Con đường sa ngã của “đại gia” chăn vịt xứ Nghệ
Đối tượng Phạm Văn Tương (SN 1956, ngụ xóm Thượng Lộc, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) là một trong hai đối tượng tổ chức đường dây đưa người vượt biên trái phép vừa bị Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt giữ cuối tháng 6 vừa qua. Thông tin Tương “gặp nạn” đã gây chấn động miền Trung bởi ở xứ Nghệ, cái tên “Tương Nghi Vạn” đã quá quen thuộc đối với những người thích nghe chuyện về cuộc đời thăng trầm của một “đại gia” chăn vịt.
Phạm Văn Tương trước đây…
Quá khứ “nghèo gia truyền”
Tương nghỉ hưu với quân hàm trung tá quân đội, lương hưu hơn 7 triệu đồng/tháng, nhưng từ dáng vẻ đến việc làm đều toát lên hình ảnh của một lão nông lực điền cả cuộc đời gắn với ruộng đồng. Trước khi trở thành “đại gia” xứ này, Tương từng có một quá khứ nghèo khó. Sinh ra trong một gia đình “nghèo gia truyền”, thời ông bà bố mẹ của Tương vốn không có một “tấc đất cắm dùi” phải đi ở cho người khác.
Trời thương run rủi thế nào gia đình người chủ trước khi chuyển đi đã giao cả ruộng vườn cho bố mẹ Tương đủ nuôi các con lớn. Anh em Tương lớn lên rồi phiêu dạt khắp nơi, trở về nhà khi tất cả đều nghèo đói, có những lúc bần cùng cả gia đình 5 ngày không một hột cơm. Khi ấy Tương thường nói với con cháu “ông bà không để lại gì, chỉ để lại đức tính cần cù chịu khó”.
Nhưng cuộc đời Tương là cuộc đời phiêu dạt bần cùng dù tay chân lao động không lúc nào ngơi. Năm Tương 34 tuổi, người vợ đầu đột ngột qua đời để lại 5 đứa con, 3 năm sau thì cưới người vợ thứ hai cũng là người vợ hiện tại và có thêm một đứa con trai nữa. Những năm tiếp theo, một tay người đàn ông này phải lao động bằng năm bằng mười người khác để đại gia đình khỏi lâm vào cảnh chết đói.
Hai vợ chồng với sáu đứa con đã trải qua những ngày chỉ ăn rau triền miên, không biết đến một bát cháo, chỉ có lao động và lao động, không một ngày ngừng nghỉ. Người dân kể lại, cách đây hai chục năm Tương đã biết nhận nhiều ruộng đất để vừa làm vừa mượn người, nuôi vịt, thả cá rồi vác gạch thuê… việc nào cũng cũng làm quần quật. Trời chẳng phụ công, khoảng đầu những năm 2000, Tương trúng vụ cá rồi hoa màu, thuê xe ô tô chở cá đến nhập khắp thôn cùng ngõ hẻm.
Đời “lên hương” từ đó, ông nông dân Tương trở thành người đầu tiên có xe máy, điện thoại di động ở đất Nghi Vạn, đồng thời cũng đặt dấu chấm dứt cho quãng đời nghèo khó của đại gia đình.
Video đang HOT
… và sau khi bị bắt
“Đại gia chơi ngông”
Việc làm ăn sau đó của Tương lên như diều gặp gió. Người đàn ông này vốn quen đã làm là phải làm to, nên khi thắng là phải thắng lớn. Năm 2006, Tương đã làm một việc mà ở xứ này chưa ai dám làm từ trước đến nay là bỏ tiền túi ra để trải nhựa một con đường liên xã từ Nghi Vạn vào thành phố Vinh, chỉ vì trước đó con đường xấu quá, người dân đi lại vất vả.
Tương còn có một thời gian dài giữ chức xóm trưởng xóm Thượng Lộc, được người dân ca ngợi tín nhiệm nên có đến cả chục năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Không ai chê trách một điều gì ở cương vị xóm trưởng của Tương, khi liên tục có sáng kiến để xây dựng làng xóm văn hóa, làm đẹp quê hương, đồng thời cũng rất “chịu chi” sẵn sàng trả mấy năm tiền điện thắp sáng trên toàn bộ đường xóm. Đường liên thôn ở xóm Thượng Lộc chủ yếu cũng do Tương chi tiền hỗ trợ.
Năm 2009, Tương tiếp tục làm một việc gây chấn động dư luận là chi gần chục tỉ đồng để xây dựng một ngôi nhà khổng lồ chỉ để cho thiên hạ ngắm. Người dân gọi “nhà ông Tương” để chỉ một công trình hoành tráng với 4 tầng rưỡi nhà, gần 2.000m2 diện tích sử dụng, 32 phòng và khuôn viên vài ngàn m2… được xây ròng rã 3 năm trời, không để kinh doanh, chỉ để ở và đón con cháu khách khứa trở về.
Mục đích của “đại gia” khi xây nhà “khủng” là: “Muốn nhà có thật nhiều phòng để bất kỳ ai qua đường muốn trú chân lại cũng có thể nghỉ ngơi thoải mái. Ngôi nhà này mở cửa với tất cả mọi người. Riêng đối với gia đình, đây sẽ là ngôi nhà nguồn cội để con cháu sau này đoàn tụ, là nơi những đứa ra đi thành đạt trở về thắp nén nhang cho tổ tiên, và cũng là chốn nương thân cho những đứa bần cùng thất bại”.
Tâm nguyện này có lẽ xuất phát từ hoàn cảnh gia đình Tương có 6 người con thì hầu hết đều đang ở nước ngoài, dâu rể nào còn ở trong nước cũng đang chờ ngày… bay. Bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu là lãng phí, là khoe của, là chơi trội, “đại gia” Tương lẳng lặng xây nhà và tiếp tục làm thiên hạ choáng váng vì hệ thống điện thắp sáng lên tới hàng nghìn bóng khắp từ trong nhà ngoài sân.
Mỗi khi mặt trời lặn là chủ nhà lại bật toàn bộ bóng sáng trưng, đi trên đường quốc lộ từ cách xa vài km đã thấy ngôi nhà nghìn bóng sáng của Tương lấp lánh trong đêm. Tương nổi tiếng với câu nói: “Đời tôi xây nhà không cần để thể hiện. Lắp nhiều bóng điện cũng chỉ để thắp sáng”.
Ngôi nhà nghìn bóng của Tương
Sa chân vì “cách làm ăn mới”
Người dân Nghi Vạn nói chuyện về “đại gia” Tương thì nhiều không kể hết. Người đàn ông này làm gì cũng khiến người khác phải ngạc nhiên. Những tưởng đời chẳng còn gì lo toan thì tất cả đều ngã ngửa khi thấy Tương xuất hiện trên truyền hình vì bị bắt giữ trong khi đưa người vượt biên trái phép. Lại thêm một lần nữa Phạm Văn Tương khiến dân làng ngạc nhiên đến không tin vào mắt mình vì trước đó lúc nào Tương cũng nói: “Đời tôi sống vui vẻ, chết thanh thản, giàu không đến lượt mình, nghèo như mình là hết cỡ”.
Là một trong những nhân vật liên tục đạt danh hiệu Hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Nghệ An, bằng khen ở nhà Tương nhiều không có chỗ treo hết. Người đàn ông này khẳng định tiền của đều do bản thân làm ra, chưa phải nhờ đến con cái. Một người dân cho biết Tương từng khoe đang sở hữu mấy chục cái “sổ đỏ”, riêng bất động sản trên khắp cả nước thì cả nhà ở đến 5 đời chưa hết.
Đời Tương là cuộc đời “vô lý” của một “đại gia” chăn vịt. Khi đã có rất nhiều tỷ thì Tương vẫn ngày ngày làm ruộng, nuôi lợn nuôi gà vịt… không lúc nào ngơi tay. Trong nhà lúc nào cũng sẵn vài chục lít rượu thết đãi khách khứa. Ngày lễ tết là xách quà bánh đến thăm giúp những gia đình khó khăn. Nghe tin Tương bị bắt, mấy đứa nhỏ tiếc nuối vì trước đó còn nghe ông nói định biến mấy sào ruộng mênh mông thành sân chơi mini cho trẻ con trong xóm vui chơi.
Ông Trần Khắc Hồ, Trưởng Công an xã Nghi Vạn cho biết trong suốt quá trình sinh sống và làm xóm trưởng, Phạm Văn Tương không hề có một biểu hiện nào đáng nghi vấn, là người có uy tín vì là gương làm kinh tế giỏi, quan hệ xã hội tốt, đối đãi rất được lòng người. Người ngoài không biết thì ngạc nhiên vì sao Tương lắm tiền nhưng đối với người trong xã thì bình thường vì cả đất này không thiếu người giàu hơn thế.
Nghi Vạn nghèo xác xơ chỉ còn là hình ảnh trong quá khứ. Giờ Nghi Vạn là “làng xuất ngoại” với hàng chục biệt thự, hàng trăm ngôi nhà tầng lộng lẫy thi nhau mọc lên. Người dân trước dè sẻn từng đồng nay cầm cả xấp tiền đô mà mặt không đổi sắc. Vì thế cái sự giàu của Tương không khiến người ta phải trầm trồ, có chăng chỉ là cái sự chơi khác người của ông.
Từ ngày Tương bị bắt, ngôi nhà nghìn bóng nổi tiếng ở đất Nghi Vạn cũng không còn lấp lánh mỗi đêm. Bà vợ của Tương những ngày này một mình ở nhà ngóng tin chồng, con cái đều ở tận trời Tây, bà chỉ biết chồng bị bắt khi thấy dân tình xôn xao.
Nghĩ đến người chồng cả đời dọc ngang là thế mà đến lúc về già lại phải tra tay vào còng, bà thở dài: “Ông ấy vừa mới thôi xóm trưởng được vài tháng vì con cái muốn cha nghỉ ngơi. Cũng do cái tính không chịu ngồi yên, có thời gian mới theo người ta đi tìm hiểu “cách làm ăn mới” đấy chứ. Giá cứ bận rộn việc làng xóm tối ngày thì đâu đến nỗi”.
Theo PLVN
Tạm giam 4 tháng ba người tổ chức vượt biên sang Úc
Ngày 29.6, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 người trong đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.
Cơ quan ANĐT đã tạm giam 4 tháng đối với Phạm Văn Tương (58 tuổi), Nguyễn Văn Kính (46 tuổi, cùng quê Ngệ An), Nguyễn ngọc Lợi (52 tuổi, quê Cần Thơ).
Như Thanh Niên Online đã đưa tin, lúc 19 giờ 30 ngày 24.6, lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt quả tang tàu cá BT - 93700TS do Lợi làm thuyền trưởng đang neo đậu tại khu vực biển Sao Mai (TP.Vũng Tàu) chuẩn bị chở người vượt biên trái phép sang Úc. Lúc này trên tàu có 10 người, trong đó Kính.
Qua điều tra, lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Công an TP.Vũng Tàu bắt giữ thêm 18 người khác chưa kịp ra tàu BT-93700 TS, trong đó có Tương.
Tương, Lợi và Kính (từ trái sang) trong nhà tạm giam Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Theo điều tra ban đầu, Tương và Kính đã thu tiền của nhiều người nghèo ở Nghệ An và Hà Tĩnh để tổ chức đưa họ sang Úc với viễn cảnh sang Úc dễ kiếm việc làm, thu nhập ổn định.
Người nào muốn sang Úc phải đóng cho Tương và Kính từ 10.000 đến 13.000USD/người. Có được tiền, Tương và Kính xuống Bến Tre mua tàu cá BT-93700 TS đưa về TP.Vũng Tàu sửa chữa. Tương và Kính thuê Lợi làm thuyền trưởng chở người sang Úc với giá 250 triệu đồng.
Ngày 24.6, khi tàu của Kính và Tương đang đợi khách lên tàu để xuất ngoại thì bị bắt quả tang.
Đối với 25 người khác, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chuyển hồ sơ sang Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để xử lý vi phạm hành chính.
Theo Thanh Niên
"Ác quỷ" buôn người ở xứ Nghệ Thời gian gần đây, Công an Nghệ An liên tục triệt phá các ổ nhóm, bắt giữ nhiều đối tượng tổ chức mua bán người. Đã có hàng trăm phụ nữ ở các vùng miền núi xứ Nghệ sập bẫy , bị bán ra nước ngoài... Thủ phạm từng là nạn nhân Nhìn bề ngoài, Lữ Thị Quan (SN 1971, trú ở bản...