Con người đã đạt đến giới hạn trí tuệ, không bao giờ hiểu hết vũ trụ?
Nhiều người cho rằng bộ não con người được cấu trúc để giải quyết các vấn đề thực tế ảnh hưởng đến sự tồn tại và sinh sản, chứ không phải để làm sáng tỏ những bí ẩn của vũ trụ.
Khoa học đã đạt được những tiến bộ to lớn trong thế kỷ qua, nhưng sự hiểu biết của loài người về tự nhiên vẫn vô cùng hạn chế. Các nhà khoa học chưa thể kết hợp được thuyết tương đối rộng với vật lý lượng tử, thậm chí không xác định được vật chất tối và năng lượng tối – thành phần chủ chốt tạo nên vũ trụ – là gì.
Thuyết vạn vật (Theory of Everything) vẫn còn là thứ quá xa vời với các nhà khoa học. Và còn rất nhiều câu hỏi hóc búa khác, bao gồm việc ý thức nảy sinh từ vật chất đơn thuần như thế nào.
Nhiều người cho rằng bộ não con người là sản phẩm của sự tiến hóa theo thời gian. Nó được thiết kế để giải quyết các vấn đề thực tế ảnh hưởng đến sự tồn tại và sinh sản của chúng ta, chứ không phải để sáng tỏ cấu trúc vũ trụ.
Khoa học phát triển cực nhanh nhưng chưa tìm hiểu được các vấn đề cơ bản của vũ trụ. Ảnh:Shutter.
Những vấn đề của người tinh khôn
Do đó, nhiều triết gia bi quan cho rằng có những điều chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được, khoa học của con người ngày nào đó sẽ đạt đến giới hạn cuối cùng. Và có thể chúng ta đã đạt đến giới hạn đó rồi. Tuy nhiên, liệu đây có phải là quan niệm đúng?
Theo nhà nghiên cứu Maarten Boudry thuộc Đại học Ghent (Bỉ), nếu cho rằng chỉ con người mới có sức mạnh nhận thức, điều khiến chúng ta khác biệt với các loài động vật khác, bạn sẽ không hiểu hết được thuyết tiến hóa của Darwin vốn nhận định Homo Sapiens – người tinh khôn cũng chỉ là một phần của giới tự nhiên.
Có rất nhiều điều chúng ta không thể làm được với bộ não trần trụi của mình. Nhưng Homo Sapiens là loài chế tạo công cụ, bao gồm một loạt các “công cụ nhận thức”. Nhờ đó con người có thể mở rộng được sự hiểu biết của mình.
Ví dụ, các cơ quan cảm giác của chúng ta không thể phát hiện tia UV, sóng siêu âm, tia X hoặc sóng hấp dẫn. Nhưng nếu được trang bị một số công nghệ tương thích, bạn có thể nhận ra tất cả những thứ đó.
Để khắc phục hạn chế về nhận thức, các nhà khoa học đã phát triển bộ công cụ và kỹ thuật như: kính hiển vi, phim X quang, máy đếm Geiger, máy dò vệ tinh vô tuyến,…
Con người đã sáng tạo nên những phương thức, thiết bị nâng tầm giác quan cho chính chúng ta. Ảnh:Bloomberg.
Tất cả các thiết bị này mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta bằng cách “chuyển đổi” những quy tắc vật lý thành một số định dạng mà cơ quan cảm giác con người có thể nhận biết được. Thực tế, có phải chúng ta đã cảm nhận được tia UV? Theo cách nào đó, có thể nói là như vậy.
Bằng cách tương tự, chúng ta sử dụng các vật thể vật lý (như giấy và bút chì) để tăng “dung lượng” bộ nhớ cho bộ não trần trụi. Theo nhà triết học người Anh Andy Clark, tâm trí chúng ta hoàn toàn vượt ra khỏi da và hộp sọ, nó xuất hiện dưới dạng máy tính xách tay, màn hình máy tính, bản đồ hoặc những tập tin lưu trữ,…
Vai trò của toán học
Toán học là một cách tuyệt vời khác để mở rộng nhận thức. Nó cho phép con người thể hiện các khái niệm mà chúng ta không thể nghĩ ra bằng bộ não trần.
Chẳng hạn, không nhà khoa học nào có thể vẽ ra được biểu đồ đại diện cho tất cả các quá trình đan xen phức tạp của hệ thống khí hậu. Đó là lý do con người đã xây dựng các mô hình toán học và máy tính để thực hiện công việc nặng nhọc thay cho chúng ta.
Quan trọng nhất, chúng ta có thể mở rộng nhận thức và truyền đạt cho những đồng loại. Điều làm cho loài người trở nên độc đáo là chúng ta có văn hóa, đặc biệt là kiến thức văn hóa tích lũy theo thời gian. Một quần thể bộ não của con người thông minh hơn nhiều so với bất kỳ bộ não riêng lẻ nào.
Không nhà khoa học nào có thể tự làm sáng tỏ những bí ẩn của vũ trụ. Nhưng tập thể sẽ làm được. Như Isaac Newton đã viết, ông ấy có thể nhìn xa hơn khi đứng trên vai người khổng lồ. Bằng cách hợp tác với các đồng nghiệp, các nhà khoa học có thể mở rộng tầm hiểu biết nhanh hơn bất kỳ hoạt động cá nhân riêng lẻ.
Sự độc đáo của chúng ta là nền văn hóa được tích lũy theo thời gian. Ảnh:Shutter.
Ngày nay, ngày càng ít người hiểu những gì đang diễn ra ở đỉnh cao của vật lý lý thuyết – ngay cả các nhà vật lý. Sự thống nhất cơ học lượng tử và lý thuyết tương đối chắc chắn gây nhiều khó khăn, nếu không các nhà khoa học đã hoàn thành nó từ lâu.
Điều tương tự cũng đúng đối với sự hiểu biết con người về cách bộ não phát triển ý thức, ý nghĩa và ý hướng – intentionality, một trong những khái niệm quan trọng bậc nhất của hiện tượng học (nhánh triết học nghiên cứu cấu trúc của sự cảm quan và ý thức).
Nhưng có lý do chính đáng nào để cho rằng những vấn đề này sẽ mãi mãi nằm ngoài tầm với?
Phát triển hay dừng lại?
Nhà nghiên cứuMaarten Boudry đặt ra một giả thuyết thú vị. Có một nhà nhân chủng học ngoài hành tinh đến thăm Trái Đất khoảng 40.000 năm trước để chuẩn bị báo cáo khoa học về tiềm năng nhận thức của con người.
Liệu loài vượn-người có hiểu được cấu trúc của Hệ Mặt Trời, độ cong của không-thời gian hay thậm chí là nguồn gốc tiến hóa của chính nhân loại.
Khi ấy, khi tổ tiên chúng ta sống trong từng nhóm nhỏ bằng phương pháp săn bắt hái lượm. Dù sở hữu kiến thức khá sâu rộng về động thực vật ở môi trường xung quanh cũng như kiến thức để tồn tại, tổ tiên chúng ta không có khái niệm gì về khoa học.
Họ không có chữ viết, không biết toán học, không sở hữu thiết bị nhân tạo để mở rộng nâng tầm cơ quan cảm giác như các thiết bị nhận biết tia UV, cảm biến nhiệt…
Kết quả là nhà nhân chủng học ngoài hành tinh đánh giá: “Loài người không biết gì về nguyên nhân thực sự của thảm họa thiên nhiên, bệnh tật, thiên thể, sự thay đổi các mùa hoặc bất kỳ hiện tượng tự nhiên nào khác. Tiềm năng nhận thức của loài này rất thấp”.
Chúng ta có cô đơn giữa vũ trụ hay không vẫn sẽ là lời giải gây tò mò bậc nhất. Ảnh:Phys.
Nhưng người ngoài hành tinh đó hoàn toàn sai lầm. Về mặt sinh học, loài người không khác mấy so với 40.000 năm trước, nhưng giờ ta đã biết về vi khuẩn và virus, DNA và các phân tử, siêu tân tinh và lỗ đen, phổ điện từ,…
Chúng ta cũng biết về độ cong không-thời gian, thuyết tương đối rộng Einstein. Chúng ta đã có thể “nhìn” đến các vật thể cách xa hàng triệu năm ánh sáng, cả những vật thể cực kỳ nhỏ bé (vi khuẩn, virus, hạt hạ nguyên tử,…), những thứ ngoài tầm với của các cơ quan cảm giác con người.
Câu chuyện giả sử ở trên là động lực cho sự phát triển của nhân loại. Ai biết được những thiết bị nào sắp tới có thể khắc phục những hạn chế sinh học của chúng ta? Ai dám khẳng định một bài toán sẽ mãi mãi không bao giờ tìm được lời giải?
Đại Việt/Zing
Theo doanhnghiepvn.vn
Vũ trụ không truyền âm thanh, các nhà du hành nói chuyện kiểu gì?
Âm thanh chỉ có thể truyền trong vật chất bởi bản chất của nó là sóng. Nhưng ở trong khoảng không gian ngoài bầu khí quyển lại chẳng có vật dẫn truyền nào hết - điều đó đồng nghĩa với việc âm thanh sẽ không tồn tại.
Trong trạm hoặc tàu vũ trụ, các phi hành gia có thể nói chuyện với nhau bình thường do ở đây vẫn có không khí. Thế còn những lúc phải làm nhiệm vụ ở ngoài những nơi này - họ giao tiếp với nhau như thế nào?
Vấn đề nan giải này đã được giải quyết một cách hoàn hảo dựa vào nguyên lý: Sóng âm không truyền được trong chân không, nhưng sóng điện từ thì có.
Một thiết bị ghi âm nhỏ sẽ được lắp ở phía trong mũ du hành, ghi lại giọng nói của phi hành gia, rồi chuyển nó thành dạng sóng radio truyền sang mũ của người khác, hoặc truyền về trạm thu Trái Đất. Các máy thu bắt sóng và dịch sang dạng âm thanh - hệt như cách chúng ta nghe đài radio vậy.
Tuy nhiên, đôi khi việc truyền sóng gặp trục trặc khiến cho cách giao tiếp này bị vô hiệu. Và để khắc phục tạm thời, các phi hành gia sẽ sử dụng đến một giải pháp thay thế rất... đáng yêu, đó là chạm mũ vào nhau và sau đó nói chuyện bình thường.
Âm thanh sẽ truyền từ người nói qua không khí trong mũ, qua thành mũ tới tai người kia.
Âm thanh có thể chữa lành bệnh?
Những âm thanh được ghi nhận có khả năng giúp chúng ta hồi phục nhanh hơn, là tiếng phát ra từ chuông mõ của người Tây Tạng, hoặc âm thoa... Ngoài ra, các bản thu âm trị liệu có chứa tần số âm đặc biệt như 528 Hz hoặc 432 Hz cũng đang nhận được sự tán dương của giới y học. Khoa học đã chứng minh rằng các âm này tác động lên sóng não, giúp bệnh nhân cải thiện tinh thần, giảm đau và kích thích sự hồi phục của các vùng chịu thương tổn.
Và âm thanh cũng có thể hủy diệt
Đối lập với công dụng trên, các nhà khoa học cũng khám phá ra khả năng phá hủy vật chất của sóng âm. Khi một âm thanh có cùng tần số với tần số dao động riêng của một vật, vật đó sẽ bắt đầu dao động. Hiện tượng này gọi là sự cộng hưởng.
Điều này xảy ra tương tự với các bộ phận trên cơ thể người, bởi mỗi cơ quan đều có một tần số riêng. Chẳng hạn như nhãn cầu có tần số tự nhiên là 19Hz. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một người đứng trong vùng có âm thanh với tần số rơi đúng vào 19Hz?
Rất đơn giản, mắt người đó sẽ rung lên cho đến khi âm thanh này biến mất thì thôi. Nếu dao động này đủ mạnh và tồn tại đủ lâu, thị lực của họ có thể bị suy giảm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, âm thanh có cường độ quá lớn cũng gây ra những tác động tiêu cực không kém. Giới khoa học tính được rằng nếu chỉ số này đạt mức 240 dB, âm thanh sẽ chính thức trở thành một loại vũ khí chết người.
Độ lớn của âm thanh được đo bằng đơn vị decibel. Khoảng 30dB là độ lớn âm thanh tại các làng quê yên tĩnh, trong khi đó 120dB là độ lớn mà bạn có thể nghe thấy tại các liveshow rock. Âm thanh lớn nhất mà chúng ta có thể nghe có độ lớn khoảng 160dB, nếu âm thanh có độ lớn vượt quá ngưỡng này có thể khiến màng nhĩ bị rách. Khi âm thanh có độ lớn 200dB, các sóng âm thanh có áp lực lớn thậm chí có thể làm vỡ phổi, đẩy không khí vào các mạch màu gây ra nghẽn các mạch máu dẫn tới tử vong.
Vì sao tốc độ truyền âm thanh trong nước nhanh hơn trong không khí?
Âm thanh là thứ nhìn không thấy, sờ cũng không thấy, vậy mà tai của chúng ta lại có thể nghe được nó. Âm thanh do rung động của vật thể gây ra. Khi vật thể xảy ra chấn động, nó sẽ truyền chấn động của mình cho không khí sát bên cạnh, làm cho các phân tử trong không khí cũng chấn động, rồi kéo không khí ở phía trước cũng chấn động theo. Cứ như vậy mà dần dần truyền đến tai người.
Màng nhĩ trong tai người cũng theo đó mà chấn động và người nghe thấy âm thanh. Vì vậy không khí có thể truyền âm thanh. Trong chân không, âm thanh không có cách nào truyền đi được. Đứng trên Mặt Trăng, cho dù có người gào to trước mặt bạn thì bạn cũng không nghe thấy một chút xíu âm thanh nào, vì trên Mặt Trăng không có không khí.
Ngoài không khí có thể truyền âm thanh ra, nhiều thứ như chất lỏng, chất rắn v.v. đều có thể truyền âm thanh. Khi có người đi trên bờ sông, cá dưới sông vừa nghe thấy tiếng chân người liền lập tức ẩn trốn. Đó là do nước truyền âm thanh. Nước chẳng những có thể truyền âm thanh, mà tốc độ truyền của nó còn nhanh hơn không khí nhiều. Các nhà khoa học đã đo được, ở 0 C, tốc độ truyền trong nước là 1450 m/s. Vì sao âm thanh truyền trong nước lại nhanh hơn trong không khí?
Nguyên nhân tốc độ truyền của âm thanh có quan hệ chặt chẽ với tính chất của môi trường. Trong quá trình truyền âm thanh, các phân tử của môi trường lần lượt dao động quanh vị trí cân bằng của nó. Khi một phân tử nào đó lệch khỏi vị trí cân bằng, các phân tử khác ở xung quanh liền lôi nó trở về vị trí cân bằng. Điều đó có nghĩa là, phân tử môi trường có năng lực chống lại sự lệch khỏi vị trí cân bằng.
Không khí và nước đều là môi trường truyền âm thanh, phân tử môi trường khác nhau, khả năng chống lại cũng khác nhau. Môi trường có khả năng phản kháng lớn, khả năng truyền dao động cũng lớn, tốc độ truyền âm thanh sẽ nhanh.
Khả năng chống lại của phân tử nước lớn hơn của không khí, cho nên tốc độ truyền âm thanh trong nước nhanh hơn trong không khí. Nguyên tử sắt có năng lực chống lại còn lớn hơn của phân tử nước, cho nên tốc độ truyền âm thanh trong sắt thép lại càng lớn, đạt được 5000 m/s.
Những âm thanh kỳ quái làm khó các nhà khoa học. Clip nguồn youtube
Theo tienphong.vn
Khám phá bất ngờ loài mèo bé nhất thế giới, chỉ nặng 1kg Mèo đốm gỉ là loài mèo có kích thước nhỏ nhất thế giới. Một con trưởng thành có cân nặng chỉ khoảng 1kg. Với kích thước như vậy thì chúng có thể nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay bạn. Ảnh: wikimedia. Mèo đốm gỉ có tên khoa học là Prionailurus rubiginosus. Loài mèo này có hình dáng khá giống những giống mèo...