“Cơn lốc” săn ngà đẩy voi đến vực tuyệt chủng
Một cặp ngà voi có thể được bán với giá từ 50.000-100.000 USD, chỉ một chiếc nhẫn đeo tay bằng ngà voi cũng có giá 500 USD. Đó là lời giải thích cho nạn buôn lậu và săn bắt voi gia tăng, kéo theo đó là số lượng voi ngày càng giảm mạnh.
Cá thể voi bị giết hại tại VQG Yok Đôn hồi tháng 8 vừa qua
5.000- 10.000 USD/kg ngà
Theo Cơ quan thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã tại Việt Nam (Cites Việt Nam), trong hơn 20 năm qua, số lượng voi hoang dã ở châu Á cũng như Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng. Từ khoảng 1.500-2.000 con vào năm 1980, đến nay chỉ còn khoảng 70-130 cá thể, trong đó khoảng 51 con là voi đang được nuôi tại buôn làng (Đắk Lắk).
Số lượng đàn voi sụt giảm nhanh chóng, bên cạnh nguyên nhân do rừng tự nhiên đang bị tàn phá trầm trọng thì nóng hơn cả là nạn săn bắn voi để khai thác, buôn bán ngà. Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cites Việt Nam nhận định, trước đây, hoạt động buôn bán ngà voi ở Việt Nam chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, phục vụ số ít những người giàu có. Nhưng hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ngà voi tăng lên nhanh chóng, nhiều người mua ngà voi để chơi vì coi đây là một trong những biểu tượng thể hiện đẳng cấp giàu có của mình.
Thậm chí, nhiều người còn quan niệm, ngà voi là vật phong thủy có thể đem lại may mắn, xua đuổi tà ma. Nhiều đại gia còn muốn sở hữu cả bộ ngà voi nguyên chiếc để trưng bày, song, phần lớn vẫn là mua ngà voi để làm trang sức. Bởi vậy, giá ngà voi tăng vọt từng ngày, đặc biệt là từ năm 2009 trở lại đây. Một cặp ngà lớn được bán với giá từ 50.000-100.000 USD. Theo tính toán, nếu năm 2009, mỗi kg ngà voi có giá là 1.000 USD thì hiện đã tăng lên 2.000 USD, nhưng khảo sát trên thị trường “chợ đen” thì 1kg ngà voi hiện có giá tới 5.000-7.000 USD. Tại khu vực Bản Đôn (Đắk Lắk), nơi đang nuôi và bảo tồn 51 con voi rừng được thuần hóa thì tại các cửa hàng nằm dọc bản, ngà voi, lông và đuôi voi vẫn đang được các chủ hàng chào bán công khai với giá rất cao để du khách mua làm trang sức.
Video đang HOT
Cũng bởi ngà voi bán với giá cao, là mặt hàng siêu lợi nhuận nên trong những năm gần đây, liên tục rộ lên các vụ nhập ngà voi từ nước ngoài vào ViệtNam. Theo quy định của Cites, việc bảo tồn voi được xếp vào nhóm Phụ lục I, vì vậy mọi hành động khai thác, buôn bán, sử dụng ngà đều vi phạm nghiêm trọng.
Voi khẩn thiết kêu cứu
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan và các cơ quan chức năng khác có liên quan, lần đầu tiên chúng ta phát hiện và bắt giữ được lô ngà voi nhập lậu vào nội địa là năm 2004. Sau khi đột nhập một nhà kho ở quận Long Biên (Hà Nội), cơ quan điều tra đã phát hiện 750kg ngà voi được nhập lậu từ châu Phi. Từ đó tới nay, các cơ quan chức năng liên tục bắt giữ thêm 25 vụ ngà voi khác, với tổng số ngà voi thu giữ được là hơn 23.000kg. Trong đó, có tới 23 vụ nhập lậu ngà vào Việt Nam thông qua cảng Hải Phòng.
Cùng với nạn nhập lậu ngà voi thô từ châu Phi về Việt Nam, gần đây ngay cả đàn voi đang được bảo tồn trong nước cũng trở thành “mồi” của bọn tội phạm. Theo Vụ Bảo tồn thiên nhiên, từ năm 2009 đến nay, đã có ít nhất 18 con voi bị bắn chết. Trong đó vào tháng 3-2011, có 2 con voi tại vườn quốc gia Pù Mát (Anh Sơn-Nghệ An), riêng tỉnh Đồng Nai đã có 9 con voi bị giết tại vườn quốc gia Cát Tiên, khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu… Tại tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2009 đến nay cũng có 7 vụ voi bị chết, đặc biệt từ 26 đến 31-3 vừa qua phát hiện có 3 con voi bị giết hại tại các Công ty Lâm nghiệp Ea H’Mơ, Chư Ma Lanh thuộc huyện Ea Súp. Mới đây, vào ngày 25-8-2012 lại thêm một vụ sát hại dã man 2 cá thể voi tại vườn quốc gia Yok Đôn. Theo điều tra sơ bộ thì mục đích sát hại voi là để khai thác ngà đem mua bán, trao đổi nhằm kiếm lời cao.
Để bảo tồn voi tránh khỏi “cơn lốc” săn bắt, giết hại lấy ngà, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ này đang xây dựng đề án bảo tồn voi tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Nghệ An, Đồng Nai theo hướng hỗ trợ kinh tế cho người dân đang nuôi giữ đàn voi nhà, gắn chíp cho voi thuần hóa để tiện theo dõi, thiết lập hàng rào bảo vệ đàn voi tại khu bảo tồn, cho voi sinh sản để ngăn chặn sự suy giảm số lượng.
Sẽ chấm dứt buôn bán trái phép sừng tê giác
Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới WWF Việt Nam và Mạng lưới kiểm soát buôn bán các loại động thực vật hoang dã TRAFFIC vừa đưa ra mục tiêu chấm dứt buôn bán trái phép sừng tê giác ở nước ta vào năm 2015. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh những cam kết trong việc chống buôn bán trái phép sừng tê giác, các tổ chức quốc tế hy vọng Việt Nam thấy rõ vai trò quan trọng của mình trong chống buôn bán sừng tê giác trái phép. Các tổ chức này đề nghị phát động chiến dịch giảm nhu cầu sừng tê giác và tăng cường tấn công tội phạm buôn lậu. Cùng với đó, cần tạo ra chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của công chúng. Đặc biệt, cần khuyến khích những cá nhân lên tiếng yêu cầu chấm dứt buôn bán sừng tê giác làm rõ tác dụng thực của sừng tê giác đối với việc chữa bệnh biểu dương, thông tin kịp thời các vụ bắt giữ và truy tố tội phạm liên quan đến sừng tê giác.
Theo Dantri
Tranh cãi tính hợp pháp sừng tê bị mất của ông Trầm Bê
Ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Ngân Hàng Sacombank cho biết, có đủ giấy tờ "hợp pháp"của chiếc sừng tê giác bị mất. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đưa ra quan điểm "chỉ khi nào tìm thấy sừng mới có thể xác định được".
Thiệp mừng và giấy tờ nhập khẩu con tê giác trắng được cho là hợp pháp của ông Trầm Bê.
Theo ông Trầm Bê, chiếc sừng bị mất là của con tê giác trắng đã xử lý thành thú nhồi bông được một người bạn ở quận 5 (TP HCM) tặng nhân dịp tân gia năm 2007. Do đó, việc sở hữu chiếc sừng tê giác (đã bị mất trộm) là hợp pháp bởi ông có đủ giấy tờ nhập khẩu như giấy kiểm dịch, hồ sơ nhập khẩu hải quan... và cả thiệp mừng tân gia của người tặng.
Hồ sơ cho thấy, bạn ông Trầm Bê đứng tên nhập khẩu kiện hàng chứa con tê giác trắng đã được xử lý làm khô. Chi cục Hải quan khu vực IV (Cục hải quan TP HCM, cảng IDC Phước Long I) có tờ khai mở ngày 24/10/2006 với nội dung "lô hàng chứa con tê giác hai sừng trọng lượng tổng cộng 885 ký (chân đế bằng cốt thép xi măng và nhựa composite), đã xử lý làm khô, không thích hợp làm thực phẩm". Các giấy tờ cũng thể hiện, xuất xứ món hàng là Nam Phi và có giấy phép kiểm dịch của nước này ngày 20/10/2006.
Trước đó, khi có thông tin công an huyện Trà Cú (Trà Vinh) đang truy tìm chiếc sừng tê giác "nặng 4 kg, trị giá khoảng 4 tỷ đồng" của ông Trầm Bê bị trộm, Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS, tổ chức phi chính phủ) đã có văn bản yêu cầu công an Việt Nam xác nhận tính hợp pháp của chiếc sừng tê giác này.
Theo WCS, qua trao đổi với CITES Việt Nam (cơ quan quản lý việc buôn bán quốc tế các động vật hoang dã nguy cấp) cho thấy, ông Trầm Bê không nằm trong danh sách những người nhập khẩu hợp pháp sừng tê giác vào Việt Nam. Ông này cũng không có tên trong danh sách những người xuất khẩu sừng tê giác hợp pháp như là mẫu vật săn bắn từ Nam Phi. "Vì vậy chúng tôi cho rằng, chiếc sừng tê giác được đề cập đến trong bài báo mà công an đang truy tìm có khả năng lớn là bất hợp pháp", văn bản WCS nêu.
Dinh thự ở huyện Trà Cú (Trà Vinh), nơi bị mất sừng tê giác. Ảnh: Công an TP HCM
Ngày 7/10, trao đổi với VnExpress.net, ông Đỗ Quang Tùng, Phó giám đốc Cơ quan quản lý động vật hoang dã CITES Việt Nam cho biết, Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp tăng cường bảo vệ động vật hoang dã, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sừng tê giác. Việc nhập "chiến lợi phẩm săn bắn" này phải có giấy phép của CITES Nam Phi cho phép xuất, và giấy phép của CITES Việt Nam cho phép nhập. Tùy thuộc từng nhóm động vật và mục đích nhập khẩu của cá nhân mà CITES Việt Nam sẽ cấp phép hoặc không. "10 năm qua, lực lượng chức năng thu giữ trên 100 kg sừng tê giác bất hợp pháp vào Việt Nam", ông Tùng nói.
Liên quan đến việc ông Trầm Bê vừa công khai hồ sơ nhập khẩu con tê giác đã bị trộm mất sừng, ông Tùng khẳng định CITES Việt Nam chưa nhận được yêu cầu của cơ quan chức năng xác định tính hợp pháp của con tê giác này. CITES Việt Nam cũng chưa "mục sở thị" bộ hồ sơ con tê giác trắng được ông Trầm Bê cho là hợp pháp nên "không biết thế nào". Hàng năm, một số mẫu động vật để trưng bày cũng được cho nhập khẩu, song đều được gắn chip để tiện quản lý. Nếu sừng tê gíác này được tìm thấy thì tính hợp pháp hay không sẽ dễ dàng được xác định.
Tối 27/9, người nhà ông Trầm Bê (xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, Trà Vinh) báo mất chiếc sừng tê giác quý. Chiếc sừng được cho là có trọng lượng 4 kg và trị giá hơn 4 tỷ đồng, được cất giữ trong dinh thự bề thế luôn có 9 bảo vệ trông giữ.
Theo VNE
VN chi 22 triệu USD săn tê giác Nam Phi Từ tháng 4/2012, người Việt bị cấm đến Nam Phi săn tê giác, nhưng trước đó thống kê cho thấy, người Việt đã chi tới 22 triệu USD để có được giấy phép săn tê giác tại nước này, kể từ năm 2003. Con số trên được đưa ra tại buổi tập huấn cho các nhà báo về tình trạng chống buôn bán...