Công an TP.HCM: Tội phạm mua bán trẻ sơ sinh đánh tráo khái niệm nhân đạo
Theo Công an TP.HCM, các đối tượng tội phạm mua bán trẻ sơ sinh đang sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và chủ yếu lợi dụng không gian mạng để hoạt động.
Sáng 11.9, tại hội nghị công bố triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả công tác can thiệp, trợ giúp cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP.HCM” do Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và Blue Dragon International (tổ chức Rồng Xanh) phối hợp thực hiện, trung tá Phạm Thành Trung, Phó đội trưởng Đội 5, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM, cho biết trong năm 2024, lực lượng Công an TP.HCM đã triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn trải dài trên 32 tỉnh, thành.
Để triệt phá đường dây này, Công an TP.HCM đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ để làm rõ nguồn gốc, khẩn trương xác minh 84 trường hợp có dấu hiệu mua bán trẻ sơ sinh.
Theo trung tá Phạm Thành Trung, hiện các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi và chủ yếu lợi dụng không gian mạng để hoạt động.
Trung tá Phạm Thành Trung, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. ẢNH: P.T.N
Các đối tượng trong các đường dây mua bán trẻ sơ sinh thường lợi dụng danh nghĩa “hiếm muộn” để tiếp cận các bà mẹ có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con, đặc biệt là những người sắp sinh, để thuyết phục họ bán con. Những đối tượng này đề nghị hỗ trợ viện phí, hoặc các khoản tiền bồi dưỡng, chăm sóc làm cho người mẹ tin rằng việc này mang tính nhân đạo.
Thực tế, họ đánh tráo khái niệm nhân đạo, lợi dụng kẽ hở pháp luật để hợp thức hóa việc mua bán trẻ em. Những người tham gia đường dây này thường nhắm đến các cặp vợ chồng mong muốn có con. Họ lợi dụng nhu cầu chính đáng này để trục lợi, biến việc nhận con nuôi trở thành hình thức mua bán trẻ em trá hình.
Theo trung tá Phạm Thành Trung, điều đáng lo ngại hơn là một số đối tượng đã lợi dụng việc nhận nuôi trẻ để trốn tránh thi hành án đối với các tội phạm nghiêm trọng, điển hình là tội mua bán ma túy. Cụ thể, các đối tượng mua trẻ, sau đó làm giả giấy tờ để chứng minh đó là con ruột, nhằm lợi dụng chính sách khoan hồng của pháp luật và hoãn chấp hành án tù.
Video đang HOT
Đường dây này đã bị lực lượng chức năng triệt phá tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhiều đối tượng bị bắt giữ và khởi tố. Tuy nhiên, tình trạng mua bán trẻ sơ sinh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trung tá Phạm Thành Trung cũng nhấn mạnh rằng các bệnh viện đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi mua bán trẻ sơ sinh. Ông kêu gọi sự giám sát chặt chẽ hơn và sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng để ngăn chặn các hành vi vi phạm này.
Đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm mua bán người
Thời gian qua, lực lượng công an tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó Công an Đồng Nai, đã vào cuộc mạnh mẽ, đấu tranh triệt phá nhiều băng nhóm, đường dây tội phạm hoạt động mua bán người.
Nhóm đối tượng trong đường dây mua bán người vừa bị Công an tỉnh triệt phá. Ảnh: Công an cung cấp
Vì lợi nhuận quá lớn, tội phạm mua bán người đã bất chấp mọi thủ đoạn, bất chấp đạo lý tìm cách lừa bán các nạn nhân là những trẻ sơ sinh, người dưới 16 tuổi để thu lợi bất chính.
Triệt phá đường dây mua bán trẻ em liên tỉnh
Trong những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến vụ triệt phá đường dây mua bán trẻ em, chủ yếu là trẻ sơ sinh, tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, trong đó có Đồng Nai. Đây có thể nói là đường dây tội phạm mua bán người lớn nhất mà lực lượng công an nhiều tỉnh, thành triệt phá thành công, trong đó có sự góp sức của lực lượng Công an Đồng Nai.
Theo thông tin từ Công an Thành phố Hồ Chí Minh, đường dây mua bán trẻ em xảy ra tại 32 tỉnh, thành trên cả nước, với thủ đoạn tinh vi là làm giả giấy tờ để hợp thức hóa những trẻ em bị bán lại.
Thông qua các nguồn tin báo của người dân và công tác nắm tình hình của lực lượng trinh sát từ các hội nhóm trên không gian mạng, xác định có một đường dây chuyên mua bán trẻ sơ sinh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xác lập chuyên án, huy động lực lượng trinh sát phối hợp với công an các tỉnh, thành liên quan tập trung đấu tranh làm rõ.
Sau một thời gian tiến hành thu thập thông tin, tài liệu, ban chuyên án phát hiện và tiến hành bắt giữ Nguyễn Thị Ánh Đào (35 tuổi, ngụ xã Nghi Kim, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) khi đối tượng đang chuẩn bị bán một cháu bé 3 ngày tuổi (con của một phụ nữ tại tỉnh Đắk Lắk) cho một gia đình hiếm muộn ở Thành phố Hồ Chí Minh để lấy 40 triệu đồng. Mở rộng điều tra, lực lượng công an tiếp tục bắt giữ: Hoàng Thị Nhung (42 tuổi, ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa), Đỗ Thị Thúy Ngân (30 tuổi, quê Thành phố Hà Nội), Cao Thị Thu Phương (41 tuổi, quê tỉnh Hải Dương)... là những đối tượng có liên quan đến đường dây này.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh yêu cầu, từ ngày 1-7-2024 đến ngày 30-9-2024, Công an tỉnh mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người; làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài.
Ban chuyên án xác định, từ đầu năm 2024 đến nay, thông qua các hội nhóm kín trên mạng xã hội, đường dây tội phạm này đã kết nối với các phụ nữ mới sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để mua 16 trẻ (có độ tuổi từ 3 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi) với số tiền từ 10-23 triệu đồng/trẻ. Sau đó, các đối tượng bán lại cho các gia đình hiếm muộn với số tiền từ 35-75 triệu đồng/trẻ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Để hợp thức hóa việc mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho - nhận con nuôi, các đối tượng này đã móc nối với đối tượng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là Phan Phương Nam (35 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) để mua giấy chứng sinh giả. Quá trình bắt, khám xét nơi ở của Nam, lực lượng công an thu giữ máy tính, máy in, máy dập, máy photocopy, máy ép nhựa, mực in, các loại con dấu, các loại phôi... và hàng ngàn giấy tờ giả các loại, trong đó có nhiều giấy chứng sinh giả.
Theo cơ quan công an, qua chưa đầy một tháng vào cuộc điều tra, lực lượng công an đã triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hoạt động thông qua các hội nhóm kín trên không gian mạng.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 16 đối tượng trong đường dây để điều tra về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
"Đánh sập" đường dây bán người vào cơ sở massage
Trong khi Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục mở rộng đường dây mua bán trẻ sơ sinh diễn ra tại nhiều tỉnh, thành thì tại Đồng Nai, ngày 31-8, Công an tỉnh đã triệt phá thành công chuyên án, bắt 15 đối tượng về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi.
Theo thông tin từ Công an tỉnh, đầu tháng 8-2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phát hiện trên địa bàn xuất hiện nhóm đối tượng hoạt động mua bán người, sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Các đối tượng trong đường dây này "núp bóng" danh nghĩa các cơ sở kinh doanh có điều kiện để hoạt động nhằm thu lợi bất chính.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với đối tượng trong đường dây mua bán người.
Sau một thời gian vào cuộc điều tra, vào tối 22-8, lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với trinh sát Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An đồng loạt triển khai các tổ trinh sát bất ngờ ập vào các địa điểm tại thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An để khống chế, bắt giữ các đối tượng liên quan.
Theo đó, lực lượng công an đã bắt giữ các đối tượng: Nguyễn Ngọc Duy (28 tuổi, ngụ huyện Định Quán), Huỳnh Ngọc Thuận (26 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang), Nguyễn Xuân Việt (30 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thị Thu Hà (31 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) khi đang có hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào các hoạt động khiêu dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ massage. Cũng tại đây, lực lượng công an đã bắt giữ 10 đối tượng có hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng do Nguyễn Xuân Việt (35 tuổi) và Lê Thị Lanh (35 tuổi), đều ngụ huyện Vĩnh Cửu, cầm đầu.
Chủ động ngăn chặn từ sớm tội phạm mua bán người
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, Ban chỉ đạo đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới Phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7). Việc triển khai kế hoạch nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh đến địa bàn cơ sở. Qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người.
Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành liên quan và các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh trấn áp tội phạm mua bán người, nhất là tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi; làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người nghi là nạn nhân.
Để thực hiện tốt các nội dung này, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh yêu cầu Công an tỉnh (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh) triển khai quyết liệt các kế hoạch, phương án phòng, chống mua bán người. Lực lượng công an phải chủ động nắm chắc tình hình, dự báo sát, giải quyết tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở, khẩn trương điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người và các tội phạm có liên quan.
Thủ đoạn tinh vi của đường dây mua bán trẻ sơ sinh tại 32 tỉnh, thành Đường dây này hoạt động trên không gian mạng, núp bóng là hình thức cho - nhận con nuôi, nhưng là mua bán trẻ sơ sinh có quy mô cực lớn. XEM CLIP Đại tá Phạm Đình Ngọc - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM cho biết, đến nay đã làm rõ về những cách thức, thủ đoạn liên quan...