Còn lãng phí “kho” phim tài liệu, hoạt hình?!
Được sản xuất với số lượng áp đảo và gần như chỉ sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước nhưng các “kho” phim tài liệu, hoạt hình vẫn như khối di sản đồ sộ chưa được khai thác và phát huy giá trị trong đời sống xã hội.
Theo danh sách công bố của Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI năm 2019 (dự kiến sẽ diễn ra tại Bà Rịa – Vũng Tàu từ ngày 23 đến 27-11), trong tổng số 74 tác phẩm dự thi thì có đến 29 phim tài liệu và 20 phim hoạt hình. Trong đó, nhiều tác phẩm đã được các ê kíp sản xuất dồn nhiều tâm sức trong một khoảng thời gian dài. Không có phim nào do các nhà sản xuất tư nhân đầu tư để thực hiện.
Nhưng, cũng giống như số phận chung của hầu hết phim hoạt hình, phim tài liệu Việt, các tác phẩm này vẫn khá xa lạ với số đông công chúng. Thậm chí, nếu muốn quan tâm, tìm hiểu về phim cũng khó và không phải phim nào cũng được thông tin rộng rãi.
Thực tế, không chỉ với Liên hoan Phim Việt Nam lần này, số lượng phim tài liệu, phim hoạt hình tham gia dự thi mới chiếm số lượng áp đảo. Với nhiều mùa Liên hoan trước và nhiều kỳ cuộc liên hoan khác về điện ảnh, truyền hình, đây cũng là thể loại thường có số lượng phim dự thi vượt trội, dù rằng, không nhiều phim có nhiều thông tin và được nhiều người biết đến.
Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, nếu chưa tính phim của các cơ sở sản xuất thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… và các Đài truyền hình trên cả nước, hàng năm, thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà nước đầu tư sản xuất hơn 20 phim tài liệu, phim khoa học. Phim hoạt hình hàng năm cũng được Chính phủ đầu tư sản xuất hơn 20 phim.
Theo thời gian, đến nay, tổng số phim sản xuất không hề nhỏ. Dù được nhiều đơn vị, hãng phim khác nhau sản xuất nhưng hầu hết các phim này đều có chung “số phận” là ít được số đông công chúng quan tâm. Nếu thể loại phim hoạt hình từng là món ăn tinh thần quen thuộc, được chờ đợi một thời qua các khung giờ phát sóng buổi tối quen thuộc trên truyền hình nhiều chục năm trước, thì đến nay, gần như các bộ phim hoạt hình mới lại gần như “mất hút” trước vô số sản phẩm giải trí khác.
Với phim tài liệu, vài năm gần đây, một số phim hiếm hoi, là công trình tâm huyết của một số nhóm, nhà làm sản xuất phim độc lập thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước từng được phát hành ngoài hệ thống rạp chiếu: “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân”… Các phim này đều tạo được sự quan tâm nhất định nhưng vẫn chỉ là hiện tượng nhất thời.
Với các phim tài liệu do có nguồn vốn sản xuất từ ngân sách Nhà nước, tác phẩm “ Chuyện ngày hôm qua”, phim tài liệu về ban nhạc Bức Tường là một trong số trường hợp hiếm hoi được nỗ lực đưa ra công chiếu tại rạp. Như chia sẻ của Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương Trịnh Quang Tùng – đơn vị sản xuất “Chuyện ngày hôm qua” thì đây chỉ là bước thử nghiệm trong đưa phim tài liệu ra rạp. Nhưng, đến nay, hoạt động này vẫn chỉ “giẫm chân tại chỗ”. Kho phim tài liệu với hơn 2.000 phim của Hãng vẫn chưa có cơ hội phổ biến rộng rãi hơn, mang lại hiệu quả nhất định nào đó về mặt doanh thu.
Poster phim tài liệu “Đường về” – một trong số tác phẩm được VTV đầu tư sản xuất, dự thi Liên hoan Phim Việt Nam năm 2019.
Về vấn đề này, ông Trần Hoài Sơn, Cục Điện ảnh cho rằng, ở Việt Nam, đã từng có thời gian phim tài liệu, phim hoạt hình được chiếu ở rạp, trước phim truyện. Ngày nay, hoạt động này không còn phù hợp. Hình thức giải trí bằng việc xem phim tài liệu rất gần gũi với hình thức giải trí bằng đọc sách. Khán giả đến với phim tài liệu bởi nhu cầu hiểu rõ hơn, sâu hơn về một vấn đề hoặc sự kiện nào đó trong khoảng thời gian rảnh rỗi của một ngày.
Video đang HOT
Vì lý do này, nhiều kênh truyền hình như Discovery, National Geographic hoặc các website như pbs.org, snagfilms.com trở thành những địa chỉ quen thuộc cho khán giả yêu thích phim tài liệu khắp thế giới. Với phim hoạt hình, theo Statista.com, thị trường phim hoạt hình thế giới năm 2018 có giá trị khoảng 29 tỷ USD và sẽ tăng lên khoảng 270 tỷ USD vào năm 2020. Trong danh sách 20 phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, phim hoạt hình đóng góp 6 phim, trong đó có Avatar, Minion, Frozen, The Lion King…
Với Việt Nam, mặc dù các Đài truyền hình đều sản xuất một lượng phim tài liệu lớn hàng năm nhưng đầu ra chính là các kênh của họ. Thực tế, kinh phí đầu tư cho một bộ phim tài liệu có độ dài 30 phút do Nhà nước đặt hàng lớn hơn nhiều so với đầu tư của các Đài Truyền hình nhưng chưa chú trọng tới đầu ra cho sản phẩm. Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương có kênh Youtube riêng của đơn vị để quảng bá phim của Hãng nhưng chưa phải là một kế hoạch phát triển bền vững. Phim hoạt hình cũng tương tự.
Với khoảng 20 chỉ tiêu phim hoạt hình/năm, mỗi chỉ tiêu tương đương với 1 tập phim, có độ dài 10 phút, thị trường phim hoạt hình Việt Nam còn quá bé nhỏ. Nếu đưa ra rạp lại càng khó vì phim phát hành ngoài rạp cần có độ dài từ 90 phút trở lên, cần được đầu tư như một dự án phim điện ảnh thực thụ.
Chưa kể, phần lớn phim hoạt hình do Nhà nước đặt hàng là những câu chuyện nhỏ, phim dài tập không nhiều, trong khi truyền hình thế giới hiện nay có những phim hoạt hình dài hàng trăm tập. Phim hoạt hình Việt chưa xây dựng được nhân vật hấp dẫn nên phần lớn phim hoạt hình chiếu trên truyền hình, internet ở Việt Nam là của nước ngoài.
theo cand.com.vn
Liên hoan phim Việt Nam: Cuộc đua của nhiều 'vua' phòng vé
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 (năm 2019) quy tụ nhiều tác phẩm lọt top phim Việt có doanh thu cao nhất từ trước tới nay như "Cua lại vợ bầu," "Hai Phượng"...
"Cua lại vợ bầu" mang màu sắc hài hước, lãng mạn. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Với chủ đề "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập," Liên hoan phim Việt Nam năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 23-27/11 tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Những tác phẩm phim truyện được chọn tham gia dự thi tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 (năm 2019) cho thấy dấu hiệu khởi sắc của điện ảnh Việt trong thời gian qua trên nhiều mặt: chủ động hội nhập, đổi mới góc tiếp cận, đa dạng hóa dòng phim...
Sự trở lại của phim nhà nước
Cụ thể, có 16 bộ phim truyện thuộc nhiều thể loại khác nhau (phim hành động, hài, giả tưởng, tình cảm...) tham gia tranh giải Bông Sen Vàng năm nay.
Một trong những điểm mới của liên hoan lần này so với kỳ tổ chức trước là sự trở lại của những bộ phim được sản xuất từ nguồn vốn của nhà nước: "Hợp đồng bán mình," "Nơi ta không thuộc về," "Truyền thuyết về Quán Tiên" và "Thạch Thảo."
Trong số đó, "Truyền thuyết về Quán Tiên" (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) được kỳ vọng trở thành bộ phim đề tài lịch sử thu hút sự chú ý của khán giả trẻ khi được chiếu phổ biến. Trước đó, bộ phim này đã có buổi chiếu ra mắt khán giả Hà Nội vào tối 12/11 trong khuôn khổ Tuần phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam 2019.
Phim kể câu chuyện về chiến tranh từ góc nhìn của người trẻ. (Ảnh: Đoàn làm phim)
Bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn "Huyền thoại về Quán Tiên" của nhà văn Xuân Thiều. Chuyện phim xoay quanh cuộc sống của những cô gái thanh niên xung phong tại một binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Họ vừa phải chiến đấu với kẻ thù, bom đạn vừa phải đối mặt với những khao khát bản năng của con người giữa rừng thiêng, nước độc...
[Điện ảnh Việt đến Liên hoan phim Busan: Dấu ấn của các đạo diễn trẻ]
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng, bằng việc kết hợp giữa các yếu tố thực và ảo, bản năng và ý thức, tác phẩm của nhà văn Xuân Thiều đã cho người đọc một cách nhìn toàn diện, nhân văn về cuộc sống của những người lính. Điều đó không làm mờ đi phẩm chất anh hùng trong kháng chiến mà giúp hình tượng người lính được nhìn nhận đa chiều, tránh được sự khiên cưỡng, cứng nhắc.
"Tôi và êkíp sản xuất mong muốn tái hiện chân thực những tháng ngày gian khổ của những cô gái trẻ trên tuyến đường Trường Sơn trọng điểm. Với họ, sự khổ cực, hiểm nguy, liên tục cận kề với cái chết cũng không đáng sợ bằng nỗi cô đơn, sự thiếu thốn tình cảm. Điều đó đã đẩy họ vào những day dứt, giằng xé nội tâm sâu sắc," đạo diễn Đinh Tuấn Vũ bày tỏ.
Bên cạnh đó, phim tư nhân vẫn chiếm số lượng áp đảo trong danh sách phim dự thi với "Khi con là nhà," "11 niềm hy vọng," "Người bất tử," "Tháng năm rực rỡ," "Song Lang," "100 ngày bên em," "Anh thầy ngôi sao," "Lật mặt: Nhà có khách," "Cua lại vợ bầu," "Hạnh phúc của mẹ," "Hai Phượng" và "Thưa mẹ con đi."
Trong số đó, có nhiều tác phẩm đã từng đại diện Việt Nam tham dự các liên hoan phim nước ngoài như "Song Lang" (dự Liên hoan phim quốc tế Tokyo 2018), "Người bất tử" (tham gia Liên hoan phim quốc tế Tokyo 2019), "Thưa mẹ con đi" (dự Liên hoan phim quốc tế Busan năm 2019)...
Bên cạnh thị trường trong nước, một số tác phẩm đã được phát hành ở nước ngoài như "Hai Phượng" (chiếu ở Mỹ, Canada...), "Lật mặt: Nhà có khách" (chiếu ở Mỹ, Australia...)...
"Đó là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nguồn năng lượng, sức sáng tạo và tinh thần chủ động hội nhập quốc tế của các nhà làm phim trẻ hiện nay. Họ đã chủ động đổi mới để bắt kịp xu hướng chung của thế giới," nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh chia sẻ.
Quảng Bình với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ là bối cảnh chính của bộ phim "Người bất tử." (Ảnh: Đoàn làm phim)
"Không gượng ép phải có Bông Sen Vàng"
Danh sách phim dự thi cho thấy dấu hiệu khởi sắc của điện ảnh Việt trong những năm gần đây. "Lật mặt: Nhà có khách" tạo được sức hút nhờ kết hợp giữa yếu tố kinh dị và hài hước của thể loại ma hài - một thể loại phim đã vắng bóng từ lâu trên thị trường điện ảnh Việt.
Trong khi đó, sự thành công của "Hai Phượng" đã mang đến "làn gió" mới cho điện ảnh Việt dịp đầu năm 2019, góp phần làm đa dạng hóa các dòng phim trong nước. Bởi lẽ, thời gian qua, điện ảnh Việt rơi vào trạng thái "một màu" khi phần lớn những bộ phim mới ra mắt đều thuộc dòng phim rom-com (phim hài tình cảm).
Tuy nhiên, danh sách phim dự thi cũng cho thấy sự thiếu cân bằng của thị trường điện ảnh. Những tác phẩm đạt doanh thu cao ( " Hai Phượng" thu khoảng 200 tỷ đồng, "Cua lại vợ bầu" thu gần 192 tỷ đồng, " Lật mặt: Nhà có khách" đạt gần 120 tỷ đồng...) đều là những tác phẩm thuộc thể loại phim hành động, giải trí. Kịch bản đôi chỗ còn lỏng lẻo, diễn xuất của diễn viên chưa đồng đều.
Những phim được giới chuyên môn đánh giá cao về tính nghệ thuật, chất lượng nội dung (như "Song Lang," "Thưa mẹ con đi"...) lại thiếu yếu tố hút khách, không đạt doanh thu cao. "Song Lang" gây ấn tượng bởi những khung hình đẹp, góp phần tái hiện thời kỳ vàng son của bộ môn nghệ thuật cải lương.
"Song Lang" tái hiện thời kỳ vàng son của nghệ thuật cải lương Việt Nam. (Ảnh: Đoàn làm phim)
"Thưa mẹ con đi" thể hiện góc tiếp cận mới khi khai thác đề tài về cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới). Phim không tiếp cận chuyện tình giữa hai người đồng tính trên phông nền gai góc với những biến cố dữ dội. Thay vào đó, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chọn cách xoáy sâu vào cơn sóng lòng của nhân vật (bị giằng xé giữa tình yêu và áp lực lấy vợ, sinh con theo kỳ vọng của gia đình).
Những phim còn lại ( "100 ngày bên em," "Anh thầy ngôi sao," "11 niềm hy vọng"...) không gây được tiếng vang, ấn tượng sâu sắc với khán giả.
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định ban tổ chức sẽ không có sự ưu ái nào (trong tất cả các khâu: duyệt phim, chấm điểm...) đối với phim do nhà nước sản xuất so với phim tư nhân.
"Điều đó nhằm đảm bảo sự khách quan, minh bạch, uy tín của Liên hoan phim Việt Nam đồng thời khuyến khích, thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của các nhà làm phim. Ngoài ra, ban chỉ đạo, ban tổ chức liên hoan thống nhất không gượng ép phải trao Bông Sen Vàng nhằm đảm bảo chất lượng của liên hoan phim. Tất cả giải thưởng phải có tính thuyết phục, căn cứ trên chất lượng phim. Ở tất cả các hạng mục, yếu tố chất lượng phải được đặt lên hàng đầu," Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết
Theo vietnamplus.vn
Netizen biến sắc khi nghe tin Cục Điện Ảnh Trung "thảm sát" cổ trang lẫn vườn trường: Vậy chiếu dự báo thời tiết đi? Cộng đồng mọt phim Hoa Ngữ lại được một phen dậy sóng trước thông tin Cục Điện Ảnh Trung cấm một lượt 13 đề tài phim ảnh. Sau khi truyền thông rầm rộ đưa tin việc Tổng Cục Điện Ảnh Trung Quốc ra tối hậu thư 13 đề tài phim ảnh bị cấm, 3 đề tài tạm thời xếp vào hàng "cấm tạm...