Con gái người Việt của Stephen Hawking đi xem phim về cha
Bộ phim “ The Theory of Everything” vừa có buổi công chiếu tại Hà Nội với sự góp mặt đặc biệt của Nguyễn Thị Thu Nhàn – con gái đỡ đầu của nhà khoa học Stephen Hawking.
Vừa qua, “The Theory of Everything – Thuyết yêu thương” đã có buổi công chiếu ấm cúng tại Hà Nội và TP.HCM, với sự tham dự của những người yêu quý và mong chờ bộ phim đạt nhiều giải thưởng điện ảnh này. Đặc biệt, buổi công chiếu tại Hà Nội còn có sự góp mặt của Nguyễn Thị Thu Nhàn – con gái đỡ đầu của nhà khoa học Stephen Hawking (nguyên mẫu trong bộ phim).
Thu Nhàn sinh sống tại làng trẻ S.O.S từ năm 1989. Theo quy định của tổ chức S.O.S quốc tế, làng S.O.S từ các quốc gia sẽ gửi hồ sơ kèm ảnh của các con tới trụ sở S.O.S tại Viên (Áo) để những người hảo tâm trên khắp thế giới có thể nhận đỡ đầu. Việc lựa chọn này hoàn toàn là ngẫu nhiên, và cha mẹ đỡ đầu sẽ hỗ trợ việc nuôi dưỡng các em cho tới năm đủ 18 tuổi.
Thu Nhàn chia sẻ, chị và cha đỡ đầu thường xuyên liên lạc qua thư với nhau trong suốt khoảng thời gian đó. Năm 1997, nhà khoa học Stephen Hawking đã bí mật sang Việt Nam thăm con gái Thu Nhàn; và tới năm 2002, Nhàn được ông đón sang Anh ở cùng gần một tháng.
Tuy đã từng được gặp ông, nghe kể về cuộc đời ông và viết thư trao đổi với ông những câu chuyện trong cuộc sống, nhưng đây là lần đầu tiên Nhàn được chứng kiến đầy đủ câu chuyện đời của Stephen Hawking qua “The Theory of Everything” – Bộ phim từng nhận được tượng vàng Oscar 2015
Được chuyển thể từ hồi kí “Travelling to Infinity: My Life with Stephen” của người vợ đầu tiên – Jane Wilde, “The Theory of Everything – Thuyết yêu thương” là 1 thước phim tái hiện lại một cách chân thật nhất về cuộc đời của nhà vật lý học vĩ đại Stephen Hawking trên con đường chống chọi lại bệnh tật và những cống hiến hết mình cho nhân loại.
Video đang HOT
Với những ai từng biết đến Stephen Hawking như một hình tượng tuyệt vời về trí thông minh phi phàm và ý chí sắt thép, thì qua “The Theory of Everything – Thuyết yêu thương” khán giả sẽ còn được cảm nhận những cảnh quay tuyệt đẹp và đầy màu sắc khi kể về câu chuyện tình yêu của ông và người vợ ông hết mực yêu thương. Bộ phim Mỹ này sẽ khởi chiếu từ ngày 27/3/2015 tại các rạp trên toàn quốc.
Theo Liathia Trần / Trí Thức Trẻ
Những bài phát biểu hay nhất Oscar 2015
Cùng điểm lại những bài phát biểu xúc động, ý nghĩa và thú vị nhất của các ngôi sao trong lễ trao giải Oscar 2015.
Eddie Redmayne - Nam chính xuất sắc nhất (Phim "The Theory of Everything")
Eddie Redmayne được cho là người có bài phát biểu đáng yêu nhất Oscar năm nay. Khi bước lên sân khấu nhận giải Nam chính xuất sắc nhất, nam diễn viên 33 tuổi đã không giấu được sự hạnh phúc, bất ngờ đến... mất kiểm soát của mình. Anh thậm chí đã làm đứt đoạn bài phát biểu khi phải dừng lại chỉ để kêu lên thật to "Wwoooww" trước vinh hạnh mà mình đạt được khiến khán phòng rộ lên những tiếng cười.
"Giải thưởng này thuộc về tất cả mọi người trên thế giới - những người đang phải chiến đấu với căn bệnh ALS (tạm dịch: xơ cứng teo cơ một bên - PV). Nó thuộc về một gia đình đặc biệt: Stephen, Jonathan Jane và những đứa trẻ nhà Hawking..." - Eddie tiếp lời.
Sau khi dành tất cả những lời cảm ơn xúc động cho các đồng nghiệp, Eddie Redmayne kết thúc bằng việc bày tỏ tình yêu đến vợ mình.
Vai diễn giúp Eddie Redmayne đứng lên bục vinh quang là nhà vật lý, thiên văn học tài năng Stephen Hawking - người mắc bệnh ALS trong bộ phim The Theory of Everything. Ngoài 30 tuổi nhưng anh đã khiến người xem bất ngờ khi hóa thân thành một ông lão 72 tuổi đầy trọn vẹn. Trong cuộc gặp gỡ với Stephen Hawking ngoài đời thực, chính nhà khoa học này cũng phải dành lời khen tặng cho diễn xuất tuyệt vời của Eddie.
Patricia Arquette - Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (Phim "Boyhood")
Tuy được đặt nhiều kỳ vọng nhưng bộ phim Boyhood lại chỉ giành được một giải thưởng tạiOscar 2015 - là giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Patricia Arquette.
Bước lên sân khấu nhận giải, Patricia Arquette cảm ơn gia đình, đoàn làm phim Boyhood, cũng như đưa ra tuyên bố về nữ quyền tại Hollywood. Cô nói: "Giờ là lúc chúng ta đưa ra công bằng về mức lương, cũng như về quyền công bằng cho người phụ nữ tại nước Mỹ".
Phát biểu của Patricia Arquette đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các ngôi sao khác ngồi dưới khán đài, trong đó, sự nhiệt tình hưởng ứng của Meryl Streep và Jennifer Lopez đã nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của các phóng viên và trở thành một trong những khoảnh khắc ấn tượng của Oscar 2015.
Trong bài phỏng vấn hậu trường, Patricia Arquette cũng thẳng thắn bày tỏ: "Điều không thể tha thứ là chúng ta đi khắp thế giới để nói về quyền bình đẳng cho phụ nữ nhưng chúng ta lại không có quyền đó ở nước Mỹ, và chúng ta không có bởi vì khi họ viết nên Hiến pháp, họ không có ý định làm điều đó cho phụ nữ".
J.K. Simmons - Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (phim Whiplash)
"Nếu có thể, tất cả các bạn, hãy gọi cho mẹ của mình. Gọi cho mẹ, cho cha của các bạn nếu bạn là người may mắn vẫn còn đủ cả mẹ lẫn cha. Hãy gọi họ chứ đừng nhắn tin, cũng đừng email, hãy gọi điện thoại, nói với họ rằng bạn yêu họ và cảm ơn họ, và lắng nghe họ miễn là họ muốn nói chuyện với bạn".
Don Hall - Đạo diễn phim "Big Hero 6" nhận giải Phim hoạt hình hay nhất
"Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé mặt đầy tàn nhang đã nói với cha mẹ mình rằng, một ngày nào đó, cậu sẽ làm việc cho hãng phim Walt Disney. Và cha mẹ cậu đã làm một điều tuyệt vời: ủng hộ cậu và tin tưởng cậu. Từ sâu tận đáy lòng mình, cậu bé ấy cảm ơn cha mẹ rất nhiều!".
Common - nhận giải Ca khúc trong phim hay nhất cho "Glory" - phim "Selma"
"Cây cầu này (ám chỉ tới bản sao trên sân khấu của cây cầu Edmund Pettus ở tiểu bang Selma, Alabama, nước Mỹ) đã từng một thời là ranh giới phân chia quốc gia, nhưng giờ đây nó là biểu tượng của sự thay đổi. Tinh thần của cây cầu này đã vượt qua mọi rào cản về chủng tộc, giới tính, tôn giáo hay vị thế xã hội. Tinh thần của cây cầu này đã kết nối những đứa trẻ đang mơ về cuộc sống tốt đẹp từ South Side của Chicago đến những người Pháp đang đứng lên đòi quyền tự do, tới những người Hồng Kông biểu tình đòi dân chủ. Cây cầu này được xây dựng trên niềm hy vọng, được hàn gắn bởi lòng từ bi và được nâng lên bởi tình yêu dành cho tất cả mọi người".
Graham Moore - Biên kịch xuất sắc nhất (Phim Imitation Game)
"Khi tôi 16 tuổi, tôi đã từng có ý định tự tử vì cảm thấy mình lạ lẫm, khác biệt, như thể chẳng thuộc về nơi nào. Và bây giờ tôi đang đứng ở đây. Vậy nên tôi muốn dành giây phút này cho những đứa trẻ ở ngoài kia, những người cũng đang cảm thấy rằng mình lạ lùng, khác biệt hay là chẳng thuộc về nơi nào cả. Vâng, các bạn cảm thấy vậy, nhưng hãy cứ lạ lùng, hãy cứ khác biệt, và rồi sẽ đến lượt các bạn đứng trên sân khấu này. Xin vui lòng truyền thông điệp này đến những người đi cùng bạn".
Julianne Moore - Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (phim Still Alice)
"Tôi từng đọc một bài báo nói rằng thắng giải Oscar có thể khiến bạn sống lâu thêm 5 năm, và điều đó là sự thật, và tôi xin cảm ơn Viện Hàn lâm vì chồng tôi trẻ hơn tôi! Một trong những điều tuyệt vời nhất của bộ phim này là nó khiến chúng ta cảm thấy mình được thấu hiểu và không cô độc, và những người mắc bệnh Alzheimer xứng đáng được thấu hiểu để chúng ta có thể tìm ra phương pháp chữa trị căn bệnh này".
Theo Thanh Nguyên / Trí Thức Trẻ
8 tác phẩm tranh giải 'Phim hay nhất' tại Oscar 2015 Khác với những năm gần đây, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ chỉ chọn tám thay vì chín tác phẩm cho hạng mục "Phim truyện xuất sắc" tại Oscar 2015. Boyhood: Giành giải Phim truyện xuất sắc tại BAFTA và Quả cầu vàng, tác phẩm điện ảnh mất 12 năm thực hiện của đạo diễn Richard Linklater...