Con lớp 1 đóng tiền cây cảnh, mua tăm: Khó hiểu
Dù đã thống nhất các khoản nhỏ vặt sẽ sử dụng quỹ phụ huynh nhưng nhà trường vẫn kê thêm hàng loạt khoản đóng vô lý như: tiền cây cảnh, tăm tre…
Mới đây phụ huynh Nguyễn Nga có con học lớp 1 tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện Tiên Du, Bắc Ninh chia sẻ biểu thu tiền đóng học của con trai khiến chị này bức xúc.
Biểu thu được phụ huynh chụp lại.
Theo chị Nga, trong các khoản thu có tiền đồng phục, tài liệu, sách tiếng Anh, vở ô ly, thẻ, tin nhắn, BHYT, quỹ phụ huynh, giấy thi và đặc biệt có cả tiền tăm, ghế inox và cây cảnh.
Điều khiến chị Nga khó hiểu là, ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm cả nhà trường và phụ huynh đã thống nhất các khoản chi lặt vặt như tăm, giấy thi… sẽ được trích từ quỹ phụ huynh. Thế nhưng, tới thời điểm này chị lại nhận được file báo thu từ nhà trường bao gồm cả tiền cây cảnh, tiền tăm và ghế inox thu riêng.
“Con đã đóng 300.000 đồng tiền quỹ phụ huynh, không hiểu sao mấy khoản này lại kê vào bắt phụ huynh đóng tiền nữa? Quỹ phụ huynh để làm gì? Con nhà em không ăn bán trú thì mua tăm làm gì?”, chị Nga thắc mắc.
Theo chị Nga, có rất nhiều khoản không hiểu đóng để làm gì?
“Tiền cơ sở vật chất đáng lẽ phải bao gồm hết cả tiền mua ghế rồi chứ? Từ đầu năm tới giờ mấy triệu rồi, không hiểu nổi”, vị phụ huynh này bức xúc.
Chị Nga cũng cho biết đã có ý kiến về các khoản đóng góp vô lý với cô giáo chủ nhiệm, tuy nhiên, trong lớp có tới 99% phụ huynh đồng ý, chỉ một mình chị có ý trái chiều, vì điều này nên chị có thắc mắc cũng không thay đổi được tình hình mà thậm chí còn khiến con chị luôn bị để ý “đặc biệt”.
Video đang HOT
Chia sẻ của chị Nga cũng là thắc mắc chung của nhiều phụ huynh khác. Theo đó, việc đóng tiền mua ghế được các phụ huynh chia sẻ, các con ngồi xong không mang về mà năm nào cũng đóng, học sinh nào cũng mua vậy thì ghế ngồi và số tiền này đi đâu?
Đó là chưa nói tới việc dù phiếu thu đóng tiền ghi ghế inox nhưng trên thực tế, con chị vẫn đang ngồi ghế nhựa trong các giờ chào cờ.
Tương tự, cây cảnh cũng vậy, học sinh lớp 1 thì làm sao biết cầm kéo cắt tỉa cây cảnh, mà chi phí đáng lẽ cũng phải nằm trong khoản chi cho vệ sinh, chỉnh trang trường học, sao lại bắt học sinh phải đóng tiền cây cảnh?
Chị Vũ Mai Thanh thắc mắc “vở ô ly chán đời nhất luôn, bao nhiêu vở đẹp ở ngoài không cho mua, bắt mua vở ở trường rất xấu”.
Chị Mai Thanh cũng cho biết, chỉ đóng riêng các khoản bắt buộc cho 3 đứa con đầu năm gồm: sách vở, đồng phục, các khoản phí khác cũng đã tốn cả 10 triệu đồng. Vì thế, các khoản phụ thu không hợp lý khác chị không đóng.
Lạm thu, có bao nhiêu người bị xử lý?
Liên quan tới việc này, trước đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đã có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.
Từ chỉ đạo trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu, chi. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định; không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Theo văn bản trên, có 7 khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu gồm: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Tại TP HCM, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu ngay từ đầu năm học, trường phải thỏa thuận chủ trương với phụ huynh học sinh để có cơ sở lựa chọn và quyết định tổ chức các hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên, khi bình luận về việc này, nguyên hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1, TP HCM thẳng thắn rằng dù phụ huynh phản ánh, dư luận lên tiếng nhưng thử hỏi có bao nhiêu trường hợp lạm thu bị xử lý đến nơi đến chốn hay cơ quan quản lý chỉ nhắc nhở qua loa là xong. Nhiều trường còn tận thu theo cách chia nhỏ các khoản đóng góp khiến phụ huynh nghĩ rằng những khoản đó không đáng bao nhiêu nên đóng cho xong.
“Dù Bộ GD-ĐT cũng đã có quy định đề nghị xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu; nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định nhưng thống kê đến nay có bao nhiêu người đứng đầu nhà trường bị xử lý?” – vị này đặt câu hỏi.
Đây cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến việc phụ huynh bức xúc cứ than, tiền vẫn mất, tình trạng lạm thu vẫn cứ diễn ra.
Thanh Hoá: Phụ huynh bức xúc vì nhà trường thu nhiều khoản bất hợp lí
Mặc dù ngay từ đầu năm học, tỉnh Thanh Hóa đã cấm thu nhiều khoản trong trường học, song một số trường vẫn phớt lờ quy định, vạch ra các khoản thu vô lý khiến phụ huynh bức xúc.
Theo phản ánh của phụ huynh học sinh Trường THCS Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa), đầu năm học, có nhiều khoản thu tại trường không hợp lý, có dấu hiệu lạm thu.
Cụ thể, các học sinh phải đóng góp tới 16 khoản, với tổng số tiền hơn 4.218.000 đồng. Ngoài các khoản bắt buộc như học phí, bảo hiểm y tế, quỹ lớp, hội chữ thập đỏ, quỹ đội, gửi xe, nước uống, điện thoại..., còn có các khoản khác như: tiền đổ rác 50.000 đồng/năm; cắt tỉa cây 80.000/năm; dọn vệ sinh 20.000/năm; quỹ xã hội hóa 400.000 đồng/học sinh. Phụ huynh cho biết, họ không đồng tình với những khoản thu này.
Các phụ huynh đã đến trường đề nghị hiệu trưởng Trường THCS Quảng Thịnh làm rõ các khoản thu được cho là không hợp lý
"Tiền đổ rác và tiền vệ sinh có khác gì nhau đâu mà phải tách ra thu riêng. Còn tiền cắt tỉa cây, nhà trường đã có nhà nước trợ cấp rồi. Hơn nữa, mặc dù nhà trường nói khoản xã hội hóa là các phụ huynh tự nguyện nhưng tại sao lại đề ra mức 400.000/học sinh, rồi yêu cầu phụ huynh ký vào biên bản đồng ý. Trong khi đó, chúng tôi không được thông qua ý kiến", một phụ huynh bức xúc lên tiếng.
Bà Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Thịnh lý giải: Đối với tiền xã hội hóa, đúng theo nghĩa tự nguyện thì phụ huynh tham gia hoặc không tham gia. Tuy nhiên, khi họp, các phụ huynh đều mong muốn con em được học với phương tiện hiện đại hơn, thay vì học với máy chiếu chất lượng hình ảnh thấp nên giờ mua tivi để có chất lượng hình ảnh cao hơn.
"Nguyên tắc xã hội hóa là không ép buộc, không cào bằng, nếu phụ huynh không muốn tham gia thì cứ để con học máy chiếu cũ", cô Nguyệt nói.
Hiệu trưởng cũng nói thêm, số tiền xã hội hóa thu được sẽ phục vụ cho các việc như mua quạt, thay bóng đèn, phòng học, đường nước ra nhà vệ sinh, nắp cống cãnh... Như vậy, với mức xã hội hóa đề ra 400.000 đồng/học sinh mới đủ chi những khoản trên.
Song, nữ hiệu trưởng cũng khẳng định, những mức thu trên vẫn chỉ đang được lên kế hoạch, vẫn chưa tiến hành thu do chưa được lãnh đạo phòng giáo và lãnh đạo thành phố phê duyệt.
Ngoài Trường THCS Quảng Thịnh, tại Trường THCS Lê Lợi, một số phụ huynh cũng phản ánh mức thu cao. Cụ thể, trường thu 14 khoản với tổng số tiền 5.312.000 đồng/học sinh. Đáng nói, ngoài khoản xã hội hóa 400.000/học sinh, nhà trường còn kêu gọi mua quạt, máy chiếu riêng với mức 500.000/học sinh.
"Điều đó là vô lý, tiền xã hội hóa dùng để chi việc gì, trong khi còn khoản mua quạt, mua máy chiếu riêng. Chúng tôi cần được làm rõ", một phụ huynh nói.
Ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa cho biết, những khoản như cắt tỉa cây, đổ rác, vệ sinh tại trường THCS Quảng Thịnh, nhà trường không được phép thu. Riêng xã hội hóa phải trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, nhà trường chỉ kêu gọi, không được đề ra mức thu.
"Hiện phòng giáo dục chưa phê duyệt kế hoạch thu của các trường. Nếu trường nào thu trái quy định, chúng tôi sẽ yêu cầu hủy bỏ", ông Lựu nói.
Năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã nghiêm cấm một số khoản thu tại các cơ sở giáo dục như: Tiền bảo vệ cơ sở vật chất và an ninh trường học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Không thu đóng góp của phụ huynh để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí theo quy định như: Chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, bảo vệ trường, nước sinh hoạt, hoạt động tập thể, thi đua khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Không được thu tiền vệ sinh trường, lớp và các công trình vệ sinh, các trường phải tổ chức cho học sinh lao động để rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ cơ sở vật chất trường, lớp...
Phụ huynh tố trường lạm thu đầu năm học Nhiều phụ huynh tố trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) có các khoản thu không hợp lý. Những ngày qua, nhiều phụ huynh có con theo học lớp 1, trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm phản ánh ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thu trên 2 triệu đồng/học sinh. Trong đó, nhiều khoản...