Công an Hà Nội “đánh” mạnh pháo lậu
Càng gần đến những ngày Tết Nguyên đán, tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo nổ càng có những diễn biến hết sức phức tạp. Không chỉ trên các tuyến biên giới, ngay trong nội địa, các đối tượng cũng ráo riết gom hàng để tung ra thị trường. Mặc dù các cơ quan chức năng đã phối hợp để đưa ra những chế tài xử phạt nghiêm khắc, tuy nhiên do lợi nhuận và lợi dụng và những kẽ hở của pháp luật, các đối tượng buôn bán pháo vẫn tăng cường hoạt động.
“ Nóng” từ miền Bắc đến miền Trung
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ – CATP Hà Nội cho biết, hoạt động buôn lậu pháo trên địa bàn Hà Nội năm nay tăng hẳn về quy mô, số lượng trong một vụ. Điển hình là vụ xảy ra vào đêm ngày 11-12-2012, lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện, bắt giữ một số lượng lớn pháo lậu đang trên đường vận chuyển vào phía Nam. Kiểm tra chiếc xe khách chạy từ Cao Bằng vào Lâm Đồng trên đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cơ quan chức năng phát hiện 18 bao tải chứa gần 500 kg pháo các loại được xếp trong khoang hành khách.
Đặc biệt, trong những ngày sát Tết Nguyên đán, hoạt động buôn bán pháo nổ ngày càng gia tăng, mới đây ngày 21-1, Đội Chống buôn lậu và Buôn bán hàng cấm Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ – CATP Hà Nội và Tổ kiểm tra tuyến Phòng Bảo vệ chính trị 4 Công an TP Hà Nội phát hiện một ô tô chở pháo lậu trên đường cao tốc Pháp Vân đang vận chuyển pháo nổ. Tiến hành kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện 157 quả pháo lựu đạn được cất giấu trong 2 áo khoác, 9 bánh pháo nổ và 14 bệ pháo hoa loại 36 quả để trong túi xách. Tất cả các loại pháo trên được các đối tượng cất giấu, ngụy trang bằng cách phủ quần áo và trái cây ở trên bề mặt nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Trước đó, ngày 13-1, tổ 141/Y9 Công an Hà Nội khi kiểm tra xe khách tuyến Lào Cao – Hà Nội đã phát hiện 98 bánh pháo nổ được cất bên trong túi xách để ở ngăn chở hàng của xe.
Video đang HOT
Thống kê của ngành Hải quan cho thấy, trong năm 2012 ngành đã phát hiện và bắt giữ 5.010kg và 265 cây pháo các loại nhập lậu (tăng 2,5 lần so với số lượng pháo đã bắt giữ năm 2011). Nếu như trước đây, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa thường tập trung tại các tỉnh biên giới phía Bắc, thì năm nay theo Cục điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, các đối tượng còn tổ chức vận chuyển pháo lậu qua các cửa khẩu biên giới ở miền Trung. Điển hình như vụ sáng 30-1, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã bắt quả tang Khăm Thong (25 tuổi) và Khăm Xúc (18 tuổi) cùng trú tại bản Ka Rôn, H.Sê Pôn, tỉnh Savanakhet (Lào) đang vận chuyển một bao tải chứa 9kg pháo.
Qua khai thai thác nhanh, lực lượng chức năng đã bắt Trương Văn Hợp (33 tuổi) và Nguyễn Hồng Thuần (47 tuổi, cùng trú xã Gia Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình). Hợp và Thuần khai nhận từng sang Lào làm ăn rồi mua số pháo trên với giá 400.000 kíp Lào rồi sau đó thuê Khăm Thong và Khăm Xúc vận chuyển qua biên giới. Trước đó, ngày 17-1, cũng tại Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, trong quá trình làm thủ tục hải quan ở khu thương mại đặc biệt Lao Bảo, lực lượng chức năng đã phát hiện một túi hành lý chứa 24 quả pháo (trọng lượng 6 kg) do Nguyễn Xuân Bình (SN 1995, Quảng Trạch, Quảng Bình) vận chuyển.
Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn Hà Nội tại một số nơi từng được coi là trọng điểm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ là khu vực chợ Đồng Xuân, các phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can… đều không thấy xuất hiện tình trạng chào mời mua bán các loại pháo nổ do Trung Quốc sản xuất. Khi được hỏi, một số chủ cửa hàng cho biết do đã được tuyên truyền và vận động từ các cấp chính quyền nên hầu hết các hộ buôn bán đều nhận thức được việc vi phạm pháp luật từ việc buôn bán mặt hàng này. Còn tại một số làng nghề chuyên sản xuất các mặt hàng liên quan đến chất nổ, chất cháy như xã Bình Đà và xã Cao Viên (Thanh Oai), xã Đình Xuyên (Gia Lâm) hầu hết các hộ gia đình đã chuyển nghề sản xuất pháo, tuy nhiên vẫn còn một số ít đối tượng lén lút sản xuất các loại pháo, que phát sáng, thậm chí làm giả các loại pháo của Trung Quốc. Qua tìm hiểu của chúng tôi, Hà Nội chỉ là điểm chung chuyển của các loại pháo nổ. Đường đi của pháo lậu chủ yếu từ các tỉnh biên giới phía Bắc như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai được tập kết tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình rồi đưa về Hà Nội. Từ đây, pháo nổ tiếp tục được ngụy trang và theo các phương tiện vận chuyển vào các tỉnh miền Trung, miền Nam thông qua các bến bãi, tụ điểm trong thành phố.
Vẫn là chuyện chế tài
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công San – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, các đối tượng buôn lậu thường mua gom pháo với số lượng lớn sau đó xé lẻ thuê “cửu vạn” vận chuyển qua các đường mòn, lối mở ở biên giới để đưa về nội địa tiêu thụ. Để vận chuyển vào địa bàn Hà Nội, các đối tượng này thường chia nhỏ, cất giấu trong các thùng carton, bao tải hoặc vùi trong trong những hàng hóa khác giấu trong các phương tiện vận tải. Tinh vi hơn, các đối tượng còn bọc gói pháo kỹ qua nhiều lớp, dán băng dính xung quanh rồi giấu lẫn vào các thùng hoa quả, bát đĩa, vải vóc… gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện. Bên cạnh đó, chúng còn được sự tiếp tay của các đối tượng sản xuất pháo ở bên kia biên giới như giấu pháo vào trong các vỏ bao bì bánh kẹo hoặc hàng tiêu dùng thông thường khác nên rất khó phát hiện.
Thượng tá Lê Hồng Sơn – Phó trưởng Phòng PC15 Công an Hà Nội cho biết trong khi Việt Nam cấm buôn bán, sản xuất, đốt pháo thì phía bên kia biên giới, pháo lại được bày bán công khai. Giá pháo cũng hết sức rẻ mạt. Một bánh pháo hoa chỉ từ 6 đến 10 nhân dân tệ (tương đương khoảng 20-35.000 đồng). Tuy nhiên, khi được vận chuyển trót lọt vào sâu trong nội địa sẽ được bán với giá từ 100.000 đến 300.000 đồng. Những quả pháo trứng ở bên kia biên giới có giá 3000 đồng nhưng khi về Việt Nam đến tay người tiêu dùng đã được đội lên 50 đến 70.000 thậm chí là 100.000 đồng. Như vậy, với mỗi kg pháo được vận chuyển trót lọt, các đối tượng có thể thu lời bạc triệu. Chính vì khoản lợi nhuận khủng này, nhiều đối tượng dù “hiểu luật” nhưng vẫn vi phạm, thậm chí còn tái phạm.
Điều đáng nói là không ít đối tượng buôn bán pháo lậu đã nắm vững và sử dụng “chiêu trò” để lách luật và đối phó với cơ quan chức năng. Trung tá Nguyễn Văn Võ, Đội phó Đội Chống buôn lậu và Buôn bán hàng cấm Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ-Công an TP Hà Nội lấy ví dụ, Theo quy định tại Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao ngày 25-12-2008, đối tượng vận chuyển pháo qua biên giới sẽ bị truy tố về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” quy định tại Điều 154 của Bộ luật Hình sự. Song chỉ những đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ có số lượng từ 10kg trở lên mới bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn dưới số lượng này thì chỉ bị xử lý vi phạm hành chính. Nhiều đối tượng đã lợi dụng các quy định này để đối phó với các cơ quan chức năng. Chúng qua biên giới mua nhiều lần và vận chuyển bằng nhiều đợt để nếu bị bắt sẽ không bị xử lý hình sự. Sau đó, tập kết ở một nơi rồi mới vận chuyển sâu vào nội địa. Chính vì vậy mới có chuyện số lượng pháo rất lớn để tuồn về Hà Nội và các tỉnh thành khác để tiêu thụ.
Hiện nay, theo cơ chế phối hợp giữa ngành Công an, TAND và VKSND thì những vụ vận chuyển, kinh doanh, đốt pháo trái phép sẽ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử công khai trước Tết nhằm đảm bảo tính răn đe. Tuy nhiên, việc ngăn chặn mặt hàng pháo lậu thẩm lậu qua biên giới vào nước ta hiện nay rất khó khăn, thậm chí vì lợi nhuận, nhiều khi các đối tượng sẵn sàng có hành vi manh động chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ. Một cán bộ của Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ – CATP Hà Nội cho biết, việc phát hiện và xử lý các vụ buôn bán, vận chuyển pháo lậu sẽ vẫn vô cùng khó khăn, đặc biệt là và hành lang pháp lý chưa đủ mạnh dẫn tới việc nhiều đối tượng vẫn “né” được trách nhiệm hình sự khi bị bắt. Tuy nhiên, lực lượng CAHN sẽ quyết tâm “đánh” mạnh pháo lậu để bà con nhân dân được đón Tết an toàn.
Theo ANTD
Bắt 2 vụ gỗ lậu số lượng lớn
Ngày 24-1, ông Lê Văn Thành, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hướng Hóa, Quảng Trị cho biết, chỉ trong ngày 23-1, đơn vị đã phát hiện 2 vụ khai thác, vận chuyển gỗ lậu với số lượng lớn.
Số gỗ dẻ bị lực lượng phát hiện và thu giữ
Cụ thể, vào sáng 23-1, trong quá trình tuần tra tại khu vực rừng Xa Bai, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, cán bộ của Trạm kiểm lâm Hướng Tân đã phát hiện 3m3 gỗ dẻ, do lâm tặc đốn hạ đã được cưa thành phách chờ vận chuyển ra ngoài. Chiều cùng ngày, Trạm kiểm lâm Lao Bảo cũng thu giữ 6,4 tạ gỗ trắc (nhóm quý hiếm) khi phát hiện một đối tượng đang đưa gỗ đi tiêu thụ.
Hiện, toàn bộ số gỗ này đã được vận chuyển về cất giữ tại trụ sở của Hạt để xử lý.
Theo ANTD
Mới đầu năm nạn buôn gỗ lậu đã "nóng" Ngày 17-1, ông Lê Văn Thành, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hướng Hóa, Quảng Trị cho biết, chỉ trong vòng 15 ngày đầu năm 2013, đơn vị đã phát hiện 5 vụ vận chuyển gỗ lậu, thu giữ gần 10m3 gỗ quy tròn các loại. Thời gian cận Tết được xem là thời điểm lâm tặc hoạt động mạnh và manh động...