Con gái Tổng thống Putin giữ cương vị mới để hỗ trợ nền kinh tế Nga
Con gái Tổng thống Vladimir Putin, Katerina Tikhonova, đã được bổ nhiệm vị trí đồng chủ tịch một nhóm tư vấn về nhập khẩu, trong một nỗ lực giúp hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn của Nga.
Tổng thống Nga Putin và người phụ nữ được cho là con gái út của ông, bà Tikhonova.
Hãng truyền thông Nga RBC ngày 13/7 đưa tin, bà Tikhonova, 35 tuổi, được cho là con gái út của Tổng thống Putin, đã được bổ nhiệm làm đồng chủ tịch Hội đồng Điều phối thay thế hàng nhập khẩu thuộc Liên minh Các nhà Công nghiệp và Doanh nhân Nga (RSPP).
RSPP, được thành lập vào tháng 6/1990, là một tổ chức phi chính phủ chuyên thúc đẩy các lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp Nga. Theo website của tổ chức, RSPP được thành lập để thúc đẩy lợi ích kinh doanh của Nga ở cả trong nước và nước ngoài.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2, một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào nước này đã nhắm đến ngừng mua năng lượng Nga, đóng băng tài sản dự trữ ngoại hối và ngăn chặn Moskva truy cập vào hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu SWIFT.
Các lệnh trừng phạt đó đã gây ra tình trạng thiếu hụt các hàng hóa thiết yếu và khiến nền kinh tế Nga sụt giảm. Số liệu công bố hồi tháng 6 bởi Cơ quan Thống kê Liên bang Nga về tình hình kinh tế đất nước chỉ ra rằng hoạt động sản xuất đã sụt giảm mạnh ở một loạt lĩnh vực.
Đầu tháng này, tổ chức phát triển phi chính phủ Innopraktika nói với RBC rằng bà Tikhonova, một cựu vũ công sau đó làm giám đốc điều hành công ty công nghệ, đã nhận được đề nghị tham gia hội đồng điều phối thay thế hàng nhập khẩu của RSPP, nhưng bà chưa đồng ý. Bà Tikhonova hiện lãnh đạo Innopraktika và là giám đốc phụ trách hai sáng kiến của Đại học Tổng hợp Moskva là Quỹ Phát triển Trí tuệ Quốc gia (NIDF) và Trung tâm Bảo tồn Trí tuệ Quốc gia (NIRC).
Tổng thống Nga Putin vốn nổi tiếng kín tiếng về đời tư, ông từ chối công khai tên của các con mình. Nhưng vào tháng 4 năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định bà Tikhonova và Maria Vladimirovna Vorontsova là hai trong số các con gái của ông trở thành đối tượng của các lệnh trừng phạt Nga do cuộc chiến Ukraine.
Bộ trên cho biết vào thời điểm đó: “Katerina Vladimirovna Tikhonova và Maria Vladimirovna Vorontsova là con gái của Tổng thống Nga Putin. Bà Tikhonova là một giám đốc điều hành công nghệ, với công việc là hỗ trợ Chính phủ và ngành công nghiệp quốc phòng. Bà Vorontsova dẫn đầu các chương trình do nhà nước tài trợ đã nhận được hàng tỷ đô la từ Điện Kremlin về nghiên cứu di truyền học và được đích thân ông Putin giám sát.”
Video đang HOT
Gia đình Tổng thống Vladimir Putin khi đi nghỉ, ảnh chụp năm 2002. Ảnh: TASS
Cả hai được cho là con gái của Tổng thống Putin và vợ cũ của ông, bà Lyudmila Aleksandrovna Ocheretnaya.
Tổng thống Putin và người vợ cũ Lyudmila Shkrebneva kết hôn vào năm 1983 khi bà Lyudmila là tiếp viên hàng không hãng Aeroflot và ông Putin là sĩ quan làm việc tại cơ quan tình báo KGB. Cuộc hôn nhân kéo dài 30 năm, trước khi ly hôn vào năm 2013. Nhà lãnh đạo Nga cho biết vào thời điểm nói lời chia tay, hai người đều thống nhất “đó là một quyết định chung”.
Theo các nguồn truyền thông phương Tây, con gái lớn của ông Putin là Maria Vorontsova, sinh năm 1985, từng theo học Đại học St Petersburg và học y khoa tại Đại học Quốc gia Moskva. Bà Vorontsova hiện là một viện sĩ, chuyên nghiên cứu về nội tiết. Bà cũng tham gia nhiều nghiên cứu về di truyền học. Vào năm 2013, bà Vorontsova kết hôn với doanh nhân người Hà Lan Jorrit Joost Faassen, người từng làm việc tại Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom, sau đó họ đã ly thân.
Người em gái Katerina Tikhonova, sinh năm 1986, được công chúng biết đến nhiều hơn khi còn là một vũ công nhạc Rock n’ Roll. Năm 2013, cô và bạn nhảy của mình đứng thứ 5 tại giải vô địch thế giới tại Thụy Sỹ.
3 xu hướng cho thấy Nga vẫn kiếm nhiều tiền từ bán dầu khí trong vài năm tới
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một cuộc họp vào tuần trước rằng bất chấp lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) gần đây đối với năng lượng Nga, sẽ mất nhiều năm phương Tây mới có thể ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên Nga.
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp ở Moskva ngày 1/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Fortune, Tổng thống Putin nói với các doanh nhân trẻ trong một cuộc gặp: "Về việc từ chối các nguồn năng lượng của chúng ta - điều này khó có thể xảy ra trong vài năm tới". Ông Putin khẳng định rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm và giá sẽ tăng, có nghĩa là các công ty dầu mỏ và Nga sẽ tăng doanh thu.
Theo tờ Fortune, Tổng thống Putin đã đúng khi đánh giá như vậy, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Giá dầu đã tăng khoảng 60% chỉ trong năm nay và khí đốt đang được giao dịch ở mức giá cao nhất trong 13 năm. Giá cao đã giúp các công ty dầu mỏ thu về lợi nhuận kỷ lục trong quý đầu tiên năm 2022. Bất chấp lo ngại bị coi là tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, các quốc gia trên toàn thế giới cũng vẫn mua dầu Nga với mức kỷ lục để tận dụng chênh lệch giá giữa dầu thô Nga và thế giới.
Dưới đây là ba xu hướng cho thấy Nga có thể vẫn có người mua dầu rất lâu sau khi các nước quyết định giảm phụ thuộc năng lượng Nga.
EU vẫn mua dầu của Nga
Mặc dù EU đồng ý cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm vào cuối tháng 5, liên minh này vẫn đang nhập khẩu hơn một nửa tổng lượng dầu xuất khẩu của Nga.
Công nhân vận hành đường ống dẫn dầu của Nga. Ảnh: Bloomberg/TTXVN
Trong 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến tại Ukraine, EU đã chi 59 tỷ USD để nhập dầu mỏ và khí đốt từ Nga, chiếm 61% tổng khối lượng dầu khí nhập khẩu của liên minh này.
Báo cáo mới công bố của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) cho thấy Nga đã kiếm được gần 100 tỷ USD từ xuất khẩu dầu và khí đốt trong 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến. Ước tính trước đó của Bloomberg Economics dự đoán Nga có khả năng mang về 285 tỷ USD doanh thu từ dầu và khí đốt trong năm nay - nhiều hơn 20% so với 235,6 tỷ USD mà Nga thu về năm 2021.
Mặc dù doanh thu dầu mỏ Nga liên tục giảm kể từ tháng 3 khi nhiều quốc gia lần đầu tiên quyết định tránh năng lượng của Nga, nhưng nhu cầu và giá nhiên liệu hóa thạch tăng lên vẫn tạo ra khoản doanh thu kỷ lục cho Nga. Báo cáo của CREA cho thấy giá dầu Nga tuy được chiết khấu nhiều so với giá quốc tế nhưng vẫn cao hơn 60% so với giá xuất khẩu trung bình của Nga vào năm ngoái.
Theo báo cáo của CREA, trong khi các quốc gia như Đức, Hà Lan và Ba Lan đang tìm cách loại bỏ năng lượng Nga, thì Pháp đã tăng nhập khẩu trong năm ngoái.
Khi EU đồng ý cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga, họ đã để lại một ngoại lệ cho dầu nhập khẩu qua đường ống, điều này sẽ cho phép Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc vẫn mua được dầu Nga qua đường ống Druzhba. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào cuối năm nay, EU sẽ phải tìm ra nguồn cung 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày mà bình thường đến từ Nga.
Ấn Độ và Trung Quốc đang tăng cường mua dầu của Nga
Trong khi các nước EU đang vội vã tìm nguồn cung dầu từ nơi khác, thì Ấn Độ và Trung Quốc không có ý định giảm mua dầu Nga - đặc biệt là khi giá tương đối thấp.
Theo báo cáo của CREA, Ấn Độ đang mua 18% tổng lượng dầu xuất khẩu của Nga. Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đang mua trung bình hơn 40 triệu thùng dầu mỗi ngày kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Đầu tháng 5, Ấn Độ mua nhiều hơn 20% so với tổng lượng dầu giao dịch giữa hai nước trong cả năm 2021.
Ấn Độ cũng đang tìm cách đàm phán để Nga giảm giá sâu hơn, nhằm đạt được các thỏa thuận ở mức thấp nhất là 70 USD/thùng.
Trong khi đó, Trung Quốc đã vượt qua Đức, trở thành khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, mua lượng dầu trị giá 12,6 tỷ USD kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu. Cũng có thông tin cho rằng Trung Quốc đã thảo luận với Nga để mua thêm dầu. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tăng cường quan hệ năng lượng với Nga.
Hungary kiếm được nhiều tiền nhờ nhập khẩu dầu của Nga
Hệ thống đường ống dẫn dầu Druzhba ở nhà máy lọc dầu Duna của công ty MOL, gần thị trấn Szazhalombatta, phía Nam thủ đô Budapest (Hungary) ngày 5/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, một quốc gia đã âm thầm kiếm lợi nhuận tiềm ẩn khi cuộc chiến Ukraine đang diễn ra.
Hungary sẽ kiếm được 600 triệu USD lợi nhuận hàng năm thông qua việc đánh thuế dầu Nga.
Theo công ty nghiên cứu Eurointelligence, Chính phủ Hungary (nước không tham gia lệnh cấm vận của EU đối với dầu Nga) đã đưa ra mức thuế từ 25% đối với tất cả dầu Nga nhập khẩu vào nước này. Các nhà máy lọc dầu ở Hungary đã giúp nước này bỏ túi một phần số tiền thu được từ việc nhập khẩu dầu của Nga - do chênh lệch giữa giá dầu thô của Nga và dầu thô Brent.
Cựu Thủ tướng Đức chỉ rõ cách duy nhất kết thúc xung đột Nga - Ukraine Trong khi ccựu Thủ tướng Đức Gerhard Schrder khẳng định ông sẽ vẫn giữ liên hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine, Chủ tịch Phòng Kinh tế liên bang Áo Harald Mahrer cũng tái khẳng định không đồng tình với các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schrder. Ảnh: AFP Theo...