Con trai NSND Thái Bảo ra mắt album đầu tay “Thanh âm thời gian”
Bảo Anh Taruki cũng mong muốn tiếng kèn của mình, âm nhạc của mình sẽ sống mãi trong mọi người, trở thành thứ thanh âm vượt thời gian, đi cùng năm tháng.
Chiều nay (10/11), nghệ sĩ trẻ Bảo Anh Taruki (Nguyễn Bảo Anh), con trai của NSND Thái Bảo và NSƯT Anh Tuấn ra mắt album đầu tay “ Thanh âm thời gian” mang màu sắc văn hóa Việt – Nhật Bản với 7 bản hoà tấu bao gồm “Melodies of life” (Giai điệu cuộc sống, Nobuo Uematsu), “Giấc mơ trưa” (Giáng Son), “Laputa” (Joe Hisaishi), “Cơn mưa tháng Năm” (Trần Lập-Trần Tuấn Hùng), “A town with an ocean view” (Thị trấn nhìn ra đại dương, Joe Hisaishi), “Dù chẳng phải anh” (Đinh Mạnh Ninh) và “Trong lành những giấc mơ” (Lan Phạm).
Album do nhạc sĩ Lưu Hà An, Thành Vương và Nguyễn Việt Hùng phối khí.
Bảo Anh Taruki ra mắt album đầu tay.
Nhạc sĩ Lưu Hà An tiết lộ, ông đã dành rất nhiều thời gian và chất xám cho việc phối khí hai bản nhạc trong album.
“Nhận được lời mời từ một bạn trẻ, với khoảng cách tuổi khá lớn, tôi đã băn khoăn vì hai cách nhìn, hai chặng đường, hai ngôn ngữ âm nhạc khác nhau. Đây đều là những tác phẩm nổi tiếng và lại là phối cho một nghệ sĩ chơi nhạc cụ chứ không phải ca sĩ nên tôi thấy khá là áp lực, phải tham khảo rất nhiều bản thu, cố gắng làm sao nổi bật tiếng kèn của Bảo Anh lên trên hết”, nhạc sĩ Lưu Hà An chia sẻ.
Chính NSND Thái Bảo cũng ngỡ ngàng rằng: “Tôi không biết con làm cách nào có thể thuyết phục được nhạc sĩ giỏi, khó tính như anh Lưu Hà An nhận lời phối khí cho album này”. NSND Thái Bảo kể từ năm 3 tuổi, con trai đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc, thích các bài hát trên TV, thậm chí phải mở nhạc quảng cáo ra thì Bảo Anh mới chịu ăn. Album đầu tay lần này được Bảo Anh đầu tư rất kỹ lưỡng”.
Theo Bảo Anh Taruki, 7 bản nhạc kể trên do chính anh lựa chọn bởi tất cả đều gắn liền với những sự kiện lớn trong đời sống của mình. Từ bản nhạc thứ nhất cho đến bản nhạc thứ bảy đều được sắp xếp có chủ ý theo tuyến tính thời gian như một dòng tự sự, dòng hoài niệm về những gì đã xảy đến, đã đi qua trong cuộc đời mình. Vì lẽ đó mà Bảo Anh Taruki đã quyết định đặt tên cho sản phẩm âm nhạc đầu tay của mình là “Thanh âm thời gian”.
Video đang HOT
Cái tên “Thanh âm thời gian” có ý nghĩa là những âm thanh đã đi theo thời gian, những bản nhạc đã sống cùng năm tháng. Thông qua album này, Bảo Anh Taruki cũng mong muốn tiếng kèn của mình, âm nhạc của mình sẽ sống mãi trong mọi người, trở thành thứ thanh âm vượt thời gian, đi cùng năm tháng.
Màu sắc âm nhạc trong “Thanh âm thời gian” không chỉ nhẹ nhàng, lãng mạn, trong sáng, vui tươi như chính con người của Bảo Anh Taruki mà còn mang đến những cảm thức “chữa lành” rất kỳ lạ. Ở đó, khi người nghe thực sự chìm đắm trong những giai điệu, đặc biệt là tiếng kèn Saxophone đầy tinh tế và đẹp đẽ của Bảo Anh sẽ cảm nhận thấy rõ những sự tươi vui len lỏi vào từng ngóc ngách của tâm hồn, khiến mọi thứ xung quanh như bừng sáng lên, reo vang theo giai điệu của âm nhạc, bước ra khỏi những niềm u uẩn khuất lấp.
Nghệ sĩ Bảo Anh Taruki và mẹ – NSND Thái Bảo
Bảo Anh theo học kèn Clarinet tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam do giảng viên Quốc Bảo dạy từ năm lớp 6. Tình yêu với âm nhạc cổ điển đã được “thắp” lên trong cậu bé Bảo Anh từ rất sớm.
Tuy nhiên, tiếng kèn của Kenny G – huyền thoại Saxophone đã làm thay đổi định hướng âm nhạc và con đường tương lai của Bảo Anh Taruki. Đó là một lần Bảo Anh thấy mẹ dọn nhà với chồng đĩa nhạc cao ngất ngưởng, trong chồng đĩa nhạc đó anh vô tình nhìn thấy đĩa nhạc của Kenny G. Trước đó, Bảo Anh Taruki từng được nghe nhạc của huyền thoại Saxophone này nhưng âm nhạc của ông lúc đó chưa thực sự “đánh thức” những cảm quan âm nhạc trong anh.
“Lúc cầm đĩa nhạc lên gác nghe, chìm đắm trong không gian âm nhạc của Kenny G thì tôi đã ồ lên: Ôi, con đường của mình đây rồi. Mình nhất định sẽ phải theo con đường Saxophone này. Tôi cảm giác như mình được khai sáng và mở ra con đường mình mình phải đi khi những bản nhạc của Kenny G chạm sâu vào tâm hồn tôi. Tôi quyết tâm theo học Saxophone từ ngày đó”, Bảo Anh Taruki chia sẻ.
Bảo Anh Taruki tốt nghiệp ngành kèn Clarinet và Saxophone tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Anh là một trong những học trò ưu tú của các Saxophonist tên tuổi như: Quyền Thiện Đắc, Trần Mạnh Tuấn, Tùng Sax… Sau khi tốt nghiệp, Bảo Anh đầu quân về Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam – nơi mà cả bố và mẹ đã có nhiều năm công tác và cống hiến.
Mới đây, vào ngày 2/11, Bảo Anh đã giành được giải thưởng Nghệ sĩ biểu diễn kèn Saxophone xuất sắc tại Liên hoan Ban nhạc toàn quốc 2024 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội và UBND Thị xã Sơn Tây tổ chức.
Con gái Phú Quang đệm đàn cho NSND Tấn Minh, Hoàng Hải sợ bị mắng vì phá 'hit'
Hoàng Hải lo lắng bị mắng "phá hit" Phú Quang khi hát "Em ơi Hà Nội phố" trong bản phối mới, khi tập anh đã "run nhẹ" và phải hỏi nhạc sĩ Lưu Hà An để củng cố tinh thần.
Chẳng hiểu từ bao giờ đêm nhạc Phú Quang như đã trở thành một đặc sản của thu Hà Nội. Ấy là theo NSND Tấn Minh "cứ mùa thu là chú Phú Quang sẽ làm show". Trong tiết trời Thu Hà Nội đêm 25/10, khán giả Thủ đô được sống trong miền âm nhạc Phú Quang với những tác phẩm nổi bật của ông trong đêm nhạc có nhiều điều mới mẻ.
Phú Quang - Tình yêu ở lại có sự góp mặt của nhóm Oplus, Khánh Linh, Tấn Minh. Đặc biệt là sự góp mặt của Hoàng Hải và Hồ Quỳnh Hương. Gần 20 tác phẩm nổi bật trong kho di sản âm nhạc Phú Quang được làm mới từ Giám đốc âm nhạc Giáng Son, đạo diễn sân khấu Chu Anh Hùng, phối khí nhạc sĩ Lưu Hà An.
Không gian Vườn Âm Nhạc bày trí kiểu một Hà Nội của thời bao cấp với khung cảnh phố phường, toa xe điện leng keng, những biểu tượng của Hà Nội làm tăng thêm cảm xúc trong lòng khán giả về đêm nhạc của người được mệnh danh "nhạc sĩ người Hà Nội" và có một dòng nhạc Hà Nội mang tên Phú Quang.
Nhóm Oplus hát Mơ về nơi xa lắm, Một dại khờ một tôi, song ca cùng Khánh Linh với Điều giản dị. Còn Khánh Linh khoe những quãng giọng đẹp với Tình khúc 24, Nỗi nhớ mùa đông, Mùa thu giấu em.
Nhóm Oplus mở đầu cho đêm nhạc ở mức vừa vặn tuy nhiên chưa có sự ấn tượng nhưng Khánh Linh lại khiến khán giả cảm thấy tiếc "vì sao chưa xuất hiện nhiều hơn". Cô hát Nỗi nhớ mùa đông đầy khắc khoải và cảm xúc.
Lần đầu tiên hát nhạc Phú Quang, Hoàng Hải và Hồ Quỳnh Hương đã thổi làn gió mới trong không gian âm nhạc của ông. Điểm nhấn đặc biệt nhất trong chương trình có lẽ là sự liều lĩnh của Hoàng Hải khi hát Em ơi Hà Nội phố với một bản phối đầy mới từ nhạc sĩ Thanh Phương. Anh thú nhận: "Khi tập tôi run nhẹ và có hỏi nhạc sĩ Lưu Hà An: Anh ơi! Nếu mình hát bản phối lạ như thế này có sợ bị khán giả mắng không? Anh Lưu Hà An có bảo: Nếu mà mình làm mới mà cứ sợ bị mắng có lẽ sẽ không có cái mới trong âm nhạc nên em cứ liều đi".
Dù có bản lĩnh trên sân khấu, Hồ Quỳnh Hương cũng tự nhận mình áp lực và lo lắng khi lần đầu hát nhạc của nhạc sĩ Phú Quang. "Khi nhận được 4 bài hát từ nhạc sĩ Giáng Son, Hương nói rằng đây là 4 bài hát khó thực sự đối với Hương. Bởi vì khó không chỉ ở phần truyền tải tinh thần ca hát mà những bản phối mới làm sao nói lên được nỗi lòng về người nghệ sĩ lần đầu tiên hát mà cảm nhiều nhất".
Với Nỗi buồn, Quạnh Hiu, Mây xưa là những bản nhạc mang âm hưởng chất chứa nhiều cảm xúc buồn. Cô không ngần ngại chia sẻ: "Ba bài hát này Hồ Quỳnh Hương thấy buồn rã rời. Bài Nỗi buồn dù tâm trạng trùng xuống nhưng được phối mới, có cái hơi bất cần hơi chán nản, muốn buông bỏ một chút hát làm sao để nó ra được. Bài thứ hai nhạc sĩ Giáng Son bảo "nó buồn rã rời, tan tác", có những lúc Hương cũng buồn như thế".
Thế nhưng với Rock buồn, Hồ Quỳnh Hương cho thấy sự biến hoá của mình. Cô hát Rock buồn chẳng kém cạnh gì Thanh Lam, Siu Black.
Sẽ là không quá lời khi ngợi khen Tấn Minh là nam ca sĩ hát nhạc Phú Quang hay nhất thời điểm hiện tại. Anh hát 3 bài Biển nỗi nhớ và em, Mẹ, Về lại phố xưa. Đặc biệt là ca khúc Mẹ, Tấn Minh đong đầy cảm xúc.
Sự xuất hiện đặc biệt nhất trong đêm nhạc đó là pianist Trinh Hương - con gái của nhạc sĩ Phú Quang. Cô đệm đàn cho Tấn Minh trong ca khúc Biển nỗi nhớ và em. Sự xúc động khiến cho Trinh Hương gặp một chút bối rối nhưng đó là điều khó tránh khỏi.
Trinh Hương đệm đàn cho NSND Tấn Minh.
Bên cây đàn của bố, Trinh Hương bày tỏ: "Khi âm nhạc của bố được vang lên, được mọi người muốn đóng góp, mở rộng và phát triển nó, thực sự tôi rất trân trọng và cảm động. Chương trình hôm nay với rất nhiều thứ lần đầu. Lần đầu tiên đêm nhạc Phú Quang không phải ở trong một khán phòng sang trọng của nhà hát mà lại là không gian âm nhạc gần gũi với thiên nhiên. Các nghệ sĩ đến với chương trình như Hồ Quỳnh Hương, Hoàng Hải, Oplus lần đầu biểu diễn nhạc của ông.
Lần đầu tiên tôi được đệm đàn cho anh Tấn Minh hát Biển nỗi nhớ và em - một tình ca của bố. Lý do duy nhất để tôi cả gan, dám thể hiện trên sân khấu này vì muốn mượn bản nhạc này để xoá đi khoảng cách chia xa giữa tôi và bố".
Những ký ức Hà Nội trong bộ đôi tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung Với 2 tác phẩm "Thanh âm Hà Nội" và "Cô đơn giữa Hà Nội", nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung gửi gắm tình cảm của mình tới mảnh đất Thủ đô - nơi lắng hồn núi sông ngàn năm. Trong Cô đơn giữa Hà Nội, những ca từ mở đầu là những tiếng rao - là những thanh âm của phố phường từ xưa...