Công an triệu tập nhưng ca sĩ Vy Oanh không đến và vấn đề pháp lý
Theo chuyên gia, việc nữ ca sĩ không đến cơ quan công an theo giấy triệu tập là không tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ngày 20-3, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) Công an TP.HCM gửi giấy triệu tập bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (39 tuổi, ca sĩ Vy Oanh) đến để làm rõ đơn tố giác tội phạm của ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Nguyễn Phương Hằng).
Ai cũng có quyền tố giác
Cụ thể, ông Tuấn tố giác bà Oanh về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp đối với mẹ ông là bà Phương Hằng.
Theo giấy triệu tập, trong sáng nay (24-3), bà Oanh phải có mặt tại Phòng PC02 Công an TP.HCM để làm việc. Tuy nhiên, nữ ca sĩ không có mặt và gửi văn bản cho đơn vị này để khiếu nại hai nội dung.
Ca sĩ Vy Oanh không có mặt theo giấy triệu tập và gửi văn bản khiếu nại cho PC02 Công an TP.HCM. Ảnh: NVCC/PLO
Thứ nhất, theo bà Oanh, ông Tuấn không có tư cách để thay mặt bà Hằng tố giác trong trường hợp này.
Video đang HOT
Thứ hai, nữ ca sĩ cho rằng trong vụ án của bà Phương Hằng, mình là bị hại. Do đó, việc PC02 Công an TP.HCM tách riêng đơn tố giác của ông Tuấn rồi gửi “giấy triệu tập” thay vì “giấy mời” cho bà là không đúng luật.
Nêu nhận định về vụ việc, TS Phan Anh Tuấn, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết theo khoản 1 Điều 144 BLTTHS năm 2015 thì tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
“Mình biết rõ một hành vi phạm tội nào đó thì mình tố giác, đây là việc quyền và nghĩa vụ, ai cũng có thể tố giác tội phạm chứ không nhất thiết phải là nạn nhân (bị hại) mới có quyền tố giác. Dĩ nhiên, nếu mình tố giác sai sự thật thì tùy mức độ sẽ có các chế tài tương ứng” – TS Tuấn nói.
TS Tuấn cho biết đây là quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, do đó, nữ ca sĩ (đang là người bị tố giác) phải có mặt trực tiếp để làm việc với cơ quan công an, nếu không đến thì có thể bị cưỡng chế. Việc công an sử dụng “giấy triệu tập” thay vì “giấy mời” là hoàn toàn đúng luật.
Phân tích cụ thể hơn, ThS-luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Ông Tuấn tố giác bà Oanh về hành vi có dấu hiệu của tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (theo Điều 331 BLHS). Tội danh này lại không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do đó, không chỉ ông Tuấn mà bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền tố giác.
Ngay cả đối với các tội danh chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng đều có quyền tố giác tội phạm, còn khởi tố hay không phụ thuộc vào ý chí (đơn yêu cầu khởi tố) của bị hại.
Mặt khác, căn cứ Điều 147 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017 thì thời gian tối đa giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là không quá bốn tháng.
Hết thời hạn nêu trên, CQĐT sẽ ra một trong các quyết định sau: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Triệu tập là đúng luật
Cũng theo ThS-LS Dũ, trong phần quy định về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, BLTTHS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017 không quy định rõ là sau khi thụ lý, CQĐT triệu tập hay mời người tố giác, người bị tố giác, người làm chứng, người có liên quan đến làm việc, lấy lời khai.
Tuy nhiên, tại một số quy định khác của BLTTHS có quy định về vấn đề này. Cụ thể, điểm d khoản 1 Điều 37 BLTTHS năm 2015 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Điều tra viên, đó là: Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác…
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 185 và Điều 188 BLTTHS năm 2015, đối với người làm chứng, bị hại, đương sự thì CQĐT hoặc ĐTV cũng thực hiện việc triệu tập chứ không phải mời…
“Như vậy, dù ca sĩ Vy Oanh với tư cách bị hại trong vụ án bà Phương Hằng hay với tư cách người bị tố giác trong vụ ông Tuấn tố giác… thì CQĐT đều có quyền sử dụng giấy triệu tập đối với bà. Việc bà khiếu nại cho rằng phải gửi giấy mời cho bà là không có căn cứ” – LS Dũ nêu quan điểm.
Không đến theo giấy triệu tập là không tuân thủ luật
BLTTHS không có quy định nào cho phép người bị tố giác được ủy quyền tham gia tố tụng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2015 quy định về nghĩa vụ của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố. Việc bà Vy Oanh khiếu nại việc triệu tập và không đến làm việc là không tuân thủ luật.
Thạc sĩ – Luật sư NGUYỄN VĂN DŨ , Đoàn Luật sư TP.HCM
Nội dung ca sĩ Vy Oanh 'phản pháo' con trai bà Nguyễn Phương Hằng
Ca sĩ Vy Oanh khẳng định không xúc phạm bà Nguyễn Phương Hằng trên mạng xã hội như ông Nguyễn Quang Tuấn nêu trong đơn tố giác.
Ngày 24-3, ca sĩ Vy Oanh cho biết đã gửi đơn khiếu nại đến Công an TP HCM, VKSND TP HCM và các cơ quan chức năng về việc bị ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Nguyễn Phương Hằng) tố giác lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm đến lợi ích của bà Nguyễn Phương Hằng.
Ca sĩ Vy Oanh nói rằng bà Hằng chưa từng có đơn tố giác ca sĩ Vy Oanh về những hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bà Hằng như trong đơn ông Tuấn nêu.
"Bà Hằng đã thành niên, mặc dù bà đang bị tạm giam nhưng chưa có Quyết định của tòa án tuyên bố về việc bà bị mất hay hạn chế năng lực hành vi dân sự. Vì vậy, bà Hằng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Lẽ đó, ông Tuấn không có quyền tố giác thay. Nếu bà Hằng cho rằng tôi xúc phạm danh dự, uy tín thì chỉ có bà Hằng mới có quyền tố giác tôi. Ông Tuấn không phải bà Hằng, ông không thể bị tổn thương thay cho bà. Xét về nội dung, ông Tuấn không có tư cách tố giác tôi thay cho bà Hằng"- ca sĩ Vy Oanh đặt vấn đề.
Ca sĩ Vy Oanh
Ca sĩ Vy Oanh cho rằng ngoài việc tố giác cô thì ông Tuấn còn tố giác nhiều người. Do vậy, để tránh việc lợi dụng quyền tố giác, trình báo gây ảnh hưởng đến cuộc sống người khác, Vy Oanh đề nghị ông Tuấn phải chịu trách nhiệm về việc tố giác, nếu thông tin sai sự thật sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Tôi khẳng định đến nay tôi không có bất kỳ lời nói, hành vi nào trong đời sống thường ngày hay trên mạng xã hội xâm phạm, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nguyễn Phương Hằng như nội dung đơn tố giác ông Tuấn nêu. Tất cả những gì có liên quan, lời khai bị hại, trong đó có tôi đã được thể hiện đầy đủ, rõ ràng trong vụ án Nguyễn Phương Hằng"- ca sĩ Vy Oanh khẳng định.
Từ những lập luận trên, ca sĩ Vy Oanh đề nghị không tiếp tục giải quyết Đơn tố giác của ông Nguyễn Quang Tuấn do ông Tuấn không phải là chủ thể có quyền tố giác tội phạm quy định tại Điều 331 BLHS.
Chú kéo cháu vào tù vì thuê vào Nghệ An lấy ma túy số lượng lớn Lý đã thuê Xếp, cháu ruột và một người khác vào Nghệ An lấy ma túy. Cả ba đều phải nhận mức án nghiêm minh của pháp luật. Ngày 9/3, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 3 bị cáo Mông Văn Lý, SN 1988; Mông Văn Xếp, SN 2000; Hứa Văn Đố, SN 1985, cùng trú...