Còn nhiều “bom nổ chậm” trong khu dân cư!
Vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội vừa xảy ra đã gióng lên lời cảnh báo sâu sắc về lỗ hổng trong công tác quản lý các điểm thu mua phế liệu hiện nay.
Không được cấp phép, cơ sở tập kết tạm bợ, cưa cắt thủ công, phế liệu chất đống trong điều kiện chật chội… nhiều điểm thu mua phế liệu đang giống như “quả bom” nổ chậm trong khu dân cư. Sau vụ nổ kinh hoàng ở Văn Phú, người ta mới giật mình rà soát lại quy trình quản lý các điểm thu mua phế liệu này và thấy rằng, lỗ hổng còn quá lớn.
Kinh doanh phế liệu không bị quản lý
Chúng tôi tìm đến ngõ 34 phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa. Đi sâu vào trong ngõ, nằm bên tay trái là một dãy nhà tạm với các loại phế liệu chất đống từ trong nhà ra đường đi. Mùi bốc lên từ các loại phế liệu cộng với thời tiết ẩm ướt làm cho khu vực này thật khó chịu. Người ta ngồi trên đống phế liệu đã thu mua được để phân loại. Cảnh nhếch nhác, chật chội với toàn những vật liệu dễ cháy khiến người chứng kiến không khỏi lo ngại.
Khu vực này vốn được người Hà Nội coi là “lãnh địa” của những người buôn bán, thu gom phế liệu ở khu vực nội thành đã chục năm nay. Họ dựng lên những ngôi nhà tạm bợ bằng đủ thứ gỗ ván mà họ có được. Họ cũng có thể thu mua bất cứ loại phế liệu gì mà người dân bán ra, sau đó mới đưa về phân loại. Phần đông cư dân sống trong khu nhà tạm đều là người ngoại tỉnh đến thuê đất làm nơi tập kết phế liệu và sống luôn ở đó.
Ông Phạm Việt Cừ, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Cầu cho biết, tất cả các hộ thu mua phế liệu ở đây đều không có đăng ký kinh doanh, họ thuê lại đất của 7 hộ dân đang vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Ông Cừ cũng cho biết, sau khi xảy ra vụ nổ tại quận Hà Đông, phường đã chỉ đạo các lực lượng chức năng rà soát lại các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn để có biện pháp quản lý, tránh hậu quả xấu.
Hầu hết các cơ sở thu mua phế liệu không có đăng ký kinh doanh.
Cũng giống như ở Hoàng Cầu, phần lớn các cơ sở kinh doanh phế liệu đều không đăng ký kinh doanh. Bởi thế, họ không chịu quản lý của Nhà nước về công việc mình đang làm. Họ có thể hồn nhiên đưa về những thứ phế liệu nguy hiểm cho tính mạng của mình và cả cộng đồng và tự ý sử dụng chúng theo cách của mình. Không ai dám chắc trong đống phế liệu, sắt thép hoen gỉ kia có cả đầu đạn, có thuốc nổ hay bất kỳ thứ gì gây hại.
Các cơ sở tập kết phế liệu thường nằm lẫn trong các khu dân cư, cơ sở lớn được người kinh doanh chọn điểm ở ngoại thành, nơi có đất rộng để chứa phế liệu. Cứ chiều chiều, người thu mua phế liệu rong lại chở xe máy hoặc xe đạp từng tải vật liệu mà họ gom được trong ngày. Những chiếc quạt cũ, có khi là máy tính cũ, mẩu sắt thép… đều được cân ngay tại chỗ. Dọc quốc lộ 5, địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng là một trong những điểm tập kết phế liệu lớn. Hay như ở tỉnh Vĩnh Phúc có cả làng thu gom phế liệu các loại, thậm chí là có cả phế liệu nhập khẩu như máy bay, ôtô…
Video đang HOT
Mặc dù nghề kinh doanh phế liệu rất sôi động và đa dạng chủng loại, thế nhưng kinh doanh phế liệu hiện đa số là của tư nhân và kinh doanh nhỏ lẻ, chỉ có một số rất ít cơ sở là công ty lớn có đăng ký kinh doanh, không có sự quản lý của cơ quan chức năng. Quá trình hoạt động của họ an toàn ở mức độ nào hoàn toàn do ý thức của người kinh doanh.
Không thể đưa thành nghề kinh doanh có điều kiện
Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64), Bộ Công an cho biết: Phế liệu là mặt hàng thông thường và việc quản lý các điểm kinh doanh phế liệu hiện nay chỉ đảm bảo yếu tố môi trường, lực lượng công an chưa quản lý loại hình kinh doanh này. Nhưng thực tế người dân lại kinh doanh tràn lan trong khi ngành môi trường chưa quản lý được hết.
Vụ nổ kinh hoàng tại Văn Phú, quận Hà Đông là lời cảnh báo để cơ quan chức năng nhìn lại công tác quản lý. Nhìn ngược lại, không phải chúng ta không tuyên truyền về vấn đề này.
Tại Điều 5, Pháp lệnh 16 ngày 30-6-2011 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã quy định rõ việc cấm kinh doanh vũ khí, bom mìn. Khoản 4, Điều 10, Nghị định 67 cũng quy định mức phạt từ 5 – 10 triệu đồng về hành vi mua phế liệu, phế phẩm là vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc cưa, tháo bom mìn trái phép.
Theo Đại tá Vũ Minh Hùng, hành vi của ông Phạm Văn Cường để xảy ra vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông đã vi phạm điều này. Dù ông Cường không biết hoặc biết thì cũng đều là vi phạm pháp luật.
Đại tá Vũ Minh Hùng cho biết, ngay sau khi vụ nổ ở Văn Phú xảy ra, C64 đã báo cáo Tổng cục Cảnh sát có văn bản gửi Công an các địa phương tiếp tục tuyên truyền về vũ khí, vật liệu nổ, bom mìn và rà soát toàn bộ cơ sở kinh doanh phế liệu để tuyên truyền cho người kinh doanh hiểu mức độ nguy hiểm để phòng tránh. Khi người dân thu mua phát hiện có bom mìn phải báo với cơ quan Công an, Quân đội để thu hồi; qua rà soát, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Công tác quản lý nghề kinh doanh phế liệu còn bất cập và sơ hở, do vậy quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân.
Đặt vấn đề có nên đưa kinh doanh phế liệu vào quản lý theo danh mục ngành nghề có điều kiện hay không, Đại tá Hùng cho rằng, kinh doanh phế liệu là một ngành nghề kinh doanh bình thường nên không đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện bởi đã có quy định cấm kinh doanh và cưa cắt bom mìn.
Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Cục C64: Hiện nay lượng bom mìn còn sót lại theo thống kê khoảng 15 triệu tấn và dự kiến phải mất 200 năm nữa mới rà phá hết được. Từ đầu năm 2012, Bộ Công an đã có kế hoạch tổng kiểm tra thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và kiểm tra các điểm thu mua phế liệu. Cục C64 cũng có nhiều văn bản gửi đến Công an các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được nguy hiểm của vũ khí, vật liệu nổ. Kết quả vận động nhân dân thu nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong 4 năm, từ năm 2012 – 2015 trên toàn quốc được: 52.517 khẩu súng các loại (chủ yếu là súng tự chế, súng săn); 2.574 quả bom; 2.864 quả lựu đạn, mìn; 6.471 quả đạn, đầu đạn; 135.359 viên đạn các loại, 12.743kg thuốc nổ, 60.217 kíp nổ; 28.559m dây cháy chậm; 6.023 công cụ hỗ trợ; 39.175 vũ khí thô sơ.
Theo_VnMedia
Vụ nổ ở Hà Đông: Nạn nhân sẽ không nhận được bồi thường thiệt hại?
Vụ nổ tại Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) gây thiệt hại nặng nề cả về tính mạng con người lẫn tài sản. Tuy nhiên, theo quy định những nạn nhân bị thiệt hại không có cơ hội nhận được đền bù.
Trong ngày 20/3, cơ quan chức năng đã tiến hành thống kê thiệt hại do vụ nổ kinh hoàng chiều ngày 19/3 tại Văn Phú, Hà Đông khiến 4 người chết và hàng chục người khác bị thương. Khung cảnh tan hoang của hàng chục ngôi nhà liền kề gần với hiện trường vụ nổ khiến nhiều người dân chưa hết bàng hoàng.
Trong số hơn 140 căn hộ bị ảnh hưởng, căn hộ số 15 dãy TT9 bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Toàn bộ cửa, mái hiện trước, tưởng bị phá hủy hoàn toàn. Trong nhà gạch vữa đều ngổn ngang, cầu thang bị sập, ban công tầng 2 cũng bị phá hủy.
Các mảnh vỡ từ kim loại, kính dưới sức ép của vụ nổ văng xa hàng trăm mét, găm chi chít vào tường các căn hộ, làm hư hỏng một số thiết bị sinh hoạt, công trình công cộng. Theo thống kê có đến 95 căn hộ bị vỡ kính, rung chấn làm bung cửa, nứt tường. Đó là chưa kể nhiều gia đình bị hỏng hóc toàn bộ hệ thống đèn điện, tivi, điều hòa...
Một số cơ sở kinh doanh gần khu vực trên bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng hàng hóa có giá trị. Xe máy, ô tô của một số gia đình, người dân lao động bị cháy, bị phá hủy bởi vụ nổ kinh hoàng.
Một chủ cơ sở kinh doanh đồ gia dụng tại đây cho biết, cửa hàng là căn hộ 3 tầng của gia đình anh bị hư hỏng nghiêm trọng, trị giá tài sản bị hư hại lên đến hàng trăm triệu. Hiện, cơ quan chức năng đã thống kê thiệt hại, nhưng không biết được hỗ trợ bao nhiêu.
Vụ nổ tại Văn Phú
Theo các chuyên gia pháp lý, do Phạm Văn Cường người trực tiếp gây ra thiệt hại trên đã chết nên không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về Tội tàng trữ vật liệu nổ theo Điều 232 BLHS.
Tương tự như vậy, về trách nhiệm dân sự cũng không có căn cứ để bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân theo Điều 623 Bộ luật dân sự và theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vì người trực tiếp gây thiệt hại đã tử vong.
Trước mắt, UBND Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND quận Hà Đông phối hợp tổ chức mời một đơn vị kiểm định chất lượng xây dựng kiểm tra đánh giá mức độ thiệt hại của những căn hộ bị cảnh hưởng sau vụ nổ. Trên cơ sở đó có báo cáo và định hướng khắc phục. Đồng thời, sẽ giải quyết ngay mặt bằng đường thông hè thoáng, phục vụ lưu thông, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực cho người dân yên tâm sinh sống.
Liên quan đến công tác điều tra, cơ quan chức năng đã xác định một số mảnh vỡ kim loại tìm thấy tại hiện trường là vật liệu dùng chế tạo bom. Và rất có thể, vật liệu gây ra vụ nổ chính là một quả bom có sức công phá lớn.
Anh Đào Văn Thủy (SN 1971), người được anh Phạm Văn Cường (chủ cơ sở thu mua phế liệu) nhờ đưa vật liệu này đã xác nhận, vật thể cấu tạo bằng kim loại, có trọng lượng khoảng 100kg.
Điều 232: Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ quy định: 1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự - Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự: Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác."
Theo Công lý
Từ vụ nổ ở Văn Phú: Biết là chết, vì sao vẫn cưa bom để kiếm sống? Vụ nổ làm chết 4 người ở Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội hôm 19/3 được xác định nguyên nhân do nổ bom. Vậy hiện trạng bom mìn ở Việt Nam hiện giờ ra sao, và tại sao nhiều người vẫn liều mạng cưa "tử thần" đến vậy? Mỗi năm 1.000 người chết vì bom mìn ở Việt Nam Ngày 30/10/2015 tại Huế,...