“Con rồng đất” thượng hạng nổi trong rừng ngập mặn, dân Trà Vinh vớt lên làm nước mắm, vua Gia Long ăn hoài khen ngon
Ngày xưa khi vua Gia Long trên đường lánh nạn đến vùng Duyên Hải (Trà Vinh) đã dùng mắm rươi được làm từ con rươi.
Ngon quá nên khi đăng ngôi thiên tử đóng đô tại Huế, năm nào vua Gia Long cũng cử ghe bầu về nơi này mua nước mắm.
Nằm trên vùng đất “chín rồng”, Trà Vinh còn nhiều khó khăn so với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên Trà Vinh lại được thiên nhiên ban tặng rất nhiều sản vật của biển, của rừng.
Trong đó, có một đặc sản mà hầu như với bất cứ người con nào của quê hương cũng không thể quên được, đó là nước mắm rươi. Đây là đặc sản theo truyền thuyết vua Gia Long đã từng dùng ngày trước nên có thêm tên gọi là nước mắm “Ngự”.
Con rươi dùng để chế biến mắm rươi. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Huyện ven biển Duyên Hải của Trà Vinh bạt ngàn những cánh rừng ngập mặn. Nơi đây được xem là “thủ phủ” của con rươi bởi so với các huyện ven biển khác của tỉnh như Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, Duyên Hải có lượng rươi xuất hiện nhiều vào tháng Chạp, tháng Giêng hàng năm.
Truyền thuyết kể ngày xưa khi vua Gia Long trên đường lánh nạn đến vùng Duyên Hải đã dùng nước mắm rươi. Ngon quá nên khi đăng ngôi thiên tử đóng đô tại Huế, năm nào vua Gia Long cũng cử ghe bầu về nơi này mua nước mắm.
Tuy ở trong lòng đất, hình hài giống như con sên nước không ưa nhìn nhưng con rươi lại là sinh vật sạch, giàu chất đạm.
Bởi vậy rươi còn được gọi là “rồng đất”.
Mỗi năm, loài sinh vật này chỉ ban tặng cho con người hai lần là những ngày cận Tết Nguyên đán và những ngày khởi đầu năm mới.
Tháng Chạp, tiết trời xuân se lạnh, gió chướng thổi thông ngọn mạnh mẽ của con nước thủy triều dâng ngày 30 Âm lịch là thời điểm rươi xuất hiện.
Đây cũng là thời gian những người ở các xã ven biển như: Long Toàn, Long Khánh, Long Vĩnh, Trường Long Hòa, Dân Thành, Đông Hải của Duyên Hải bước vào mùa “hội vớt rươi”.
Gà bắt đầu gáy sáng, nước từ các con sông dâng cao tràn ngập những bãi sình láng ở các cánh rừng ngập mặn là lúc con rươi bắt đầu từ dưới lòng đất chui lên. Khi đến lúc mặt trời nhô cao khỏi ngọn cây, nắng làm ấm lưng người và nước thủy triều bắt đầu ròng chảy về biển cả là lúc con rươi như đua nhau tràn lên mặt nước.
Đặc sản mắm rươi Long Vinh, Trà Vinh. Ảnh: TTXVN.
Con rươi có màu đỏ như máu, chiều dài từ 0,5 – 0,7 cm, khi lên mặt nước chúng kết dính vào nhau, tạo cho cả bãi sình láng một màu đỏ thắm. Nói là đi vớt rươi, thật ra chẳng ai đi mà cứ ngồi một chỗ hứng rươi lọt vào vợt.
Trên bãi đất sình láng có những con lạch nhỏ, bề ngang không quá 2 m, độ sâu khoảng 1m. Dọc theo mép lạch, mỗi người đều móc đất sình đắp cho mình một bờ “cơm nếp” dài 3-4 m nối tiếp nhau, rồi chừa một miệng bờ vừa bằng miệng vợt.
Công việc còn lại là chỉ ngồi chờ nước thủy triều rút, con rươi từ bãi theo dòng nước đổ vào miệng vợt. Cứ đầy vợt thì đổ vào thùng gánh nước, khi đầy cả đôi thùng thì gánh đem đổ xuống khoang xuồng.
Gần 2 giờ đồng hồ, mỗi người vớt được ít nhất từ 3-5 đôi thùng rươi đặc sánh.
Nước mắm rươi mà dùng để kho thịt, kho các loài cá biển thì hương vị không hề kém hơn các loại nước mắm danh tiếng được làm từ cá.
Video đang HOT
Đó là chưa nói ưu điểm của nước mắm rươi khi kho thịt lợn màu sắc của thịt đẹp hơn và có mùi thơm nhẹ thật hấp dẫn. Còn món cá kèo kho gợt bằng nước mắm rươi thì không còn chê vào đâu được. Đây là món “độc” của cánh ngư phủ của vùng Duyên Hải mà tôi đã từng được góp phần thưởng thức.
Rươi dùng làm nước mắm để dành cho gia đình ăn trọn cả năm đến kỳ mùa vớt rươi mới. Rươi khi vớt về được cho vào kiệu, pha với muối hột theo “công thức” 6 lít muối với một đôi rươi (khoảng 40-50 kg), rồi để kiệu rươi ra ngoài trời nắng phơi.
Công thức làm nước mắm rươi không theo một cơ sở lý luận khoa học nào nhưng nước mắm rươi khi thành phẩm không chê vào đâu được với mùi thơm và độ mặn rất vừa ăn.
Bây giờ, Trà Vinh đang sánh vai cùng các tỉnh thành ở đồng bằng sông Cửu Long để phát triển cùng với xu thế chung của cả nước.
Vùng đất Duyên Hải của quê tôi theo đó cũng nổi tiếng với nghề nuôi trồng thủy sản vùng ngập mặn. Nhiều cánh rừng, vùng đất bãi sình láng đã nhường chỗ cho những cánh đồng tôm sú, tôm thẻ chân trắng,…
Mất đi nhiều môi trường sống, vào mùa rươi của quê tôi không còn được cái không khí sôi động, rộn rả như ngày xưa vì sản lượng rươi không được nhiều như trước.
Tuy có niềm luyến tiếc, nhưng điều bù đắp lại làm tôi cảm thấy vui và tự hào hơn là bây giờ nước mắm rươi Trà Vinh được nổi tiếng khắp cả nước.
Theo xu hướng của xã hội phát triển, nước mắm rươi của quê tôi giờ đã được những người “nhạy bén’ với thời cuộc nâng tầm nó lên thành một đặc sản chất lượng cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp để phục vụ người tiêu dùng.
Anh Ngô Văn Phương ở thị trấn Duyên Hải, thị xã Duyên Hải là người đã đi tiên phong đưa nước mắm rươi lên đúng “ ngôi vị nước mắm vua” của nó.
Anh Phương thành lập doanh nghiệp Phong Vinh chuyên sản nước mắm rươi mang thương hiệu “Nước mắm Rươi Long Vinh”. Anh mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất nước mắm theo công nghệ tiên tiến.
Nước mắm rươi Long Vinh chế biến cũng theo công thức truyền thống, nhưng nó được đun sôi, để nguội, lược sạch đóng chai trong phòng kín vô trùng trước khi cho xử lí bằng tia cực tím. Cách sản xuất này làm cho nước mắm trong, màu đẹp, sử dụng được lâu và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Là người bản xứ, anh Phương biết rõ nước mắm rươi của quê mình không thua kém bất kỳ nước mắm danh tiếng nào cả nước.
Ưu thế của nước mắm rươi là rất giàu độ đạm, được làm theo phương cách truyền thống có mùi thơm nhẹ, độ mặn vừa phải, chỉ cần thêm phần xử lý để đảm bảo tuyệt đối về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp là sẽ lấy được lòng thực khách.
Dám nghĩ dám làm, sau khi đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thành lập doanh nghiệp, anh Phương tổ chức mạng lưới thu mua khi vào mùa rươi xuất hiện.
Anh Phương cho biết, vào mùa rươi anh thu mua của người dân 100.000 đồng/đôi rươi (1 đôi thùng 40 lít) và mỗi năm nguồn nguyên liệu anh thu mua được từ 5 – 7 tấn đủ làm ra từ 10.000 – 12.000 lít nước mắm.
Ngay sau khi thương hiệu nước mắm rươi Long Vinh có mặt giới thiệu với người tiêu dùng đã nhanh chóng được ưa chuộng, có mặt trong nhiều siêu thị trong nước.
Nước mắm rươi Long Vinh được Sở Công thương tỉnh Trà Vinh hỗ trợ tham gia các phiên hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh và trở thành thành viên câu lạc bộ đặc sản của tỉnh, được bình chọn là 1 trong số 11 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh.
Theo anh Phương, với số lượng sản xuất mỗi năm từ 10.000 – 12.000 lít nước mắm rươi không đủ để cung ứng cho người tiêu dùng. Không thể mở rộng sản xuất vì nguồn liệu phụ thuộc vào thiên nhiên ban cho.
Điều anh mong nhất hiện nay là người dân ở quê mình cần nâng cao ý thức bảo vệ tốt hệ sinh thái rừng ngập mặn, tích cực trồng và bảo vệ rừng, phát triển nghề nuôi tôm nhưng phải bảo vệ môi trường.
Có vậy, môi trường sinh trưởng của rươi được mới đảm bảo, nguồn nguyên liệu đặc sản mới dồi dào, người dân có thêm nguồn thu nhập từ thiên nhiên ban tặng, đặc sản nước mắm rươi Trà Vinh luôn bền vững theo thời gian.
Bỏ học đại học, đôi tình nhân xuống Bạc Liêu nuôi thứ tôm sú vạn người mê, khu rừng ngập mặn bỗng xôn xao
Bỏ học đại học giữa chừng, một 9X quê Kiên Giang cùng bạn gái đã chọn một cánh rừng ngập mặn heo hút ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu để khởi nghiệp, với mô hình làm du lịch sinh thái được cho là không giống ai.
Đôi tình nhân dắt tay về rừng ngập mặn
Người mà chúng tôi nhắc đến là anh Bùi Quốc Dương (SN 1991, quê ở huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang). Xuất phát từ mong muốn thúc đẩy những quy trình nuôi trồng thủy sản sạch, anh Dương đã xây dựng mô hình du lịch kết hợp tham quan, bảo tồn tài nguyên rừng ngập mặn, trong đó có nuôi tôm sú theo cách khác người.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Dương cho biết: "Tôi luôn ấp ủ ý tưởng xây dựng một mô hình du lịch sinh thái để quảng bá thủy sản của quê mình. Và tôi chọn vùng đất Bạc Liêu để khởi đầu".
Vào năm 2017, khi đang là sinh viên năm cuối ngành Công nghệ hóa học trường Đại học Cần Thơ, anh Dương quyết định bỏ học và đeo đuổi đam mê của mình.
Theo anh Dương, anh chọn rừng phòng hộ để phát triển du lịch bởi vì nơi đó có không gian xanh để mọi người trải nghiệm cảm giác tự tại, thư thái.
Bên cạnh đó anh cũng mong muốn để nhiều người dân phát triển mô hình, bảo vệ rừng ngập mặn; vừa phát triển kinh tế bằng việc nuôi tôm, nuôi cua theo hướng thuận tự nhiên dưới tán rừng.
Cánh rừng ngập mặn ở Bạc Liêu-nơi heo hút ngày nào, được vợ chồng anh Dương dày công xây dựng thành khu du lịch hấp dẫn tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: M.A.
Thời gian đầu, anh Dương vừa nuôi thủy sản vừa xây dựng những tiểu cảnh đầu tiên. Ảnh: M.A.
Anh Dương kể: "Thời điểm đó, gia đình và bạn bè khá e ngại với quyết định của tôi, bởi còn quá nhiều khó khăn phía trước. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm từ 2 bàn tay trắng và số vốn khoảng 100 triệu đồng vay mượn được. May mắn lớn nhất của tôi là nhận được sự đồng hành, hỗ trợ rất nhiều của bạn gái nay là vợ tôi".
Du khách tham quan tại Nông trại tôm khỏe. Ảnh: M.A.
Lập nghiệp nơi xứ người, không quen biết ai, thời gian đầu, anh Dương và vợ là chị Lưu Kiều Diễm (SN 1992, quê Hậu Giang) phải tự tay làm hết mọi việc từ tìm nơi thuê đất, dựng nhà đến làm đường đi.
"Lúc đó rất khó khăn, mới đến chỗ lạ tôi phải tìm hiểu, học hỏi khá nhiều. Hai vợ chồng lúc đó phải dựng căn chòi tiền chế 4m2 để xây dựng mô hình du lịch sinh thái", anh Dương bộc bạch.
Nuôi tôm sú thuận tự nhiên, con nào cũng to bự, tươi roi rói, khách thấy là mê tít
Ở thời gian đầu, do không phải dân bản địa, chưa hiểu hết được thổ nhưỡng khí hậu nên trong quá trình thử nghiệm anh Dương đã không ít lần mắc phải sai lầm. Dẫu được cho là mơ mộng khi định phát triển du lịch sinh thái tại vùng đất ngập mặn heo hút, anh Dương quyết không bỏ cuộc.
Chính sự kiên trì và quyết tâm của mình, sau hơn 1 năm gầy dựng, năm 2018, nông trại Tôm Khỏe của vợ chồng anh Dương chính thức đón những vị khách đầu tiên.
Đây là mô hình du lịch sinh thái kết hợp với tài nguyên sẵn có từ tán rừng ngập mặn, cùng nguồn hải sản tự nhiên dồi dào.
Theo anh Dương, ở thời gian đầu anh vừa nuôi thủy sản vừa xây dựng các tiểu cảnh, đó là những viên gạch đầu tiên cho "công trình mơ ước" của vợ chồng anh. Khi đã định hình được khu du lịch, anh mời bạn bè đến tham quan, góp ý.
Anh Dương mong muốn phát triển du lịch gắn với giữ gìn thiên nhiên, trong đó có mô hình nuôi tôm sú thuận tự nhiên tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: M.A.
Từ căn nhà dã chiến được che tạm bợ từ những tấm lá dừa nước và tre, cùng vài chiếc bè đủ để một gia đình hay nhóm bạn chèo sâu vào trong rừng ăn uống và ca hát. Sau 3 năm, giờ đây nông trại của anh Dương có thể cùng lúc đón vài trăm lượt khách mỗi ngày.
Theo anh Dương, tôm sú nuôi dưới tán rừng có chất lượng thịt vượt trội, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: M.A.
Khách đến nông trại mỗi nhóm sẽ được phát một chiếc bè để dạo một vòng trong rừng ngập mặn. Chỗ nào mát thì du khách có thể dừng lại để nghỉ ngơi ăn uống, ngắm cảnh đẹp tự nhiên.
Ngoài ra, các bạn trẻ đến đây còn có thể tự tay câu cá, hay mò tôm sú nuôi thuận tự nhiên dưới tán rừng rồi được chế biến ngay tại chỗ.
Ở giữa cánh rừng ngập mặn heo hút, vợ chồng anh Dương vẫn miệt mài với ý tưởng của mình, trong đó điều khiến nhiều du khách mê tít là mô hình nuôi tôm sú toàn con to, bự theo hướng thuận tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn. Ảnh: M.A.
Anh Phan Trần Xuân Hoàng (ngụ TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), cho hay: "Khi đến đây tôi khá bất ngờ với mô hình du lịch sinh thái này. Cảm giác chèo bè xung quanh là nước và có nhiều cây đước thật mới lạ".
Những trải nghiệm dân dã ở Nông trại tôm khỏe khiến du khách thấy thú vị, trong đó có việc bắt tôm sú, chế biến tôm sú tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: M.A.
Em Trần Thị Tường Mi (ngụ TP.Bạc Liêu) thì cho hay: "Em thích ngồi trên bè cùng gia đình ăn uống nói chuyện với nhau. Về đây chúng em được hòa mình với thiên nhiên, sông nước thật thoải mái".
Theo anh Dương, định hướng trong mô hình của anh là phát triển luôn phải gắn liền với hệ sinh thái tự nhiên, tránh gây tác động tiêu cực đến thiên nhiên.
"Nuôi tôm sú trong tán rừng ngập mặn giúp cho môi trường càng sạch hơn. Do khi trồng rừng, tán cây nhiều sẽ giúp lọc sạch nước, nguồn thủy sản nuôi, trong đó có tôm sú không lạm dụng kháng sinh hóa chất. Con tôm sú khỏe mạnh và cho ra chất lượng thịt cao", anh Dương chia sẻ.
Hòa mình cùng thiên nhiên, ngâm mình dưới vuông để biết cảm giác cực nhọc của nhà nông, một trải nghiệm đắt giá cho những người trẻ thành thị. Đây là kiểu du lịch vừa gần gũi, thân quen nhưng lại mang đến mọi người những trải nghiệm thú vị.
Bảo vệ môi trường là cách mà đôi vợ chồng trẻ này chọn để vừa song hành phát triển kinh tế du lịch nhưng gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Có thể họ sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn vào nỗ lực của họ nhiều người tin rằng mô hình du lịch sinh thái sẽ phát triển bền vững ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.
Rừng ngập mặn - "báu vật" làng biển đang bị chết khô Khoảng 7,5 ha rừng nguyên sinh và 25 ha rừng trồng cây đước, mắm... ở xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) chết khô không rõ nguyên nhân. Cánh rừng ngập mặn bao quanh xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) không còn màu xanh vốn có (ảnh trái), thay vào đó là màu nâu đen của thân, cành cây khô...