‘Con đường mới nổi’ lây nhiễm HIV tại Việt Nam
HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Đáng lưu ý, lây nhiễm HIV qua đường tình dục trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng nhanh những năm gần đây.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trước đây lây nhiễm HIV tại Việt Nam chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, lây truyền qua đường quan hệ tình dục, trong đó có nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (gọi tắt: MSM), đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây.
Đã ghi nhận người nhiễm HIV ở lứa tuổi học sinh
Năm 2014, tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trong nhóm MSM là 6,7%; đến năm 2017 tăng lên 12,2%; và đến năm 2020 là 13,3%. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.
Tại một số địa phương, người nhiễm HIV mới được phát hiện có tới hơn 50% là nhóm MSM. Trong thời gian tới, MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hằng năm.
Các đồng đẳng viên tham gia cung cấp các sản phẩm cho nhóm MSM, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV. Ảnh NAM SƠN
Tại Long An, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh này cho biết tỷ lệ lây nhiễm HIV do hành vi tiêm chích giảm rõ. Thay vào đó, xu hướng quan hệ tình dục là đường lây chính, đặc biệt trong nhóm MSM. Số ca lây nhiễm HIV trong những năm gần đây ở Long An chủ yếu là qua đường tình dục. Tỷ lệ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn năm 2018 là 63,7%; năm 2019 là 79,2%; năm 2021 tăng lên 94,7%. Số người nhiễm HIV trong nhóm MSM có chiều hướng gia tăng. Năm 2018 có 16,2% người nhiễm HIV trong nhóm MSM; năm 2021 tăng lên 69,9%. Riêng 6 tháng đầu năm nay, 67,9% người nhiễm HIV được phát hiện là nhóm MSM.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo báo cáo của CDC tỉnh, những năm gần đây tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục đã tăng rõ rệt (17,27% năm 2000; 52,89% năm 2010; 66,66% năm 2019). Tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng mạnh từ 2,25% (2011) lên 16,5% (2018).
Đáng lưu ý, một số địa phương gần đây đã ghi nhận người nhiễm HIV trong nhóm MSM ở độ tuổi học sinh trung học 16 – 17 tuổi.
Video đang HOT
Kiểm soát nồng độ vi rút ngừa nguy cơ lây nhiễm
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Duy Minh, phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Bà Rịa-Vũng Tàu, những năm gần đây đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi rõ rệt. Trong đó, lây nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh, trở thành phương thức lây truyền HIV chủ yếu. Do đó, việc duy trì, tuân thủ điều trị đối với bệnh nhân HIV/AIDS vô cùng quan trọng, bảo đảm cho nồng độ vi rút trong máu đạt dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu), thì sẽ không có nguy cơ lây qua đường tình dục.
Nhìn nhận về nguyên nhân gia tăng người nhiễm HIV trong nhóm MSM, Th.S-BS Nguyễn Ngọc Linh, Phó giám đốc CDC Long An, cho rằng trước đây nhóm này hạn chế công khai danh tính, rất khó tiếp cận vì họ lo sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Tuy nhiên, những năm gần đây, với các dự án tài trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS tập trung vào nhóm này, địa phương đã tổ chức được mạng lưới các đồng đẳng viên tiếp cận, giúp họ xét nghiệm HIV; nếu nhiễm HIV, được cấp thuốc điều trị sớm. “Do đó nhóm MSM đã cởi mở hơn; họ cũng tiếp cận sớm với xét nghiệm, điều trị”, BS Linh chia sẻ.
Cũng theo BS Nguyễn Ngọc Linh, việc tiếp cận điều trị sớm và duy trì thuốc giúp người nhiễm HIV có sức khỏe tốt, đặc biệt giúp giảm tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện, là điều kiện quan trọng để không còn nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Tuy nhiên, các trường hợp MSM được tư vấn về tình dục an toàn, không chỉ ngừa lây nhiễm HIV, mà còn ngừa lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục.
Mục tiêu 95-95-95
Phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam hướng đến mục tiêu 95-95-95: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
Khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV mà đạt đến mức ức chế vi rút, nghĩa là tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu (hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện), sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục.
Nhóm MSM nếu không áp dụng biện pháp bảo vệ sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm một số bệnh lây truyền qua tình dục như nhiễm HIV, chlamydia, lậu, herpes…, bệnh qua đường máu như viêm gan C, viêm gan B, nguy cơ ung thư hậu môn trực tràng và nhiều bệnh truyền nhiễm khác như viêm gan A, thương hàn, salmonella, shigella, amip, E.coli…
Nguy cơ lây nhiễm HIV qua giao hợp qua đường hậu môn cao hơn so với giao hợp qua âm đạo.
( Nguồn: Cục Phòng, chống HIV/AIDS)
Cảnh báo vi khuẩn lậu kháng thuốc mạnh
Tại Bệnh viện Da liễu T.Ư (Hà Nội) mỗi tháng có thể ghi nhận hàng trăm ca đến khám do mắc bệnh lậu. Đáng lưu ý, đã có những ca nhiễm vi khuẩn lậu kháng thuốc.
Biểu hiện kín đáo ở nữ
Theo PGS-TS-BS Phạm Thị Lan, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo, chỉ đạo tuyến, Bệnh viện (BV) Da liễu T.Ư, bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Đến nay, bệnh lậu vẫn là mối quan tâm lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có hơn 82 triệu ca lậu mới mắc trong năm 2020; trong đó, phần lớn ở châu Phi và khu vực tây Thái Bình Dương (theo chia vùng của WHO, Việt Nam thuộc khu vực tây Thái Bình Dương).
Tại Việt Nam, theo thống kê của hệ thống ngành da liễu, hằng năm có tới 300.000 bệnh nhân (BN) mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó số ca mắc bệnh lậu không hề nhỏ.
BS Phạm Thị Lan cho biết, BV Da liễu T.Ư hằng ngày tiếp nhận nhiều BN có triệu chứng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến khám, trong đó có bệnh lậu. Số ca mắc bệnh lậu đến khám tại BV có thể lên đến hàng trăm ca mỗi tháng. Các BN mắc bệnh này ở các lứa tuổi khác nhau, nhưng phổ biến hơn là lứa tuổi từ 18 - 49.
Cần thực hành quan hệ an toàn, lành mạnh để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ảnh SHUTTERSTOCK
Theo BS Lan, phần lớn BN đến khám bệnh lậu là nam giới. Nguyên nhân có thể do biểu hiện lâm sàng của bệnh lậu ở nam giới rõ ràng hơn, với các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu dắt, ra mủ ở miệng sáo, quy đầu... khiến BN rất khó chịu phải đi khám.
"Biểu hiện của bệnh này ở nữ lại kín đáo hơn, có thể chỉ biểu hiện bằng ra khí hư bất thường hoặc không, chủ yếu là viêm ở cổ tử cung. BN không thấy bất thường nhiều nên không đi khám, và tiếp tục có quan hệ tình dục làm lây lan cho bạn tình và có thể gây các biến chứng cho bản thân người bệnh", BS Lan lưu ý.
Siêu vi khuẩn lậu
Trước thông tin trên báo chí về việc ghi nhận ca bệnh do "siêu vi khuẩn lậu", BS Lan chia sẻ, thực tế 70 - 80 năm qua bệnh lậu được điều trị hiệu quả bằng các thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, trên toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều chủng lậu kháng các loại kháng sinh được sử dụng trước đây (sulfonamides, penicillins, cephalosporins, tetracyclines, macrolides, fluoroquinolones) và kể cả các kháng sinh hiện được sử dụng để điều trị lậu (ceftriaxone, azithromycine, cefixime).
Trường hợp người đàn ông nhiễm vi khuẩn lậu đa kháng thuốc ở mức độ cao được báo chí đề cập gần đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế.
BS Lan thông tin thêm, các bài báo quốc tế cho thấy lậu đa kháng thuốc ở mức độ cao (Neisseria gonorrhoea super bug - H041) có thể gọi là "siêu vi khuẩn lậu", lần đầu tiên được phát hiện ở hầu họng của một gái mại dâm ở Kyoto (Nhật Bản) năm 2011, chủng này kháng lại ceftriaxone - thuốc chủ lực để điều trị bệnh lậu và hầu hết các loại kháng sinh khác. Năm 2014, một người đàn ông ở Anh sau khi trở về từ Nhật Bản đã nhiễm chủng lậu đa kháng thuốc từ một bạn gái người Nhật mắc lậu. Với lối sống cởi mở và sự thông thương quốc tế thuận tiện, nguy cơ lây lan các chủng lậu đa kháng thuốc ở mức độ cao ra các châu lục, quốc gia, trong đó có Việt Nam, là không hề nhỏ. Đây là thách thức lớn đối với toàn cầu.
Những tình huống có thể lây nhiễm bệnh lậu
Trước một số thông tin về nguy cơ mắc bệnh lậu khi đi du lịch, BS Lan cho rằng, nguy cơ mắc lậu nói riêng và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung không chỉ đối với người đi du lịch mà đối với tất cả những người trong độ tuổi có sinh hoạt tình dục, bao gồm: quan hệ tình dục không lành mạnh (mua - bán dâm); quan hệ tình dục không được bảo vệ (không sử dụng bao cao su đúng cách); có nhiều bạn tình; dùng rượu bia và các chất kích thích khi quan hệ; lạm dụng tình dục...
Theo BS Lan, các BN khi đến khám tại BV Da liễu sẽ được thăm khám và làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định có thực sự mắc lậu hay không, lậu cấp tính hay mạn tính, lậu có biến chứng hay không. BV còn thực hiện nuôi cấy lậu và làm kháng sinh đồ để xác định vi khuẩn lậu có kháng thuốc hay không.
Quá trình điều trị, BN cần được theo dõi, tư vấn và điều trị bệnh lậu với các thuốc phù hợp và hiệu quả, kể cả trường hợp lậu kháng thuốc. "Như vậy sẽ phòng được các biến chứng cho bản thân người bệnh và ngăn chặn được sự lây lan của vi khuẩn lậu, không những cho bạn tình của BN mà còn cho xã hội", BS Lan chia sẻ.
Tại BV Da liễu T.Ư, gầy đây đã ghi nhận BN mắc bệnh lậu kháng thuốc. Đồng thời, tại Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện một số chủng lậu kháng thuốc mạnh, không nhạy cảm với cả 2 loại kháng sinh ceftriaxone và cefixime.
Để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh lậu, cần thực hiện quan hệ tình dục lành mạnh, thủy chung; thực hành tình dục an toàn, sử dụng bao cao su đúng cách; không dùng các chất kích thích khi quan hệ tình dục. Khi được chẩn đoán mắc bệnh, cần điều trị cho mình và cho bạn tình.
(Nguồn: Bệnh viện Da liễu T.Ư)
TP.HCM: 76% số ca nhiễm HIV mới ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính Thời kỳ đầu của dịch HIV/AIDS, tại TP.HCM nhóm tiêm chích ma túy nhiễm HIV là chủ yếu, đến giai đoạn hiện nay, nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính (MSM) nhiễm HIV chiếm tỉ lệ lớn, đến 76% số ca nhiễm HIV mới trong năm 2021. Bệnh nhân uống methadone tại TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN Ngày 30-6, Trung tâm Kiểm...