Công an giúp dân gặt lúa chạy bão
Sáng 14/9, trước tình hình bão số 10 đang tràn về trong lúc nông dân còn nhiều lúa trên đồng có nguy cơ mất trắng, Công an Hương Sơn ( Hà Tĩnh) đã huy 52 cán bộ, chiến sĩ giúp dân thu hoạch 10 ha lúa.
Trước diễn biến của bão số 10, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, khẩn trương, quyết liệt phòng chống; với mục tiêu giảm tối đa các thiệt hại, đặc biệt về người.
Sáng 14/9, Ban Chỉ huy Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã huy động 52 cán bộ, chiến sỹ về xã Sơn Lễ và xã Sơn Ninh, giúp nhân dân thu hoạch lúa tránh bão.
Đồng thời, phối hợp với các lực lượng ở địa phương, giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, sơ tán lên vùng cao nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản trước cơn bão số 10 đến gần.
Chỉ huy lực lượng về giúp dân, có trung tá Uông Văn Đức – Phó trưởng công an huyện Hương Sơn. Đoàn được chia làm 2 tốp (26 người về xã Sơn Ninh, 26 người về xã Sơn Lễ), cùng nhân dân tham gia gặt lúa tránh bão.
Sau một thời gian tập trung làm việc, lực lượng cán bộ chiến sỹ Công an huyện Hương Sơn đã giúp dân 2 xã gặt được hơn 10 ha lúa vụ Đông trước khi bão đổ bộ.
Lực lượng biên phòng tuyến biển giúp dân phòng chống bão ở Quảng Trị (Ảnh: Đăng Đức)
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo lực lượng biên phòng Đồn Cửa Tùng, Cửa Việt… triển khai giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn. (Ảnh: Đăng Đức)
Tại Thanh Hóa, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trước những dự báo về diễn biến bất thường của cơn bão số 10, nông dân tỉnh này đang hối hả thu hoạch lúa.
Còn tại các địa phương ven biển, trong ngày 14/9, ngư dân đã huy động lực lượng để đưa tàu, thuyền vào bờ tìm nơi tránh trú và chằng chống để tránh va đập khi có bão đổ bộ. Đồng thời, ngư dân đã khẩn trương thu dọn ngư lưới cụ để đảm bảo an toàn.
Tại thành phố Sầm Sơn, ngư dân dọc ven biển cơ bản đã đưa tàu, thuyền cũng như bè mảng vào bờ an toàn. Trong đó tập trung nhiều theo dọc đường Hồ Xuân Hương. Tại vùng biển Sầm Sơn, đến đầu giờ chiều, mực nước biển cũng bắt đầu dâng khá cao, kèm theo những đợt sóng lớn.
Video đang HOT
Ngư dân các địa phương ven biển đưa tàu, thuyền cũng như bè mảng vào bờ trú ẩn
Ngoài ra, hầu hết các hàng quán dọc ven biển cũng đã được thu dọn trước giờ bão đổ bộ đất liền. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hàng quán đang mở cửa hoạt động bình thường. Cũng theo ghi nhận của phóng viên, một số cây xanh đã được người dân chặt tỉa để phòng tránh gãy đổ.
Ghi nhận đến đầu giờ chiều nay ngày 14/9, tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trời âm u, tuy nhiên vẫn chưa có mưa to và gió vẫn đang bình thường.
Nông dân huyện Triệu Sơn thu hoạch lúa mùa chạy bão
Thời tiết không nắng nhưng để phòng tránh mưa bão ngập lụt nên công tác thu hoạch lúa được triển khai khẩn trương tại nhiều địa phương
Ngư dân thu dọn ngư lưới cụ vào bờ
Đưa thuyền lên bờ
Nhiều tàu, thuyền đã được đưa vào nơi trú ẩn.
Hôm nay, một số tỉnh nằm gần vùng tâm bão như Thái Bình, Nam Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định… cũng đã khẩn trương có biện pháp phòng tránh thiên tai, không để người dân bị động khi bão vào, đồng thời đề phòng bão chuyển hướng.
Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng) cho biết, có 1.457 phương tiện/5.840 lao động đã về bờ neo đậu để trú bão số 10. (Ảnh: Khánh Hồng)
Sáng 14/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó bão, đặc biệt chú ý đến tình hình tàu thuyền trên biển (Ảnh: Công Bính)
Thái Bình kêu gọi các tàu thuyền vào tránh bão. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp và các hoạt động chưa cần thiết, tổ chức phân công lực lượng thường trực tại các cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão. (Ảnh: Đức Văn)
Nam Định chuẩn bị hơn 43.500 m3 đá hộc, trên 2.700 rọ thép, hơn 527.300 bao nilon để gia cố đê, kè khi có yêu cầu. (Ảnh: Đức Văn)
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, hiện nay hầu hết các tàu cá và ngư dân đã biết về thông tin bão số 10 đang di dời khỏi vùng nguy hiểm, về cập bờ. Các địa phương đang phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh kêu gọi 100 tàu còn lại nhanh chóng ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 10 trước 8 giờ sáng mai. Trong ảnh: Các tàu thuyền vào cảng Quy Nhơn tránh trú bão số 10 (Ảnh: Doãn Công)
Minh Lý – Duy Tuyên
Theo Dantri
Kêu gọi người dân khẩn trương thu hoạch lúa trước cơn bão lớn
Ngày 13/9, trước diễn biến phức tạp của bão số 10 dự báo có khả năng đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã có văn bản về việc khẩn trương thu hoạch lúa và hoa màu vụ hè thu năm 2017. Tại Thanh Hóa, qua thống kê vẫn còn hơn 1.000 tàu, thuyền hoạt động trên biển.
Việc khẩn trương triển khai thu hoạch mùa nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Dự báo đây là cơn bão khá mạnh, ngành nông nghiệp tỉnh động viên nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để ra đồng thu hoạch lúa và hoa màu.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, hiện địa phương còn gần 1.400ha lúa chưa thu hoạch.
Để việc thu hoạch lúa, hoa màu thuận lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị huy động mọi lực lượng và phương tiện, kể cả công an và lực lượng bộ đội để giúp dân.
Bộ đội giúp người dân gặt lúa chạy lũ. (Ảnh T. Phong)
Ngoài việc nhanh chóng thu hoạch lúa, hoa màu, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị còn yêu cầu các địa phương xây dựng phương án chống ngập úng cho cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt là cây hồ tiêu...
Cùng với văn bản của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, các địa phương cũng đã có chỉ đạo tăng cường công tác ứng phó bão.
Các địa phương tăng cường quản lý tàu, thuyền, thông báo kịp thời các chủ phương tiện đưa tàu vào neo đậu an toàn
Huyện Gio Linh đã có công điện gửi các xã, thị trấn ven biển phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin về diễn biến bão.
Thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện tàu, thuyền biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Tăng cường việc quản lý tàu thuyền ra khơi, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng phó khi có yêu cầu...
Thanh Hóa: Còn hơn 1.000 tàu, thuyền hoạt động trên biển
Bão số 10 được nhận định là cơn bão nguy hiểm, khi vào vịnh Bắc bộ vẫn mạnh cấp 12, giật cấp 15. Dự kiến bão số 10 sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Nam Định - Quảng Bình, trọng tâm là Nghệ An - Hà Tĩnh.
Đến chiều ngày 13/9, đã có hơn 3.400 tàu, thuyền của ngư dân Thanh Hóa vào các nơi tránh trú bão an toàn.
Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 14 giờ ngày 13/9, toàn tỉnh Thanh Hóa có 4.726 phương tiện tàu, thuyền với 11.807 lao động hoạt động trên biển.
Trong đó, có 3.478 tàu, thuyền đã vào các nơi tránh trú bão an toàn. Hiện địa phương này vẫn còn 1.239 tàu, thuyền với hơn 7.000 lao động đang hoạt động trên biển.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị chức năng theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt việc ra khơi của tàu thuyền; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã ra Công điện yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra.
Đồng thời, các ngành, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, thông tin kịp thời đến tổ chức và người dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh...
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định từ 13 đến 19 độ Vĩ Bắc, 114 độ Kinh Đông (khu vực nguy hiểm sẽ được điều chỉnh theo di chuyển của bão).
Đ. Đức - Duy Tuyên
Theo Dantri
TT-Huế: Bão chưa đổ bộ đã có 2 người chết và mất tích Mặc dù bão số 10 chưa đổ bộ vào đất liền nhưng tại Thừa Thiên - Huế đã có 2 người chết và mất tích. Tối nay (14.9), tin từ UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế) cho biết, vừa có 2 người dân trên địa bàn huyện thiệt mạng và mất tích mặc dù bão số 10 chưa vào đổ bộ vào...