Con đường từ một thiếu niên nổi loạn trở thành tổng thống của Putin
Putin cứng rắn nhưng điềm đạm ngày nay từng có thời là một thiếu niên “nổi loạn”, hay tham gia vào các cuộc ẩu đả.
Putin – từ tổng thống tạm quyền đến người bảo vệ nước Nga / 18 năm nước Nga chuyển mình dưới bàn tay lãnh đạo của Putin
Ông Putin phát biểu tại một diễn đàn dành cho thanh thiếu niên ở Moscow hôm 15/3. Ảnh: AP.
Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống, người dân ở Petersburg, quê hương Tổng thống Nga Vladimir Putin, không mảy may nghi ngờ gì về việc ông sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ 4. Và kết quả thực sự đúng như họ đoán, Putin giành chiến thắng áp đảo với tỷ lệ phiếu bầu trên 70%.
Từ năm 2000 đến nay, trải qua ba nhiệm kỳ tổng thống và một nhiệm kỳ thủ tướng, Putin giờ đây trở thành gương mặt lãnh đạo nổi bật nhất nước Nga. Hôm 18/3, ông tiếp tục ghi tên mình vào lịch sử khi giành chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống, bước vào nhiệm kỳ thứ 4 lãnh đạo đất nước. Ở tuổi 65, những màn “khoe” sức mạnh thể chất như cởi trần cưỡi ngựa đã không còn được nhìn thấy ở ông nhưng các cuộc họp báo hay điện đàm kéo dài hàng giờ liền vẫn cho thấy một Putin tràn đầy năng lượng và vô cùng kỷ luật, theo AP.
Rất ít chính trị gia nào có khả năng thăng tiến nhanh chóng trên con đường chính trị như Putin. Trước khi được bầu làm thủ tướng dưới thời tổng thống Boris Yeltsin tháng 8/1999, ông giữ vai trò người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), một trong những cơ quan kế nhiệm Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB).
Nhiều nhà quan sát lúc bấy giờ tỏ ra coi thường Putin, cho rằng những kinh nghiệm hoạt động ở Đông Đức trước đó của ông với tư cách một điệp viên KGB không giúp ích gì cho công việc điều hành đất nước. Tổng thống Yeltsin thay thủ tướng với tốc độ đáng báo động và ông Putin có thể sẽ là một gương mặt khác bị cho ra rìa.
Nhưng tháng sau đó, Putin đã cho thấy một sự cứng rắn hiếm có khi bình luận về cuộc chiến tranh lần hai chống lại các phần tử ly khai Chechnya. Ông tuyên bố “nếu bắt được, chúng ta sẽ xả chúng xuống toilet”.
Sắt đá, bản lĩnh và ngôn ngữ có phần thô ráp, tất cả những đặc điểm trên dường như đều bắt nguồn từ thời niên thiếu gan lỳ của Putin.
Khi ông trở thành quyền tổng thống thay thế người tiền nhiệm Yeltsin đã từ chức, ngôn ngữ của Putin được chọn lọc kỹ càng hơn song âm hưởng hào sảng, cứng rắn vẫn còn đó. “Tôi muốn cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm chống lại luật pháp Nga… đều sẽ bị trừng trị thích đáng”, ông có lần tuyên bố.
Thời niên thiếu
Ông Putin (dưới) đấu judo cùng một người bạn năm 1971. Ảnh: AFP.
Putin sinh ngày 7/10/1952, là con trai trong một gia đình bình dân ở Leningrad, nay là St.Petersburg, thành phố chứa nhiều ký ức đau thương về cuộc bao vây 900 ngày của phát xít Đức thời Thế chiến II. Một trong những người anh của Putin qua đời vì bệnh bạch hầu trong cuộc vây hãm, người còn lại chết không lâu sau khi sinh. Theo cuốn sách “Người đầu tiên” tập hợp những bài phỏng vấn về Putin được xuất bản vào thời điểm ông làm quyền tổng thống, Putin và cha mẹ sống trong một căn hộ chung cư tồi tàn với nhà vệ sinh và bếp ăn chung.
Video đang HOT
Putin kể như để phản ứng với hoàn cảnh khó khăn, ông trở thành một thiếu niên khá “nổi loạn” tại trường học. Trong một cuốn tiểu sử về Putin, ông không ngần ngại tiết lộ với người viết rằng mình là “đầu gấu thứ thiệt” thời còn đi học.
Trong những năm tháng đầu thời niên thiếu, Putin dồn những cảm xúc “hiếu chiến” của mình vào võ thuật, bộ môn thể thao mà ông vẫn thường xuyên luyện tập dù đã bước vào tuổi trung niên.
“Mẹ ông ấy là nhân viên vệ sinh, cha ông ấy khá lớn tuổi. Họ sinh Putin muộn. Thời trung học, Putin thường xuyên tham gia vào các cuộc ẩu đả và chắc hẳn nằm trong danh sách đen của cảnh sát”, Lev Lurye, nhà sử học nổi tiếng tại St. Petersburg, nhớ lại.
Putin mơ ước gia nhập KGB từ nhỏ, dường như vì máu phiêu lưu hơn là vì một lý tưởng cao đẹp nào đó. Ông từng hiên ngang bước vào văn phòng KGB ở Leningrad để hỏi bằng cách nào có thể gia nhập lực lượng.
“Từ lúc còn là học sinh, tôi đã tự mình tới văn phòng KGB. Khi tôi hỏi làm thế nào để được làm việc ở KGB, những người ở đây nói với tôi rằng tôi phải học lên cao, tốt nhất là học luật”, ông Putin kể trong một bộ phim tài liệu.
Y lời, Putin theo học khoa luật Đại học Leningrad và tốt nghiệp năm 1975. Gia nhập KGB, Putin làm công tác phản gián, theo dõi người nước ngoài ở Leningrad và đến năm 1985 thì bắt đầu hoạt động tại Dresden, Đông Đức. Ông quay trở lại Leningrad vào năm 1990 và bắt đầu làm việc cho chính quyền thành phố. Putin rút khỏi KGB một năm sau, vào ngày thứ hai của cuộc đảo chính thất bại chống lại nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev do KGB hậu thuẫn.
Tới tháng 8/1996, ông được bổ nhiệm làm phó phòng quản lý tài sản tổng thống Nga, giám sát các vấn đề liên quan tới luật và tài sản nước ngoài. Từ đây, ông cùng gia đình chuyển đến Moscow sinh sống.
Ngày 9/8/1999, tổng thống Boris Yeltsin quyết định chọn ông Putin làm thủ tướng mới của Nga. Ngày 31/12/1999, Yeltsin tuyên bố từ chức, Putin được chỉ định làm quyền tổng thống. Trong cuộc bầu cử sớm với 11 ứng viên tham gia sau đó, ông đã giành chiến thắng, bắt đầu con đường dẫn dắt nước Nga chuyển mình mạnh mẽ.
Ở ông, người ta không nhìn thấy dấu hiệu của sự khoa trương, màu mè. Khuôn mặt ông chỉ là phiên bản già hơn của một chàng thanh niên cá tính, mạnh mẽ, xuất thân từ một góc phố không hào nhoáng với quyết tâm vươn lên mãnh liệt, cây bút Jim Heintz từ AP bình luận.
Tổng thống độc lập
Trong mắt dân chúng Nga, không phải ai cũng đồng lòng ủng hộ Tổng thống Putin nhưng đa phần mọi người đều cho rằng nước Nga được như ngày hôm nay có một phần công lao lớn nhờ ông. Trong các cuộc khảo sát, mức độ tín nhiệm của Putin thường xuyên đứng ở mức cao, trên 80%.
“So với những năm 1990, Nga ngày nay có một vị thế mạnh mẽ hơn nhiều. Chúng ta không phải làm theo lệnh từ bất kỳ ai”, Guardian dẫn lời Alexander Kulevich, 30 tuổi, đến từ Toksovo, gần St Petersburg, cho hay. “Ngay cả lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sau khi sáp nhập bán đảo Crimea cũng không thể khiến chúng ta ngã quỵ… Putin nổi tiếng vì ông ấy độc lập. Bà Angela Merkel còn phải tham vấn trước khi đưa ra quyết định nhưng ông Putin thì không cần. Tôi nghĩ đó là điều tốt”.
Alina Batishcheva, 29 tuổi, cho rằng nước Nga chưa bao giờ mất đi sự vĩ đại dù phải trải qua những quãng thời gian biến động về kinh tế, chính trị. “Thành tựu chính của Vladimir Putin nằm ở việc ông ấy đã cho thấy bản thân là một nhà điều hành có năng lực hơn những người tiền nhiệm”, Batishcheva nói.
Bà Aigul Valeyeva, 49 tuổi, đến từ thành phố Ufa, Cộng hòa Bashkortostan thuộc Nga, hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lại nhận thấy Putin là một lãnh đạo “tương đối cởi mở”.
“Putin nổi tiếng bởi ông ấy trở thành tổng thống khi còn trẻ và năng động sau một loạt lãnh đạo già yếu khác. Ông ấy biết cách kết nối với mọi người, biết cách đề ra yêu cầu. Ông ấy cũng có thân hình cân đối và khá cởi mở nữa”, Valeyeva nhận xét.
Theo Valeyeva, khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế đất nước suy sụp và mối liên kết giữa các nước cộng hòa thành viên trở nên yếu hơn bao giờ hết. Dưới thời Putin, chúng được củng cố lại và những mối liên kết mới hình thành.
“Giờ đây, chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhỏ, nông nghiệp, khoa học và chế biến. Nga bắt đầu sản xuất thiết bị quân sự chất lượng. Để được thế giới tôn trọng, bạn cần thể hiện sức mạnh”, bà chia sẻ.
Vũ Hoàng
Theo vnexpress.net
4 lý do Nga không đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh
Bất chấp các cáo buộc từ Anh và các nước phương Tây, Nga được cho là không có động cơ cũng như ý định để tiến hành vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông hồi đầu tháng.
Các quân nhân Anh mặc đồ bảo hộ vận chuyển các đồ đạc có liên quan tới vụ cha con cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc ở Anh (Ảnh: AFP)
Theo Andranik Migranyan, nhà khoa học chính trị Nga đồng thời là giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế Nga, Moscow không có động cơ và cũng không có ý định hạ độc cựu đại tá tình báo Sergei Skripal và con gái Yulia tại thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3. Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm về vụ mưu sát cha con ông Skripal và nói rằng chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ việc này do Moscow phát triển.
Sputnik dẫn lời chuyên gia Andranik Migranyan cho biết, có ít nhất 4 lý do để giải thích cho việc Nga không phải là nước đứng sau vụ tấn công nhằm vào cha con ông Skripal.
Thứ nhất, cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal, người từng là gián điệp cho Cơ quan Tình báo Mật (MI6) của Anh với mật danh "Tức thì", không phải là người đào tẩu nên Moscow không có lý do để hạ độc. Ông này từng bị bắt ở Nga năm 2004 và bị kết án 13 năm tù vì tội làm gián điệp cho Anh năm 2006. Tới tháng 7/2010, Skripal được trả tự do sau một cuộc trao đổi điệp viên giữa Nga và Mỹ.
Thứ hai, Sergei Skripal không phải là mối đe dọa với Nga và cựu điệp viên này gần như không biết thêm bất kỳ điều gì ngoài những thông tin ông từng cung cấp cho MI6 trước khi bị bắt. Nếu Skripal còn giá trị, Nga đã không thả ông này mà sẽ thay bằng người khác trước khi trao đổi với Mỹ.
Thứ ba, vụ đầu độc cựu điệp viên 66 tuổi và con gái của ông được cho là không mang lại lợi ích gì cho chính quyền Tổng thống Vladimir Putin cũng như các cơ quan tình báo Nga, đặc biệt trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3 và giải bóng đá thế giới World Cup do Nga đăng cai vào mùa hè năm nay.
Thứ tư, chính quyền Nga luôn theo đuổi cách tiếp cận thực tế trong chính sách đối ngoại cũng như các vấn đề toàn cầu. Nga sẽ không bao giờ "tự bắn vào chân" nếu thực hiện vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây vốn luôn chờ cơ hội bùng nổ.
Ai đứng sau vụ việc?
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (Ảnh: Getty)
Theo chuyên gia Andranik Migranyan, vụ Skripal có thể là cách thức mà Anh và Mỹ sử dụng để làm tổn hại uy tín của lãnh đạo Nga cũng như gây sức ép đáng kể lên Điện Kremlin trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Nga đang diễn ra.
"Khi không thể can thiệp hiệu quả vào chính trị nội bộ và tiến trình bầu cử của Nga thông qua các thể chế trong nước, do hầu hết các "điệp viên có ảnh hưởng ở nước ngoài" đều nằm dưới sự theo dõi của đặc vụ Nga, các cơ quan tình báo Mỹ-Anh quyết định tiến hành một chiến dịch nhằm hạ thấp uy tín của Nga và Tổng thống Putin, đồng thời phủ bóng đen lên cuộc bầu cử Nga và tính hợp pháp của tổng thống Nga nói chung", chuyên gia Migranyan nhận định.
Không lâu sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào cha con cựu điệp viên Nga tại Salisbury, giới chức Anh đã nhanh chóng đặt ra nghi vấn Moscow sử dụng chất độc thần kinh Novichok để thực hiện vụ tấn công này. Liên quan tới vấn đề này, Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko hoài nghi về việc làm thế nào các nhà chức trách Anh có thể nhanh chóng xác định loại chất độc được sử dụng là Novichok như vậy, trong khi Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) nói rằng phải mất ít nhất từ 2-3 tuần mới có thể phân tích được mẫu chất độc và xác định xem đó là loại gì.
"Liệu điều đó có nghĩa là Anh từ trước đó đã sở hữu loại chất độc thần kinh này trong phòng thí nghiệm hóa học của họ ở Porton Down, căn cứ quân sự bí mật lớn nhất tại Anh chuyên chế tạo các loại vũ khí hóa học, hay không?", Đại sứ Yakovenko đặt câu hỏi, đồng thời cho biết căn cứ quân sự này chỉ cách thành phố Salisbury, nơi xảy ra vụ tấn công, hơn 12 km.
Thủ tướng Anh Theresa May (phải) tới thành phố Salisbury sau vụ việc của cựu điệp viên Nga (Ảnh: AFP)
Đại sứ Yakovenko kêu gọi các nhà chức trách Anh chia sẻ thông tin về cuộc điều tra liên quan tới vụ hạ độc cha con ông Skripal cho Nga, đồng thời cảnh báo Anh đã vi phạm Công ước Vienna 1963 về Quan hệ lãnh sự khi không cho phép lãnh sự quán Nga được tiếp cận cha con ông Skripal sau khi họ bị tấn công mặc dù cả hai đều là công dân Nga.
Trong cuộc họp với các đại sứ nước ngoài tại Moscow hôm 21/3 về vụ đầu độc cựu đại tá tình báo Sergei Skripal, Vụ trưởng Vụ không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Yermakov cho biết Anh có thể chính là nước đã "đạo diễn" vụ việc gây chấn động này.
"Logic của vụ việc cho thấy chỉ có hai giả thuyết xảy ra. Một là, các nhà chức trách Anh không đủ khả năng để bảo vệ cho chính công dân nước mình trước một vụ tấn công khủng bố ngay trên lãnh thổ Anh. Hai là, bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp, chính họ đã đạo diễn vụ tấn công nhằm vào công dân Nga", ông Yermakov cho biết.
Ông Yermakov cũng tỏ ra hoài nghi về việc Anh không sẵn sàng tạo điều kiện cho Nga được gặp cha con ông Skripal và cho rằng đây là hành động vi phạm luật quốc tế. Theo ông Yermakov, Moscow từng yêu cầu London "cung cấp tất cả các thông tin" về vụ việc, song cho đến nay vẫn không nhận được bất kỳ điều gì.
Liên quan tới tình hình sức khỏe của cha con ông Skripal, một thẩm phán tại Anh ngày 22/3 cho biết cựu điệp viên Nga và con gái có thể đã bị tổn thương não lâu dài và sẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra, tòa án Anh cũng đã cho phép lấy mẫu máu của cha con ông Skripal để các chuyên gia của tổ chức OPCW xét nghiệm và xác minh kết luận của Anh về việc hai người này đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh được sản xuất tại Nga.
Thành Đạt
Theo Dantri
Ông Putin nói gì về bức ảnh cưỡi gấu gây xôn xao dư luận? Bức ảnh chụp Tổng thống Vladimir Putin mình trần cưỡi gấu đã trở thành biểu tượng cho sự mạnh mẽ của nhà lãnh đạo Nga, song nhiều người vẫn hoài nghi về tính xác thực của bức ảnh này. Bức ảnh ghép Tổng thống Putin cưỡi gấu được chia sẻ trên mạng (Ảnh: Sputnik) Trong cuộc phỏng vấn với kênh NBC phát sóng...