Con đường tù tội của nguyên Chủ tịch huyện Hóc Môn
Vụ án bị phát hiện từ năm 2007, bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 3.11.2007 và trải qua nhiều phiên tòa xét xử với nhiều tội danh và mức án chênh lệch khác nhau. Ngày 16.4 vừa qua, nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn (TP HCM) Nguyễn Văn Khỏe lại phải ra tòa lần thứ 4 và lãnh mức án 20 năm tù.
Lật lại hồ sơ vụ án
Theo nội dung vụ án, Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa có quan hệ với nhau như vợ chồng từ năm 2001. Đầu năm 2002, cả hai thống nhất cùng thành lập Công ty TNHH Xây dựng, thương mại & kinh doanh nhà Thành Phát, theo đó Hà đứng tên giám đốc, Hòa làm phó giám đốc. Với vốn ban đầu chỉ có 1 tỉ đồng nhưng khi lập hồ sơ xin thành lập công ty, Hà và Hòa khai vốn điều lệ lên tới 5 tỉ nhằm làm các thủ tục xin được lập dự án xây dựng khu dân cư và khu công nghiệp tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
Đến năm 2004, mặc dù không hề có hoạt động kinh doanh gì và không có bất kỳ nguồn vốn nào, nhưng Hòa và Hà lại làm thủ tục tại Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM, khai khống tăng vốn của Công ty Thành Phát lên thành 50 tỉ đồng.
Tiếp đến, bằng nhiều thủ đoạn gian dối, Hà và Hòa đã được UBND TP HCM ra quyết định cho chuyển mục đích sử dụng 72.000m2 đất đầu tư dự án cụm dân cư. Sau đó, cả hai đã đem quyết định này đi vay 3.000 lượng vàng và 18 tỉ đồng (tổng cộng hơn 43 tỉ đồng) của chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agribank) – Chi nhánh Chợ Lớn.
Qua điều tra xác định, trong quá trình thực hiện dự án, Hà cùng Hòa thông qua Đặng Công Danh (nguyên Giám đốc Công ty TNHH XD-TM-DV Danh Khoa) đưa 400 triệu đồng cho Nguyễn Văn Khỏe (Danh chỉ đưa 300 triệu đồng) để “lót tay” nhờ phê duyệt địa điểm cho Công ty Thành Phát lập dự án; và đưa thêm 100 triệu đồng nhờ Khỏe giúp không ngăn cản việc phân lô, bán nền trên khu đất nông nghiệp này.
Cuối năm 2004, trong một lần đi chơi Vũng Tàu, Khỏe đặt vấn đề với Hòa nếu dự án này xong phải mua cho Khỏe một ôtô hiệu Lexus trị giá 3 tỉ đồng. Sau này, việc mua xe không thực hiện được, nhưng Khỏe có nhận thêm của Hà 1 tỉ đồng. Sau đó Khỏe gọi cho Hòa mang đến nhà riêng cho Khỏe 10.000 USD và 30 triệu đồng để tiêu tết.
Bị cáo Nguyễn Văn Khỏe trước vành móng ngựa.
Tiếp đó, tháng 6.2005, Công ty Thành Phát trình UBND huyện Hóc Môn phê duyệt bản vẽ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án cụm dân cư, đồng thời với tư cách cá nhân, vợ chồng Hòa – Hà nộp hồ sơ đến UBND huyện Hóc Môn xin xét duyệt và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3 hộ dân với diện tích gần 5.000m2 tại xã Đông Thạnh. Để phê duyệt, Khỏe ra điều kiện Hòa cho Khỏe “mượn” 700 triệu đồng, sau đó dùng số tiền này mua 2 cây vạn niên tùng rồi lại đem bán cây cảnh lấy tiền sử dụng chuyện riêng.
Ngoài ra, từ năm 2005 đến 2006, sau khi vay được tiền từ ngân hàng, vợ chồng Hà thường xuyên gặp Khỏe nhờ giúp đỡ thực hiện dự án nên nhiều lần chi tiền cho Khỏe với nhiều hình thức khác nhau. Cuối năm 2005, Hà mua một sừng tê giác trị giá 20.000 USD, đưa một nửa cho Khỏe sử dụng. Tháng 4/2006, Khỏe “gợi ý” Hà đưa 5.000 USD và 50 triệu đồng để “nhờ” lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM giải quyết một số vấn đề liên quan đến dự án. Nhưng thực tế, Khỏe sử dụng số tiền này vào việc riêng.
Ngoài chi cho “quan huyện” Nguyễn Văn Khỏe, Cơ quan điều tra xác định, để vay ngân hàng được hơn 3.000 lượng vàng và 18 tỉ đồng, Hà đã nhờ sự “giúp đỡ” của một số cán bộ UBND huyện Hóc Môn và xã Đông Thạnh trong việc giả mạo các hồ sơ đền bù khống để vay tiền. Sau đó, các cán bộ này đều được vợ chồng Hà “lại quả”. Cụ thể, vợ chồng Hà cho Trần Văn Tè (nguyên Chủ tịch xã Đông Thạnh) mượn, chung chi, tặng quà tổng cộng số tiền hơn 1 tỉ đồng; Dương Minh Trung ( nguyên Trưởng phòng Tài chính, kế hoạch huyện Hóc Môn) được “lại quả” 90 triệu đồng…
Video đang HOT
Bị cáo Trần Thị Hà.
Liên quan đến các bị can nguyên là cán bộ ngân hàng, Hà khai để vay được hơn 43 tỉ đồng nói trên đã chi 1,3 tỉ đồng cho các cán bộ, lãnh đạo ngân hàng và trả phí vay vàng. Trong đó, Định thừa nhận có nhận gần 200 triệu đồng làm những việc sai trái để giúp Công ty Thành Phát vay tiền. Riêng Tuyến, Hiền không thừa nhận việc nhận 600 triệu đồng tiền “lót tay” của Hà.
Với hành vi phạm tội như trên, năm 2010, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP HCM đã ra cáo trạng truy tố 10 bị cáo gồm: Trần Thị Hà, Hà Văn Hòa, Nguyễn Văn Khỏe, Trần Văn Tè, Dương Minh Trung (nguyên Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch và Đầu tư huyện Hóc Môn), Nguyễn Văn Dò (nguyên cán bộ địa chính xã Đông Thạnh, Hóc Môn), Đặng Công Danh, Nguyễn Công Định (nhân viên tín dụng), Trần Văn Tuyến (nguyên Giám đốc), Lưu Thị Minh Hiền (nguyên Phó giám đốc Agribank Chi nhánh Chợ Lớn) về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “làm môi giới hối lộ”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ”, “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Trong số đó, Nguyễn Văn Khỏe bị truy tố đến 3 tội danh.
Mức án thay đổi sau mỗi phiên tòa
Tháng 8.2010, TAND TP HCM đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Nguyễn Văn Khỏe 17 năm tù về tội “nhận hối lộ”, 7 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 2 năm tù về tội “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”, tổng cộng hình phạt chung là 26 năm tù.
Ngoài hình phạt tù, tòa cũng tuyên phạt bổ sung, cấm Nguyễn Văn Khỏe không được đảm nhiệm chức vụ quyền hạn trong vòng 3 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù, buộc bị cáo Khỏe phải nộp lại số tiền có được do phạm tội mà có.
Các bị cáo tại tòa.
Ngoài ra, tòa cũng tuyên phạt Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa án tù chung thân về các tội “lừa đảo…” và “đưa hối lộ”, và cả hai bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của Agribank Chi nhánh Chợ Lớn 3.000 lượng vàng và 18 tỉ đồng. Tuy nhiên, do tại tòa, đại diện Agribank Chi nhánh Chợ Lớn không đề nghị các bị cáo phải bồi thường thiệt hại (cho rằng ngân hàng không bị chiếm đoạt tiền) nên tòa đã tuyên sung công quỹ, nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền nói trên.
Liên quan trong vụ án, Trần Văn Tuyến bị tuyên phạt 12 năm tù; Lưu Thị Minh Hiền bị tuyên 10 năm tù cùng về tội “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” và Nguyễn Công Định 7 năm tù về tội “nhận hối lộ”. Đối tượng “môi giới hối lộ” giữa Trần Thị Hà và nguyên Chủ tịch Nguyễn Văn Khỏe là Đặng Công Danh lãnh án 8 năm tù. Đối với nhóm cán bộ xã, huyện Hóc Môn, Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng tuyên mức án từ 3 năm tù treo đến 13 năm tù.
Bị cáo Khỏe sau phiên tòa phúc thẩm lần 2.
Tháng 6.2011, vụ án được đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm theo đơn kháng cáo của các bị cáo và Chi nhánh Agribank Chợ Lớn. Theo đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã ra quyết định hủy toàn bộ bản án của tòa sơ thẩm đã xử trước đó với lý do tòa án cấp sơ thẩm trong quá trình xét xử đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc xác định bồi thường trách nhiệm dân sự và vụ án vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ… Vụ án được trả hồ sơ cho các cơ quan tố tụng điều tra xét xử lại từ đầu.
Tuy nhiên, sau gần một năm điều tra lại, nội dung vụ án và cáo trạng lần này vẫn không có gì thay đổi, ngoại trừ cơ quan công tố xác định số tiền Hà – Hòa chiếm đoạt trong vụ án này chỉ còn 10,5 tỉ đồng trong khi cáo trạng lần trước xác định là 18 tỉ và 3.000 lượng vàng.
Tháng 8.2013, vụ án đã được TAND TP HCM đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Khỏe 18 năm tù cho cả 3 tội danh “nhận hối lộ”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Mức án này nhẹ hơn rất nhiều so với đề nghị của VKS trước đó là từ 27 – 30 năm tù.
Không chỉ riêng bị cáo Khỏe, hầu hết các bị cáo trong vụ án đều được tuyên mức án nhẹ hơn so với đề nghị của VKS trước đó. Cụ thể, với các tội danh “đưa hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Trần Thị Hà bị tuyên phạt 30 năm tù và Hà Văn Hòa 20 năm tù (trước VKS đề nghị hai bị cáo tù chung thân). Ngoài hình phạt tù, tòa còn tuyên buộc Hà – Hòa có trách nhiệm bồi thường cho Agribank – Chi nhánh Chợ Lớn 3.000 lượng vàng và 18 tỉ đồng đã vay mượn trước đó.
Liên quan đến vụ án, nguyên các cán bộ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn bao gồm Trần Văn Tè bị tuyên án 10 năm tù (sơ thẩm lần 1 là 13 năm tù) cho hai tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “nhận hối lộ”. Kế đến, Dương Minh Trung lãnh 6 năm tù (sơ thẩm lần 1 là 7 năm tù); Nguyễn Văn Dò (nguyên cán bộ địa chính xã Đông Thạnh) 3 năm tù treo cùng về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đặng Công Danh 6 năm tù.
Đối với nhóm cán bộ Agribank – Chi nhánh Chợ Lớn bao gồm Trần Văn Tuyến bị tuyên án 6 năm tù và Lưu Thị Minh Hiền 5 năm tù cùng về tội “vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Riêng bị cáo Nguyễn Công Định bị phạt 5 năm 15 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội “nhận hối lộ”.
Sau án tuyên “nhẹ hều” này, VKSND cùng cấp đã ra quyết định kháng nghị yêu cầu tòa phúc thẩm xử tăng hình phạt các bị cáo Nguyễn Văn Khỏe, Trần Thị Hà, Hà Văn Hòa, Nguyễn Văn Dò và Nguyễn Công Định. Ngoài ra, vụ án cũng có 6 bị cáo kháng cáo kêu oan hoặc xin giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên, sau 2 ngày xét xử, HĐXX chỉ chấp nhận một phần kháng nghị của VKS, tăng hình phạt đối với tội “nhận hối lộ” của bị cáo Nguyễn Văn Khỏe từ 12 năm lên 14 năm tù; tổng hợp hình phạt với 2 tội danh khác, bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 20 năm tù. Tương tự, cho rằng hành vi “đưa hối lộ” của Hà Văn Hòa là nghiêm trọng nhưng án sơ thẩm xử 12 năm là chưa đúng nên HĐXX chấp nhận kháng nghị, tăng án tội danh này lên 14 năm tù, cộng với hình phạt 8 năm tù về tội “lừa đảo…”, bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 22 năm tù. Đối với kháng cáo và kháng nghị còn lại của các bị cáo khác, HĐXX bác toàn bộ.
Như vậy sau gần 6 năm điều tra, nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, trải qua 4 phiên tòa chính thức và nhiều phiên tòa hoãn, vụ án tham nhũng từng gây chấn động dư luận TP HCM vừa khép lại với mức án “hài lòng” nhiều bị cáo, trong đó có “cựu quan chức” Nguyễn Văn Khỏe
Theo Laodong
Kháng nghị tăng án vụ "quan huyện" cấu kết nữ đại gia "ăn đất" ở Hóc Môn
Vụ án "quan huyện" và nữ đại gia cấu kết cùng một dàn ê kíp trực thuộc "ăn đất" vẫn chưa đến hồi kết khi VKSND TPHCM đã kháng nghị yêu cầu tòa phúc thẩm tăng mức hình phạt đối với 5/10 bị cáo.
VKSND TPHCM vừa ký quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm vừa được tuyên vào ngày 28/8 của TAND TPHCM đối với vụ án tham nhũng đất đai xảy ra ở huyện Hóc Môn dưới thời kỳ của chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khỏe.
Theo đó, cho rằng bản án sơ thẩm đã tuyên mức án quá nhẹ, không phù hợp với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của các bị cáo, VKSND TPHCM kháng nghị yêu cầu tòa phúc thẩm TAND tối cao xét xử theo hướng tăng nặng hình phạt đối với 5/10 bị cáo.
Đó là các bị cáo: Nguyễn Văn Khỏe (SN 1954, nguyên chủ tịch huyện Hóc Môn), Trần Thị Hà (SN 1967), Hà Văn Hòa (SN 1954, chồng Hà, nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Thành Phát), Nguyễn Văn Dò (SN 1949, nguyên cán bộ địa chính xã Đông Thạnh) và Nguyễn Công Định (nhân viên tín dụng Agribank chi nhánh Chợ Lớn).
Nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, con "át chủ bài" của vụ án tham nhũng đất đai này
Trước đó, sau 8 ngày xét xử, chiều 28/8, TAND đã tuyên mức án khá nhẹ, dưới mức đề nghị của VKS đối với các bị cáo và dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Khỏe bị đề nghị 27 đến 30 năm tù nhưng HĐXX chỉ tuyên 18 năm tù về 3 tội danh: nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Dù bị đề nghị tù chung thân nhưng Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa chỉ bị tuyên phạt 30 năm và 20 năm tù về tội lừa đảo và đưa hối lộ. Nguyễn Văn Dò bị 3 năm tù treo dù bị đề nghị tuyên 5-6 năm tù; còn bị cáo Nguyễn Công Định bị đề nghị 7-8 năm tù nhưng HĐXX chỉ tuyên 5 năm 15 ngày tù bằng với thời gian tạm giam.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2002, Hà - Hòa lập ra công ty Thành Phát. Tuy không có năng lực tài chính và khả năng kinh doanh nhưng vợ chồng Hà vẫn làm đơn xin lập dự án khu dân cư và khu công nghiệp tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
Sau khi có quyết định giao đất, vợ chồng Hà đã làm hồ sơ vay ngân hàng rồi chiếm đoạt số tiền 18 tỉ đồng và 3.000 lượng vàng. Để những dự án trên giấy của Hà được phê duyệt, Hà đã đưa hối lộ cho các quan chức xã Đông Thạnh và huyện Hóc Môn tổng cộng 1,8 tỉ đồng cùng 5.000 USD, Hòa đưa hối lộ 600 triệu đồng.
Công Quang
Theo Dantri
Cựu chủ tịch huyện Hóc Môn bị đề nghị 27-30 năm tù Cho rằng, việc 'quan huyện' Nguyễn Văn Khoẻ phủ nhận cầm tiền của doanh nghiệp là không có cơ sở, mâu thuẫn với lời khai trước đó và kết quả điều tra, đại diện VKSND TP HCM đề nghị phạt cựu chủ tịch huyện Hóc Môn án nặng để làm gương. Chiều 23/8, sau 4 ngày xét xử vụ án điểm về tham...