Con trai van nài bác sĩ sửa sổ y bạ của mẹ từ ‘tiên lượng nặng’ thành ‘bệnh nhẹ’
Cuối giờ chiều, sau một ngày dài làm việc, bác sĩ Hà Hải Nam “thắt tim” khi trò chuyện với một người đàn ông.
Anh cầm theo một quyển sổ y bạ mới và khẩn cầu “bác sĩ cứu em, em chỉ có một mẹ thôi”.
“Nam thanh niên cầm trên tay hai cuốn sổ y bạ. Một quyển ghi lịch sử khám với chẩn đoán ‘ ung thư đại trực tràng di căn, tiêng lượng rất nặng’, cuốn còn lại còn mới tinh”, bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Nam khoa Ngoại 1, Bệnh viện K (Hà Nội), chia sẻ.
Mục đích của cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này đó là người con trai muốn xin bác sĩ viết lại một cuốn sổ y bạ mới, giúp anh có thể giấu mẹ về bệnh tình thật sự của bà với mong muốn “mẹ có thể sống an yên những ngày tháng cuối đời”.
“Người đàn ông liên tục cúi mặt để che đi đôi mắt ngấn nước và van nài ‘bác sĩ cứu em với, em chỉ có một mẹ thôi’. Lúc đó, tim tôi như thắt lại. Thấu hiểu tình cảnh của bệnh nhân, nhưng nếu giúp anh nghĩa là tôi sẽ làm sai quy định. Vì vậy, tôi quyết định viết quyển sổ y bạ mới, nội dung vẫn đúng bệnh, nhưng thay từ ung thư bằng Carcinoma đại tràng. Với cách thay đổi này, có lẽ, người bệnh sẽ đỡ sợ hãi hơn”, bác sĩ Nam xúc động nhớ lại.
Làm việc ở chuyên ngành ung thư, đây không phải lần duy nhất bác sĩ Hà Hải Nam phải đối diện với tình cảnh người thân, bệnh nhân đến xin anh “giấu bệnh”.
Một trường hợp khác là người đàn ông 43 tuổi, nhận chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Biết mình không còn nhiều thời gian, nam bệnh nhân này chỉ có mong mỏi “bác sĩ đừng nói cho ai biết tôi bị ung thư. Nếu biết sự thật, người nhà sẽ đau khổ, hàng xóm kỳ thị, các con đang tuổi thi cử lo lắng”. Khi giấu người nhà, bệnh nhân hoàn toàn đơn độc trên cuộc chiến điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn bằng lòng.
Bác sĩ Nam tư vấn cho người bệnh. Ảnh: BSCC.
Video đang HOT
Từ thực tế làm việc, bác sĩ Nam cho biết: “Bất cứ ai biết mình bị ung thư đều sốc, người thân cũng sốc. Bác sĩ thông báo tình trạng sức khỏe cho người bệnh cũng rất khó khăn, phải lựa chọn thời điểm và cách thức phù hợp nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đúng sự thật”.
Về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, cho biết ung thư vẫn là căn bệnh khiến người dân sợ hãi. Hầu như bệnh nhân và người nhà nghĩ rằng ung thư là “án tử” nên nảy sinh tâm lý muốn giấu bệnh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng xét về mặt chuyên môn, người thân và bệnh nhân không nên giấu bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ và người nhà phải cân nhắc thời điểm phù hợp, xem xét bệnh nhân có thể đón nhận tin dữ hay không. Đồng thời, người bệnh cũng cần thời gian thích ứng với thông tin.
“Có những bác sĩ thông báo bệnh ung thư rất thẳng thắn như không thể điều trị, thời gian sống vài tháng. Điều đó là không nên, người bệnh và người nhà đều bi quan, căng thẳng”, Giáo sư Hùng cho biết.
Theo vị chuyên gia này, bác sĩ trao đổi với người nhà trước để tìm hiểu tâm lý bệnh nhân. Nếu người bệnh tâm lý thoải mái, mạnh mẽ, bác sĩ có thể trao đổi họ. Bệnh nhân cũng cần được giải thích kỹ tình trạng bệnh, tác dụng phụ khi điều trị để chuẩn bị thể lực và dinh dưỡng. Trường hợp không còn phương pháp điều trị, gia đình có thể cân nhắc việc giấu bệnh để họ yên vui sống những ngày cuối đời.
Câu hỏi đầu tiên khi hồi phục của bệnh nhân cuối trong vụ cháy chung cư mini
Là nạn nhân nặng nhất trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, anh Chương như được sinh ra một lần nữa nhưng hiện tại trí nhớ của anh vẫn chưa rõ ràng.
Cách đây 1 tuần, anh Chương hỏi mọi người thông tin về vợ con.
Chiều 6/11, sau khi nhận giấy ra viện từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Thiếu tá Nguyễn Văn Chương (công tác tại Lữ đoàn 21, Bộ Tư lệnh Biên phòng) trở về đoàn tụ với gia đình sau 55 ngày điều trị. Anh là nạn nhân nặng nhất trong vụ cháy chung cư mini xảy ra đêm 12/9.
Dắt tay con trai đi trên hành lang bệnh viện, ông Nguyễn Văn Chức (bố của Thiếu tá Chương) trò chuyện với con: "Hôm nay là ngày thứ 55 con nằm viện. Từ giờ, con cùng bố mẹ và anh về nhà nhé". Anh Chương nắm tay cha như đứa trẻ được che chở. Những bước chân của hai cha con chậm chạp nhưng đem lại sự phấn khởi cho các cán bộ, y bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai.
Ông Chức không giấu được niềm vui khi con trai hồi phục - đây là kỳ tích của Trung tâm Hồi sức cấp cứu. Gần 2 tháng đã có 27 cuộc hội chẩn toàn bệnh viện của các chuyên gia đầu ngành, bất kể ngày, đêm đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất. Có lúc, ông Chức tưởng con mình không qua khỏi nhưng phép màu vẫn đến với họ. Gia đình ông mang ơn tất cả các y bác sĩ không quản ngại cứu chữa và những người đồng đội đã sát cánh bên anh Chương.
Ông Chức túc trực bên con trai ở bệnh viện suốt 55 ngày qua. Ảnh: Phương Thúy.
Mẹ của anh Chương nhớ lại, 15 ngày đầu con nằm viện, bà luôn sống trong nỗi sợ hãi con có thể rời mình đi bất cứ lúc nào. Bà không dám nghe điện thoại của chồng và con trai cả từ bệnh viện gọi về. Ai hỏi về con, cháu, bà lại khóc.
Vợ chồng bà chỉ có hai con trai, được 4 cháu nội. Khi con trưởng thành, các cháu đi học, ông bà nghĩ rằng mình đã được an nhàn tuổi già nhưng hỏa hoạn bất ngờ cướp đi người con dâu và hai cháu nội. Đến thời điểm hiện tại, người mẹ không mong muốn gì hơn vì con trai được bình an trở về, mất mát gia đình dần nguôi ngoai.
Chia sẻ với phóng viên báo VietNamNet, anh Chương chưa nói được câu dài tròn vành, rõ chữ, ánh mắt luôn đăm chiêu nhìn ra xa. Anh nói nhỏ: "Tôi chưa biết bắt đầu lại từ đâu, sức khỏe bình thường, không còn khó thở. Tôi đã bình phục được 90%, chưa nhớ được hết, mọi thứ lờ mờ không rõ ràng".
Anh Chương không nhớ rõ đêm xảy ra hỏa hoạn như thế nào. Khi tỉnh lại, anh loáng thoáng nghe nhà mình bị cháy. Anh kể: "Tôi nhập ngũ từ năm 2005 rồi về công tác tại đơn vị, đến nay gần 19 năm. Tôi cưới vợ và có hai con gái tên Nguyễn Quỳnh Như, Nguyễn Thanh Huyền. Vợ tôi làm bác sĩ ở Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội)".
Khi nghe các y bác sĩ và thủ trưởng đơn vị chia sẻ về vụ cháy, các nạn nhân được đưa đi cấp cứu, hai bàn tay anh Chương run run, ánh mắt không giấu được nỗi buồn.
Anh Chương và mẹ vợ trong ngày anh ra viện. Ảnh: Phương Thúy.
Người nhà anh Chương chia sẻ, khi tỉnh lại trên giường bệnh, anh Chương nhận ra bố, mẹ, anh trai và các đồng đội của mình. Thủ trưởng đơn vị hỏi thăm, anh vẫn giơ tay chào hỏi theo lễ nghi quân đội.
Ông Chức cho biết, từ khi tỉnh khoảng 1 tháng nay, anh Chương vẫn rất thụ động. Người nhà, đồng nghiệp hỏi gì anh trả lời. Cách đây 1 tuần, anh Chương hỏi đồng đội của mình thông tin của vợ con. Nhưng họ chỉ trả lời: "Anh lo điều trị đi, mọi chuyện đã có ở nhà lo".
"Khi con dâu và cháu nội được 49 ngày cũng còn vài ngày nữa Chương ra viện, tôi quyết định nói với con trai chuyện con dâu và hai cháu nội đã mất. Lúc đó, Chương bình tĩnh, rơm rớm nước mắt nhưng không hốt hoảng, lại quên ngay. Thần kinh của Chương vẫn bị tổn thương, sống theo bản năng chứ chưa suy nghĩ được nhiều", ông Chức nói.
Chiều 6/11, cả gia đình anh Chương cùng nhau trở về quê nhà ở Sóc Sơn sau những ngày trải qua đủ cung bậc đau đớn tột cùng, hy vọng và niềm vui ở bệnh viện. Buổi tối, gia đình đã sắp mâm cơm cúng gia tiên và ăn bữa cơm đoàn viên. Nhiều người tới hỏi thăm động viên, anh Chương đã nói chuyện bình thường.
Trong thời gian tới, anh Chương tiếp tục điều trị phục hồi chức năng tại Trung tâm Oxy cao áp, Bộ Quốc phòng.
Gia đình anh Chương sống ở căn hộ tầng 8, chung cư mini số 37, ngõ 29, phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội. Đêm 12/9, vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư này khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương. Anh Chương được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, nguy kịch do ngộ độc CO2, toàn bộ cơ quan bị tổn thương nặng, phổi ám đen vì khói độc, tim, não, gan, thận đều suy nặng, chỉ số sinh tồn ở mức 6 điểm. Trong khi đó, chỉ số để cấp cứu là 9 điểm.
Chi tiết vụ sập tấm đan cống hộp đường gom cao tốc khiến 2 người tử vong Liên quan tai nạn sập tấm đan cống hộp thuộc đường gom cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt qua huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) khiến 2 người tử vong, doanh nghiệp quản lý dự án đã có thông tin chi tiết vụ việc. Sáng 9/11, Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) đã thông tin về vụ...