Công an Hà Nội nói về nguyên nhân giao thông “tê liệt” trong mưa ngập
Trận mưa lớn kéo dài 2 tiếng sáng nay khiến giao thông Hà Nội “tê liệt”, Phòng CSGT Hà Nội (PC67) cho biết đã bố trí lực lượng điều khiển giao thông từ 6h tại 340 vị trí, huy động trên 700 cán bộ chiến sỹ, nhưng phải đến 9h trật tự mới được vãn hồi.
Đại diện PC67 thông tin, từ 5h30 đến 7h30 sáng nay (8/9), trên địa bàn Hà Nội xảy ra mưa lớn, lượng mưa từ 80 đến 100mm gây ngập úng tại một số điểm trên các tuyến đường thuộc các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng; Ba Đình, Long Biên, Thanh Xuân, có một số điểm ngập úng sâu từ 30 đến 40 cm thậm chí có điểm ngập sâu từ 50 đến 70 cm.
Cảnh sát giao thông điều khiển giao thông trong mưa ngập sáng 8/9
Nguyên nhân giao thông Hà Nội ùn tắc nghiêm trọng là do ảnh hưởng của lượng mưa lớn từ 80 đến 100mm gần 2 giờ đồng hồ trong đúng giờ cao điểm làm ngập úng trên diện rộng gây cản trở giao thông làm các phương tiện di chuyển khó khăn.
Trong khi đó, hiện nay trên địa bàn thành phố đang có 25 công trình với 43 điểm rào chắn thi công, nhiều công trình thi công chậm, kéo dài, không đảm bảo về điều kiện an toàn như biển báo, rào chắn, người hướng dẫn giao thông… gây cản trở giao thông.
Một số công trình gây cản trở lớn cho giao thông sáng nay là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội, tuyến xe buýt nhanh BRT, tuyến đường vành đai 2 (Bưởi – Trường Chinh), công trình thi công thoát nước đường Định Công, Đức Giang và công trình thi công vành đai I (Đông Mác đến Kim Ngưu).
Cùng với đó, hệ thống thoát nước còn kém gây ngập úng, cản trở giao thông mỗi khi mưa to kéo dài. Hiện tại, Hà Nội còn 33 điểm có nguy có xảy ra ngập úng khi mưa to kéo dài dẫn đến ún ứ giao thông.
Đại diện PC67 cũng cho biết thêm, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được lưu lượng tham gia giao thông, hiện nay lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đã vượt quá thiết kế của mặt đường. Phương tiện cá nhân tiếp tục gia tăng gây áp lực không nhỏ cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế. Tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên một số tuyến phố để làm nơi kinh doanh, buôn bán, làm nơi trông giữ các phương tiện vẫn diễn ra. Vi phạm vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, ngược chiều gây cản trở giao thông.
Theo PC67, đơn vị này đã chủ động bố trí lực lượng chỉ huy điều khiển giao thông từ 6h sáng nay, tại 340 vị trí, huy động trên 700 cán bộ chiến sỹ tham gia chỉ huy giao thông hướng dẫn nhân dân quan những đoạn đường bị ngập úng và tại 33 điểm có nguy cơ ngập úng đã được xác định, và tại 25 nút giao thông có nữ chỉ huy điều khiển giao thông, huy động 52 tổ tuần tra kiểm soát lưu động trên 15 tuyến trục chính ra vào thành phố và trên các tuyến nội thị phòng ngừa ùn tắc trong giờ cao điểm.
PC67 cũng bố trí lực lượng phân luồng từ xa hạn chế các phương tiện vào điểm ngập úng, ùn tắc đồng thời bố trí lực lượng giải quyết các điểm ùn ứ giao thông trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên, Hai Bà Trưng.
“Đến 9h sáng tình hình giao thông trở lại bình thường” – đại diện PC67 cho hay. Tuy nhiên, PC67 đề nghị người tham gia giao thông tuân thủ hiệu lệnh của người chỉ huy điều khiển giao thông và chấp hành Luật giao thông đường bộ, đồng thời phải có sự “nhường nhịn” khi tham gia giao thông.
Video đang HOT
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Công trường Nhổn-ga Hà Nội: 'Không thi công nên trả đường cho dân'
Sau khi nhà thầu tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội mở rộng hàng rào thi công, phần đường dành cho lưu thông chỉ còn 4,5m. Cảnh ùn tắc thường xuyên diễn ra từ sáng đến tối.
Sở GTVT Hà Nội vừa đồng ý cho Công ty Posco E&C (nhà thầu thi công tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội) thí điểm mở rộng diện tích hàng rào thi công từ 19m lên 26m.
Phương án này sẽ khiến phần lòng đường dành cho phương tiện lưu thông chỉ còn 4,5m. Trong ảnh là đoạn rào chắn mới mở rộng thí điểm thuộc Ga số 2 trên đường Nhổn.
Phần hàng rào chắn cũ đến hàng rào chắn mới được mở rộng thêm 7m (mỗi bên 3,5m, phần vạch kẻ đỏ).
Trong lúc thi công, đơn vị căng dây cảnh báo thêm khoảng hơn 1m nữa để đảm bảo an toàn cho người đi đường.
Theo phản ánh của người dân, từ ngày thi công tuyến đường sắt, nhiều đoạn đường bị thu hẹp lại. Vào giờ cao điểm, hàng ngàn phương tiện chen chúc nhau trên lòng đường.
Trên đường Cầu Giấy, nhiều người điều khiển phương tiện phải leo vỉa hè để "thoát thân".
Trong khi đó, trên tuyến đường này, nhiều nơi được quây rào tôn nhưng bên trong bỏ hoang.
Ông Trần Quang Điềm (nhân viên bảo vệ tòa nhà số 239 Cầu Giấy) cho biết, từ ngày hàng rào được lập, tắc đường liên tục xảy ra từ sáng đến 22h đêm. Ban ngày, công trường nghỉ; đến đêm thì thi công; máy khoan, máy nhồi... ồn ào, ảnh hưởng đến người dân.
Hàng rào tôn được dựng lên ở công trường đầu đường Hồ Tùng Mậu đã vài tháng qua nhưng không hoạt động.
Phía bên trong không có máy móc hay bất cứ nguyên vật liệu nào.
"Đoạn nào không thi công thì nên tháo dỡ hàng rào để trả lại lòng đường cho người dân. Khi nào thi công tiếp thì rào lại. Ngày nào tôi cũng mất cả tiếng đồng hồ để đi hết đoạn đường này", anh Trần Kháng, một người thường xuyên lưu thông trên đoạn đường Hồ Từng Mậu- Xuân Thủy- Cầu Giấy cho biết.
Đại diện nhà thầu phân tích, việc quây rộng hàng rào từ 19m lên 26m sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tham gia giao thông, đồng thời rút ngắn thời gian thi công từ 24 tháng còn 18 tháng.
Trên đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, một vài điểm xây dựng cũng ngừng hoạt động. Phần hàng rào tôn chiếm phần lớn lòng đường khiến các phương tiện phải vất vả khi lưu thông qua đây.
Nút giao thông Cầu Giấy- Xuân Thủy- Nguyễn Phong Sắc- Trần Thái Tông thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc do các phương tiện bị dồn ứ.
Phần dành cho công trường rộng nhưng vắng vẻ. Phía bên ngoài, người dân chen chúc lưu thông.
Tuyến metro thí điểm Nhổn - ga Hà Nội (UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư) khởi công năm 2006, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2010. Toàn tuyến dài 12,5km, gồm 12 nhà ga. Phần đường sắt trên cao dài 8,5km và phần đi ngầm dài 4km.
Dự án này liên tiếp bị gián đoạn do vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng và vốn đầu tư. Cả chủ đầu tư và Tư vấn Systra (Pháp) dự tính công trình sẽ phải kéo dài đến tháng 11.2018 mới hoàn thành. Năm 2019 chạy thử và đưa vào sử dụng.
Tổng mức đầu tư của tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2009 là 783 triệu Euro (khoảng 18.408 tỷ đồng). Tuy nhiên, tháng 6.2013, thành phố duyệt tổng mức đầu tư mới tăng 393 triệu Euro lên 1,176 tỷ Euro (khoảng 32.910 tỷ đồng).
Cũng trên tuyến đường sắt trên cao này, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Ngày 10.5.2015, một thanh sắt dài hơn 10 mét rơi xuống đường Hồ Tùng Mậu. Sau đó 2 ngày, một cần cầu đã đổ sập vào nhà dân trên đường Cầu Giấy khiến một phụ nữ mang bầu bị thương phải đi bệnh viện cấp cứu.
Theo Dân Việt
Giao thông hỗn loạn vì đèn giao thông "đá" nhau suốt 1 giờ Đèn hiệu giao thông hỏng suốt 1 giờ nhưng không được khắc phục kịp thời dẫn tới xung đột giao thông tại các ngã tư. Giao thông các tuyến đường phía Đông Bắc TPHCM sáng nay tê liệt, ùn tắc nghiêm trọng trong nhiều giờ liền. Ghi nhận của VietNamNet trên tuyến đường tại cửa ngõ phía Đông Bắc vào trung tâm TP...