Còn nhiều tranh cãi, “Em và Trịnh” vẫn đạt doanh thu khủng, kỳ vọng 100 tỷ có thành hiện thực?
Có khá nhiều tranh cãi về việc khắc họa chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong “ Em và Trịnh”. Tuy nhiên, sau 1 tuần ra rạp, phim đã đạt doanh thu hơn 40 tỷ đồng.
Trailer Em và Trịnh
Tranh cãi hình tượng Trịnh Công Sơn trong “Em và Trịnh”
Sau một tuần công chiếu, “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh vẫn là đề tài được quan tâm, bàn luận trên nhiều diễn đàn: có khen có chê.
Giống như nhiều phim điện ảnh lấy nguyên mẫu, phần đông ý kiến khán giả vẫn tỏ ra chưa hài lòng với chân dung Trịnh Công Sơn và các “nàng thơ”. Đặc biệt, trên diễn đàn “In The Mood For Film”, “Box Office Vietnam Group”, có bài đăng chia sẻ thẳng thắn: “Em và Trịnh xây dựng hình tượng Trịnh Công Sơn tệ như thế nào?”. Cụ thể, người viết chỉ ra rằng ngay từ cách phim đặt tiêu đề “Em và Trịnh” đã thể hiện rằng, đối tượng chính trong bộ phim sẽ là “Em”, thay vì “Trịnh”. Đồng thời đặt câu hỏi: Liệu đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chọn hướng đi này có phải một nước đi thông minh?
Ngoài ra, khán giả theo dõi phim cũng bày tỏ, với việc xây dựng kịch bản như thế, vô tình biến Trịnh Công Sơn là một người hời hợt trong tình yêu: đến rất nhanh và ra đi cũng rất dễ dàng. Bởi xuyên suốt phim có thể thấy, Trịnh say nắng Bích Diễm trong một chiều mưa, liền bám theo cô về đến tận nhà. Thế rồi cô chị Bích Diễm đi du học, nỗi buồn mới chỉ nổ chưa đầy ba nháy, Trịnh đã ngỏ ý với cô em: “Hay là anh viết thư cho Dao Ánh nhé?”.
Trong lúc vẫn thư từ yêu đương với Dao Ánh, Trịnh qua lại với Khánh Ly. Và trước đó, cũng hơi mơ về Thanh Thúy và viết cho cô đôi bản nhạc. Khi về già, Trịnh gặp Michiko – lúc này đang độ xuân thì, qua một chuyến du lịch, rồi ăn xong tô bún bò, thì Trịnh cầu hôn.
Theo khán giả yêu Trịnh Công Sơn, nếu đọc tiểu sử của vị nhạc sĩ quá cố có thể nhiều người sẽ gật gù đây là một người đàn ông đào hoa, từng yêu rất nhiều cô. Nhưng phải nghe nhạc Trịnh, thì mới lờ mờ hiểu, với Trịnh tình yêu không phải một thứ dễ dàng, không phải yêu để vui, hay để lấp đầy chỗ trống như bộ phim đã truyền tải.
“Em và Trịnh tô hồng thời hoa niên của Trịnh Công Sơn, biến nhạc sĩ thành một kẻ đào hoa trăng gió, vô âu lo. Trong khi người nhạc sĩ ấy, những năm tháng tuổi trẻ, đã từng có lúc phải thốt lên: “Ngọn gió hoang vu, thổi buốt xuân thì”, khán giả bày tỏ.
Ngoài ra, khán giả cũng không hài lòng khi cho rằng “Em và Trịnh” đã biến Trịnh Công Sơn thành người bàng quan, mơ hồ trước thời cuộc. Nguyên do bởi phim bám sát vào những sự kiện có thật trong cuộc đời Trịnh Công Sơn như việc ông từng lên núi dạy học để tránh đi lính. Bộ phim tái dựng lại sự thật, thế nhưng lại không đào sâu vào sự thật đó. Nội tâm của Trịnh Công Sơn trong thời kỳ biến động ấy thế nào? Ông có cái nhìn thế nào về thời kỳ đó? Là những thứ gần như bị phớt lờ.
Trước khi ra rạp, nhiều người cho rằng “Em và Trịnh” sẽ đảm bảo phần NGHE bởi những sáng tác của Trịnh Công Sơn quá tuyệt vời. Thêm vào đó, âm nhạc dưới bàn tay của nhạc sĩ Đức Trí được kỳ vọng mang lại màu sắc mới mẻ cho nhạc Trịnh qua giọng hát của Bùi Lan Hương, Avin Lu. Thế nhưng khi phát hành, mảng sáng tác của Trịnh Công Sơn cũng bị cho chưa được khai thác kỹ. Trong phim, trừ ca khúc “Diễm xưa” được giới thiệu chi tiết, các nhạc phẩm còn lại chỉ vang lên nhằm phụ trợ, nâng đỡ cảm xúc cho cảnh quay.
“Em và Trịnh giống như một chuỗi những MV ca nhạc nối tiếp nhau, phần nhìn đẹp, nhưng rỗng ruột. Đây là hệ quả của việc mải chạy theo “minh họa” cho từng bài nhạc, quá chú ý đến giai điệu và phần nhìn, thay vì đào sâu vào cốt lõi tâm lý của người tạo ra những ca từ ấy”, ý kiến khán giả.
Điểm sáng lớn nhất nhận nhiều lời khen từ khán giả dành cho phim chủ yếu đến từ sự đầu tư về bối cảnh, trang phục. Những khung cảnh xứ Huế trong cơn mưa, con đường rợp bóng cây xanh, căn nhà cũ của cố nhạc sĩ, không gian núi rừng bao la hùng vĩ, ngôi nhà lụp xụp của thầy giáo Trịnh hay mái trường với những học sinh nơi miền núi, các tụ điểm âm nhạc… đều được đạo diễn, nhà sản xuất tái hiện công phu, đầy chất thơ.
Trang phục của dàn diễn viên cũng được chú trọng để phản ánh một phần công việc, tính cách và trải dài theo tuyến tính thời gian. Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, ê-kíp sử dụng 700 bộ phục trang với 3.000 diễn viên quần chúng. Đặc biệt, nhân vật Trịnh Công Sơn được tái hiện trải dài 3 thập kỷ, đòi hỏi sự kỹ lưỡng về phục trang, tạo hình.
“Nàng thơ” của cố nhạc sĩ không xem phim; con số doanh thu đáng kỳ vọng
Mặc dù chê không ít, góp ý cũng nhiều song với nhiều khán giả biên độ sáng tạo của kịch bản “Em và Trịnh” có thể chấp nhận được, do phim là sản phẩm hư cấu, không tuân theo tuyệt đối cuộc đời nhân vật.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái Trịnh Công Sơn – cho biết sau khi phim ra rạp, bà và các thành viên trong gia đình hài lòng về tác phẩm. Từng chứng kiến những “bóng hồng” đi qua đời anh trai, bà tâm đắc cách xây dựng hình tượng lãng mạn của nhạc sĩ: Yêu hồn nhiên, bản năng và giàu thủy chung. Trịnh Vĩnh Trinh cũng cho rằng giọng Huế của dàn diễn viên đạt yêu cầu của cá nhân bà. Bà giải thích: “Thời trẻ anh Sơn vốn sống lang bạt ở nhiều địa phương, rày đây mai đó. Theo thời gian, ngữ điệu của anh cũng phôi phai đi ít nhiều, không còn rặt giọng Huế như ban đầu”.
Còn mới đây nhất, khi hỏi Khánh Ly – một “nàng thơ” trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, bà thẳng thắn từ chối xem phim. Tuy nhiên, lý do đưa ra rất bất ngờ: “Tôi đã có một Trịnh Công Sơn thật ngoài đời, vậy cần gì phải xem thêm một hình tượng hư cấu. Tôi nghe nói phim quay đẹp, nhạc hay nhưng cũng có nhiều ý kiến chê. Mọi người xem một phim hư cấu thì phải chấp nhận thôi”.
Nói về phim, Khánh Ly cho rằng khán giả hoàn toàn nên đi xem phim để ủng hộ điện ảnh nước nhà. Theo nữ danh ca, nhà sản xuất có thể gặp khó khăn khi xây dựng phim dựa trên nguyên mẫu có thật, lại là người có sức ảnh hưởng lớn.
“Tôi khẳng định bộ phim chẳng ảnh hưởng gì đến hình ảnh ông Trịnh Công Sơn đâu. Khi mọi người đã yêu nhạc sĩ, không điều gì có thể thay đổi tình yêu ấy. Những người làm phim mong muốn tri ân nhạc sĩ, muốn ông sống mãi trong lòng mọi người. Nhưng mỗi người lại yêu Trịnh Công Sơn theo một cách khác nhau. Nếu năm nay “Em và Trịnh” chưa hay, năm tới ta lại làm Trịnh và em”, danh ca hóm hỉnh chia sẻ.
Con số doanh thu trên website Box Office Vietnam tính đến trưa 17/6
Bất chấp những khen chê, tính đến 12h00 ngày 17/6, “Em và Trịnh” ghi nhận mức doanh thu hơn 40 tỷ đồng, theo thống kê từ Box Office Vietnam. Đặc biệt, con số này vẫn không ngừng tăng lên theo từng giờ.
Theo đại diện của cụm rạp Lotte Cinema chia sẻ với truyền thông, nhà rạp kỳ vọng phim sẽ có mức doanh thu trên 100 tỷ đồng sau khi rời rạp. “Lượng khách đến rạp mua vé xem phim “Em và Trịnh” vẫn tăng theo từng ngày. Chúng tôi đang tăng cường suất chiếu cho tác phẩm. Hy vọng bộ phim có doanh thu vượt 100 tỷ đồng, tạo ra cú hích cho phim Việt trong thời gian tới”, Theo Giám đốc kinh doanh của Lotte Cinema cho biết.
Trịnh Công Sơn trong Em Và Trịnh: Bức chân dung mờ nhạt và đáng quên
Chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng tự hỏi mình: "Tôi là ai? Là ai? Là ai?". Hai bộ phim mới nhất của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, chủ yếu là Em Và Trịnh, cố gắng trả lời câu hỏi này. Tiếc rằng, bức chân dung mà phim đưa ra lại quá mờ nhạt và đáng quên.
Đâu rồi, tài hoa?
Trước hết, chúng ta sẽ không nói hình tượng nhạc sĩ họ Trịnh trên phim thật hay không thật theo nghĩa sát với thực tế. Trong điện ảnh, "thật" nghĩa là mang đến cảm giác chân thực cho người xem, theo góc nhìn của phim. Góc nhìn của phim lại đến từ các phân tích, mổ xẻ, đánh giá và kết luận của biên kịch. Biên kịch giỏi thì nhân vật càng sâu sắc, đáng tin, càng con người và có sức sống lâu bền trong lòng khán giả. Có một thuật ngữ là "độ dày" để miêu tả sự chân thực này.
Một lý thuyết kịch bản cơ bản khi khai thác nhân vật là tập trung vào kỹ năng của họ. Đặc biệt quan trọng khi đó là nghệ sĩ, vận động viên hay có nghề nghiệp đặc biệt. Bởi lẽ, kỹ năng nghề nghiệp là cách tốt nhất để nhân vật thể hiện bản thân và tương tác với thế giới xung quanh. Với Trịnh Công Sơn nói riêng, thính giả các thế hệ ít nhiều đã có một hình dung về ông, thông qua những ca khúc ông viết.
Tiếc rằng, Trịnh Công Sơn trong Em và Trịnh khai thác yếu ớt yếu tố tài hoa của vị nhạc sĩ, từ đó lạc lối trong việc xây dựng nhân vật. Kịch bản phim hiểu về tài hoa đơn sơ là được gợi cảm hứng và lập tức ra nhạc, như cảnh Trịnh viết Diễm Xưa chỉ sau một lần gặp gỡ nàng thơ. Nhưng tại sao Diễm Xưa lại phảng phất nỗi u buồn và khao khát yêu thương khác biệt như vậy? Nếu chỉ nhớ nhung nam nữ thanh xuân, vì sao lại có câu Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau đầy khắc khoải?
Đó là lúc cần đến các chi tiết cuộc sống cho thấy góc nhìn nhân sinh của Trịnh. Ông đến với âm nhạc như thế nào và âm nhạc có ý nghĩa gì với ông. Các suy nghĩ hiện sinh phảng phất trong nhạc ông đến từ đâu. Ông gặp các trắc trở gì khi viết nên những tác phẩm ấy... Đó là những điều khán giả muốn biết và muốn hiểu. Thế nhưng, Trịnh trong phim hiện lên khi đã là Trịnh, không có lớn lên, không có trưởng thành. Các nhạc phẩm cứ thế tuôn ra như có sẵn, với tần suất dày đặc và vì thế không quý. Quá nhiều trở thành quá ít là vì vậy.
Chỉ có một cảnh duy nhất liên quan đến nghề nghiệp, khá đáng quan tâm, là khi ông nói " Anh e âm nhạc đã bỏ anh rồi...". Nhưng sau đó chi tiết này hoàn toàn bị lãng quên. Vậy âm nhạc có thật đã bỏ ông hay không, và nguyên do là vì đâu? Chúng ta không bao giờ biết.
Những chuyện tình hời hợt
Em và Trịnh kể lại các chuyện tình nổi tiếng, trải dài từ những năm 50 đến 90 thế kỉ trước của Trịnh Công Sơn. Khán giả được chứng kiến các nàng thơ đi qua đời ông, mỗi người đều quen thuộc với khán giả theo những cách riêng. Cô gái xinh đẹp Bích Diễm đã thành bất tử qua bài hát Diễm Xưa. Dao Ánh, em gái của Diễm, là mối tình sâu đậm được ghi lại trong hơn 300 bức thư của Trịnh, từng xuất bản với tựa Thư tình gửi một người. Dĩ nhiên, không thể thiếu nữ ca sĩ đã gắn liền tên tuổi với Trịnh Công Sơn không thể tách rời: Khánh Ly. Ngoài ra còn có hai nàng thơ khác ở hai đầu thời gian là Thanh Thúy và Michiko, nhưng mờ nhạt hơn.
Âm nhạc và tình yêu là hai khía cạnh làm nên con người Trịnh Công Sơn. Thất bại trong việc miêu tả tài hoa của Trịnh, Em và Trịnh tiếp tục vấp ngã ở yếu tố lãng mạn. Phim gần như diễn nôm bằng hình ảnh từ các tư liệu mà thiếu vắng những sáng tạo đáng giá, các bước chuẩn bị cần thiết. Ví dụ như cảnh phim Trịnh bước theo Diễm dưới làn mưa Huế, lẽ ra rất lãng mạn nếu biên kịch dành thời gian trước đó để xây dựng bối cảnh và mối quan hệ. Thế nhưng, với biểu cảm quá đà của Avin Lu và cách xử lý không tốt của đạo diễn, cảnh phim này có phần thô thiển. Nhất là khi Dao Ánh xuất hiện và Trịnh liền đưa mắt ngắm nghía, chàng nhạc sĩ trẻ bỗng tạo cảm giác của một kẻ bám đuôi lăng nhăng.
Vấn đề lớn nhất của kịch bản là không đưa ra được một lý do, động lực cho các chuyện tình này. Trịnh chỉ đơn giản là "nhìn và yêu" gần như ngay lập tức. Tất nhiên chuyện tình sét đánh ở vào thời điểm thanh xuân của Trịnh là không hiếm và lạ, nhất là với giới nhạc sĩ thường đa tình. Nhưng để Trịnh có cảm tình với hai người một lúc là không khéo léo. Khi bị Diễm từ chối, Trịnh cũng gần như không buồn bã một giây nào trước khi chuyển qua Dao Ánh. Sự hời hợt trong tình yêu trên phim lại không khớp với những suy tư sâu sắc trong nhạc ông, dẫn đến độ chênh về hình tượng.
Càng về sau, Trịnh càng thụ động trong các mối quan hệ. Ông gần như không có các quyết định và hành động, mà cứ để mặc những người tình đến và đi trong đời. Trên phim, Trịnh không có các đụng chạm trần tục, nhưng cũng thiếu luôn các sẻ chia về tâm hồn. Những lời tự sự trong thư là không đủ làm "nhiên liệu" cho tình yêu. Các mối quan hệ, từ sâu đậm như Dao Ánh đến gần gũi như Khánh Ly, dần trôi tuột đi chẳng lời giải thích. Ở mối tình với Michiko, Trịnh lại hiện lên như một kẻ bội bạc với người đã ở bên an ủi khi ông cần nhất. Chúng ta khó mà cảm thông và yêu mến một con người như thế.
Chiếc hộp vô hình
Từ sự thụ động trong tình yêu, tương tự là mối liên hệ với Trịnh và gia đình. Lẽ ra phải góp phần quan trọng trong việc hình thành con người cá nhân và con người nghệ thuật của nhạc sĩ, gia đình chỉ xuất hiện thoáng qua. Một lần nữa, phim thiếu vắng các cảnh sinh hoạt, tương tác giữa anh chị em, mẹ và con, ở mức độ sâu sắc cần thiết. Vai người mẹ chỉ dùng để lấy nước mắt nhưng không hiệu quả. Khán giả không hề thấy bà "hút thuốc, đánh bài" lần nào trong phim, làm sao họ có thể cảm động?
Suốt bộ phim, có cảm giác như Trịnh Công Sơn luôn ở trong một chiếc hộp vô hình. Ông không chạm vào ai và chẳng ai chạm được vào ông. Những hỉ, nộ, ái, ố thường tình như không hiện diện trong ông. Có lẽ các nhà làm phim muốn miêu tả một chân dung Trịnh cũng phiêu diêu, "ở trọ trần gian" như chính âm nhạc. Dù vậy, đó không phải là chất liệu của điện ảnh. Cách tiếp cận vụng về của Em và Trịnh lại càng khiến chân dung ông càng lúc càng mờ nhạt, cho đến khi gần như trống rỗng trong những chiếc khung bối cảnh và màu sắc lung linh.
Avin Lu là thất bại lớn về mặt diễn xuất và cả khâu chọn vai của phim. Ngay từ trailer anh đã không cho thấy bất kỳ hứa hẹn nào, và thực tế còn tệ hơn. Có những diễn viên chỉ cần xuất hiện trên khung hình và ta phải ồ lên: Nhân vật đây rồi! Avin đã không làm được điều đó. Avin còn không có nổi một cảnh cao trào nào mặc dù xuất hiện nhiều.
Từ một bộ phim có lẽ mang ý tôn vinh, Em và Trịnh lại gây tác dụng ngược về hình ảnh Trịnh Công Sơn. Những người yêu Trịnh không tìm thấy hình ảnh, dù là phảng phất, của vị nhạc sĩ đã gắn bó bao lâu. Còn những ai muốn trả lời câu hỏi Trịnh "là ai, là ai, là ai" một cách sâu sắc và chân thực, có lẽ phải chờ một thời gian nữa. Một bộ phim khác. Giai đoạn khác. Trình độ khác của điện ảnh Việt Nam.
Trịnh Công Sơn và cuộc đời đã tha thứ cho nhau, nhưng có lẽ khán giả yêu nhạc Trịnh sẽ khó tha thứ cho bộ phim này.
'Em Và Trịnh': Những chi tiết quan trọng để hiểu rõ mạch phim Lấy nội dung về cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bối cảnh của thế kỷ cũ, người xem cần nắm được một số thông tin liên quan đến vị nhạc sĩ tài hoa này để hiểu trọn vẹn dụng ý tác phẩm. Lùi lịch chiếu gần 1 năm, Em và Trịnh tháng 6 này sẽ chính thức đến với khán...