‘Cơn sốt’ sầu riêng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu thế giới tăng 400%
Theo Ngân hàng HSBC, nhu cầu sầu riêng toàn cầu đã tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu được thúc đẩy bởi “cơn sốt” trái cây ở Trung Quốc.
Sầu riêng tại một gian hàng ở Petaling Jaya, Selangor, Malaysia. Ảnh: Bloomberg
Một số người cho rằng sầu riêng có vị ngọt bùi, số khác lại nói nó bốc mùi như mùi tất. Dù yêu hay ghét, “cơn khát” sầu riêng đang ngày càng tăng cao – đặc biệt là ở Trung Quốc.
Một báo cáo do ngân hàng HSBC công bố đầu tuần này cho biết: “Đi ngược lại xu hướng toàn cầu, nhu cầu sầu riêng đang tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ do cơn sốt ở Trung Quốc”.
Nhà kinh tế ASEAN Aris Dacanay của HSBC tiết lộ trong báo cáo rằng hai năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu số sầu riêng trị giá 6 tỷ USD, chiếm 91% nhu cầu toàn cầu.
“Cơn sốt” sầu riêng phần lớn tập trung ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng không chỉ xem nó chỉ là một loại trái cây mà còn là món quà thể hiện sự giàu có của giới thượng lưu. Ngoài ra, việc tặng sầu riêng làm quà theo phong tục cho bạn bè và người thân khi đính hôn đã trở nên phổ biến.
Video đang HOT
“Có thể một ngày nào đó, việc tặng mẹ vợ (chồng) tương lai một quả sầu riêng sẽ trở thành một truyền thống trên thế giới”, ông Dacanay nói.
Theo dữ liệu từ HSBC, trong khi nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc bắt đầu tăng từ đầu năm 2017, nhu cầu thực sự bùng nổ vào cuối năm 2022.
HSBC cho biết thêm, khoảng 90% sầu riêng được vận chuyển trên toàn thế giới có nguồn gốc từ khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tăng từ mức 60% cách đây 7 năm.
Chỉ riêng Thái Lan đã chiếm 99% tổng xuất khẩu sầu riêng trong khối ASEAN bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Nhà kinh tế ASEAN Aris Dacanay bổ sung rằng nhu cầu sầu riêng tăng cao cũng mang lại cơ hội cho các nước khác của Đông Nam Á, không chỉ Thái Lan.
“Thị trường Trung Quốc rộng lớn đến mức có rất nhiều cơ hội cho các quốc gia ASEAN khác nhảy vào và cạnh tranh”, ông Dacanay giải thích.
Báo cáo của HSBC cũng cho rằng, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm khối ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, cho phép các bên tham gia tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách tự do và bình đẳng hơn.
“Cơ hội đã mở ra và thị trường sầu riêng ngày càng lớn hơn khi các nền kinh tế khác trong ASEAN háo hức lao vào cạnh tranh với Thái Lan, nước thống trị thị trường xuất khẩu loại trái cây vua này”, ông Dacanay phân tích.
Trung Quốc sắp thu hoạch lứa sầu riêng đầu tiên trồng trong nước
Trung Quốc đang chuẩn bị thu hoạch những quả sầu riêng đầu tiên trồng trên lãnh thổ nước này sau hơn 4 năm trồng.
Dự đoán diễn biến này sẽ có thể khiến giá sầu riêng giảm trong thị trường Trung Quốc.
Ảnh minh họa. Nguồn: malaymail.com
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin khoảng 2,45 triệu kg sầu riêng trồng trên đảo Hải Nam sẽ được bán trên thị trường từ tháng 6 năm nay.
Khoảng 93,3 ha trồng cây sầu riêng tại Tam Á, đảo Hải Nam đã bói quả với ước tính tổng thu hoạch là 116,64 kg/ha. CCTV đưa tin chuyên gia nông nghiệp từ Đông Nam Á đã hỗ trợ trồng cây sầu riêng tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, các chuyên gia Trung Quốc cũng điều chỉnh những hạt giống nhập khẩu để chúng phù hợp với điều kiện địa phương. Sầu riêng trồng tại đảo Hải Nam dự kiến có lượng đường cao hơn và chu kỳ tăng trưởng thích nghi với nhu cầu thị trường Trung Quốc.
Tam Á cũng hướng đến mục tiêu xây dựng khu trồng sầu riêng công nghiệp 3.333 ha trong 3 đến 5 năm tới với dự đoán đến năm 2028 đạt giá trị sản lượng 5 tỷ nhân dân tệ (727 triệu USD).
Các nhà phân tích cho rằng sầu riêng trồng tại Trung Quốc có thể khiến giá loại quả này giảm tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, chìa khóa thành công là liệu người tiêu dùng có đánh giá sầu riêng trồng tại Trung Quốc là ngon hay không.
Nhà nghiên cứu Weng Ming tại Viện phát triển nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) nhận định nước này vẫn phải nhập khẩu hầu hết trái cây nhiệt đới bởi vị của chúng rất khó để sao chép. Ông nêu rõ: "Lấy ví dụ là sung ngọt trồng tại Sơn Đông (Trung Quốc) không có vị gần với loại sung ngọt nhập khẩu vốn chủ yếu được trồng tại Trung Đông và Bắc Phi".
Do đó, ông nhận định việc Trung Quốc trồng sầu riêng sẽ "không gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sầu riêng ở Đông Nam Á". Giá sầu riêng Trung Quốc nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia và Việt Nam thường cao do chi phí vận chuyển.
Dữ liệu từ Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu thực phẩm, sản phẩm tự nhiên và phụ phẩm vật nuôi Trung Quốc (CFNA) cho thấy sầu riêng là loại quả được nhập khẩu hàng đầu tại Trung Quốc, đạt 4,3 tỷ USD trong năm 2022 với tổng lượng nhập khẩu 825.000 tấn.
Theo thống kê của siêu thị Jingdong trong tháng 11/2022, sầu riêng phổ biến nhất trong giới trẻ với 60% khách hàng mua sầu riêng tại Trung Quốc trong độ tuổi từ 16-35.
Số ca mắc mới COVID-19 tăng lên tại 2 Khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc Phóng viên TTXVN tại Hong Kong đưa tin Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) sẽ tiến hành xét nghiệm bắt buộc lần thứ 3 đối với toàn bộ người dân sau khi ghi nhận tổng cộng 299 ca mắc mới COVID-19 kể từ ngày 18/6. Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 tại Khu hành chính đặc biệt...