Con trai “Công tử Bạc Liêu” chính thức ở nhà mới
Ông Trần Trinh Đức, con trai của “ Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy cho biết, ông vừa chính thức chuyển vào ở ngôi nhà mới do tỉnh Bạc Liêu cấp cho ông.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Trần Trinh Đức nói, ông rất vui khi sau mấy năm về Bạc Liêu ông chính thức nhận được một căn nhà do tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ để gia đình của ông có nơi ở ổn định, không còn phải đi thuê mướn ở tạm bên ngoài.
Còn bà Nguyễn Thị Nga (vợ ông Đức) cho hay, trước khi chuyển đến nơi ở mới tại phường 5, TP Bạc Liêu (cách nơi ở cũ khoảng 3- 4km) , 3 nhân khẩu của gia đình bà cùng ở trong một căn nhà cũ, thấp, mỗi khi mùa mưa thì ngập vào tận trong nên sinh hoạt cũng gặp nhiều khó khăn. “Giờ có nhà mới khang trang hơn nên việc che mưa, che nắng sau này không phải lo lắng nữa”, bà Nga bày tỏ.
Con trai “Công tử Bạc Liêu”, ông Trần Trinh Đức trước căn nhà mới tại Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Căn nhà mới của con trai “Công tử Bạc Liêu” khá khang trang với hàng rào sắt trước nhà, bên trong có 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 bếp đảm bảo cho gia đình ông Đức gồm vợ chồng ông và một người con gái ở ổn định trong thời gian dài.
Tâm sự với PV, vợ ông Đức nói, căn nhà số 112 của ông bà nằm trong dãy khu dân cư Thiên Long, do khu này còn mới nên vẫn chưa có nhiều người đến ở, không khí cũng khá trầm. Tuy nhiên, do hai vợ chồng bà tuổi cũng đã lớn nên không khí yên tĩnh có lẽ cũng tốt hơn.
Video đang HOT
Theo ông Trần Trinh Đức, hiện hàng ngày hai buổi sáng, chiều ông vẫn ra ngồi ở khu vực nhà hàng khách sạn “Công tử Bạc Liêu” để mưu sinh.
Theo Dantri
Mục sở thị sự đói nghèo của con trai công tử Bạc Liêu
Những câu chuyện về Công tử Bạc Liêu luôn gắn liền với những giai thoại. Sự giàu có và việc "xài tiền như nước" đã đẩy ông vào một cái tội duy nhất, mà như con trai ông chua xót thốt lên, ấy là cái "tội ăn chơi".
Sau ngày đất nước thống nhất, toàn bộ gia sản của Hắc công tử một thời lừng lẫy gần như khánh kiệt. Con trai Công tử Bạc Liêu, giờ là người phải "hứng chịu" hậu quả khi gánh trên vai cuộc sống bệnh tật, đói nghèo, lo chạy ăn từng bữa. Nhìn lại thời "vang bóng" của cha mình, con trai Công tử Bạc Liêu không khỏi bùi ngùi xót xa cho thân phận mình.
Anh Trần Trinh Đức - con trai Công tử Bạc Liêu bên chiếc xe máy cũ kỹ.
Mốc đánh dấu sự duy tàn
Gần một thế kỷ trước, Công tử Bạc Liêu ăn chơi nức tiếng bao nhiêu, giàu có bao nhiêu, thì giờ, con trai ông phải sống đời túng quẫn bấy nhiêu. Giữa nghịch cảnh trớ trêu ấy, ông Trần Trinh Đức (67 tuổi) bùi ngùi nhớ lại: "Gia tộc tôi bắt đầu suy tàn kể từ khi ba mất. Ngay sau đám tang, anh em thân quyến của ông đã bán căn biệt thự tọa lạc trên đường Nhất Linh, (nay là đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Gò Vấp, TP HCM) để chia mỗi người một phần. Riêng tôi thì chuyển về ở nhờ nhà vợ tại đường Huỳnh Tịnh Của (Q. 3, TP.HCM). Cuộc sống lúc đó đã rất khổ, chủ yếu rau cháo qua ngày dựa vào số tài sản ít ỏi cha để lại".
Thế nhưng, bi kịch xảy ra sau đó, khi đứa con gái độc nhất của ông Đức sa vào bài bạc, bị lừa cả tình lẫn tiền dẫn đến mắc nợ và bị bệnh tâm thần phân liệt. Do con gái mắc nợ quá nhiều, vợ chồng đành nuốt nước mắt bán hết tài sản ít ỏi còn lại để trả nợ cho con nhưng mà vẫn không đủ. Khi không cách nào nữa, gia đình ông từng phải dắt díu nhau sang Campuchia lánh nợ với đủ thứ nghề.
Sau nhiều năm lang thang nơi đất khách, ông Đức mới dám đưa gia đình trở lại Sài Gòn, nhưng cũng chỉ có thể mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm qua ngày. Cuộc sống túng quẫn, đến tháng 7/2010, ông quyết định về lại Bạc Liêu với hy vọng mong manh có thể tìm chốn dung thân. Một chút niềm vui lóe lên, khi ông được công ty du lịch sinh thái Hồ Nam nhận vào làm việc, lương tháng 4 triệu đồng. Công việc của ông Đức lúc ấy cũng khá nhàn hạ, chỉ ngày ngày tiếp chuyện khách tham quan muốn tìm hiểu về giai thoại của Công tử Bạc Liêu lẫy lừng thuở trước. Nhưng kinh tế khủng hoảng, ngay trước Tết Quý tỵ vừa qua, ông Đức lại thất nghiệp bởi đợt cắt giảm nhân sự của công ty.
Bây giờ, ở cái tuổi gần thất thập (không thể chạy xe ôm nữa), hậu duệ của Hắc công tử đành ngày ngày lặng lẽ ra ngồi trước căn nhà xưa kia của cha mình. Tại đó, với tờ báo cùng ly café, ông Trần Trinh Đức chỉ lặp đi lặp lại một công việc duy nhất là gặp gỡ, nói chuyện với những người tới tham quan muốn tìm hiểu về Công tử Bạc Liêu. Ai tới hỏi han thì ông sẽ đáp lại, đưa hình gia đình cho họ xem rồi kí tặng họ một cuốn sách photo viết về cha mình, người nào "biết ý" thì đưa lại ông một khoản tiền "thơm thảo" gọi là...tiền photo sách.
Mỏi mòn chờ căn nhà "hứa cấp"
Thất nghiệp nên thời gian rảnh rỗi nhiều. Thấy người viết lâu ngày không ghé lại, ông Đức hồ hởi bắt chuyện rồi lái xe đưa cả hai người làm một vòng dạo quanh thành phố. Ngồi sau vô lăng, tôi nói đùa: "Đúng là con Công tử Bạc Liêu, hễ nhắc đến ăn chơi là không ngán một ngón nào". ông Đức cười ý nhị rồi nói một câu có vẻ chí lý : "Ông già tui đã bảo thế,người ta sao thì mình vậy" tuyệt đối không đắn đo, nghĩ ngợi.
Nói thì nói cho qua câu chuyện vậy, nhưng tôi biết trong lòng người hậu duệ cuối cùng còn sót lại của Công tử Bạc Liêu đang đau xót, đang ngổn ngang trăm mối lắm. Cuộc sống khổ cực, thiếu đói ông không sợ. Ông chỉ buồn, chị sợ miệng lưỡi người đời. Hồi mới về Bạc Liêu đi làm thuê cho công ty du lịch, tiền kiếm được nhiều hơn chút đỉnh, ông đã phải "rát tai" với những lời dị nghị cho rằng: "Con trai Công tử Bạc Liêu hết thời rồi, phải đi mua vui cho người kiếm miếng cơm qua ngày", hay "trông người có vẻ hào hoa phong nhã, phong thái ung dung toát lên vẻ cậu ấm con Công tử Bạc Liêu thế, nhưng đến cái nhà cũng chẳng có mà ở".
Nghe riết rồi cũng chẳng còn thấy chạnh lòng nữa, ông Đức bảo mình và cả gia đình cứ phải đạp lên dư luận mà sống qua ngày. Người hậu duệ khốn khổ của Công tử Bạc Liêu nói đến đấy, rồi trầm ngâm dừng xe lại. Ông chỉ tôi vào một quán ốc ven đường: "Vào đây, tôi đãi cậu. Chẳng có gì nhiều nhặn đâu. Giờ, những lúc buồn nản, tôi tìm đến quán cóc liêu xiêu này, làm đĩa ốc với chén rượu cho quên sầu". Theo chân ông Đức vào quán nhỏ dựng tạm bằng mấy cây cột, mái lợp lá dừa lụp xụp, cái cảm giác chạnh lòng chua xót khi nghĩ đến chốn sa hoa, lộng lẫy mà Công tử Bạc Liêu tìm đến nhảy đầm, uống rượu Tây và đốt tiền khi xưa không khỏi ùa về. Tôi biết, ông Đức muốn dừng đây để trút bầu tâm sự về nỗi buồn cuộc sống của mình, với cái lẽ "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" mà thiên hạ vẫn "gán vào", bắt ông phải gánh chịu một cách miệt thị.
Nhấp chén rượu cay nồng, ông Đức bảo: "Cậu biết không, tôi bây giờ phải ở nhờ căn nhà của Công ty cổ phần địa ốc Bạc Liêu cho mượn tạm". Cái căn nhà nhỏ cũ kỹ, nằm cuối con hẻm nơi gia đình hậu duệ Công tử Bạc Liêu sinh sống ấy, tôi cũng đã từng ghé. Cứ mỗi lúc thủy triều lên, cả ngôi nhà lại ngập sũng trong làn nước đục. Con gái anh, vốn mắc bệnh tâm thần phân liệt, cũng vì điều kiện sống không đảm bảo như vậy mà sức khỏe mỗi ngày một tệ đi.
"Hồi tháng 2/2013, xét hoàn cảnh của tôi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên bố tăng tôi một căn nhà. Tìm hiểu mãi, tôi mới biết căn nhà này nằm trong dự án khu dân cư Thiên Long, phường 5, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, có diện tích 4mx16m và được cất theo kiểu "chìa khóa trao tay" có tổng giá trị trên 300 triệu đồng", ông Đức chậm rãi kể rằng lúc nhận quyết định, cả gia đình đã ôm nhau khóc vì vui sướng. Cũng dễ hiểu, bởi mấy chục năm nay, cả anh lẫn vợ con lang bạt kỳ hồ, rày đây mai đó mà không sao kiếm nổi một căn nhà đàng hoàng để ở. Có nhà tình nghĩa của tỉnh, ông sẽ yên tâm hơn để sống nốt phần đời, dù trong nghèo khó, của mình.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Suốt từ sau khi nhận quyết định, đã gần hai tháng trôi qua, hậu duệ Công tử Bạc Liêu vẫn không nhận được nhà. Quá thất vọng, ông Đức lặn lội lên tận trụ sở UBND tỉnh hỏi thăm, thì chỉ nhận được những lời hứa hẹn, khất lần. Căn nhà bởi thế, vẫn nằm trên giấy với lý do "còn chờ ký duyệt của cấp lãnh đạo", ông Đức sốt ruột.
Chia tay hậu duệ Công tử Bạc Liêu sau cuộc nhậu ngắn ngủi chất chứa đầy ưu tư, tôi thầm buồn cho người đàn ông sinh ra đúng vào giai đoạn suy tàn của dòng họ mình. Ông chỉ có ước mong về căn nhà nhỏ để sống nốt những năm tháng tuổi già của mình. Nhưng ước mơ ấy, cũng chưa biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực.
Khu lăng mộ hoang tàn
Vật lộn với cuộc sống mưu sinh, nên chẳng trách được khi ông Đức đành bất lực nhìn khu nhà mộ dòng họ Trần Trinh lừng lẫy năm xưa hoang tàn. Chở tôi đến khu nhà mộ trên chiếc xe máy cà tang, ông Đức bảo: "Khu mộ này nằm trọn trong khu đất thuộc Cái Dầy (thị trấn Châu Hưng, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu). Xưa kia, nó là biểu tượng cho sự sang giàu của dòng họ nổi tiếng bậc nhất xứ Nam kỳ. Còn bây giờ..." Ông Đức ngắt lời và đưa tay gạt những lùm cỏ cao quá đầu người mọc hoang tàn. Đã lâu lắm, dường như chẳng ai nhìn đến khu đất thiêng của dòng họ Công tử Bạc Liêu, dòng họ với những giai thoại một thời vang bóng.
Theo Dantri
Sự thật về Hắc-Bạch công tử Bạc Liêu "đốt tiền tranh gái" Hắc công tử và Bạch công tử Bạc Liêu khi xưa từng thi nhau đốt tiền chứng tỏ đẳng cấp, sự giàu có của mình để chinh phục các giai nhân. Hắc công tử Trần Trinh Huy (trái) và Bạch công tử Phước George Những năm 1920-1930, hai người giàu có, ăn chơi nhất xứ Nam Kỳ là Hắc công tử Trần Trinh...