Công an Hà Nội cảnh báo người dân tránh “sập bẫy” sàn giao dịch GardenBO
Cơ quan công an khuyến cáo người dân không chuyển tiền, tham gia các hội nhóm liên quan đến sàn giao dịch GardenBO và các sàn giao dịch nhị phân để tránh bị lợi dụng hoặc thiệt hại về tài sản.
Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an TP Hà Nội phát hiện sàn giao dịch quyền chọn nhị phân GardenBO (website GardenBO.com) có dấu hiệu tổ chức huy động vốn, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh tiền tệ, trật tự an toàn xã hội.
Giao diện sàn giao dịch GardenBO.
GardenBO cho phép người chơi thực hiện giao dịch cá cược trên sàn, mỗi người chơi có từ 30 giây để tiến hành cá cược và chọn số tiền giao dịch. Đặt lệnh tăng (Xanh) hoặc giảm (Đỏ) theo tỷ giá của các đồng tiền ảo, như: Btc/Usdt, Eth/Usdt, Ltc/Usdt, Neo/Usdt tại thời điểm đặt cược, sau 30 giây sẽ có kết quả. Nếu dự đoán đúng, người chơi sẽ được hưởng 90% số tiền đặt cược, ngược lại sẽ mất toàn bộ số tiền đó.
Khi tham gia, người chơi phải đăng ký tài khoản trên trang web GardenBO.com, thông thường tên tài khoản sẽ là số điện thoại của người chơi. Người chơi phải nạp tiền vào tài khoản ngân hàng do sàn chỉ định trên website (mức thấp nhất là 40$, tương đương khoảng 1 triệu đồng), nội dung chuyển khoản là “tên đăng nhập”.
Sau khi sàn xác định người chơi chuyển khoản thành công, sàn sẽ ghi nhận số tiền của tài khoản trên trang GardenBO.com để người chơi có thể tham gia đặt lệnh. Số điểm sàn ghi cho người chơi dựa trên số tiền đã chuyển khoản, quy đổi theo tỉ giá đô la Mỹ (1$ = 23.400 đồng).
Để nhanh chóng mở rộng mạng lưới, các đối tượng sáng lập sàn GardenBO đưa ra các chính sách lợi nhuận cao, từ 10% – 80%/ngày, 10 ngày rút tiền một lần để thu hút, lôi kéo người tham gia; đăng tải các video quảng cáo trên YouTube; thành lập hàng chục hội nhóm trên Zalo, Facebook (có hội nhóm lên tới hàng nghìn thành viên) để quảng cáo cho hoạt động này.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất như cam kết nhưng chỉ là các điểm ảo được ghi nhận trên tài khoản, người chơi chỉ được quy đổi thành tiền Việt Nam một lượng rất nhỏ để tạo lòng tin, hoặc không quy đổi được.
Các hội nhóm có nhà đầu tư không rút được tiền sẽ bị xóa đi và các đối tượng tiếp tục lập các hội nhóm khác để lôi kéo các nhà đầu tư mới. Con số mà các nhà đầu tư chia sẻ khi bị mất tiền tại GardenBO lên tới hàng chục tỷ đồng.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là bất hợp pháp, do đó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân khi đầu tư tiền ảo.
Đặc biệt, người dân tuyệt đối không chuyển tiền, tham gia các hội nhóm liên quan đến sàn giao dịch GardenBO và các sàn giao dịch nhị phân (hoặc mô hình hoạt động tương tự) do nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tự lập để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc thiệt hại về tài sản.
Thủ đoạn buôn lậu xì gà của cựu tiếp viên hàng không
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Sơn mua xì gà ở châu Âu rồi mang về nước tiêu thụ. Sau này, anh ta mua hàng lậu qua một số đầu nậu trong nước.
Cảnh sát nói về thủ đoạn buôn lậu xì gà của cựu tiếp viên hàng không
Theo công an, Nguyễn Hải Sơn lợi dụng các chuyến bay chuyên chở hàng để đưa xì gà do nước ngoài sản xuất vào Việt Nam. Sau đó, số hàng trên được chia nhỏ để cất giữ ở nhiều nơi.
Ngày 6/4, cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an Hà Nội chia sẻ về chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu hơn 60 kg xì gà do Nguyễn Hải Sơn (cựu tiếp viên của hãng hàng không Bamboo Airways) cầm đầu.
"Nhóm của Sơn rất tinh vi. Đối phó với cơ quan chức năng, các bị can xé lẻ xì gà để vận chuyển với suy nghĩ nếu bị bắt cũng chỉ bị xử phạt hành chính", chỉ huy PC03 nói với Zing .
Gom hàng xì gà lậu
Dấu vết đường dây buôn bán xì gà nhập lậu của Nguyễn Hải Sơn bị trinh sát của Đội 7 PC03 phát hiện dịp giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Thời điểm đó, kẻ mua người bán xì gà hoạt động nhộn nhịp. Cảnh sát đã lập chuyên án, thu thập chứng cứ và dựng chân dung kẻ cầm đầu.
Theo điều tra viên, pháp luật quy định nếu mua bán, vận chuyển, tàng trữ từ 30 kg thuốc lá xì gà trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Nắm được điều này, Sơn và nhóm phân phối hàng cấm đã chia nhỏ xì gà thành nhiều lô hàng, mỗi lô dưới mức xử lý hình sự để vận chuyển và cất giấu nhiều nơi.
Nguyễn Hải Sơn đã bị khởi tố về tội Buôn bán hàng cấm. Ảnh: H.D.
Trước khi bị bắt, Sơn từng là tiếp viên hàng không trên một số chặng bay đến các nước ở châu Âu. Cơ quan điều tra xác định ban đầu, Sơn móc nối với các đầu nậu buôn xì gà ở nước ngoài để mua gom hàng rồi trực tiếp xách về Việt Nam.
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát khiến các chuyến bay nước ngoài bị tạm dừng khai thác, Sơn kết nối với Nguyễn Thế Nam (ở TP Thủ Đức, TP.HCM, đang bỏ trốn) để nhập xì gà từ người này. Nam cũng là người thu mua gom hàng lậu từ nước ngoài gửi về.
Khi giao dịch, Sơn và Nam chia nhỏ số thuốc lá lậu để vận chuyển nhiều lần qua dịch vụ bưu điện nhằm tránh bị phát hiện. Để che giấu hàng lậu, nhóm buôn bán còn sử dụng dịch vụ ship qua ứng dụng xe ôm công nghệ.
Sau gần nửa năm kiên trì lần theo dấu vết, trinh sát Đội 7 tìm ra được những địa điểm mà Sơn dùng để cất giấu xì gà và vạch thủ đoạn người này mua bán hàng lậu.
Chiều 29/3, tại đường Cổ Linh, quận Long Biên, Hà Nội, cảnh sát bắt quả tang Duy (tài xế xe ôm) vận chuyển gói xì gà do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ. Duy khai anh ta được Nguyễn Hải Sơn thuê ship hàng để giao cho khách.
Từ lời khai của tài xế, cảnh sát kinh tế bắt giữ Nguyễn Hải Sơn. Khám xét 4 địa điểm do anh ta sử dụng để cất giấu hàng lậu, cảnh sát thu giữ hơn 850 hộp xì gà với khoảng 9.500 điếu. Riêng tại căn hộ chung cư Sơn sống cùng bạn gái, cảnh sát thu hơn 3.500 điếu xì gà.
Chỉ bán cho người quen
Theo cảnh sát, Sơn sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để đăng bán xì gà trên các nhóm mạng xã hội. Lời khai của cựu tiếp viên hàng không Bamboo Airways cho thấy anh ta chỉ liên lạc với khách quen hoặc chủ các đầu mối tiêu thụ.
"Nếu người lạ gọi hỏi mua xì gà, Sơn không bao giờ nghe máy", cán bộ PC03 nói và cho biết giới tiêu thụ xì gà của Sơn cũng có kênh kết nối riêng biệt với nhau.
Sơn khai anh ta thu lãi hàng trăm nghìn đến hàng triệu đồng mỗi hộp xì gà. Ảnh: N.H.
Ngoài ra, Sơn còn tiêu thụ hàng cấm thông qua các đầu mối buôn hàng ngoại ở Hà Nội. Một trong số đó là Đức Anh (ở quận Hoàn Kiếm).
Theo cảnh sát, Đức Anh từng là đồng nghiệp của Sơn. Người này đã giúp Sơn tiêu thụ 10 hộp xì gà các loại với trị giá 40 triệu đồng. Đức Anh cũng bị cáo buộc giúp Sơn cất giấu hàng lậu.
Theo lời khai của Sơn, tùy chất lượng và thương hiệu của xì gà, anh ta sẽ bán hàng lậu với giá từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng mỗi hộp loại 10 điếu.
"Xì gà là mặt hàng xa xỉ phẩm. Tùy loại thuốc lá, Sơn hưởng lãi 300.000 đồng đến hàng triệu đồng mỗi hộp, qua đó thu lời ở mức siêu lợi nhuận", cán bộ PC03 thông tin thêm.
Kết quả điều tra ban đầu xác định Nguyễn Hải Sơn đã chi khoảng 2 tỷ đồng để mua xì gà lậu từ Nguyễn Thế Nam. Ngoài ra, Lê Hải Sâm (chủ cửa hàng rượu ở Hà Nội) có 8 lần bán lô xì gà trị giá khoảng 800 triệu cho Sơn.
Chỉ huy PC03 cho biết theo quy định của pháp luật, sau khi tòa xét xử vụ án và bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án sẽ tổ chức tiêu hủy toàn bộ tang vật trong các vụ án buôn lậu.
Ngày 5/4, Phòng Cảnh sát kinh tế đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hải Sơn về tội Buôn bán hàng cấm. Cơ quan điều tra đang truy bắt Nguyễn Thế Nam và làm việc với những người liên quan để mở rộng vụ án.
Theo Điều 190 Bộ luật hình sự, người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm sẽ bị phạt tiền tối đa 3 tỷ đồng hoặc phạt tù 1-15 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt đến 9 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Nhóm thanh niên "kẹp 4" mang hung khí dạo phố Phát hiện 4 thanh niên chở nhau trên 1 chiếc xe máy, Cảnh sát cơ động dừng kiểm tra thì phát hiện nhiều hung khí. Công an Hà Nội thông tin, khoảng 0h15' ngày 25/11, tổ công tác của Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm, Trung đoàn Cảnh sát cơ động CATP Hà Nội làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên địa...