Cơn sốt mang tên “Rừng Na Uy”
Poster phim Rừng Na Uy
Sau nhiều chờ đợi, vào ngày 31/12/2010, bộ phim “Rừng Na uy” của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng sẽ chính thức ra mắt khán giả Việt Nam.
Không phải là bộ phim “bom tấn” kiểu Holywood nhưng “Rừng Na uy” được dự báo sẽ như một mạch chảy ngầm hấp dẫn và say mê nhiều đối tượng khán giả chứ không khu biệt ở lứa tuổi trẻ như thường thấy.
Làm phim vì sự ám ảnh
Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Thông qua mối tình của 3 nhân vật chính Naoko-Watanabe-Midori để miêu tả chân thực chân dung những người trẻ tuổi ở những năm 1960 với nhiều mê đắm, thăng hoa, lạc lối và cả những bi kịch xót xa.
Lần đầu tiếp cận tác phẩm văn học “Rừng Na uy”, điều khiến đạo diễn Trần Anh Hùng ngay lập tức bị cuốn hút không chỉ bởi câu chuyện về đời sống người trẻ tuổi đi tìm ý nghĩa đích thực cuộc sống mà còn bởi yếu tố tính dục-những trải nghiệm tình dục của nhân vật chính trong quá trình tìm đến bản ngã đích thực của mình. Và từ cảm xúc đó đã ám ảnh anh bằng một quyết định chuyển thể từ ngôn ngữ văn chương sang ngôn ngữ điện ảnh trong vai trò viết kịch bản điện ảnh và đạo diễn.
Khác với câu chuyện u hoài trong cuốn tiểu thuyết được bắt đầu bằng hình ảnh Watanabe hồi tưởng quá khứ khi nghe bản nhạc “Rừng Na uy” của ban nhạc The Beatles khi đang hạ cánh xuống sân bay Hamburg, bộ phim “Rừng Na uy” lại được đạo diễn Trần Anh Hùng kết cấu lại bằng điểm nhìn thì hiện tại.
Ở đó, các nhân vật được gắn kết với nhau theo tuyến tính thời gian. Điểm khác biệt này, như chia sẻ của đạo diễn, sẽ giúp người xem cảm nhận câu chuyện tình theo một hướng mới, đặc biệt là sự chân xác trong những cung bậc cảm xúc của những người trẻ tuổi: Lúc mê say nhiệt thành mãnh liệt, lúc hoang vắng xót xa và cả những khoảng trống vô bờ trong lòng mà không sao lấp đầy. “Những gì tôi làm là tập trung vào các nhân vật chính, Watanabe và những cung bậc cảm xúc về tình yêu cũng như mất mát. Tôi muốn cậu ấy học cách làm thế nào để nắm lấy cuộc sống và sau đó có thể nói với người phụ nữ khác rằng “anh yêu em”. Đó là những yếu tố chính mà tôi muốn tập trung thể hiện”, đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ.
Video đang HOT
4 năm mới thuyết phục được nhà văn
Cuốn tiểu thuyết “Rừng Na Uy” phát hành ở Nhật Bản năm 1987. Hơn 20 năm qua nó vẫn tạo được sức hút kỳ lạ cho nhiều đối tượng độc giả ở hơn 30 quốc gia trên thế giới. Sau những thành công vượt không gian của tiểu thuyết “Rừng Na uy”, không ít đạo diễn tên tuổi đề nghị chuyển thể nó thành tác phẩm điện ảnh. Nhưng cuối cùng, tác giả Murakami đã đồng ý để Trần Anh Hùng chuyển thể.
Trần Anh Hùng là đạo diễn gốc Việt nổi tiếng với bộ phim “Mùi đu đủ xanh” (1992) từng giành giải thưởng Camera d’Or tại Liên hoan phim Cannes 46 và Giải thưởng phim đầu tay xuất sắc nhất tại Cesar 19. Bộ phim cũng được đề cử Giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất. Bộ phim thứ hai của ông – Xích lô (1995) giành giải Sư tử vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice 52.
Như đạo diễn chia sẻ, anh biết đến tác phẩm này lần đầu tiên vào năm 1994. Ngay ở thời điểm đó, Trần Anh Hùng đã ấp ủ dự định sẽ chuyển thể tiểu thuyết này thành phim. Năm 2004, Trần Anh Hùng ngỏ ý muốn của mình với tác giả Murakami để được chuyển thể kịch bản. Phải mất tới 4 năm Trần Anh Hùng mới thuyết phục được Murakami đồng ý với điều kiện cực kỳ nghiêm khắc: Thứ nhất, nhà văn phải được kiểm tra kịch bản phim. Thứ hai, ông cũng muốn biết rõ chi phí đầu tư cho dự án điện ảnh này. Với con số 18 triệu USD cùng với những “lý lịch trích ngang” về đạo diễn này, cuối cùng Trần Anh Hùng đã có được cái gật đầu chính thức.
Ngoài lợi thế từ tác phẩm có tiếng vang, Trần Anh Hùng còn có trong tay dàn diễn viên tên tuổi nhất của Nhật Bản hiện nay. Vai Watanabe Toru được giao cho diễn viên trẻ sinh năm 1985 Kenichi Matsuyama nhưng đã sở hữu giải thưởng Nam diễn viên mới xuất sắc nhất của Viện Hàn lâm Nhật Bản (2005) và giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim châu Á năm 2009 trong bộ phim “Detroit Metal City”.
Vai Naoko cũng là một diễn viên tài năng Rinko Kihuchi thủ vai. Năm 2006, trong vai nữ sinh trung học khiếm thính của phim “Babel”, cô đã nhận được giải thưởng Oscar lần thứ 78 cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất thế giới- giải thưởng lần đầu tiên trao cho một diễn viên Nhật Bản trong vòng 50 năm qua. Cô cũng giành được đề cử cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng và là Người phụ nữ của năm 2006.
Trước khi đến với “Rừng Na uy”, năm 2008 đạo diễn Trần Anh Hùng cũng đã tiếp cận với khán giả Nhật Bản qua bộ phim “I come with the rain” với sự góp mặt của những diễn viên hàng đầu châu Á là Kimura Takuya, Lee Byung Hun. Tuy nhiên, bộ phim này đã không thực sự thành công như mong đợi. Điều này cũng có thể sẽ lặp lại ở “Rừng Na uy” hoặc cũng có thể ghi một dấu ấn mới cho Trần Anh Hùng sau 8 năm vắng bóng.
Tuy nhiên, dù sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi: hiệu ứng văn học-ngôi sao-kinh phí, tại chính quê nhà Nhật Bản, “Rừng Na uy” chỉ đạt được vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng doanh thu phòng vé- đứng sau “bom tấn” Harry Potter và Bảo bối tử thần. Trong thời gian tới, bộ phim sẽ tiếp tục chinh phục khoảng 30 quốc gia trên thế giới, nơi mà tiểu thuyết “Rừng Na uy” đã từng tạo nên một hiện tượng văn học.
Theo Gia đình
"Rừng Na Uy" - Liệu có "hot thực sự"?
Có thể nói trong một vài năm trở lại đây, điện ảnh Nhật Bản chưa từng có một phim nào đạt được tiếng vang như Rừng Na-Uy. Ngay từ những ngày dự án chuyển thể tác phẩm ăn khách của văn hào Murakami Haruki được công bố, đã có hàng trăm ngàn fans hâm mộ tiểu thuyết cũng như điện ảnh ngóng chờ. Đặc biệt là trong tháng 12 ra mắt này, tin tức về Rừng Na-Uy lại càng được cập nhật dồn dập trên mặt báo nhiều quốc gia khu vực châu Á. Đến ngay cả Departure (Okuribito) cũng không được chào đón nồng nhiệt đến vậy dù với hào quang của tượng vàng Oscar lần thứ 81.
Cơn sốt phim chuyển thể Rừng Na-Uy có được trước hết là đến từ nguyên tác tiểu thuyết. Ra mắt tại Nhật Bản vào năm 1987, Rừng Na-Uy đã nhanh chóng gặt hái được thành công khi phơi bày một thế giới thực tăm tối trong cộng đồng trẻ xứ sở Phù Tang thời bấy giờ. Tác phẩm đã tiêu thụ được trên 10 triệu bản tại quê nhà và 2,6 triệu bản của 36 ngôn ngữ khác. Nhờ Rừng Na-Uy, tên tuổi văn hào Murakami Haruki được độc giả trẻ trên toàn thế giới biết đến và đặc biệt trở thành tác gia yêu thích của không ít người Việt. Nhưng đối với công chúng Việt Nam, phim Rừng Na-Uy còn đặc biệt hơn nữa khi nó được đạo diễn bởi đạo diễn Pháp gốc Việt: Trần Anh Hùng - người làm vinh danh đất nước hình chữ S với Xích Lô và Mùi đu đủ xanh.
Lần đầu tiên đạo diễn Trần Anh Hùng đến với Rừng Na-Uy là vào năm 1994. Ngay ở thời điểm đó, Anh Hùng đã ấp ủ dự định sẽ chuyển thể tiểu thuyết này thành phim. Năm 2004, người đạo diễn tên tuổi đã lần đầu tiên ngỏ ý muốn của mình với tác giả Murakami. Tuy nhiên, nhà văn cực kỳ "trầm tính và cực kỳ cẩn trọng" này đã không gật đầu ngay thời điểm đó. Phải mất tới 4 năm Trần Anh Hùng mới thuyết phục được Murakami đồng ý với điều kiện cực kỳ nghiêm khắc: "Murakami muốn bảo vệ tác phẩm của mình. Nhà văn đưa đòi hỏi ở chúng tôi hai điều kiện. Thứ nhất, ông ấy phải được kiểm tra kịch bản phim. Thứ hai, ông cũng muốn biết rõ chi phí đầu tư cho dự án điện ảnh này" - Trần Anh Hùng.
Trước Rừng Na-Uy ra mắt năm 2010, năm 2008 đạo diễn Trần Anh Hùng cũng đã có dịp làm quen với khán giả Nhật Bản qua bộ phim I Come With The Rain với sự góp mặt của những diễn viên hàng đầu châu Á là Kimura Takuya, Lee Byung Hun. Tuy nhiên, I Come With The Rain đã không thực sự thành công tại xứ sở hoa anh đào cũng như dấu ấn mà đạo diễn Hùng để lại nơi đây là không đủ.
Thứ hấp dẫn khán giả Nhật Bản nói riêng và những mọt phim Nhật Bản thế giới lại nằm ở dàn diễn viên cực kỳ đáng ngưỡng mộ: Matsuyama Kenichi, Kikuchi Rinko, Tamayama Tetsuji. Cả ba diễn viên kể trên đều đã góp mặt trong những dự án điện ảnh từng gây tiếng vang vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản. Với Matsuyama Kenichi, đó là vai diễn L trong phiên bản phim chuyển thể của bộ truyện tranh đình đám Death Note; với Kikuchi Rinko, đó là cơ hội đi trên thảm đỏ Oscar cho đề cử với phim Babel năm 2006; với Tamayama Tetsuji, đó lại là chàng Takumi cực kỳ điển trai và lạnh lùng trong bộ phim âm nhạc - thời trang Nana. Đây đều là những diễn viên có khả năng diễn xuất tốt và đặc biệt là rất hợp với vai diễn mà họ đảm nhận trong tác phẩm lần này.
Tuy nhiên, dù sở hữu cả một tá yếu tố bom tấn là vậy, sức công phá của Rừng Na-Uy tại chính quê nhà Nhật Bản lại không gặt hái được thành công vượt trội. Ra mắt khán giả xứ sở hoa anh đào trong tuần vừa rồi, Rừng Na-Uy chỉ đạt được vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng doanh thu phòng vé. Đứng sau quán quân Harry Potter và Bảo Bối Tử Thần phần I là điều có thể hiểu được. Nhưng việc Rừng Na-Uy vẫn thất thế trước Space Battleship Yamatodù phim này đã ở rạp sang tuần thứ hai. Thực tế này khẳng định sở thích xem phim khác thường của người dân xứ Phù Tang. Ông hoàng truyền hình Kimura Takuya tuy đã ở tuổi xấp xỉ tứ tuần vẫn có sức hấp dẫn hơn hẳn những chàng trai đẹp của Rừng Na-Uy. Ngược lại, nữ diễn viên của Space Battleship Yamato là Meisa Kuroki lại có nhiều fan hâm mộ hơn Kikuchi Rinko tại quê nhà nhờ sức trẻ và sự năng động của cô trong các phim truyền hình cũng như quảng cáo và tạp chí thời trang. Đạo diễn Yamazaki Takashi tuy không nổi danh năm châu bốn bể được như Trần Anh Hùng nhưng lại được khán giả nhà ủng hộ qua những phim góp nhặt toàn những gương mặt sao ăn khách.
Mặc dù đang là bộ phim gây cơn sốt ở nhiều quốc gia châu Á nhưng Rừng Na-Uy lại thất trận trên chính sân nhà mình. Nhưng có một điều thú vị là độ tuổi khán giả đến rạp xem phim tại Nhật Bản vô cùng phong phú và giới trẻ tiếc thay lại không phải là con số áp đảo. Với một bộ phim mà nội dung tìm kiếm sự đồng cảm đến từ những người trẻ như Rừng Na-Uy, dễ hiểu tại sao nó lại không hấp dẫn bằng phiên bản chuyển thể từ anime Space Battleship Yamato gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Nhật Bản. Dù không thành công vang dội tại quê hương, Rừng Na-Uy vẫn hứa hẹn sẽ làm bùng nổ rạp chiếu phim của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Phải nói rằng, Rừng Na-Uy thực sự đã tạo nên một kỷ lục phủ sóng rộng lớn tới 50 nước với thời điểm công chiếu gần nhau.
Nhân dịp ra mắt Rừng Na-Uy tại Đài Loan vào ngày 17/12, nam diễn viên chính Matsuyama Kenichi đã đáp sân bay xuống xứ đảo sớm hơn một ngày công chiếu. Anh đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả nơi đây. Rừng Na-Uy cũng sẽ được công chiếu tại 30 rạp khắp Đài Loan và cũng là con số lớn nhất dành cho một bộ phim Nhật Bản "đặt chân" đến xứ Đài.
Rừng Na-Uy công chiếu ở Việt Nam vào ngày 31/12 tới đây dự báo cũng sẽ tạo nên dư chấn tương tự.
Theo PLTP
Màn bạc xứ hoa anh đào tưng bừng nở rộ Có thể nói, phiên bản phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Rừng Na-Uy là tác phẩm đáng chú ý nhất của điện ảnh Nhật Bản trong tháng 12 này. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những hấp dẫn đến từ đảo quốc mặt trời mọc. Còn rất nhiều những tựa phim hấp dẫn nữa sẽ ra mắt khán giả trong...