Con tàu ma và điềm báo chết chóc
Ít người biết con tàu Người Hà Lan bay (Flying Dutchman) trong phim Cướp biển vùng Caribe đã xuất hiện trong những câu chuyện của người đi biển từ thế kỷ 17. Đó là một con tàu ma không bao giờ có thể cập cảng, mãi mãi phải chịu số phận lênh đênh trên biển.
Hàng loạt báo cáo trong thế kỷ 19 và 20 cho biết, có rất nhiều người đã nhìn thấy con tàu từ xa và đặc biệt ở nó phát ra một thứ ánh sáng ma quái. Theo truyền thuyết, sự xuất hiện của con tàu này là điềm báo chết chóc.
Nguồn gốc của Người Hà Lan bay cho đến nay vẫn còn nhiều điều khó hiểu.
Tàu ma Người Hà Lan bay với ánh sáng dị thường theo mô tả của các nhân chứng
Trong Chương VI cuốn sách “A Voyage to Botany Bay” (1795), tác giả George Barrington (1755-1804) có viết: “Tôi vẫn thường nghe nói về những lời đồn đại của các thủy thủ có liên quan tới ma quỷ, nhưng chưa bao giờ thấy niềm tin mãnh liệt đến vậy. Đó là câu chuyện về một con tàu Hà Lan, khi đang trên đường quay trở về nhà, đã bị mất tích một cách bí ẩn tại cực Nam của châu Phi, khu vực Mũi Hảo Vọng trong cơn bão lớn”.
Kể từ đó, trong những ngày có bão, không ít người đã nhìn thấy cảnh tượng hết sức kỳ lạ. Đó là sự xuất hiện của con tàu ma đang bị đám mây đen dần nuốt chửng và rồi biến mất không dấu vết. Người ta tin rằng đó chính là Người Hà Lan bay trong truyền thuyết.
Một bức tranh về tàu Người Hà Lan bay (Nguồn: Wikia.com)
Lời đồn sau đó được lan truyền với tốc độ chóng mặt và cái tên Người Hà Lan bay đã in sâu vào tâm trí các thủy thủ khi đi qua đây. Người ta nói rằng sự xuất hiện của Người Hà Lan bay báo hiệu một điềm xấu sắp xảy ra và rằng nó chỉ mang lại tai họa cho những người nhìn thấy.
Video đang HOT
Một giả thuyết khác về nguồn gốc con tàu xuất hiện trong trong tác phẩm “Scenes of Infancy” (Edinburgh, 1803) của John Leyden (1775-1811). Theo đó, ông cho rằng toàn bộ thành viên trên tàu là những người phạm tội nghiêm trọng hay mắc phải căn bệnh dịch hạch và bị đày ra biển, nơi họ đã bỏ mạng. Ngoài ra, không ít ý kiến cũng ủng hộ nhận định đây vốn là một con tàu cướp biển.
Người Hà Lan bay trong phim Cướp biển vùng Caribe
Từng có rất nhiều báo cáo ghi lại sự xuất hiện của Người Hà Lan bay vào thế kỷ 19 và 20, trong đó nổi tiếng nhất là lần chạm trán của vị Hoàng tử xứ Wales, người sau này trở thành vua George V.
Năm 1880, cùng anh trai là Hoàng tử Albert Victor, ông có một cuộc hành trình cùng tàu H.M.S Bacchante (thuộc Hạm đội Hải quân Hoàng gia Anh). Khi đang đi qua Mũi Hảo Vọng, khu vực ngoài khơi bờ biển Australia, giữa Melbourne và Sydney vào ngày 11/7/1881, điều kỳ lạ đã xảy ra.
“Lúc đó là 4 giờ sáng, Người Hà Lan bay bỗng vượt qua chúng tôi. Ánh sáng màu đỏ kỳ lạ của con tàu ma khiến mọi thứ xung quanh rực sáng, ở giữa có những cột buồm, xà dọc và cánh buồm rất lớn. Một nhóm thủy thủ nhanh chóng tiếp cận con tàu khi nhận được lệnh. Tuy nhiên, càng đến gần họ lại càng thấy con tàu trôi xa về phía chân trời và rồi biến mất không dấu vết. Có tới 13 người cùng chứng kiến hiện tượng này”, Hoàng tử xứ Wales kể.
Lần ghi chép cuối cùng về tàu ma Flying Dutchman là vào năm 1942 tại Cape Town, Nam Phi. Bốn nhân chứng cho biết họ đã nhìn thấy con tàu cổ đi vào vịnh Table rồi bỗng nhiên mất tích.
Một bức tranh có từ thế kỷ 19 mô tả hiện tượng ảo ảnh trên biển. (Nguồn: Blogspot.com)
Cho đến nay, không ít lời giải thích đã được đưa ra nhưng khả thi nhất thì chỉ có ý kiến cho rằng, hiện tượng kể trên đơn thuần là hiện tượng ảo ảnh mang tên Fata Morgana thường xuất hiện trên biển. Đây là thứ ảo giác khiến các thủy thủ nhìn thấy hình ảnh một con tàu phía chân trời trong màn sương mù mà thực chất chỉ là sự phản xạ ánh sáng.
Trước đây, có một vị thuyền trưởng đầy kinh nghiệm từng giải thích cho các thủy thủ của ông rằng điều kỳ lạ này được tạo ra bởi sự phản chiếu bên dưới của một số con tàu lúc đang di chuyển trên mặt nước, nhưng ở khoảng cách xa, nên không thể nhìn thấy nó.
Với những điều kiện nhất định, ông nói, chẳng hạn khi tia nắng mặt trời có thể tạo ra một hình ảnh hoàn hảo của các vật thể trong không khí, ta sẽ nhìn thấy hình ảnh giống như nhìn qua gương hoặc nước. Nhưng nói chung, chúng không thể ở vào tư thế thẳng đứng, như trong trường hợp của con tàu này, và sẽ đảo ngược hướng ngược xuống phía dưới. Sự xuất hiện như vậy trong không khí được gọi là ảo ảnh.
Gần đây, các nhà khoa học cũng đề xuất nhận định liên quan đến một hiệu ứng được gọi là hiệu ứng bóng mờ (looming), xảy ra khi ánh sáng bị bẻ cong qua các chỉ số khúc xạ khác nhau. Điều này có thể khiến cho chúng ta có cảm giác con tàu đang lơ lửng trong không khí, ở phía đường chân trời.
Theo 24h
Bí ẩn vụ tàu buồm lớn nhất TG mất tích
Con tàu Đan Mạch dài 130m, cột buồm cao gần bằng tòa nhà 20 tầng được sử dụng với mục đích huấn luyện hải quân cho đến khi nó biến mất sau ngày 22/12/1928. Đây là tàu buồm lớn nhất thế giới thời đó.
Lần cuối cùng người ta nghe nói về Kobenhavn là ngày 21/12/1928 khi nó trên đường từ Buenos Aires (Argentina) đến Australia. Ngay sau khi phát hiện ra sự mất tích của nó, người ta đã tìm kiếm trong khoảng thời gian khá dài nhưng đều không mang lại kết quả. Điều này đã trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của kỷ nguyên hiện đại, dẫn đến nhiều đồn đoán về số phận cuối cùng của con tàu.
Kobenhavn được chế tạo tại Scotland từ năm 1913 nhưng mãi đến ngày 24/3/1921 mới hoàn thành. Còn biết đến với cái tên "Dane Big", con tàu buồm lớn nhất thế giới khi đó này dài 130m, sức chứa lên tới gần 4.000 tấn, 5 cột buồm cao gần bằng tòa nhà 20 tầng. Kobenhavn có một động cơ diesel phụ trợ, hoạt động giống như chiếc máy phát không dây.
Chủ yếu dùng vào việc đào tạo học viên trẻ nhưng con tàu cũng phải tìm phương án bù đắp phần nào chi phí bằng cách nhận chở hàng hóa trong những cuộc hành trình của nó. Baron Nils Juel-Brockdorff là người giám sát việc đóng tàu và trở thành vị thuyền trưởng đầu tiên. Từ năm 1921 đến 1928, Kobenhavn thực hiện thành công 9 chuyến đi, đến gần như tất cả các lục địa và đã hoàn thành hai chuyến vòng quanh thế giới qua đường biển.
Tàu Kobenhavn chống chọi với sóng dữ (Tranh: Wikipedia)
Ngày 21/9/1928, Kobenhavn nhổ neo từ Norresundby, vùng Bắc Jutland (bắc Đan Mạch). Có 75 người trên tàu, trong đó thuyền trưởng là Hans Anderson, 26 thuyền viên và 45 học viên. Hàng hóa mà Kobenhavn mang theo là đá phấn và xi măng, dự kiến sẽ cập cảng tại Buenos Aires, lấy thêm hàng hóa rồi đi đến Melbourne (Australia) và cuối cùng chở lúa mì về châu Âu.
Kobenhavn đến Buenos Aires ngày 17/11/1928, gây ấn tượng với người dân địa phương bởi độ lớn của nó. Hàng hóa ngay lập tức được bốc dỡ, tuy nhiên cuộc khởi hành bị trì hoãn vì họ không nhận được khoản hoa hồng vận chuyển đến Australia. Cuối cùng, ngày 14/12, thuyền trưởng Anderson ra lệnh cho tất cả lên đường mà không có hàng hóa. Chuyến đi dự kiến kéo dài 45 ngày.
Ngày 22/12, Kobenhavn vẫn giữ liên lạc với một con tàu của Na Uy là William Blumer khi cách đảo Tristan da Cunha 900 km và thông báo rằng "tất cả đều tốt đẹp". Tuy nhiên kể từ đó, William Blumer hoàn toàn mất tín hiệu của Kobenhavn và thủy thủ đoàn chưa một lần xuất hiện trở lại.
Do hành trình đến Australia kéo dài trong nhiều ngày cộng với việc Anderson thường rất ít khi gửi tín hiệu trong các chuyến đi của mình, nên ban đầu không một ai lo lắng khi Kobenhavn biến mất cho đến khi tình trạng này kéo dài trong nhiều tháng. Tháng 4/1929, Công ty East Asiatic cử con tàu chạy bằng động cơ, Mexico, đến khu vực Tristan da Cunha.
Người dân cho biết đã nhìn thấy con tàu rất lớn có 5 côt buồm trong đó một đã bị gãy vào ngày 21/1/1929. Kết hợp với Hải quân Hoàng gia Anh, họ đã tìm kiếm Kobenhavn trong vài tháng nhưng không hề có bất kỳ manh mối nào. Cuối cùng, Chính phủ Đan Mạch đành phải tuyên bố một cách chung chung rằng Kobenhavn và toàn bộ thủy thủ đã mất tích trên biển.
Những năm về sau, không ít giả thuyết đã được đưa ra, trong đó được chấp nhận nhiều nhất là ý kiến cho rằng con tàu đã va phải một tảng băng trôi trong bóng tối hay sương mù. Nếu vậy, con tàu có thể đã chìm quá nhanh khiến thủy thủ đoàn không kịp phản ứng. Một nhóm khác thì nhận định việc không có hàng hóa trên tàu có thể khiến nó bị lật úp bởi những cơn gió lớn, vô hiệu hóa xuồng cứu sinh. Tuy nhiên, người ta đã không thể tìm được xác con tàu.
Tàu Kobenhavn nhìn ngang (Tranh: Wikimedia)
Hai năm kể từ khi Kobenhavn mất tích, việc một số người nhìn thấy con tàu bí ẩn phù hợp với những mô tả về Kobenhavn đang lênh đênh ở vùng biển Thái Bình Dương lại làm dấy lên các cuộc tranh luận. Theo nhóm ngư dân Chile, tháng 7/1930, thuyền viên của tàu chở hàng Argentina đã nhìn thấy "con tàu ma" 5 côt buồm trong một cơn gió mạnh. Sau vài tuần, họ lại gặp nó khi đi từ khu vực Đảo Phục Sinh đến bờ biển Peru. Trên đường đi, họ nhặt được 1 mảnh phần thân sau tàu khắc tên "Kobenhavn".
Bằng chứng về con tàu tiếp tục được khơi dậy vào năm 1934, khi tờ The New York Times cho biết cuốn nhật ký của một học viên trên tàu Kobenhavn được tìm thấy trong cái chai trên đảo Bouvet ở Nam Đại Tây Dương. Cuốn nhật ký cho biết con tàu đã bị phá hủy bởi những tảng băng trôi và bị bỏ rơi, tất cả phải rời xuống chiếc xuồng cứu sinh.
Năm 1935, một số bộ hài cốt người và phần còn lại của một xuồng cứu sinh được tìm thấy trong tình trạng bị chôn vùi dưới cát dọc bờ biển phía tây nam châu Phi được cho là dấu vết của Kobenhavn. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả vẫn chỉ nằm ở mức giả định, chờ đợi câu trả lời từ phía các chuyên gia.
Theo 24h
Tàu ma: Nạn nhân của Tam giác quỷ? Tàu Deering biến thành tàu ma là một trong những bí ẩn hàng hải tốn nhiều công sức tìm hiểu nhất lịch sử, trong đó nổi bật lên với giả thuyết là nạn nhân của Tam giác quỷ Bermuda. Carroll A. Deering là một con tàu thương mại có 5 côt buồm được tìm thấy trong tình trạng bị mắc cạn tại vùng...