Con gái chụp ảnh bố mẹ nằm đất với đứa cháu sơ sinh, câu chuyện đằng sau mới xúc động
Mùa dịch, hạn chế ra ngoài lại là cơ hội để bố mẹ, con cái và các cháu có cơ hội gần gũi nhau nhiều hơn.
Câu chuyện mùa dịch
Mới đây, facebook M.X đã đăng tải một bài viết lên mạng xã hội:
“ Trong hình là bố mẹ mình, nằm giữa là con gái nhỏ của mình, con được hơn 3 tháng rồi. Mình sinh xong về nhà ở cữ là đúng mùa dịch bùng phát luôn, chồng thì đi công tác suốt xong bị mắc kẹt ở xứ người không về được, mẹ con ôm nhau nằm riết trong nhà từ bấy đến nay chả được đi đâu.
Cũng may cái là chỗ nhà mình chưa có ca dương tính nào, lại được về nhà bố mẹ đẻ nên cũng khá thoải mái. Bây giờ niềm vui của bố mẹ mình là hàng ngày nằm chơi nói chuyện với bé Heo nhỏ này đây, sáng trưa chiều tối liên tục vậy mà chả bao giờ thấy chán luôn (bật mí xíu là 2 ông bà vừa cãi nhau om sòm 10 phút trước xong).
Nhìn cảnh này hàng ngày nhưng vẫn thấy vui mọi người ạ, lại thấy thương ba cháu nhiều vì từ ngày sinh nó ra tới giờ chỉ toàn nói chuyện với con qua màn hình điện thoại thôi. Mong sao dịch bệnh mau hết để ai cũng được đoàn tụ khỏe mạnh với gia đình nhé!”.
Đây là câu chuyện của Lan Hương, hiện đang sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Hương sinh em bé vào đầu năm 2020 và đang ở cữ với nhà ngoại tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Về ở cữ đúng dịp dịch bệnh bùng phát nên cô ở nhà ngoại đã nhiều tháng nay.
“Mình về ở cữ nhưng không may 28 Tết mẹ mình bị té xe vỡ xương bánh chè nên thành ra lại không phụ trông cháu được nhiều. Chủ yếu 2 mẹ con trông nhau.
Bình thường bé cứ thức dậy, mẹ vệ sinh cá nhân và cho bé ăn xong sẽ bế xuống chơi với ông bà (mình ở lầu trên, mẹ đau chân nên ở lầu dưới). Ông cưng với xót cháu còn hơn cả bà. Mà bé nhà mình khó ngủ hay khóc gắt ầm ĩ nên ông bà sốt ruột lắm. Một ngày cứ 3-4 cữ hai mẹ con bế nhau đi lên đi xuống vậy thành giấc rồi nên tới giờ mà chưa thấy xuống là hóng cháu, bà dù đau chân vẫn cố đi lên“, Lan Hương tâm sự.
Video đang HOT
Bình thường, nhà Lan Hương kinh doanh ăn uống. Công việc làm quanh năm suốt tháng nên đợt dịch này, cũng là cơ hội để bố mẹ cô nghỉ ngơi. Nhìn hình ảnh hai ông bà được thảnh thơi nằm chơi với cháu, cô rất xúc động.
Lan Hương tâm sự: “Bây giờ hàng ngày bà lo cơm nước, ông thì chăm sóc cây cối, thời gian rảnh là chơi với cháu, bế cháu đi dạo trong vườn. Mình mới đầu cũng cuồng chân khó chịu lắm mà giờ thành quen rồi, đâm ra lười. Sau này lên lại Sài Gòn chắc ông bà buồn và nhớ cháu lắm, nghĩ mà thương”.
Chồng Lan Hương bế con.
Em bé gắn kết gia đình
Chồng Hương bận công tác ở nước ngoài. Từ hồi yêu, cưới cho đến khi cô có bầu, sinh nở cũng chẳng mấy khi có chồng ở bên vì công việc anh bận rộn. Sinh con chưa được bao lâu, chồng lại đi công tác nhưng vướng dịch bệnh nên không thể bay về nước giai đoạn này.
“Tính ra từ khi con ra đời, ba nó chỉ được ở bên con chưa tới nửa tháng. Sau khi sinh mình cũng suy nghĩ nhiều điều tiêu cực, trầm cảm, mệt mọi nhưng giờ mình ổn hơn nhiều rồi. Tuy nhiên vẫn nhớ chồng, thương chồng, thương con.
Mỗi ngày chồng mình vẫn gọi điện về 2-3 lần để gặp và nói chuyện với hai mẹ con. Mình ở nhà bố mẹ đương nhiên rất thoải mái. Buồn cũng có nhưng hằng ngày nhìn ông bà chơi với cháu, nhìn con lớn lên khỏe mạnh, được ôm con là hạnh phúc vô cùng”.
Bố mẹ Lan Hương vui vẻ bế cháu.
Có em bé, lại được ở nhà mình, cộng thêm việc bố mẹ được nghỉ ngơi những ngày này là điều mà Lan Hương thấy rất vui. Em bé của hai vợ chồng cũng giúp mối quan hệ gia đình trở nên gắn kết.
“Mình chăm bé hơi khác với kiểu truyền thống của các cụ một chút, luyện cho con sinh hoạt theo giờ giấc và biết tự ngủ mà không phải bế bồng, dù thời gian đầu bé hay khóc. Trộm vía người bé mà la to kinh khủng, mỗi lần khóc là banh nhà.
Ông bà xót cháu nên hay nói hay la, mình thì thời gian đầu còn stress nên cãi lại, có lần ông giận quá còn nói với bà là “ở nhà chịu không nổi nữa” rồi xách xe chạy ra đường cả buổi chiều đến tối mới về.
Sau đó, mẹ giận mình không thèm nói chuyện, bế cháu xuống cũng không thèm lại chơi, nhưng chỉ được đúng một buổi thôi, buổi tiếp theo mặc dù vẫn giận mẹ nó (là mình) nhưng lại âm thầm bế cháu, chỉ là nói nhỏ hơn vì ngại mình nghe thấy”.
Vì dịch bệnh mà ông bà mới có thời gian thảnh thơi.
Không chỉ vậy, dù cho ông bà có cãi nhau hay xích mích chuyện gì, chỉ cần thấy cháu là lại nói chuyện với nhau bình thường.
Dịch bệnh tất nhiên có nhiều điều bất lợi nhưng cũng là cơ hội để nhiều người được sống thư thả hơn, nhẹ nhàng hơn. Gia đình Hương cũng vì thế mà có nhiều thời gian bên nhau.
Nhật Hạ
Con nghỉ học ở nhà mùa dịch, bố mẹ gào thét với cảnh nhà lộn xộn đến mức phát cáu, chỉ có ai nuôi trẻ nhỏ mới thấu hiểu
Tình cảnh lộn xộn đồ đạc trên giường hay dưới nhà là do trẻ lục lọi, bày bừa sau khi chơi mà không chịu để đúng nơi quy định.
Con ở nhà trong những ngày dịch là điều giúp bố mẹ yên tâm không bị lây bệnh. Tuy nhiên, kéo theo đó cũng là vô số vấn đề trong việc phân công chăm con, nấu ăn cho con thế nào và ngay cả chuyện dạy con học cũng như bày trò chơi cho con. Các ông bố bà mẹ cũng phải nghĩ đủ cách để con không bị chán trong suốt nhiều tuần ở nhà.
Vậy nhưng, có những nỗi lòng chỉ người có con nhỏ mới thấu hiểu được. Mới đây, một bà mẹ chia sẻ hình ảnh tình cảnh tại gia đình khi con ở nhà cả ngày và bố mẹ cũng vất vả theo để dọn đồ chơi của con. Người mẹ này viết: "Nhà em lúc này đây, cứ mẹ dọn con bày, quát thét, khuyên răn, dạy bảo nhưng cuối cùng bất lực, đến lúc cũng phải kệ muốn làm gì thì làm".
Hình ảnh chụp cho thấy trên giường, dưới nhà ngổn ngang đồ đạc do con bày bừa ra từ phòng ngủ đến chỗ làm việc. Trên sàn nhà hay trên giường lộn xộn không ngờ. Người khác chưa có con nghĩ gia đình này quá bừa bộn, không biết sắp đặt nhưng ai có con mới cảm nhận được việc trẻ em nghịch ngợm như thế nào.
Nhiều cư dân mạng đồng cảm với bà mẹ trẻ và cho rằng nhà có trẻ con thì việc quen với cảnh lộn xộn là chuyện thường tình. Không ít người có con nhỏ chỉ ước cả nhà sống phong cách tối giản để đỡ phải sắp xếp đồ đạc mỗi lần con đưa ra nghịch.
"Mình mà nhìn thấy cảnh này chắc phát rồ, nhưng ghét của nào trời trao của đấy, ngày nào cũng thấy, và ngày nào cũng phát rồ. Mình đôi khi ước cuộc sống tối giản nhiều khi chỉ muốn vứt bố hết đồ đi thôi, hôm nào đi làm về cũng lộn xộn", một bà mẹ trẻ than thở.
Có người lại cho rằng: "Nhà mình cũng như vây đó, vừa sắp xếp gọn gàng xong, quay ra làm việc một chút thì quay vào đã ngao ngán với cảnh con rũ tung quần áo và đồ chơi. Thậm chí, 2 vợ chồng mắng con bao nhiêu lần cũng không đủ".
Không ít bà mẹ cũng chia sẻ kinh nghiệm là phải trải qua "mưa dầm thấm lâu" dạy trẻ từng ngày về ý thức giữ vệ sinh nhà ở, sắp xếp đồ đạc gọn gàng sau khi chơi và không làm nhà cửa bừa bộn. Và không thể có chuyện trẻ sẽ nghe lời ngay sau 1-2 lần mà phải có thời gian, thay vì bố mẹ làm hộ thì nên để trẻ tự tay cất các đồ đạc mà trẻ đã chơi, học vào đúng vị trí.
AM
"Tâm thư" của mẹ bệnh nhân covid-19 nhỏ tuổi nhất Singapore gây bão "Khi một đứa trẻ đau đớn, chính bố mẹ chúng mới bị đau nhiều nhất..." Mẹ của bệnh nhân covid-19 nhỏ tuổi nhất Singapore đã chia sẻ một bức ảnh của con mình trong bệnh viện để nói với các bậc phụ huynh rằng, hãy cảm thấy biết ơn vì con cái họ còn đang đươc ở với họ, ngay cả khi các...