Con số “đáng suy nghĩ” về kết quả tạo việc làm, giảm thất nghiệp
“Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ kéo dài khoảng 20 năm. Mỗi năm, khoảng 1 triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động nên phải đề ra mục tiêu giải quyết việc làm. Quan trọng là thực tế có giải quyết được 1,6 triệu việc làm như báo cáo không”…
Ngày 22/11, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi trao đổi về nghi vấn “báo cáo khống” kết quả giải quyết việc làm năm 2013 bên hành lang Quốc hội.
Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội trong phiên chất vấn chiều 21/11 có nêu thành tích năm 2013, tạo việc làm cho trên 1,6 triệu người, đạt gần 88% kế hoạch năm. Ngay trước kỳ họp, trong nhiều phiên thảo luận của UB Các vấn đề xã hội, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề nghi ngờ về con số này?
Con số giải quyết 1,6 triệu việc làm là xuất phát từ mục tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng, chỉ tiêu Quốc hội giao trong Nghị quyết về kinh tế xã hội năm 2013. Theo đó, Chính phủ đã đề ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động để xử lý vấn đề lao động hàng năm tăng thêm và lao động mất việc làm phải bổ sung. Nhưng thực chất con số này đúng hay sai là bài toán cần phải được xem xét.
Một là phải xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế 1% GDP thì 0,25% việc làm được giải quyết có đúng hay không? Chỗ này cần phải tính toán. Hai là con số này được tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các địa phương nên còn nhiều điểm… luẩn quẩn ở đây.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi
Quan điểm của cá nhân ông về con số này?
Theo tôi, con số này chưa chính xác. Bởi phân tích theo các cơ sở khoa học, mỗi năm xấp xỉ 1 triệu lao động bước vào độ tuổi lao động, nhưng vấn đề là có giải quyết được việc làm cho cả 1 triệu lao động đó hay không là cả một bài toán cần phải xem xét. Số lao động thất nghiệp, số lao động mất việc làm phải quay đi tìm việc làm mới thì cũng vào khoảng 500-600 ngàn nữa thì con số đó là đúng.
Nhưng thực chất, yêu cầu giải quyết việc làm cho 1 triệu lao động bước vào độ tuổi lao động có làm việc được hay không thì chúng ta chưa khẳng định được. Số 600 ngàn lao động mất việc làm, thiếu việc làm cũng không xác định được. Vậy nên, điều quan trọng nhất là Chính phủ phải xác định lại phương pháp tính toán.
Một điểm phi lý khác cũng được chỉ ra là trong khi số DN giải thể, phá sản tăng mạnh thì theo báo cáo số người tìm được việc lại vẫn tăng ổn định. Cơ quan quản lý đang báo cáo “khống” để lấy thành tích?
Việc giải thể và sáp nhập doanh nghiệp trong cơ chế thị trường là bình thường và đương nhiên, có thể giải thể lĩnh vực này để thành lập lĩnh vực khác. Nhưng trong điều kiện hiện nay, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản mất việc làm nhiều hơn số lượng doanh nghiệp thành lập mới thì con số giải quyết giải quyết việc làm đúng là đáng phải suy nghĩ.
Video đang HOT
Chính vì nghi vấn này mà dư luận cũng đặt vấn đề khó có thể tin tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam được khống chế rất tốt, chỉ ở mức 1%. Làm việc với ILO, các chuyên gia cũng nêu nghịch lý, thất nghiệp ít vậy, sao Việt Nam vẫn mãi là một nước nghèo?
Xác định số lao động việc làm không chuẩn thì tỷ lệ thất nghiệp cũng không chuẩn. Vì vậy, con số giải quyết việc làm và tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn là con số phải suy nghĩ để có một biện pháp tính toán chính xác hơn.
Ở các nước, người ta thống kê điều tra lao động hàng quý, thậm chí hàng tháng để người ta thấy được sự biến động trên thị trường lao động mà chúng ta lại lấy con số của cả năm thì không bao giờ chính xác, kể cả là có báo cáo theo số liệu khoa học cũng không chuẩn.
Theo tôi, chính xác là 1,6 triệu lượt lao động được giải quyết việc làm thì nó gần với con số mà Chính phủ báo cáo hơn. Điều này có nghĩa là không phải số người được giải quyết việc làm. Bởi lẽ, một người thất nghiệp hôm nay có thể ngày mai tìm được việc làm khác. Tức là quá trình đi tìm việc làm không phải là giải quyết việc làm một lần mà có thể trong năm 4 quý tôi đi tìm việc làm ở 4 nơi khác nhau. Cái mà người ta đánh giá giải quyết được việc làm có thể nằm trong 1,6 triệu đó mà không phải là số người tuyệt đối được giải quyết.
Vấn đề này đã được đặt ra nhiều năm, qua nhiều kỳ họp, Quốc hội đều ghi nhận bức xúc, nghi ngờ của đại biểu. Biết rõ con số đó là không chính xác, sao cơ quan thẩm tra như UB Các vấn đề xã hội vẫn chấp nhận và rồi hàng năm Quốc hội cũng vẫn đặt ra mục tiêu giải quyết việc làm mới như này, thưa ông?
Chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng, thời kỳ này sẽ kéo dài khoảng 20 năm. Mỗi năm, lực lượng thanh niên bước vào độ tuổi lao động vào khoảng 1 triệu người và sẽ còn kéo dài nhiều năm nên những năm gần đây, mục tiêu đề ra đều nằm ở con số đó là hợp lý. Nhưng quan trọng là chúng ta có giải quyết được 1,6 triệu hay không thì đáng suy nghĩ.
Vậy năm nào cũng thu được một kết quả báo cáo mà ai cũng cho rằng chưa chính xác. Theo ông cần khắc phục vấn đề này bằng cách nào?
Theo tôi là nên bỏ chỉ tiêu pháp lệnh về giải quyết việc làm mà phải tính tốc độ tăng việc làm so với tốc độ tăng trưởng GDP hoặc là tỷ lệ lao động thất nghiệp ở đô thị giảm đi và lao động thiếu việc làm ở nông thôn cũng giảm đi thì sẽ chính xác hơn. Bởi các con số thống kê đưa ra không phản ánh số cụ thể, không phản ánh đúng thực chất của chỉ tiêu kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo
Theo Dantri
"Bộ trưởng y tế cũng có một phần trách nhiệm"
Trong thời gian Quốc hội nghỉ giữa giờ, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội đã trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm của ngành y tế trước nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận xã hội trong thời gian gần đây.
Ông Lợi nói: Về vụ bác sĩ phẫu thuật gây chết người rồi phi tang cho thấy, đạo đức nghề nghiệp quá kém. Quản lý có tốt bao nhiêu đi chăng nữa mà đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp không tốt thì không thể chấp nhận được.
Qua việc này cho thấy, chúng ta cần phải kiểm soát các phòng khám tư nhân, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ chứ không thể coi các dịch vụ này đơn thuần như các dịch vụ khác bởi đây là các dịch vụ liên quan trực tiếp đến sinh mạng của con người.
Bộ Y tế cần phải chỉ đạo sát sao không chỉ bằng văn bản mà cả thanh tra, kiểm tra, Sở Y tế cũng phải tăng cường giám sát, chính quyền quản lý địa bàn cũng phải nắm được có bao nhiêu cơ sở trên địa bàn của mình, cơ quan công an cũng phải kiểm tra hộ khẩu, hộ tịch nhất là với đối tượng là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Quan trọng nhất là làm tốt việc phối kết hợp, kiểm soát để khi xảy ra chuyện có thể dễ dàng xử lý.
Cũng đến lúc phải có quản lý, kiểm soát việc quảng cáo tuyên tuyền chứ không để tràn lan như hiện nay
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội. Ảnh: VOV
Theo ông, trách nhiệm quản lý ngành trong những vụ việc này như thế nào khi đơn vị quản lý bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường nói các phòng khám tư nhân thuộc trách nhiệm của Sở Y tế và các phòng y tế ?
Quy định hành nghề ctrong luật không cấm việc bác sĩ làm thêm ngoài giờ nhưng nếu đơn vị quản lý nói như thế là không được đầy đủ trách nhiệm bởi họ phải quản lý được nhân viên của mình làm việc ở đâu.
Không chỉ đến vụ bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ gây chết người rồi ném xác phi tang mà trước đó ngành y tế đã có rất nhiều vụ lùm xùm gây bức xúc dư luận như vụ nhân bản bệnh án ở bệnh viện Hoài Đức, trẻ em tử vong sau khi tiêm vaccine... Liệu có phải do khâu quản lý có vấn đề không, thưa ông?
Để xảy ra những vụ việc như thế, tôi tiếc cho ngành y tế. Phải nói rằng Đảng, Nhà nước rất quan tâm trong việc phân bổ ngân sách, ưu tiên trái phiếu chính phủ cũng như quan tâm trong chỉ đạo. Qua những vụ việc trên cho thấy hai điều:
Thứ nhất, đồng tiền khiến cho y đức xuống cấp.
Thứ hai, quản lý nhà nước ở góc độ nào đó rất lỏng lẻo. Lấy ví dụ vụ Hoài Đức, trách nhiệm không chỉ riêng ngành y tế mà cả ngành bảo hiểm xã hội không xem xét, kiểm tra kỹ chứng từ quyết toán.
Tôi cho rằng, chính quyền cần phải vào cuộc và quan trọng nhất là phải nâng cao y đức bằng cách đảm bảo thu nhập cho ngành y, chứ qua bao nhiêu trường lớp, 6 năm đào tạo mà y đức như vậy thì không ổn, những chuyện như thế không được phép tồn tại.
Ông đánh giá thế nào về động thái xin lỗi người dân của Bộ Y tế?
Tôi hoan nghênh Bộ Y tế bởi dù muộn còn hơn không. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần phải xử lý nhanh hơn, tốt hơn và công khai cho người dân. Quan trọng nữa là phải có biện pháp mạnh, có tính răn đe tốt để tình trạng đó không tái diễn.
Nhưng, có ý kiến rằng, không thể không nói đến trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ?
Bộ Y tế không thể ôm hết việc của 63 tỉnh thành. Tuy nhiên trong quản lý, Bộ y tế là người có trách nhiệm cao nhất nên những vụ việc thế này xảy ra, có một phần trách nhiệm của Bộ trưởng.
Chúng ta phê phán ngành y tế là chưa chính xác. Cần phải ghi nhận những thành tích ngành y tế những năm gần đây. Tiếc là ngành y tế liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người nên dư luận xã hội cũng lớn hơn ngành khác.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các Bộ trưởng của Quốc hội cũng đánh giá một phần trách nhiệm của các Bộ trưởng?
Việc tín nhiệm thấp cũng có hai nguyên nhân: Thứ nhất là bản thanh ngành đó "nóng" được nhiều người quan tâm, thứ hai là do Bộ trưởng chưa làm tốt.
Tuy nhiên, các Đại biểu cũng rất công tâm khi ghi nhận, đánh giá. Có nhiều Bộ trưởng như Bộ trưởng Bộ Giao thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đầu cũng có nhiều ý kiến, tuy nhiên sau này có cố gắng cũng được ghi nhận.
Chúng ta phê phán nhưng trên tinh thần xây dựng bởi đất nước ta còn khó khăn, đầu tư còn hạn chế nên nhiều lĩnh vực chưa hiệu quả ngay được.
Theo Một thế giới
Nhận lương "khủng": Cần phải xử lý nghiêm Đó là ý kiến của TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khi trao đổi với PV xung quanh câu chuyện "lương khủng". TS. Bùi Sỹ Lợi Theo ông Lợi, vụ này cần phải xử lý nghiêm chứ không chỉ đình chỉ công tác, nộp lại tiền là xong. Nếu thực sự...