Condotel: Tiềm ẩn rắc rối trong quản lý vận hành khi đi vào hoạt động
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu không có mô hình huy động vốn như condotel thì Việt Nam không thể có các công trình nghỉ dưỡng lớn như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc bảo trì các căn hộ condotel thế nào, quản lý ra sao, mô hình chia sẻ lợi nhuận… đều chưa có quy định của Nhà nước.
Tại “Diễn đàn bất động sản du lịch biển Việt Nam 2018″ do báo The LEADER tổ chức, Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết hiện tại thị trường có tổng nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng lưu trú lớn nhất là Nha Trang.
“Mặc dù sinh sau đẻ muộn so với Đà Nẵng nhưng thị trường này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và vượt xa sự tưởng tượng trong 3 năm qua. Tổng nguồn cung lưu trú tại Nha Trang là gần 25 ngàn căn; trong đó có khoảng số căn đang được xây dựng, và dự kiến đến năm 2020, tất cả các dự án này sẽ được hoàn thiện”, Bà Dung nhấn mạnh.
Cũng theo bà Dung, Nha Trang cũng được dự báo là thị trường du lịch biển có nguồn cung dồi dào nhất trong 2 năm tới, tiếp sau đó là Đà Nẵng, Hạ Long và Phú Quốc. Hiện nay, Nha Trang và Đà Nẵng là hai thị trường tiên phong trong phát triển khách sạn trung và cao cấp.
Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, nhưng so với các thị trường lân cận, 4 địa phương này vẫn còn cách khá xa. Lấy dẫn chứng từ Phuket (Thái Lan) tổng lưu trú tích luỹ hiện nay ở khoảng 98.000 căn bao gồm 80.000 phòng khách sạn 4-5 sao. Một thị trường phát triển mạnh hơn thế nữa là Pattaya (Thái Lan) với tổng lưu trú tích luỹ là 130.000 phòng.
Nhìn nhận ở góc độ tích cực, bà Dung cho rằng đây sẽ là tiềm năng rất lớn đề bất động sản du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển thị trường.
Đồng quan điểm với bà Dung, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết trong khi thị trường chung cư và căn hộ ổn định bất động sản nghỉ dưỡng đang là điểm sáng.
Theo ông Hà, với lợi thế bờ biển dài, an ninh tốt, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam rất thuận lợi để phát triển. Nhiều dự án cao cấp được xây dựng dọc theo đất nước, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
Video đang HOT
Trong đó, &’time share’, mà điển hình là mô hình condotel đã hút đầu tư mạnh trong thời gian qua, giúp tạo ra những khu du lịch, nghĩ dưỡng cao cấp, đồng bộ tại các thành phố biển nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc.
Ước tính năm 2017, có 12.500 sản phẩm bất động sản du lịch như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng tiến hành giao dịch. Sang năm 2018, các giao dịch tập trung sang các điểm sáng như Quy Nhơn, Quảng Bình, Vân Đồn, Bắc Vân Phong…
Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản- Bộ Xây dựng: “2 năm trở lại đây, bất động sản du lịch đang nổi lên là một lĩnh vực kinh doanh mới tại Việt Nam”.
“Với bất động sản nghỉ dưỡng, các chính sách liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo trì, bất động sản du lịch cũng cần phải được hoàn thiện như quy định, hướng dẫn cụ thể về thời hạn sở hữu condotel, nghỉ dưỡng” ông Khởi nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Bộ Xây dựng, nhà chung cư hiện tranh chấp giữa chủ đầu tư và người sở hữu cũng rất căng thẳng về bảo trì, sở hữu. Condotel cũng gần giống mô hình nhà chung cư, nhưng quản lý vận hành thì người chủ sở hữu lại ủy quyền cho nhà đầu tư vận hành. Việc bảo trì các căn hộ condotel thế nào, quản lý ra sao, mô hình chia sẻ lợi nhuận… đều chưa có quy định của Nhà nước.
Ông Khởi cũng nhấn mạnh, để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư cần có sự hướng dẫn của Nhà nước, các hợp đồng mua bán, ủy quyền cũng phải được hướng dẫn mẫu để một số quy định tối thiểu cần phải có trong hợp đồng này, thì mới giúp cho mọi người huy động được nguồn vốn.
“Hiện nay Bộ Xây dựng đang phối hợp để xây dựng và ban hành các quy định và văn bản hướng dẫn để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển du lịch bền vững. Với bất động sản nghỉ dưỡng, các chính sách liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo trì, bất động sản du lịch cũng cần phải được hoàn thiện như quy định, hướng dẫn cụ thể về thời hạn sở hữu condotel, nghỉ dưỡng”, ông Khởi cho biết.
Lan Nhi
Theo Trí thức trẻ
Bất chấp cảnh báo "nóng", nhiều đại gia địa ốc vẫn "chuộng" đầu tư dự án condotel
Từ khoảng năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển một loại hình sản phẩm bất động sản du lịch mới, đó là căn hộ khách sạn (condotel), biệt thự, nhà phố trong các khu du lịch nghỉ dưỡng, tập trung phát triển tại các khu vực ven biển.
Theo một báo cáo vừa được Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) công bố, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là 3 địa bàn đang phát triển rất nóng loại hình sản phẩm căn hộ khách sạn này.
Dẫn số liệu thống kê của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, HoREA cho biết chỉ riêng các khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn (từ 50 ha trở lên) đã có 77 dự án, với tổng diện tích 18.019 ha; 16.537 phòng khách sạn, 12.056 căn hộ condotel, 11.174 biệt thự nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, còn có hơn 120 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô vừa và nhỏ, có diện tích dưới 50 ha/khu. Từ năm 2015 đến tháng 9/2017, cả nước đã có 71 dự án condotel, officetel được cấp phép với tổng số 25.639 căn. Trong đó, có 15.010 căn hộ condotel (Hà Nội: 4.114 căn; TP.HCM chiếm 208 căn; Đà Nẵng: 4.565 căn và các tỉnh khác: 5.823 căn).
Về phân khúc Officetel có 10.629 căn cả nước (Hà Nội: 3.726 căn; TP.HCM: 6.424 căn; và các tỉnh khác: 479 căn).
Hiện nay, HoREA cho rằng đang có một nghịch lý là tỷ lệ căn hộ condotel tại Việt Nam chiếm 56%, trong khi tỷ lệ phòng khách sạn chỉ chiếm 44% là không bình thường, vì ở các nước khác tỷ lệ phòng khách sạn bao giờ cũng cao hơn căn hộ condotel. Do vậy, theo hiệp hội này đến lúc thị trường cần phải có giải pháp định hướng phát triển phù hợp, bền vững.
Năm 2016, tổng nguồn cung căn hộ condotel đã lên đến 16.000 căn. Trong hai năm 2018, 2019, dự kiến trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 20.000 căn hộ condotel được mở bán, với diện tích căn hộ khoảng trên dưới 45 m2;.
Qua nghiên cứu, HoREA rút ra được một số vấn đề trong quá trình phát triển các dự án condotel các năm qua.
Theo HoREA, đó là: Lãnh đạo nhiều địa phương đã mời gọi và tạo điều kiện về quỹ đất, về thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư để đầu tư phát triển các dự án condotel phục vụ du lịch, đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo đô thị và góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương;
Thứ 2, để đầu tư dự án condotel, bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu, các chủ đầu tư chủ yếu vay nguồn vốn tín dụng ngân hàng, và tận dụng nguồn vốn nhà thầu để xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu và công trình của dự án condotel đến thời điểm huy động vốn của nhà đầu tư thứ cấp;
Vấn đề thứ ba là các chủ đầu tư bán căn hộ condotel cho khách hàng (nhà đầu tư thứ cấp) nhằm mục đích huy động vốn để thực hiện dự án, theo phương thức tương tự như bán nhà ở hình thành trong tương lai (mặc dù pháp luật chưa cho phép thực hiện phương thức này đối với các dự án không phải là bán nhà ở hình thành trong tương lai).
Thực hiện phương pháp bán hàng này, chủ đầu tư được lợi rất lớn vì thu hồi vốn đầu tư nhanh; có thêm nguồn vốn bổ sung thay thế vốn vay tín dụng; lại được quyền kinh doanh căn hộ condotel đã bán cho nhà đầu tư thứ cấp; mặc dù phải trả lợi nhuận cam kết cho nhà đầu tư thứ cấp nhưng vẫn rất có lợi so với đi vay ngân hàng; và được nhà đầu tư thứ cấp cùng gánh chịu, chia sẻ rủi ro trong quá trình khai thác, kinh doanh sau này. Trong khi đó, nhà đầu tư thứ cấp có thể chịu nhiều rủi ro và bị thua thiệt, như sau:
Chủ đầu tư bán căn hộ condotel với giá phổ biến dao động từ khoảng 25 - 55 triệu đồng/m2, khoảng trên 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/căn tùy thuộc đẳng cấp dự án, địa điểm dự án, vị trí căn hộ, và có cam kết lợi nhuận hoặc không có cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp.
HoREA phân tích cho thấy giá bán này cao vì tương đương với giá bán căn hộ trung cao cấp tại TP.HCM.
Trong đó: Đối với những dự án mà chủ đầu tư cam kết lợi nhuận từ 8 - 12% trong 8 - 12 năm thì trong giá bán có thể đã được nâng lên đủ để chi trả khoản cam kết lợi nhuận này cho nhà đầu tư thứ cấp; cả chi phí trang bị căn hộ; chi phí quản lý khai thác kinh doanh; Đối với những dự án condotel mà chủ đầu tư không cam kết lợi nhuận thì nhà đầu tư thứ cấp phải chịu thêm chi phí trang bị căn hộ, chi phí quản lý khai thác kinh doanh; Nhà đầu tư thứ cấp còn phải chịu thuế thu nhập cá nhân khi giao cho chủ đầu tư kinh doanh căn hộ condotel của mình
Trong vài năm tới, HoREA cho biết thêm nguồn cung căn hộ condotel có dấu hiệu tiếp tục phát triển nóng, tăng đột biến, có thể dẫn đến tình trạng bội thực cung vượt cầu, trong lúc hiệu quả khai thác, kinh doanh có thể không đạt như kỳ vọng dẫn đến một số chủ đầu tư có thể không thực hiện được cam kết lợi nhuận với khách hàng...
Nguyên Minh
Theo Nhịp sống kinh tế
Số lượng người tìm kiếm condotel tăng 50% so với năm 2016 Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Thị trường Bất động sản Việt Nam 2017 - 2018: Toàn cảnh & Dự báo" được tổ chức mới đây tại Hà Nội. Tại hội thảo, các chuyên gia cùng đại diện một số doanh nghiệp đã điểm qua tổng quan thị trường 2018 và triển vọng cho năm 2018. Theo đó các...