Con sinh ra từ tinh trùng trữ đông của người cha đã qua đời, có được ghi tên cha?
Anh tôi bị bệnh nặng khó qua khỏi. Chị dâu muốn lấy tinh trùng của chồng gửi vào bệnh viện để khi anh mất đi, chị có thể thụ tinh trong ống nghiệm và sinh con. Như vậy bé có được công nhận là con của anh?
Hỏi: Vợ chồng anh ruột của tôi cưới nhau được 3 năm nhưng chưa sinh con, họ chạy chữa nhiều nơi nhưng không có kết quả. Vừa rồi anh biết tin mình bị bệnh nặng, khó qua khỏi. Chị tôi muốn lấy tinh trùng của chồng gửi vào bệnh viện để khi anh mất đi, chị có thể thụ tinh trong ống nghiệm và sinh con. Trong trường hợp này, con sinh ra có được xác nhận là con ruột của anh tôi không?
Hoàng Thị Yến (Vũng Tàu)
Ảnh minh họa
Trả lời:
Chào chị,
Khoản 1, điều 93, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như sau: Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại điều 88 của luật này.
Điều 88 quy định:
Video đang HOT
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Điều 65, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về “hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết”.
Như vậy, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, đứa trẻ sinh ra trong trường hợp này (chị của bạn tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm sau khi chồng chị ấy qua đời) không được xác định là con ruột của anh bạn, vì đứa trẻ được sinh ra sau khi hôn nhân đã chấm dứt. Khi đó, giấy khai sinh của trẻ sẽ không ghi tên người cha.
Ảnh minh họa
Khoản 1, điều 90, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Trong trường hợp này, người được yêu cầu xác định là người cha đã chết và đứa bé là người chưa thành niên, do vậy người mẹ sẽ là người có quyền yêu cầu tòa án xác định đứa con sinh ra là con của chồng mình.
Quyết định của tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (điều 101 khoản 2 luật HNGĐ 2014).
Khi đó, tòa án sẽ gửi quyết định xác nhận đứa con là con của anh ruột bạn cho cơ quan hộ tịch. Cơ quan hộ tịch sẽ ghi nhận lại nội dung này và chị của bạn có thể làm thủ tục cấp đổi giấy khai sinh cho con để được ghi tên người cha trên giấy khai sinh.
Luật sư Trần Đăng Sĩ (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Theo phunuonline.com.vn
Có được tự ý bán tài sản chung của vợ chồng khi đưa vào kinh doanh không?
Vợ chồng tôi thỏa thuận đưa xe ô tô vào kinh doanh. Hiện công ty làm ăn thua lỗ, tôi muốn bán chiếc ô tô này để thanh toán nợ nần. Tôi có được quyền tự ý bán không?
Hỏi: Tôi và vợ tôi đã bán một căn nhà bố mẹ cho hai vợ chồng để mua một căn nhà nhỏ hơn, số tiền còn lại dùng mua một chiếc ô tô. Một thời gian sau tôi thành lập doanh nghiệp tư nhân tại nhà. Tôi thảo luận với vợ và cùng đồng ý sẽ đưa chiếc xe vào phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty. Hiện công ty làm ăn thua lỗ, tôi muốn bán chiếc ô tô này để thanh toán nợ nần. Tôi có được quyền tự ý bán không hay phải có sự đồng ý của vợ (tôi rất cần tiền nhưng vợ tôi rất thích chiếc xe này và sẽ không muốn bán nó)?
Phan Văn Hoàng (Củ Chi, TP.HCM)
Ảnh minh họa
Trả lời:
Chào anh,
Chiếc xe ô tô là tài sản chung của vợ chồng anh chị do tài sản này được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, hai vợ chồng đã thống nhất đưa chiếc xe vào hoạt động kinh doanh. Việc đưa tài sản chung vợ chồng vào kinh doanh thực hiện theo điều 36, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.
Do anh chị chưa lập văn bản cho thỏa thuận này mà hai vợ chồng chỉ mới thỏa thuận miệng với nhau nên chiếc xe này vẫn chưa được xem là tài sản để anh đưa vào kinh doanh, vẫn được xem là tài sản chung của vợ chồng, căn cứ theo điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015: " Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu", trong đó, khoản 2, điều 117, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định". Thỏa thuận này của anh chị đã không tuân thủ điều kiện về hình thức nên không có hiệu lực.
Ảnh minh họa
Vì đây vẫn được xem là tài sản chung nên việc định đoạt nó phải tuân theo quy định tại điều 35, khoản 2, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
"Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: Bất động sản; Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình."
Chiếc xe là động sản phải đăng ký quyền sở hữu, vì vậy việc định đoạt nó phải có sự đồng ý của vợ anh, và phải lập thỏa thuận bằng văn bản. Trong trường hợp này anh không thể tự ý bán xe. Nếu anh tự ý bán thì giao dịch giữa anh và người mua sẽ vô hiệu do không tuân thủ quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng
Theo phunuonline.com.vn
Nhờ mang thai hộ có đảm bảo các quyền của cha mẹ với con? Chúng tôi hiếm muộn nên muốn nhờ người mang thai hộ, nhưng lo rằng khi đứa trẻ sinh ra, họ không đồng ý giao con. Chúng tôi phải làm sao? Hỏi: Vợ tôi có bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ bảo cô ấy không nên mang thai vì sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Vợ chồng tôi bàn bạc việc nhờ...