Confession – Góc tâm tình ẩn danh hay ổ bắt nạt online trá hình?
Có lẽ confession là 1 trong những trào lưu được ưa chuộng lâu nhất với cư dân mạng Việt Nam. Và cái gì tồn tại đủ lâu thì đều sẽ có những “biến thể” khó lường của nó.
Flashback một chút 6 năm về trước, cùng với trào lưu làm vlog Youtube, xu hướng để avatar Facebook nghiêng 1 bên đầu, mốt mặc quần áo, phụ kiện có đính đinh nhọn… thì trào lưu confession khi ấy cũng làm mưa làm gió không kém trên MXH. Trend nào rồi cũng qua đi, nhưng confession thì không.
Đến tận bây giờ, các trang confession ở Việt Nam còn trở thành những fanpage lớn tới cả hàng trăm nghìn, hàng triệu followers, trải dài ở đủ các lĩnh vực, tương tác thì lên đến cả chục ngàn likes. Thậm chí có những trang confession còn trở thành nền tảng để các đối tác book quảng cáo, có báo giá chuyên nghiệp như 1 công ty độc lập.
Nhưng trong 6 năm qua, confession ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở đó. Đâu đó có những lời thú tội, lời bộc bạch, lời tâm sự đã biến tấu thành những bài đăng tiêu cực, độc hại và vô tình biến nhiều người trở thành nạn nhân của vấn nạn bắt nạt online.
Biết là sẽ có lúc Confession bị biến tấu, nhưng khó lường lại nhanh đến thế
Confession có nghĩa là “lời thú tội”, “lời thú nhận”. Theo nghĩa gốc, confession và các diễn đàn/ fanpage/ hội nhóm confession được xem là nơi để người dùng MXH trút bầu tâm sự, thể hiện những tâm tư tình cảm, bộc bạch những suy nghĩ thầm kín khó nói. Sở dĩ confession trở thành cơn sốt MXH thời điểm 2013 – 2014 và cho tới tận bây giờ là bởi giúp người dùng có thể nói ra nỗi lòng trực tiếp nhưng lại đảm bảo bí mật danh tính (ẩn danh).
Facebook chính là nền tảng phát triển mạnh mẽ nhất của trào lưu confession.
Ý nghĩa ban đầu của confession là những bài viết thuần tâm sự, thổ lộ, được xem như góc giải trí và thư giãn của nhiều người. Vậy mà càng về sau, confession lại biến tấu thành lắm hình thức lạ, xuất hiện nhan nhản mà đôi khi đến chính chúng ta còn chẳng nhận ra. Lời tỏ tình crush được thay thế bằng 1 bài… “bóc phốt” hot face trung học dài 4 mặt giấy, tâm sự công sở lại hoá ra nói xấu sếp, dìm đồng nghiệp, confession yêu thương idol lại thành nơi cho antifan trá hình ném đá, bôi xấu… Từ thú tội thành “bóc phốt”, từ tâm sự online thành “ném đá tập thể”, sự biến chuyển đó nhanh tới mức khiến nhiều người lầm tưởng confession là nơi để nói xấu đặt điều cho người khác, mà hoàn toàn quên đi ý nghĩa ban đầu của nó.
Bên cạnh những bài viết “bóc phốt”, đả kích người khác thì một số trang confession trở thành để dò hỏi – trao đổi thông tin cá nhân, hay là chốn đàm tiếu cho những “tay chơi” về các chủ đề tục tĩu, nhạy cảm. Nôm na gọi chung là những confession “bẩn”. Mà éo le thay, những điều xấu xí, không lành mạnh thì lại càng được chú ý, được bàn tán nhiều hơn.
Ẩn danh nhưng tổn thương vẫn là thật
Một ngày bạn lướt MXH làm gì? Vào group kín ngắm các em chó mèo? Lập clone đi war fandom? Mở 30 tab stalk nick Tuesday và đồng nghiệp Tuesday? Ting ting, thật ra câu hỏi này không phải để tìm hiểu cụ thể là bạn làm gì trên MXH, mà chỉ cần xác nhận bạn có lên mạng là được. Vì thời buổi bây giờ nếu sở hữu 1 nick Facebook trên 300 friends là gần như bạn có thể cập nhật đầy đủ các drama đang nóng hổi rồi. Cư dân mạng kiểu gì cũng share, và nó sẽ chình ình ngay trên newsfeed của bạn.
Trên Facebook, có không ít những trang confession với nội dung không lành mạnh, nhưng cũng có cả những page nhìn tưởng lành mạnh nhưng lại là ổ “bóc phốt” trá hình. Ví dụ như trang confession lớn của 1 trường đại học tại Hà Nội với vài triệu follow, lại là nơi để những cô cậu sinh viên (hoặc người đã ra trường) ngồi lê đôi mách về 1001 câu chuyện tình cảm cẩu huyết ngôn tình. Kịch bản chung sẽ là nam chính/ nữ chính ẩn danh kể về chuyện tình cảm Tiên đồng Ngọc nữ của mình, rồi sẽ có cao trào phản bội/ phá thai/ tranh chấp tài sản/ cha mẹ phản đối…, không quên cái kết là oán trách người yêu cũ, thậm chí còn để lại thông tin họ tên đầy đủ để dễ bề cho… cư dân mạng “ném đá”.
Video đang HOT
1k, 2k,… rồi 10k, 15k lượt chia sẻ, đã có những confession của đại học đạt đến cả trăm ngàn tương tác trên Facebook, đừng hỏi nhân vật bị “bóc phốt” có kết cục như thế nào, vì kiểu gì anh ấy/ cô ấy cũng đã phải khoá vội Facebook trước sự tấn công của cộng đồng mạng.
Năm 2019 có thể người ta không chụp ảnh giơ 2 tay chữ V nữa vì sợ bị chê “lúa”, nhưng 2019 thì cư dân mạng vẫn cứ là “bóc phốt” nhau bằng confession như thường. Chẳng phải hồi tưởng xa xôi mà ngay bây giờ đây. Hơn 1 tháng trước trên Facebook, cư dân mạng đã chia sẻ chóng mặt confession “ác cảm với con gái thành phố” của 1 thanh niên ẩn danh (bài viết được đăng tải công khai trên 1 trang confession lớn của 1 trường đại học K. ở Hà Nội). Nôm na cả bài viết đã bôi xấu, đặt điều theo hướng tiêu cực hoá cho những sinh viên sinh ra và lớn lên ở các thành phố lớn, nào là “tiểu thư”, nào là “ăn bám cha mẹ”, “ăn chơi sa đoạ, bar sàn bay lắc”, vân vân và mây mây… Chẳng cần gọi tên ai cụ thể, mà thanh niên chơi lớn gộp luôn cả triệu sinh viên thành phố trong 1 bài “ném đá”, trúng ai thì trúng, anh cứ ném.
Confession “ném đá con gái thành thị” với những con số tương tác khủng.
Khỏi phải nói, confession đó đã tạo ra làn sóng tranh cãi dữ dội trên MXH với hơn 17k comments, mà phần lớn bình luận đều phản đối ý kiến của chủ confession “ném đá”. Nhưng đây chỉ là 1 trong số ít những trường hợp người viết confession (kẻ ẩn danh) bị cư dân mạng (đám đông) phản đối. Vì đa phần, những confession “bóc phốt” thường được lòng đám đông, và hiệu ứng tiêu cực thì cứ thế lây lan chóng mặt.
Vì ẩn danh và đứng giữa đám đông bao giờ cũng dễ dàng
Một confession “bóc phốt” (hay ném đá) thường có 3 đối tượng: kẻ ẩn danh, nạn nhân và đám đông. Chưa bàn đến nội dung đúng hay sai, nhưng tất cả ngôn từ nặng nề của kẻ ẩn danh và đám đông hùa theo nhắm vào nạn nhân chẳng khác nào hành vi bắt nạt online.
Confession chính là minh chứng rõ nhất cho mức độ vô tâm của con người khi danh tính được giữ kín. Do tính chất bảo mật, ẩn danh của confession nên những người thú tội dường như không hề lo sợ, vì họ hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm cho những gì họ viết ra nếu lỡ có gây ra hậu quả nào đó. Chính tính năng tương tác một chiều của confession, mà những lời tự thú “bẩn” có thể xuất hiện một cách quang minh chính đại. Với 1 đám đông “thèm khát drama” như cư dân mạng, thì những gì càng thị phi, càng “cẩu huyết” thì lại dễ được lan truyền hơn. Kẻ xấu đã đạt được mục đích, người được nhắc đến trong confession trở thành nạn nhân của làn sóng cyber bully online.
Như nhà triết học người Pháp Voltaire đã nói: “Chẳng có bông tuyết nào cảm thấy có trách nhiệm khi tuyết lở xảy ra”. Vậy nên với một người đứng giữa đám đông ném đá, liệu họ có cảm thấy áy náy và có lỗi với hành vi của mình?
Đứng trước 1 vụ việc, con người có tâm lý đổ thừa hành vi của mình cho đám đông (hay còn gọi là đổ lỗi cho hoàn cảnh), chưa kể đó còn là 1 đám đông đang hừng hực khí thế công kích người khác: “Khẩu nghiệp 1 tý chắc chẳng sao, họ cũng chẳng biết mình là ai”. Cứ thế, người khổ sở nhất là nạn nhân, người hả hê nhất là kẻ ẩn danh viết confession, còn đám đông thì vẫn cứ vô tư vui vẻ mặc kệ ai buồn, ai đau.
Chúng ta phải làm gì để bảo vệ bản thân?
- “Nhìn kĩ chị không đẹp”.
- “Con người 10 bữa đẹp thì cũng phải có 1 bữa không có đẹp chứ em, mình đẹp hoài người ta nói mình không nhân văn” – Thuỷ Tiên.
Dành cho những ai chưa biết, đây là màn đáp trả thâm thuý (mà vẫn hài hước) của nữ ca sĩ Thuỷ Tiên dành cho antifan được chia sẻ rầm rộ trên MXH thời gian vừa qua. Thay vì im lặng chịu đựng, Thủy Tiên luôn chọn cách đáp trả, đối diện thẳng thắn với những bình luận khiếm nhã. Cô luôn nhận được nhiều lời nể phục về cách cư xử khéo léo của mình.
Không phải ai cũng “có bản lĩnh” như Thuỷ Tiên.
Cách ứng xử của Thuỷ Tiên được xem là sự phản kháng khéo léo, vừa đủ lại vừa thấm thía với những ai “có duyên chết liền”. Nhưng làm thế nào để được như Thuỷ Tiên? Những nạn nhân của các confession bắt nạt online trá hình phải làm gì? Một số người trẻ đã đưa ra giải pháp trước câu hỏi của chúng tôi về vấn nạn cyber bully tập thể qua confession:
- “Bạn thân của mình từng bị nhóm con gái trong lớp đá đểu trên confession trường là chuyên đi thả thính dạo, lăng nhăng các thứ… Những gì bạn mình làm chỉ là cười khẩy, khoá Facebook và lờ đi. Bạn tỏ ra như vậy nhưng mình biết thừa là nó cũng suy nghĩ nhiều. Lúc ý nó hay rủ mình đi chơi, đi học. Không đi với mình thì cũng đi với hội con trai trong lớp. Đợt ý cũng căng thẳng, nhưng rồi cũng qua, giờ chẳng ai còn nói này nói nọ bạn mình cả”, Trương Lập Đông (21 tuổi, sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên Truyền).
- “Theo mình, đã là nạn nhân thì dù có làm gì cũng sẽ bị ném đá, công kích nhiều hơn. Vì một khi cộng đồng mạng đã gán cho mình cái tội, thì làm gì cũng sẽ bị ghét thôi. Mình sai thì sửa, không sai thì cũng đừng làm gì cả. Bơ đi và tiếp tục sống, bạn bè hiểu thì sẽ có người ở cạnh mình”, Nguyễn Ngọc Nhu (nhân viên văn phòng, Hà Nội).
- “Mình từng bị người yêu cũ kể xấu trên 1 trang confession 18 đây, vì chuyện chăn gối. Thời điểm đó, cuộc sống mình bị đảo lộn, hình ảnh thì bị bêu rếu khắp MXH. Mình đã xấu hổ và suy nghĩ tiêu cực. Mọi chuyện chỉ được giải quyết khi mình lên tiếng đáp trả bạn trai cũ, và có những người thực sự hiểu chuyện ủng hộ mình. Hãy để sự tiêu cực đó có ích, làm đúng việc, đúng người, và cả chút may mắn nữa”, H.B.N (giấu danh tính).
- “ Khi vô tình trở thành nạn nhân của bắt nạt online, bạn nhất định đừng luẩn quẩn một mình. Việc tự mình đối diện với nó chỉ khiến bạn suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là làm những điều dại dột. Trò chuyện, tâm sự với ai đó. Tìm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè. Luôn nhớ có ai đó sẵn sàng giúp bạn, chỉ cần bạn lên tiếng nha!” – Hoài Anh.
Đã đến lúc chúng ta cố gắng không phải để thay đổi, mà là để trả lại đúng ý nghĩa ban đầu của việc viết confession – để thổ lộ, chia sẻ, tâm tình, chứ không phải là góc bắt nạt online trá hình. Và sự cố gắng nào cũng nên bắt nguồn từ 3 phía: cả những kẻ thú tội, nạn nhân và đám đông.
“Bye Bye Bully – Ngừng buông lời ác” là một campaign được thực hiện nhằm nâng cao ý thức của người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ về vấn nạn bắt nạt online (cyber bully). Cho dù bạn có là nạn nhân hay một kẻ bắt nạt ẩn sau màn hình máy tính đang chật vật tìm cách quay đầu đi chăng nữa thì tại đây, bạn đều sẽ được lắng nghe và nhận được sự giúp đỡ.
Theo Helino
Vì sao chỉ một lời nói qua mạng cũng có thể trở thành "con dao" làm hại đến tính mạng người khác?
Những câu nói tưởng như vô hại, thậm chí chỉ được gửi qua mạng nhưng lại có thể tác động đến sức khoẻ, tinh thần của một người, dẫn đến rất nhiều hậu quả. Vậy thì nguyên nhân là do đâu?
Trong cuộc sống của thời đại công nghệ và mạng xã hội ngày nay, mỗi ngày chúng ta sẽ phải tiếp xúc với không ít các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau trên Internet. Không biết từ bao giờ nhưng cuộc sống đời thực chưa bao giờ gắn bó chặt chẽ với mạng xã hội đến thế. Điều này mang đến nhiều lợi ích, nhưng đồng thời cũng gây ra không ít hệ luỵ, mà điển hình nhất và dễ thấy nhất trong thời gian gần đây chính là tình trạng "bắt nạt online".
Nghe thì có vẻ vô lý, nhưng rất nhiều trường hợp thực tế đã cho thấy rằng những lời nói, những câu chửi rủa trên mạng tưởng như vô hại nhưng lại âm thầm trở thành "lưỡi dao" cứa vào tâm hồn người khác, gây nên hàng loạt các vết thương tinh thần, mà nặng nhất là dẫn đến hành vi tự tử của nạn nhân.
Những lời nói miệt thị trên mạng cũng là một dạng áp lực
Chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận nguyên nhân rằng áp lực từ công việc, học hành, cuộc sống dẫn đến stress, ảnh hưởng tâm lý. Thế nhưng bạn có biết, những lời nói miệt thị trên mạng cũng là một dạng áp lực đối với người phải gánh chịu? Nó gây ra các cảm xúc tiêu cực, khiến nạn nhân rơi vào các tình trạng như lo lắng, stress, trầm cảm..., lâu dần sẽ dẫn đến các vấn đề rối loạn tâm lý, rối loạn tinh thần.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Pittsburgh thực hiện trên 1.787 người trưởng thành (tuổi 19 - 32) - là thành viên của mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, Instagram... đã cho thấy rằng: thời gian dành cho mạng xã hội của họ là rất cao. Thời gian họ dành cho mạng xã hội ít nhất 61 phút/ngày và tần suất vào là 30 lần/tuần. Trong số đó, có rất nhiều người do chán nản, buồn bã nên tìm đến mạng xã hội để giải khuây. Thế nhưng thay vì tìm thấy niềm vui, sự cô đơn, thậm chí là bị miệt thị bởi những người khác sẽ khiến tình trạng tồi tệ hơn rất nhiều.
Khi những lời nói trên mạng ngấm ngầm tác động đến tinh thần và dẫn đến hệ luỵ nghiêm trọng: Trầm cảm
Chúng ta thường coi nhẹ vấn đề trầm cảm, thậm chí bản thân một người mắc bệnh cũng chưa chắc đã nhận biết được là mình đang mắc bệnh. Đó chính là mối nguy hiểm khi những lời nói trên mạng bị người phát ngôn coi nhẹ, nhưng với người phải hứng chịu lại đang khó khăn để chịu đựng hoặc tìm cách thoát ra. Theo thời gian, nó gây nên những ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, mà người ta hay gọi là tổn thương/vết thương tinh thần.
Tình trạng trầm cảm nói riêng và các rối loạn tâm lý nói chung là điều có thể xảy ra với bất kì ai, ở bất kì lứa tuổi nào. Theo Tiến sĩ Sudhir Bhave, Giáo sư và Trưởng phòng khoa tâm thần tại Viện Khoa học Y khoa NKP Salve, cuộc đời mỗi người đều có 10% khả năng mắc bệnh trầm cảm ở một thời điểm nào đó. Trong đó, những thời điểm dễ bị trầm cảm nhất thường là:
- Tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi thất thường, nếu không có ai để chia sẻ có thể dễ dàng rơi vào buồn chán, tuyệt vọng...
- Sau khi sinh, tâm sinh lý không ổn định, lại gặp phải nhiều thay đổi trong cuộc sống nên tâm lý ảnh hưởng, dễ dẫn đến trầm cảm.
- Giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ thường mặc cảm về ngoại hình, hay suy nghĩ bi quan, lo lắng, trầm uất và dễ kích động...
- Các giai đoạn trong cuộc sống gặp phải biến cố khiến cho tâm lý bị sốc, rơi vào buồn bã, đau khổ hay bị stress, áp lực kéo dài...
Đứng trước những điều này, bản thân mỗi người đều cần biết cách tự bảo vệ mình, và bảo vệ cả những người xung quanh. Việc đơn giản đầu tiên mà bạn có thể làm chính là bài trừ tình trạng "bắt nạt online".
Nguồn: The times of India, Telegraph...
Theo Helino
Giới trẻ nói về cyber-bully: Bắt nạt online như cách nhanh nhất để một số người điền cảm giác hả hê vào khoảng trống tâm lý mà họ đang gặp phải! Với những người trẻ, lực lượng sử dụng MXH đông đảo nhất thì việc bắt nạt và bị bắt nạt qua mạng đã chẳng còn lạ lẫm gì. Vài năm gần đây, bắt nạt online, bắt nạt qua mạng đã trở thành vấn đề nhức nhối, đặc biệt là với cộng đồng mạng. Thế nhưng thực tế thì vấn đề này lại không...