Con nghỉ Tết sớm, phụ huynh phải “mượn” giúp việc nhà hàng xóm
Con nghỉ Tết, chị Hà đăng tìm người giúp việc theo ngày, trả cả triệu đồng một ngày nhưng tìm không ra. May sao, chị lại “mượn” cô giúp việc của nhà chị hàng xóm vài hôm.
Nắm lịch nghỉ Tết của con dài hơn bố mẹ từ lâu nên chị Nguyễn Minh Hà, làm việc tại một siêu thị ở Gò Vấp, TPHCM đã sớm lên nhiều kế hoạch trông con nhưng đều bất thành. Sát Tết nên ông bà ở quê không thể vào hỗ trợ, con nhỏ cũng không thể gửi về ông bà lúc này.
Chị đăng ròng rã lên các diễn đàn tìm người giúp việc tạm thời, làm việc trong một tuần, chi phí một triệu đồng/ngày. Chị gặp vài ba người, nhưng có trường hợp đòi giá gấp đôi, có người chị thấy “tiểu sử” đi làm dính nhiều “phốt” nên không dám thuê.
Nhiều phụ huynh phải tìm giúp việc theo ngày trông con vì con nghỉ Tết sớm (Ảnh minh họa)
Quá trình tìm hiểu, chị mới thấy bất an, nghĩ cảnh giao hai con nhỏ, nhà cửa cho người lạ, có rất nhiều mối nguy hiểm.
Nhà chị có hai con nhỏ, một tiểu học, một mầm non, khó khăn vô chừng. Năm ngoái, trường mầm non con chỉ giữ thêm ngày Tết, chị đánh tiếng gửi cậu con lớn khi đó học lớp 1 vào cùng. Lớp cuối năm vắng, biết phụ huynh bí nên trường mầm non cũng thương tình giữ giúp.
Nhưng năm nay, Tết đến nhanh, gấp gáp, trường con chị thông báo nghỉ Tết theo lịch, không giữ thêm. Chị dò hỏi một số trường tư nhưng họ đều không nhận trẻ ngoài.
Con nghỉ Tết trước bố mẹ là bài toán gây khủng hoảng cho nhiều gia đình (Ảnh minh họa)
Đang lúc bí thì chị Hà được biết, chị Trân cùng tầng chung cư, hai con được ông bà đưa về quê sớm. Chị đánh tiếng… “mượn” tạm bà Năm, người giúp việc của nhà chị Trân vài ngày. Nhà gần nên biết nhau, bà Năm cũng hay chơi với con chị. Chị thở phào khi thuê lại được người giúp việc trong vài ngày.
Khóc ròng vì con nghỉ Tết sớm
Cuối năm công việc ai cũng dồn dập, lại thêm chuyện con cái, nhà cửa đảo lộn, rất nhiều bà mẹ phải thốt lên: Chỉ ước trốn khỏi Trái đất vài ngày!
Video đang HOT
Chị Anh Thư, ở Thủ Đức, TPHCM cho hay, cứ đến ngày này là nhà chị như có chiến tranh. Chuyện con nghỉ Tết mà vợ chồng lục đục, cãi nhau, ông chồng bực mình như thể là lỗi của chị bắt con nghỉ học sớm.
Gửi con đến các trường ngoại khóa dịp cận Tết thì chị không gánh nổi chi phí. Con nghỉ trước 6 ngày, giờ chị đành đến đâu hay đến đó, ngày nào tính ngày đó. Có ngày gửi ké nhà hàng xóm, rồi chở qua nhà người thân mẹ xin làm nửa ngày. Đến phương án, vợ chồng mỗi người chia nhau đưa hai đứa lên cơ quan cũng phải tính đến.
Tại TPHCM, phần lớn chỉ các trường tư thục mới giữ trẻ đến cận Tết (Ảnh minh họa)
“Gửi con đâu cũng không yên tâm vì mọi người hỗ trợ mình thôi chứ không ai có tránh nhiệm giữ con cho mình, cuối năm ai cũng bận. Gửi con ở đâu, trưa tôi cũng phải chạy cả chục cây số ngó qua con chút”, chị thở dài cho biết, việc gì rồi cũng qua, cũng thu xếp được hết nhưng phải nói, bố mẹ luôn trong tình trạng thấp thỏm lo lắng cho an toàn của con.
Chị Ngọc Dung, ở quận 3, TPHCM kể, mấy năm nay, con nghỉ Tết, đứa lớn đứa nhỏ đều được chở lên nhà một người thân ở quận 12. Ở đó có bà, cô giúp việc lo chuyện ăn uống, trông nom… Rất nhiều con cháu, rồi nhiều nhà hàng xóm bí quá cũng đưa con sang gửi ké. Hàng chục đứa trẻ trong căn nhà, nghịch phá cho tan hoang.
Chị Dung nói: “Nhà mình còn có người thân ở đây, thu xếp cho gửi được. Dù hàng ngày vợ chồng mất vài tiếng đưa đi, đón về gần 30 chục cây số, đường xá cuối năm thì kẹt cứng. Chứ nhiều nhà, bí không tìm ra cách”.
Cơ quan chị Dung, nhiều người dắt con đi làm, họ cũng rất ngại ngần khi ảnh hưởng đến công việc, đồng nghiệp. Có người chở con theo, rồi đành để con ngoài quán trà sữa, quán cà phê gần văn phòng, trưa chạy ra đón con đi ăn.
Có người còn phải thả con… ở các cửa hàng bán điện thoại, điện tử để các cháu chơi game, xem hoạt hình như một cách giữ chân cho các cháu. Bố mẹ đi làm không thể yên tâm, một lúc lại gọi điện hỏi rồi chạy ra xem tình hình.
Theo lịch, học sinh các cấp ở TPHCM nghỉ Tết Nguyên đán 2020 sẽ bắt đầu từ ngày 20/1/2020 (tức ngày 26 tháng Chạp) đến hết ngày 2/2/2020 (tức mùng 9 Tết), học sinh trở lại trường vào ngày 3/2/2020 (tức mùng 10 Tết), tổng cộng nghỉ 14 ngày. Tuy nhiên, ngày nghỉ chính thức bắt đầu từ thứ 2, nên phần lớn các trường sẽ bắt đầu nghỉ từ thứ 7, tổng kỳ nghỉ kéo dài 16 ngày.
Trẻ nghỉ Tết trước cha mẹ và trở lại đi học sau cha mẹ nên điệp khúc “tìm nơi gửi con” không chỉ diễn ra trước Tết. Nhiều gia đình ăn Tết xong lại một lần nữa tìm cách xoay xở trông con.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Nếu IQ của con không cao, bố mẹ đừng buồn mà hãy tập trung phát triển 5 đặc điểm này thì con chắc chắn thành công hơn người
IQ không quyết định tương lai của một đứa trẻ. Có những yếu tố khác quan trọng không kém và bố mẹ cần rèn luyện cho con từ nhỏ.
Theo Giáo sư Chu, chuyên gia ngành Giáo dục học hiện đang công tác tại Đại học Bắc Kinh: "IQ chỉ đóng 20% trong quá trình học tập và phát triển của trẻ. Phụ huynh không thể gán kết quả học tập tốt xấu của con mình đều do IQ, càng không thể sử dụng IQ để đánh giá tương lai đứa trẻ có tốt hay không".
Ngoài IQ, thì 5 yếu tố "kiềm chế, hiệu quả, đọc sách, nghiêm túc, kiên trì" mới đóng góp quan trọng đến quả trình trưởng thành của con. Muốn con thành công bố mẹ cần rèn giũa cho con 5 yếu tố này.
Dạy con tính kiềm chế
Biết kiềm chế là một trong những đức tính quan trọng giúp chúng ta chống lại sự cám dỗ của thế giới bên ngoài. Từ điều này mà con người hướng đến những điều tốt đẹp và dễ thành công hơn trong cuộc sống.
Nhà văn nổi tiếng người Nga Maksim Gorky từng nói: " Chỉ cần một chút kiềm chế bản thân cũng sẽ khiến con người mạnh mẽ hơn". Vậy nên ngay từ nhỏ, bố mẹ nên rèn cho con những thói quen tốt, tránh xa những thói xấu và không được dao động trước sự phù phiếm, tệ nạn ngoài xã hội.
Dạy con cách làm việc hiệu quả
Trong một lớp học luôn có những học sinh vô cùng chăm chỉ, ôn tập bài vở không kể đêm ngày. Thế nhưng thành tích của những học sinh này lại không như mong đợi.
Thực tế, thời gian bỏ ra cho một việc ít hay nhiều không tỷ lệ thuận với kết quả thu về. Nhiều khi có những học sinh chỉ ôn bài trước kỳ thi 1, 2 ngày nhưng lại đạt được điểm cao. Đó là bởi họ biết tập trung vào trọng điểm, vào khả năng của mình, từ đó tìm ra cách làm việc hiệu quả.
Đây cũng chính là điều bố mẹ nên dạy con: Thay vì lãng phí thời gian, con cần xem thời gian mình bỏ ra có hiệu quả hay không.
Dạy con đọc sách
Với sự phát triển của công nghệ, con người có thể mở mang kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông như tivi, mạng xã hội, báo điện tử,...
Tuy nhiên, dù có bao cách thức xuất hiện thì các cuốn sách vẫn không mất đi giá trị, vị trí vững chắc của mình. Đọc sách nhiều không chỉ cung cấp kiến thức mà còn nuôi dưỡng tâm hồn cho con.
Những đứa trẻ thường xuyên đọc sách sẽ thể hiện được sự thông minh qua lời nói và tính cách. Thực tế có rất nhiều người thành công trên thế giới được bố mẹ rèn cho thói quen đọc sách từ nhỏ.
Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất chính là gia đình bà Hesung Chun Koh. Cả 6 người con của bà đều là Tiến sĩ các trường đại học danh tiếng như Harvard, Yale,...
Bí quyết là bà mẹ này đã nuôi dưỡng niềm yêu thích đọc sách cho con ngay từ nhỏ.
Dạy con tính nghiêm túc
Nếu con học được tính nghiêm túc, luôn tập trung, cẩn thận với mọi việc thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu với cả việc học và cuộc sống, con chỉ có thái độ qua quýt cho xong, lúc nào cũng có suy nghĩ tạm bợ thì tương lai sẽ không thể thành công được.
Dạy con tính kiên trì
"Có công mài sắt, có ngày nên kim". Trong bất cứ việc gì, con cũng đều cần kiên trì, phấn đấu đến cùng vì mục tiêu đề ra.
Dù có tài giỏi đến đâu mà thiếu kiên trì, sớm bỏ buộc thì con sẽ mãi chẳng thành công được. Để rèn tính kiên trì cho con, bố mẹ phải tập hàng ngày từ những việc nhỏ nhất.
Chẳng hạn con kêu bài tập khó, bố mẹ không được vội vã chạy lại giải giúp mà nên khuyến khích con suy nghĩ thêm để tìm ra cách giải. Điều này giúp con vừa học được tính kiên trì vừa phát huy tốt hơn tiềm năng của mình.
Theo Helino
Quyền được an toàn đến trường của con trẻ "Quyền được an toàn" mỗi khi ra khỏi nhà là một đòi hỏi chính đáng. Để ngăn tình trạng học sinh vi phạm giao thông, cần sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và xã hội Con bé đi rồi, nó mới lớp 11, tai nạn xảy ra và sáng nay con bé không đến trường được nữa... Nhiều phụ huynh...