“Con tàu đắm” NOS
CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (UPCoM: NOS) có khoản vay nợ tài chính lớn nhất trong ngành vận tải biển Việt Nam, nhưng thu không đủ bù chi, khiến NOS âm vốn chủ sở hữu.
NOS đã liên tục lỗ ròng kể từ năm 2012 đến nay, khiến khoản lỗ lũy kế đã lên tới khoảng gần 3.900 tỷ đồng.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của NOS
Âm vốn chủ sở hữu
Theo báo cáo tài chính quý 1/2019, NOS đã giảm lỗ hơn 85% so với cùng kỳ năm ngoái về gần 21 tỷ đồng do tiết giảm các chi phí và thoát khỏi tình trạng kinh doanh dưới giá vốn. Tuy nhiên, NOS đang gánh những khoản nợ khổng lồ, trong đó 816 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và hơn 2.194 tỷ đồng vay nợ dài hạn. Tổng nợ phải trả tính đến cuối quý 1/2019 là 4.991 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu âm hơn 3.654 tỷ đồng do thua lỗ liên tục.
Trong số nợ đến hạn phải trả của NOS, Vietcombank cho vay gần 147 tỷ đồng, MSB hơn 52 tỷ đồng, SeABank chi nhánh Hải Phòng hơn 253 tỷ đồng, Agribank gần 186 tỷ đồng, Sở giao dịch và chi nhánh Hải Phòng của VDBank lần lượt là 5 tỷ đồng và 54 tỷ đồng…
Hầu hết các khoản vay của NOS ở ngân hàng được thế chấp bằng đội tàu của Công ty Ngọc Sơn, tàu Nosco Glory và tàu Sun. Còn với những khoản vay ngắn hạn, NOS vay với mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, NOS có nhiều khoản vay USD.
Do sức ép của các chủ nợ rất lớn nên Công ty luôn phải cân đối kế hoạch thanh toán cho các chủ nợ nhằm tránh bị thu giữ tàu. Dòng tiền trả nợ vay của NOS chủ yếu là vay khách hàng cá nhân khi đến hạn.
Thỏa thuận khoanh, giãn nợ
Báo cáo quý 1/2019 cho thấy, nợ phải trả của NOS vẫn tiếp tục tăng do nguồn thu từ khai thác chỉ bù đắp một phần chi phí trực tiếp để vận hành tàu mà không thanh toán được nợ vay. Trong khi đó, khoản nợ vay của các ngân hàng tiếp tục tăng lên.
Để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài việc giảm chi phí, thắt chặt và liên tục rà soát định mức tiêu hao nhiên liệu vật tư, NOS đã liên tục thỏa thuận với các ngân hàng hỗ trợ các cơ chế khoanh, giãn nợ và không tính lãi phạt đối với các khoản đầu tư dự án tàu biển, thậm chí thỏa thuận bán nợ để xóa nợ gốc, lãi vay…
Video đang HOT
3.900
tỷ đồng là tổng số lỗ lũy kế của CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông từ năm 2012 đến nay. Số lỗ này chưa dừng lại.
Tính đến tháng 4/2019, đội tàu của Công ty có 4 con tàu gồm tàu Oriental Glory, Phương Đông 05, Phương Đông 06, Phương Đông 10. Tuy nhiên, theo kế hoạch đến giữa năm 2019, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (cổ đông lớn nhất, sở hữu 49% vốn NOS) và VDBank sẽ thu hồi tàu Phương Đông 10 để xử lý tài sản đảm bảo. Do vậy, đội tàu của NOS sẽ chỉ còn lại 3 tàu, điều này chắc chắn sẽ khiến khó khăn của NOS càng thêm chồng chất.
Tính đến phiên giao dịch 6/6, giá cổ phiếu NOS rơi xuống mức 300đ/cp, trong khi ở thời điểm mới lên sàn là 10.000 đồng/cp (11/01/2011), như vậy tính đến thời điểm này cổ phiếu NOS đã “bốc hơi” tới 97%. Điều đáng nói là trong nhiều phiên giao dịch vừa qua, cổ phiếu này gần như không có thanh khoản, ngoại trừ phiên 24/5 vừa qua có hơn gần 10.000 cổ phiếu được giao dịch.
Thách thức tái cấu trúc
Ông Nguyễn Hải Hà, chuyên viên kiểm toán KPMG, cho biết, các doanh nghiệp ngành vận tải biển nói chung đều có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu và hệ số nợ/tổng tài sản cao hơn so với các ngành khác. Trong khi các ngành khác có hệ số nợ/ vốn chủ chỉ ở mức 1 lần, thì hệ số này của ngành vận tải biển khoảng 2,71 lần. Đây cũng là một đặc trưng riêng của ngành vận tải biển do giá trị tài sản đầu tư rất lớn.
Trong khi đó, hệ số lợi nhuận sau thuế trên tổng doanh thu của ngành vận tải biển tương đối cao (18%), chỉ sau lĩnh vực tài chính là 51%. Nhưng hệ số này chỉ được ghi nhận ở những doanh nghiệp vận tải biển lớn, đối với doanh nghiệp nhỏ như NOS kinh doanh không hiệu quả, thì sẽ khó cơ cấu được nợ. “NOS chưa tìm ra ngành nghề kinh doanh nào khác có tỷ suất sinh lời cao để bù đắp cho khoản lỗ từ ngành kinh doanh cốt lõi”, ông Hà cho biết.
Trong hoạt động dịch vụ vận tải, hầu hết các khoản doanh thu và chi phí phải trả như chí phí nguyên vật liệu hay chi phí hoa hồng cho các nhà môi giới nước ngoài bằng ngoại tệ. Vì vậy, biến động tỷ giá cũng ảnh hưởng nhất định đến doanh thu và lợi nhuận của NOS. Dù đang tiết giảm chi phí, nhưng đây là bài toán đầy thách thức đối với NOS nói riêng và các doanh nghiệp trong ngành nói chung, trong bối cảnh ngành vận tải biển hoạt động không mấy hiệu quả, phải nhường sân chơi cho các đội tàu biển nước ngoài.
Thách thức ngành vận tải biển
Theo Công ty Chứng khoán SHS, ngoài các thương hiệu lớn trong ngành vận tải biển như Vinalines, Vosco, Vinaship, Falcon…, phần lớn các doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ và không đáp ứng được nhu cầu vận tải biển. Đội tàu biển Việt Nam hiện có 1.755 chiếc, với tổng trọng tải lên đến gần 7 triệu DWT. Việc phát triển đội tàu ồ ạt khiến số lượng tàu tỷ lệ nghịch với thị phần vận tải biển.
Bên cạnh đó, giá cước vận tải duy trì ở mức thấp kéo dài và thấp hơn giá thành dịch vụ, dẫn đến hàng loạt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển kinh doanh thua lỗ, phải bán tàu. Thậm chí một số đơn vị bị phá sản, số lượng tàu bị thu giữ để siết nợ ngày càng tăng, nhiều tàu phải dừng hoạt động do không có kinh phí duy trì bảo hiểm, nhiên liệu, lương thuyền viên…
Ngoài ra, một đặc điểm chung của các doanh nghiệp vận tải biển là có nợ trên vốn chủ sở hữu cao do việc đóng mới tàu đòi hỏi lượng vốn lớn. Vì vậy, sự biến động về lãi suất, nhất là lãi suất USD, cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành.
Thực tế cho thấy, khi đầu tư tài sản cố định như phát triển đội tàu hay xây dựng kho, cảng biển… thì nhu cầu vay vốn dài hạn là rất lớn để tài trợ cho các dự án này. Tuy nhiên, việc ngành ngân hàng siết chặt và dừng cho vay các dự án vận tải biển đang hoạt động kém hiệu quả trong thời gian qua cũng đã và đang tác động rất mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành vận tải biển. Điều này khiến các doanh nghiệp ngành vận tải biển càng ngày teo tóp, buộc phải bán dần tài sản để trả nợ.
Hà Phương
Theo enternews.vn
Cách ly hai "ngòi nổ", tỷ giá USD/VND đang khác biệt
Hai "ngòi nổ" được cách ly, thêm một lần nữa tỷ giá USD/VND cho thấy khác biệt khi nằm trong những tác động bất lợi.
Trong một triển vọng khác, cả thế giới đang nhìn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể giảm lãi suất tới đây.
Chốt tuần đầu tiên tháng 6/2019, giá vàng đánh dấu chuỗi 8 phiên liên tiếp tăng mạnh. Từ khoảng 1.300 USD/ounce, trong tuần đã có những thời điểm mốc 1.350 USD/ounce đạt tới. Tính chung quãng vừa qua, giá vàng thế giới tăng gần 4% chỉ trong thời gian ngắn.
Mức biến động trên cũng truyền dẫn vào giá vàng trong nước; mức giá vàng miếng SJC chính thức vượt trên mốc 37 triệu đồng/lượng. Nhưng thị trường trong nước nhìn chung không có xáo trộn lớn.
Khoảng 5 năm về trước, mỗi lần giá vàng thế giới nổi sóng, giá vàng trong nước bắt nhịp gần như liên thông và thậm chí nhiều thời điểm cao hơn giá thế giới với mức độ lớn, tình trạng người dân xếp hàng mua vàng tái diễn.
Nhưng nay, kể từ sau cao điểm đấu thầu vàng và quy hoạch lại thị trường trong nước quãng cuối 2013 đầu 2014, cho đến nay tình trạng đổ xô xếp hàng mua vàng đã không còn xẩy ra, ngoại trừ hàng năm có ngày vía Thần Tài theo quan niệm nhiều người.
Cũng trong khoảng thời gian đó đến nay, Việt Nam đã không còn phải chi ra 1 USD nào để nhập khẩu vàng về theo kênh chính ngạch. Hoạt động nhập lậu cũng hạn chế từ chênh lệch giá trong nước với thế giới thu hẹp, thậm chí nhiều thời điểm giá trong nước thấp hơn giá thế giới.
Theo đó, "ngòi nổ" đầu tiên đối với tỷ giá USD/VND là nguồn ngoại tệ ngốn vào để nhập vàng về và kích thích cầu ngoại tệ trên thị trường đã được cách ly, thể hiện và góp phần tạo khác biệt cho diễn biến tỷ giá hiện nay.
"Ngòi nổ" thứ hai nằm ở lãi suất USD, theo chênh lệch lãi suất USD với VND - yếu tố trực tiếp tác động đến lựa chọn lợi ích nắm giữ, đầu tư vào ngoại tệ trong dân cư và qua đó tác động đến một phần cân đối cung - cầu ngoại tệ thương mại trên thị trường.
Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở 0%/năm. Ở kênh giao dịch với dân cư, chênh lệch lãi suất VND trở nên quá lớn so với lãi suất USD, nhất là từ cuối 2018 đến nay lãi suất huy động VND tăng và giữ ở mức cao. Nếu tính cả lợi ích gia tăng tỷ giá, việc nắm giữ USD tại Việt Nam vẫn có triển vọng kém hơn nhiều lần so với VND gửi ngân hàng.
Theo đó, "ngòi nổ" từ lãi suất đối với lợi ích nắm giữ USD trong dân cư một phần cũng được cách ly tác động đến tỷ giá.
Nhưng, trên thị trường liên ngân hàng, cân đối chênh lệch lãi suất giữa USD với VND không thuận lợi như chính sách áp trần 0%/năm đối với tiền gửi dân cư. "Ngòi nổ" chênh lệch lãi suất ở đây buộc Ngân hàng Nhà nước phải liên tục can thiệp, ráo riết xoa dịu hiện nay.
Cụ thể, từ cuối tháng 5 vừa qua và cho đến cuối tuần qua, thị trường liên ngân hàng ban đầu ghi nhận lãi suất VND liên tiếp giảm nhanh và mạnh, có thời điểm lãi suất VND qua đêm rơi về 2,5%/năm và gần như ngang bằng với lãi suất USD (dẫn tới điểm hoán đổi lãi suất gần như bằng 0 và thường tác động gia tăng tỷ giá).
Ngay lập tức, trên kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước cấp tập phát hành với quy mô lớn và đột biến để hút bớt vốn VND về; lãi suất tín phiếu giữ 3%/năm được xem như một "mức sàn" để hạn chế lãi suất liên ngân hàng rơi quá sâu mà tác động đến tỷ giá.
Những phiên phát hành tín phiếu quy mô lên tới 18.000 - 20.000 tỷ đồng/phiên xuất hiện. Lượng tiền VND hút về "cất kho ngắn hạn" có lúc số dư lên tới trên 80.000 tỷ đồng... Nguồn có biểu hiện dư thừa lớn như vậy một phần cũng liên quan đến lượng lớn tiền gửi ngân sách tồn đọng trong hệ thống, khi mà giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm chạp sau 5 tháng đầu năm.
Với can thiệp ráo riết trên, Ngân hàng Nhà nước cân đối và xoa dịu được "ngòi nổ" của chênh lệch lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, để tiếp tục tạo được khác biệt trong ổn định tỷ giá.
Khác biệt, vì như trên, bên cạnh yếu tố giá vàng, vừa qua tỷ giá USD/VND cũng nằm trong ảnh hưởng từ những biến động mạnh của giá USD và Nhân dân tệ trên thị trường thế giới; và song song là câu chuyện Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát, cũng như xung đột thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, Mexico, Ấn Độ thêm những diễn biến phức tạp...
Thêm nữa, nội tại, từ tháng 5 vừa qua Việt Nam trở lại nhập siêu khá mạnh. Dù trong ngắn hạn chưa khẳng định sớm về một xu hướng, cán cân tổng thể những tháng đầu năm vẫn thặng dư ở mức cao thể hiện qua lượng mua ròng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước thực hiện lớn, nhưng cho thấy một yếu tố cân đối đã không còn thuận lợi như cùng kỳ năm trước.
Nhưng, như trên, với hai "ngòi nổ" quan trọng, từng kích hoạt lớn nhiều thời điểm trước đây, nay đang được cách ly, mục tiêu giữ ổn định tỷ giá USD/VND mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện năm nay vẫn đang có những khác biệt so với giai đoạn trước.
Và, trong một triển vọng khác, cả thế giới đang nhìn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể giảm lãi suất tới đây.
MINH ĐỨC
Theo bizlive.vn
Toyota, Honda và Ford mang lại cho VEAM hơn 1.000 tỷ trong quý I/2019 Báo cáo tài chính mới nhất của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - mã chứng khoán VEA) cho thấy thu nhập 'khủng' từ việc liên doanh với các doanh nghiệp kể trên. Toyota, Honda và Ford mang lại cho VAEM hơn 1.000 tỷ trong quý I/2019 Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019...