị này đã bắt tạm giam đối tượng Lê Văn Thành về hành vi cố ý gây thương tích.
Được biết, trước đó Thành đã 3 lần bị áp dụng biện pháp giáo dục cộng đồng và đưa đi trường giáo dưỡng.
Video đang HOT
Đối tượng Thành tại cơ quan điều tra.
Đây không phải lần đầu xảy ra trường hợp công an bị đối tượng vi phạm đánh. Cách đây không lâu, đối tượng Nguyễn Thế Huy (24 tuổi, trú tại Thôn Nam, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) bị TAND TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) tuyên phạt 9 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ.
Theo thông tin trên TTT, khoảng 20h ngày 19/6/2014, Huy điều khiển xe máy chở Nguyễn Thanh Tùng, cả hai đều không đội mũ bảo hiểm di chuyển trên đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh thì bị tổ công tác thuộc công an thị xã Ninh Hòa do ông Trần Nguyễn Anh Tuấn, Tăng Thái Tú, Trần Quốc Tú và Hồ Đăng Dũng chặn lại kiểm tra giấy tờ xe.
Huy không xuất trình được nên tổ công tác yêu cầu Huy đưa xe về trụ sở Công an phường Ninh Hiệp giải quyết, Huy chấp hành.
Trên đường về trụ sở, Huy thấy em ruột cũng bị tổ công tác chặn xe để xử lý vi phạm luật giao thông đường bộ thì nhảy xuống xe và xông vào kẹp cổ, đánh ông Tuấn, ông Tú vào hỗ trợ cũng bị Huy đánh tiếp.
Theo_Báo Đất Việt
Bi kịch người đàn bà bị bán vào 'động quỷ' mang nỗi oan khuất tày trời
Gần hai chục năm trước, mặc dù đã có chồng con nhưng vì miếng cơm manh áo nên bà Đỗ Thị Hằng (SN 1953) vẫn phải ra cửa khẩu làm ăn rồi bị bán vào động mại dâm xứ người.
Cựu giáo viên Đỗ Thị Hằng và xấp đơn gửi Viện KSND tối cao sáng nay - Ảnh: Hoàng Trang
Khi trốn được về với chồng con, cuộc đời người đàn bà này lại vướng vào bi kịch khác bi thảm hơn khi bị kết tội "Mua bán phụ nữ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với mức án 5 năm 6 tháng tù. Bà Hằng từng ròng rã kêu oan từ khi bị khởi tố nhưng không thấu, mãn hạn tù bà lại tiếp tục hành trình kêu oan...
May mắn là trung tuần tháng 5/2014 vừa qua, tức là sau 16 năm bị kết án oan, bà Hằng đã nhận được Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 05/QĐ-VKSNDTC-V3 của VKSND Tối cao do Phó Viện trưởng Lê Hữu Thể ký với nội dung kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm 72/HSST ngày 24/3/1998 của TAND Bắc Giang với những căn cứ cho rằng việc kết tội bà Đỗ Thị Hằng chưa vững chắc, chứng tỏ lời kêu oan của bà Hằng là có cơ sở...
Đang điều trị bệnh tâm thần, bị buộc tội mua bán người
Cách đây 20 năm, bà Đỗ Thị Hằng khi đó là chủ một gia đình nghèo khó với ông chồng đau yếu và đàn con năm đứa. Vì gánh nặng áo cơm mà người phụ nữ này phải chấp nhận tha hương cầu thực, bươn chải ra cửa khẩu Lạng Sơn buôn bán kiếm tiền nuôi gia đình. Thấy bà xuân sắc mặn mà, lại hiền hậu chất phác nên những kẻ táng tận lương tâm đã lừa bà bán sang bên kia biên giới. Nỗi đau đớn, tủi nhục trong những ngày tháng phiêu bạt xứ người khiến bà từng có lúc muốn quyên sinh. Nhưng rồi nghĩ đến chồng con, gia đình, bà lại gắng gượng quyết sống để tìm cách trốn về với quê hương, tổ ấm. Năm 1992, niềm mơ ước thành hiện thực, bà Hằng đã trở về trong vòng tay mừng tủi của chồng con và người thân trong gia đình.
Nhưng niềm vui đoàn tụ ngày trở về vẫn không xóa được hết nỗi mặc cảm, giày vò và sự tổn thương về tinh thần trong những ngày bị đày đọa ở xứ người. Nỗi ám ảnh đó trở thành ác mộng khiến bà Hằng bị sang chấn tinh thần rất nặng, phải đi bệnh viện điều trị bệnh thần kinh. Niềm hy vọng sẽ nhanh chóng tái hòa nhập với cuộc sống bình thường vừa kịp nhen nhóm thì cuộc đời bà Hằng lại vướng vào một bi kịch khác, lần này cay đắng và thảm thương hơn. Đó là việc bà bị đối tượng Phạm Văn Ngọ khai ra việc Ngọ cùng với bà Hằng đã có hành vi lừa bán chị Dương Thị Liễu (người cùng địa phương) sang bên kia biên giới; đồng thời bà Hằng cũng bị tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản - trong khi thực tế bà không hề thực hiện những việc làm này.
Bà Hằng một mực kêu oan, với lý lẽ cho rằng bản thân bà từng là nạn nhân bị buôn bán nên hiểu rất rõ nỗi đau đớn, ê chề của các nạn nhân trong "động quỷ", vậy nên bà không thể đang tâm lừa bán người khác? Vả lại, suốt khoảng thời gian gần 2 năm bị lừa bán, bà phải sống trong "động quỷ", chịu sự quản lý giam hãm, làm sao có thời gian ra ngoài để lừa bán người khác. Mặt khác, thời điểm Phạm Văn Ngọ khai rằng cùng với bà Hằng lừa bán chị Liễu thì bà Hằng đang điều trị bệnh tâm thần. Tuy nhiên, lời kêu oan đó không được xem xét.
Tháng 3/1998, trong một phiên tòa không có nhân chứng và bị hại, mặc dù chứng cứ kết tội rất yếu và thiếu nhưng bà Đỗ Thị Hằng vẫn bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về hai tội "Buôn bán phụ nữ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân". Theo cáo buộc của các cơ quan tố tụng, vào tháng 9/1994, lợi dụng việc chị Dương Thị Liễu (ngụ xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) mâu thuẫn gia đình, bỏ nhà đi nên Phạm Văn Ngọ và Hoàng Hồng lừa bán chị này sang Trung Quốc với giá 1,2 triệu đồng. Việc lừa bán chị Liễu sang Trung Quốc có vai trò của Đỗ Thị Hằng khi Hằng trực tiếp đưa Ngọ, Hồng và Liễu sang Trung Quốc. Hằng được chia 400.000 đồng. Khi vụ việc bị phát hiện, Đỗ Thị Hằng bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; Ngọ và Hồng đã bị xét xử trước đó.
Cũng theo bản án, Đỗ Thị Hằng còn bị kết tội đã lừa anh Phan Văn Phương (ngụ cạnh nhà) 20 kg gạo và 400.000 đồng; vay của chị Khổng Thị Mỹ 300.000 đồng rồi chi tiêu hết, cố tình lẩn tránh không trả. Bà Hằng đã kêu oan từ khi bị khởi tố nhưng không được cứu xét, đến khi mãn hạn tù bà vẫn tiếp tục hành trình kêu oan. Ngày 16/4/2002, bà Hằng chấp hành xong bản án, được trở về với gia đình.
Trở về quê, bà Hằng mới biết chị Dương Thị Liễu đã trở về Việt Nam nên đã tìm gặp chị Liễu và được chính chị này xác nhận Đỗ Thị Hằng không phải là người bán chị Liễu mà người bán là Phạm Văn Ngọ cùng với một người phụ nữ khác cũng tên Hằng nhưng lấy chồng bên Trung Quốc. Sự trở về của chị Liễu đã tiếp thêm cho bà Hằng sức mạnh để tiếp tục kêu oan. Nhưng phải đợi đến hơn 10 năm sau, đến giữa tháng 5/2014, VKSND Tối cao mới có quyết định kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang, đồng thời đề nghị Tòa Hình sự TAND Tối cao xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm hủy bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Gia đình tan nát vì oan án
Bà Đỗ Thị Hằng nói rằng công lý đang đến với bà rất gần. May mắn là bà vẫn còn khỏe mạnh và tỉnh táo chờ đến ngày được minh oan nhưng tiếc rằng chồng con bà, những người thân yêu nhất của bà đều không còn có mặt đợi đến ngày này. Bà Hằng kể bằng giọng nghẹn đắng, chồng bà là ông Ngô Văn Mỹ vốn sức khỏe không được tốt, đã từng bị cú sốc nặng nề sau khi vợ bị lừa bán sang Trung Quốc, đến khi vợ trở về chưa bao lâu thì lại thêm cú sốc người vợ thân yêu bị tố cáo là kẻ tội phạm, bị bắt giam. Nỗi đau đớn khiến ông Mỹ dường như không biết tin vào ai, trong cơn cùng quẫn, ông Mỹ đã để lại một bức thư tuyệt mệnh rồi nhảy xuống ao tự tử.
Mẹ bị bắt, cha tự tử, 5 người con của bà Hằng lúc này đang tuổi ăn tuổi lớn lại thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ nên thành ra lêu lổng, sa vào tệ nạn và tội phạm. Trong đó đáng thương nhất là cô con gái thứ ba Ngô Thị Huệ (SN 1979) vốn ngoan hiền, xinh đẹp nhất nhà, được cha mẹ yêu thương và kỳ vọng. Khi bão tố ập xuống gia đình, Huệ đã không đủ bản lĩnh để đứng vững, sa vào nghiện hút vào tội phạm. Sau vài lần vào tù về tội trộm cắp và ma túy, hiện Huệ đã bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, sự sống chỉ tính bằng ngày. Bà Hằng gạt nước mắt tâm sự rằng bà chỉ mong sớm được minh oan, để Huệ được thanh thản biết cuối cùng công lý đã đến với mẹ mình, dẫu muộn.
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) là người trợ giúp pháp lý miễn phí cho bà Đỗ Thị Hằng trong hành trình kêu oan, phân tích: "Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm của VKSND Tối cao chỉ rõ: Các nhân chứng có lời khai xác nhận khi đi tìm chị Liễu có vào nhà Phạm Văn Ngọ gặp vợ Ngọ là Nguyễn Thị Tám, bà Tám cho biết Ngọ một mình mang phụ nữ sang Trung Quốc. Tại giấy viết chia tiền bán chị Dương Thị Liễu gửi về Việt Nam không thể hiện việc chia tiền cho Đỗ Thị Hằng và cũng chưa được giám định. Mặt khác, người phụ nữ tên Hằng lấy chồng Trung Quốc chưa được điều tra để làm rõ. Như vậy, việc kết tội đối với Đỗ Thị Hằng về tội "Mua bán phụ nữ" là chưa đủ căn cứ vững chắc. Đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân", các khoản vay nợ của bà Hằng với chị Khổng Thị Mỹ (300.000 đồng) và anh Phan Văn Phương (400.000 đồng và 20 kg gạo) đều chỉ là các khoản vay bằng miệng, không có giấy xác nhận nên cần phải được làm rõ về số nợ trên. Đồng thời, phải chứng minh được động cơ, mục đích của Đỗ Thị Hằng, có dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bà Mỹ và ông Phương hay không? Nếu không chứng minh được thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì đây chỉ là quan hệ dân sự, không cấu thành tội "Lừa đảo".
Theo Xahoi
Bi kịch người đàn bà mang nỗi oan khuất tày trời Gần hai chục năm trước, mặc dù đã có chồng con nhưng vì miếng cơm manh áo nên bà Đỗ Thị Hằng (SN 1953) vẫn phải ra cửa khẩu làm ăn rồi bị bán vào động mại dâm xứ người. Khi trốn được về với chồng con, cuộc đời người đàn bà này lại vướng vào bi kịch khác bi thảm hơn khi...