Con kênh đa lợi ích
Kênh Tuần Thống – T5 (từ năm 2014 được đổi thành kênh Võ Văn Kiệt) đi qua địa bàn tỉnh An Giang và Kiên Giang là kênh chiến lược tháo chua, rửa phèn và tháo lũ ở vùng TGLX.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị) kể: Năm 1991, trong khi ở nhiều địa phương đã khai hoang xong thì ở cuối phần đất An Giang giáp ranh với Kiên Giang vẫn là “túi phèn” nằm giữa TGLX. Trong lúc này, nhiều tuyến kênh cấp 2 nơi đây cũng ngừng triển khai do thiếu kinh phí.
Kênh Võ Văn Kiệt – tuyến kênh quan trọng dẫn nước ngọt cho vùng TGLX. Ảnh: Huỳnh Xây
Trước những khó khăn trên, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt đã không ngại khó, cùng với nhiều cán bộ ở An Giang đã nhiều lần xắn quần đi khảo sát những cánh đồng “dậy phèn”, toàn rừng tràm, cỏ lác… Sau nhiều lần khảo sát thực tế, trao đổi, lắng nghe và tổng hợp ý kiến của nhiều người, Thủ tướng đã ra quyết định khẩn trương làm tuyến kênh Tuần Thống – T5.
Video đang HOT
Tuyến kênh có chiều dài 48km, rộng 30-36m và sâu 3m, thông kênh Vĩnh Tế ở Tri Tôn, An Giang, chảy qua Hòn Đất, Kiên Giang rồi đổ ra vịnh Thái Lan được khởi công đầu năm 1997 nhưng đến cuối năm đã hoàn thành.
Theo ông Bảy Nhị: “Ngoài khai thác vùng đất hoang hóa để phát triển nông nghiệp, đây là con kênh trục chính trong hệ thống các công trình thủy lợi thoát lũ ra biển Tây, đồng thời giúp thoát nhanh nước lũ từ Campuchia tràn về vùng TGLX”.
Ghi nhận của phóng viên NTNN/Dân Việt tại xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) – nơi đầu nguồn kênh Võ Văn Kiệt, nhiều nhà cửa mọc lên khang trang, nhiều diện tích lúa, vườn cây và hoa màu xanh tốt. Lão nông Trần Văn Chín ngụ xã Lạc Quới vui vẻ: “Trước đây, đất ở đây có trồng được cây gì đâu. Vậy mà giờ đây, nhiều người dân ở các nơi lại tập trung về mua đất cất nhà rồi tăng gia sản xuất nhộn nhịp hẳn lên. Riêng cây lúa, phần lớn diện tích đã sản xuất theo mô hình “3 giảm-3 tăng”, “1 phải – 5 giảm” và đã có thể có thể làm 2-3 vụ. Riêng tôi làm 1,5ha, trung bình mỗi vụ đạt năng suất từ 11 – 13 tấn”.
Phóng viên đi dọc theo con kênh Ông Kiệt từ xã Lạc Quới đến huyện Kiên Lương (Kiên Giang) và thấy diện tích đất nơi đây đã được tận dụng khai thác và đang mang lại hiệu quả. Điển hình như ông Lê Văn Huỳnh (xã Lạc Quới) có 20ha đất, trong đó hơn 10ha là trồng lúa, hơn 4ha trồng màu và 5ha trồng cỏ chăn nuôi bò. Ông Nguyễn Lợi Đức (xã Lạc Quới) cho biết, ông đang dự định chuyển toàn bộ diện tích 200ha lúa và màu sang trồng bắp và cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn nhằm phát triển trang trại bò. Cũng theo ông Đức, do có hệ thống kênh nội đồng nối trục kênh Võ Văn Kiệt nên đất đã tốt lên, trồng cây gì cũng có hiệu quả. Vì vậy mà cuộc sống gia đình ông luôn thuận lợi. Nơi đây đang hình thành các trang trại chăn nuôi có quy mô.
Theo Sở NNPTNT các tỉnh vùng TGLX, kênh Võ Văn Kiệt cùng các kênh khác đã dẫn nước ngọt từ sông Hậu vào sâu vùng TGLX, thay vì chỉ vào được khoảng 5km và bị đổ ngược ra khi có điều kiện. Nó giúp phủ ngọt toàn cánh đồng TGLX gần 500.000ha, biến những diện tích này thành đất sản xuất màu mỡ.
Theo Danviet
Xây dựng vùng Tứ giác Long Xuyên điều tiết nước trong mùa lũ
Ông Nguyễn Phong Quang cho biết việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên là quan trọng và cần thiết.
Vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc địa bàn 3 địa phương An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ có diện tích trên 480.000 ha. Đây là vùng sản xuất và cung cấp lương thực quan trọng cho vùng ĐBSCL và cả nước.
Thời gian qua, các công trình thủy lợi đã đầu tư ở khu vực này đã mang lại hiệu quả rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội; bảo vệ an toàn tính mạng tài sản nhân dân, kiểm soát lũ một cách chủ động.
Cánh đồng lúa tập trung vùng Tứ giác Long Xuyên
Tuy nhiên, hiện nay một số công trình không còn phù hợp với nhiệm vụ thiết kế ban đầu. Các công trình đầu tư không đồng bộ, cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông còn hạn chế nên chưa khai thác được tiềm năng lợi thế của vùng.
Do đó, theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, việc xây dựng dự án "Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên" là quan trọng và cần thiết. Trong đó, mục tiêu chính của đề án là xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cống, đê bao kết hợp giao thông, trạm bơm điện... để ghép các tiểu vùng sản xuất nhỏ lẻ thành các vùng sản xuất lớn có diện tích từ 3.500 - 17.000 ha.
Việc quy hoạch và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng này nhằm kiểm soát và điều tiết mực nước trong mùa lũ và tích nước vào mùa khô, khắc phục tình trạng lũ lụt và hạn hán, xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Ông Nguyễn Phong Quang cho biết thêm: "Chuyện đầu tư vùng Tứ giác Long Xuyên đã chuẩn bị từ trước đến nay. Không phải đợi đến lũ nhỏ hay xâm nhập mặn như hiện nay thì mới tính. Tôi thấy rằng, vùng ĐBSCL xâm nhập mặn không phải làm vấn đề mới, mà đã có từ lâu. Bây giờ phải tập trung làm để có nguồn đầu tư cho vùng Tứ giác Long Xuyên này đạt được kết quả"./.
Thanh Tùng
Theo_VOV