Công an đã xác định điểm xuất phát vụ cháy chung cư mini như thế nào?
Sau 2 tiếng tiếp cận hiện trường, lực lượng khoa học hình sự đã xác định được điểm xuất phát vụ cháy chung cư mini khiến 56 người chết ở Hà Nội.
7 ngày sau, lực lượng này đưa ra nguyên nhân vụ cháy, sau khi giám định các mẫu vật thu được.
Khoảng 23 giờ 20 ngày 12.9, lửa bùng phát từ khu vực tầng 1 chung cư mini số 37, ngõ 29/70 Khương Hạ (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) sau đó lan nhanh lên các tầng trên.
Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ công an được huy động đến hiện trường để tổ chức chữa cháy, cứu nạn. Khoảng 1 giờ ngày 13.9, đám cháy được khống chế cũng là lúc nhiều tài sản bị thiêu rụi, 56 người chết và hàng chục người khác bị thương.
Tìm ra điểm xuất phát cháy
Nhận chỉ đạo, sáng 13.9, Phòng giám định kỹ thuật cháy nổ (Phòng 2, thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an) đã huy động 2 cán bộ giàu kinh nghiệm xuống hiện trường, phối hợp với Công an TP.Hà Nội tổ chức khám nghiệm để xác định nguyên nhân vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng này. Vụ cháy chung cư mini tại P.Khương Đình gây thiệt hại nặng nề và được dư luận, xã hội quan tâm.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ cháy. Ảnh KIẾN TRẦN
Chưa thể quên khoảnh khắc tiếp cận hiện trường, trung tá Phạm Ngọc Bảo, Phó trưởng phòng 2, cho biết đã tham gia khám nghiệm, giám định rất nhiều vụ cháy và không vụ nào giống vụ nào.
Trung tá Bảo cho hay, thời điểm tiếp cận, tầng 1 của tòa nhà có hơn 80 phương tiện, gồm cả xe máy, xe điện, xe đạp và phần lớn đều đã bị thiêu rụi. Sau khoảng 2 tiếng tiếp cận từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, kiểm tra kết cấu, vật liệu, dấu vết để lại hiện trường, trung tá Bảo đã xác định được khu vực xuất phát cháy.
Trung tá Phạm Ngọc Bảo kể lại quá trình tiếp cận hiện trường. Ảnh TRẦN CƯỜNG
Theo trung tá Bảo, đặc thù của giám định nguyên nhân cháy phải kết hợp cùng lúc 2 hoạt động giám định là dấu vết tồn tại khách quan tại hiện trường và giám định những mẫu vật thu được từ hoạt động khám nghiệm hiện trường để chứng minh. Từ 2 hoạt động này, giám định viên mới đưa ra được kết luận về điểm xuất phát cháy và nguồn nhiệt kết nối dẫn đến vụ cháy.
“Nhiều người thắc mắc tại sao cháy hết rồi mà vẫn kết luận được, thứ nhất các dấu vết tại hiện trường sẽ phản ánh quá trình cháy trên từng loại chất liệu, vật liệu. Giám định viên sẽ dựa vào quá trình hình thành dấu vết này để đánh giá chiều hướng tác động nhiệt, từ đó xác định điểm xuất phát cháy. Hiện trường tan hoang, bị tác động nhiệt nhưng vẫn sẽ để lại dấu vết”, trung tá Bảo cho hay.
Xem nhanh 20h ngày 27.9: Giải pháp nào cho chung cư mini và quảng cáo rác ở cột điện
Phải luôn cẩn trọng
7 ngày sau khi xảy ra vụ cháy, Phòng 2 đã có kết luận nguyên nhân xảy ra cháy xuất phát từ việc chập điện ở khu vực bình ắc quy của một chiếc xe tay ga chạy xăng.
Phần ắc quy của chiếc xe tay ga nơi xuất phát cháy bị thiêu rụi. Ảnh TRẦN CƯỜNG
Theo trung tá Bảo, khi so sánh tác động nhiệt giữa chiếc xe tay ga bị chập cháy thì bình ắc quy của phương tiện này đã cháy tan tành, những chiếc khác chỉ bị cháy một phần bên ngoài. Đồng thời dựa vào dấu vết nóng chảy chi tiết hợp kim nhôm ở giảm xóc có chiều hướng nhiệt từ trên xuống, so sánh với các xe khác để xác định điểm xuất phát cháy, và từ kết quả giám định thì mới khẳng định được điểm xuất phát cháy chính là chập điện dây dẫn từ bình ắc quy.
Ắc quy của các phương tiện khác còn nguyên vẹn. Ảnh TRẦN CƯỜNG
Nhiều người thắc mắc tại sao xe máy không hoạt động mà vẫn xảy ra chập bình ắc quy, trung tá Bảo cho hay, bản thân ắc quy luôn có điện, như một bộ lưu điện. Từ ắc quy đến các thiết bị sử dụng nguồn điện phải đi qua các đoạn dây dẫn, quá trình di chuyển thì ắc quy sẽ bị lỏng lẻo ở 2 cực, hoặc ô xy hóa, dây dẫn không đảm bảo… sẽ gây ra chập cháy. Rất nhiều vụ cháy như vậy đã xảy ra, như vụ cháy 5 người chết ở khu tập thể Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội) cũng bắt nguồn từ ắc quy của xe tay ga, hay nhiều vụ ô tô đang đỗ cũng chập, cháy từ bình ắc quy.
Trung tá Bảo xem chỉ cho phóng viên vị trí xuất phát cháy. Ảnh TRẦN CƯỜNG
Vụ cháy chung cư mini tại P.Khương Đình cũng vậy, chập cháy xuất phát từ dây điện nối ắc quy đến cầu chì và các bộ phận khác. Dựa vào những biến đổi màu sắc, dấu vết nóng chảy, vón cục, những dấu vết đặc trưng tồn tại khách quan trong vụ cháy để xác định được điểm xuất phát cháy.
“Tại hiện trường, giáp với vị trí cháy có 1 chiếc xe máy điện, nhưng bình ắc quy của phương tiện này vẫn còn nguyên”, trung tá Bảo nói.
Dù nguyên nhân không phải chập xe điện, trung tá Bảo vẫn khuyến cáo người dân cẩn trọng khi sử dụng xe điện và cả xe xăng, phải thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra bình ắc quy vì môi trường, thời tiết Việt Nam nóng ẩm, dễ bị ô xy hóa, dễ có chuột cắn dây điện và quá trình di chuyển làm lỏng đầu cực, lão hóa vỏ dây cách điện… đừng để đến khi hỏng thì mới đi chữa.
Vụ cháy chung cư mini: Hai bố con thoát chết ngoạn mục nhờ thùng nước tưới cây
Chiều 22/9, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức công bố ra viện cho 10 bệnh nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), trong đó có hai bố con ông Vũ Chí Dũng, sống ở tầng 9 đã thoát chết ngoạn mục nhờ thùng nước tưới cây trên sân thượng.
Theo chia sẻ của ông Vũ Chí Dũng (60 tuổi, Hà Nội), ông và con gái (học lớp 11) sống ở tầng 9 chung cư mini. Hơn 23h đêm 12/9, lúc đó ông chuẩn bị đi ngủ, con gái chạy vào phòng gọi "bố ơi, có mùi khét".
Ông Dũng chạy ra phòng khách, thấy tiếng ồn ào, tưởng gia đình hàng xóm cãi nhau. Ông mở cửa ra xem thì bất ngờ bị khói đen xộc vào nhà, sau đó nghe thấy tiếng hô "cháy rồi".
"Lúc đó cuống quá chẳng kịp nghĩ gì, hai bố con vội chạy ra ngoài định xuống cầu thang, nhưng quên điện thoại, tôi lại chạy vào nhà. Khi quay trở ra thì khói từ cầu thang bốc lên mù mịt hết hành lang tầng 9, sặc sụa không thể đi xuống. Hai bố con quay ngược trở lên sân thượng", ông Dũng nói.
Hai bố con ông Dũng may mắn thoát nạn trong vụ cháy chung cư và được xuất viện vào chiều 22/9.
Theo ông Dũng, cửa lên sân thượng không khóa, nhà lại ở ngay sân thượng nên hai bố con "cố thủ" ở đây. "Trong lúc khói mù mịt, ho sặc sụa, có thùng xốp đựng nước tưới cây ở sân thượng, hai bố con cởi áo nhúng vào thùng nước đưa lên bịt mũi, miệng. Áo khô lại nhúng tiếp, cứ thế, hai bố con cầm cự đến hơn 3h sáng, khi đám cháy được dập tắt, bớt khói, cầu thang cũng bớt nóng, chúng tôi được lực lượng cứu hộ lên đưa xuống", ông Dũng kể lại.
Bố con ông Dũng là trường hợp thoát nạn may mắn và ngoạn mục trong vụ cháy. Trước khi được đưa xuống xe cấp cứu, bố con ông Dũng còn nghe thấy nhiều tiếng kêu cứu, ban đầu tiếng kêu còn to, sau nhỏ dần, rồi tắt lịm.
"Tầng thượng mở cửa suốt 7 năm nay, chưa bao giờ khóa, nhưng đáng tiếc, nhiều người không chạy lên được tầng này", ông Dũng nuối tiếc.
Theo chia sẻ của ông Dũng, tầng 9 có 3 hộ gia đình sinh sống thì cả 3 hộ đều thoát nạn trong vụ cháy. "Có 2 gia đình chạy ra ngoài thì đều thoát nạn và sống hết. Một gia đình ở trong nhà là hai mẹ con do khi họ chạy ra ngoài gặp khói bốc lên quá mạnh, họ quay vào nhà, tháo song sắt ban công, nhảy từ tầng 9 sang mái nhà tầng 6 hàng xóm. Hiện sức khỏe của con đã dần ổn định, mẹ được cấp cứu ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng qua cơn nguy kịch, đang tiến triển tốt", ông Dũng chia sẻ thêm.
Hai bố con ông Dũng là 1 trong 10 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai được ra viện hôm nay. Hai bố con vào nhập viện trong tình trạng nhiễm độc khí CO nhẹ, sau 9 ngày điều trị, cả 2 đã ổn định và được xuất viện.
"Tôi mua căn chung cư vào năm 2016, lúc đó có giá 800 triệu và chẳng bao giờ nghĩ đến nguy cơ cháy. Trong ký ức của tôi, không thể nào quên giờ phút kinh hoàng đó. Những người hàng xóm chung sống bao nhiêu năm, họ không may mắn thoát được, giờ không gặp lại nữa, thật đau xót và buồn vô hạn", ông Dũng buồn bã chia sẻ.
Ra viện, không còn chỗ ở, bố con ông Dũng về ở tạm nhà bạn một thời gian rồi tính sau. Làm nghề lái xe công nghệ, nay xe cháy, tài sản mất trắng, ông Dũng mong được TP và chính quyền địa phương hỗ trợ để có tiền mua xe, tiếp tục công việc mưu sinh.
Bà Hà chia sẻ về việc gia đình con gái bà được cứu sống trong vụ cháy.
Trong buổi ra viện chiều nay, có nhiều gia đình sống sót sau vụ cháy, trong đó có gia đình gồm 4 người ở tầng 2, thoát được nhờ tự làm cửa thoát hiểm cách đây 7 năm.
Theo bà Đoàn Thị Thu Hà (Hà Nội), gia đình con gái bà mua căn chung cư mini ở tầng 2 cách đây 8 năm. Hơn 1 năm sau, hai vợ chồng tự làm cửa thoát hiểm ở mặt sau căn nhà. "Lúc nhận được điện thoại của con gái là vụ cháy xảy ra được 2 tiếng, tôi rụng rời chân tay. Nhà tôi cách đó 1km, khi chạy đến, thấy cả nhà con gái đã được cứu, tôi mừng rơi nước mắt", bà Hà cho biết.
Theo lời bà Hà kể lại, đêm xảy ra vụ cháy, con rể bà là anh Phạm Văn Lợi cùng 2 con đã đi ngủ, chỉ còn con gái bà - chị Nguyễn Thị Linh đang làm việc trên máy tính. Nghe tiếng kêu cháy lần thứ 5 của người bảo vệ ở tầng 1 vọng lên, chị Linh mới biết là có cháy và chạy vào gọi chồng cùng các con dậy. Cả nhà lao ra cầu thang định chạy xuống nhưng lửa và khói bốc lên nghi ngút, họ lại chạy lên.
Vào nhà, hai vợ chồng định lấy chăn buộc lại để leo xuống qua cửa thoát hiểm, nhưng 2 con (4 và 7 tuổi) không thể leo bằng cách này, nên hai vợ chồng định mỗi người ôm một đứa, nhảy từ tầng 2 xuống. Lúc này khói đã tràn đầy vào nhà.
Đang lúc chuẩn bị nhảy thì có người hàng xóm ở gần đấy gọi to, anh này mang chiếc thang đến và giúp đỡ cả gia đình anh Lợi xuống đất an toàn.
"May sao con tôi lại làm cửa thoát hiểm từ 7 năm trước, nếu không có cửa thoát hiểm này, thì cả nhà không giữ được tính mạng, thật là may mắn", bà Hà cho biết.
Cả gia đình được đưa đi cấp cứu, 3 người (gồm bố, mẹ và con út) bị nhẹ nên được xuất viện sớm. Riêng cháu bé 7 tuổi được đưa vào bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ngạt khí CO, tổn thương não nhẹ, thở oxy, hiện nay sức khỏe cháu đã ổn định. "Hiện các con đang về nhà tôi ở", bà Hà cho biết.
Hà Nội: Nhiều chủ nhà trọ 'cấm cửa' xe đạp điện sau vụ cháy chung cư mini Chị K đã mang chiếc xe đạp điện về quê và mua cho con gái một chiếc xe đạp thường, tránh trường hợp bị chủ trọ không cho vào khu để xe. Sau vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong ở Hà Nội, nhiều nhà trọ, chung cư mini đã 'cấm cửa xe đạp điện' vì sợ mất an toàn...