Con đường gian nan tới châu Âu của các cầu thủ châu Phi
Châu Phi được xem là lục địa vàng của bóng đá trẻ.
Nhưng đi tới thành công như Mohamed Salah hay Sadio Mane hiện tại chỉ là số ít. Phần đông rơi vào tình cảnh tối tăm như Luqman Gilmore. Tài năng chơi bóng không hẳn là yếu tố quyết định, bởi từ châu Phi tới châu Âu là một hành trình đầy phức tạp phi bóng đá.
Luqman Gilmore hiện chơi bóng tại FC Zugdidi thuộc giải vô địch quốc gia Georgia. Hậu vệ 23 tuổi vẫn mơ một ngày được thi thố tại các giải vô địch hàng đầu châu Âu như mục tiêu ban đầu khi rời Nigeria. Nhưng Gilmore cũng hiểu rằng sau những gì đã xảy ra với anh, thực tại khắc nghiệt hơn nhiều cho một cầu thủ trẻ châu Phi.
Gilmore gây chú ý vào năm 2013 khi CLB chủ quản AACC gửi hàng trăm clip đến các tuyển trạch viên khắp châu Âu. AACC là đội bóng nghiệp dư, không nằm trong hệ thống thi đấu chuyên nghiệp tại Nigeria và cũng không có bất kỳ đối tác đào tạo nào ở châu Âu. Ở tuổi 16, Gilmore cho rằng đó là thuận lợi giúp anh thoát khỏi ràng buộc và có thể tự quyết định số phận của mình.
Cuộc thử việc đầu tiên tại Fulham bất thành. Sau đó, Gilmore được một tay “cò” giới thiệu tới Stoke. Gilmore tập khá tốt với đội U18 và được Stoke chuẩn bị kéo lên đội U21. Nhưng rồi việc ký hợp đồng gặp khó vì Gilmore chưa đủ 18 tuổi và thiếu “tên tuổi quốc tế” (ám chỉ việc khoác áo các đội tuyển trẻ quốc gia).
Thực ra, Gilmore từng tập cùng đội U17 Nigeria bên cạnh Kelechi Iheanacho. Nhưng Gilmore bị gạch tên khi HLV gút danh sách vì “xuất thân” từ một CLB nghiệp dư. Rất nhiều cầu thủ trẻ tương tự Gilmore, chọn một CLB nằm ngoài hệ thống chuyên nghiệp vì các CLB lớn có xu thế “trói chặt” cầu thủ không cho sang châu Âu. Nhưng mặt trái là họ thiệt thòi khi lên tuyển.
Từng là một “viên ngọc thô” nhưng ở tuổi 23, Luqman Gilmore đã sớm phải dạt sang Georgia kiếm sống
Video đang HOT
Stoke vẫn tìm cách ký hợp đồng với tài năng đến từ Nigeria này. Theo tay “cò” giới thiệu thì Gilmore có tổ tiên sinh ra ở London, giúp Stoke hy vọng biến Gilmore thành cầu thủ châu Âu. Nhưng sau một tháng điều tra gốc gác Gilmore, Stoke phát hiện tay “cò” khai khống. “Tôi sụp đổ hoàn toàn”, cầu thủ trẻ Nigeria nhớ lại.
Sau Stoke, một tay “cò” khác kéo Gilmore sang Bồ Đào Nha thử việc tại Leixoes. Chỉ sau ba ngày xem giò cẳng, đội bóng hạng Nhì Bồ Đào Nha đã quyết định ký hợp đồng với Gilmore. Nhưng rồi người Bồ Đào Nha phát hiện ra Gilmore có tuổi thật là 16 chứ không phải 18 như tay “cò” giới thiệu. Thỏa thuận đổ bể vì cầu thủ người Nigeria chưa đủ tuổi ký hợp đồng.
Gilmore không dám muối mặt trở về Nigeria gặp cha mẹ. Anh theo lời giới thiệu tới thử việc tại Alcorcon. Mọi việc có vẻ suôn sẻ vì đội bóng hạng Nhì Tây Ban Nha sẵn sàng ký hợp đồng, còn nhà chức trách bản địa chuẩn bị cấp giấy phép lao động cho Gilmore. Nhưng vào phút chót hợp đồng vẫn không được ký. Lý do bởi tay “cò” đòi phí môi giới quá cao. “Lúc đó tôi đã nghĩ rằng bóng đá không dành cho tôi’, Gilmore chia sẻ.
Cuối cùng, cầu thủ trẻ người Nigeria này chỉ tìm được bến đậu tại Imereti thuộc giải VĐQG Georgia. Phong độ ổn định giúp Gilmore gia nhập Dinamo Tbilisi, đội bóng lớn nhất Georgia, vào năm 2018 trước khi chuyển sang Zugzidi vào năm ngoái. Hiện đã có vài CLB Nga quan tâm nhưng Gilmore chưa dám rời Georgia. Hậu vệ phải này không muốn tiếp tục trở thành món hàng của các tay môi giới lọc lõi.
Không nhiều ngôi sao châu Phi chọn được con đường đúng đắn như Mane, Aubameyang hay Salah
Ở Nigeria nói riêng và châu Phi nói chung có hàng nghìn, hàng vạn những trường hợp như Gilmore. Đó mới là bức tranh chủ đạo của các cầu thủ trẻ châu Phi. Họ có năng khiếu chơi bóng nhưng quá ngờ nghệch trong môi trường bóng đá châu Âu. Họ cần giấy phép lao động, visa và đủ thứ giấy tờ phức tạp để được chơi bóng ở châu Âu và đặc biệt là tại Premier League. Họ đành phó mặc những người môi giới, và vô tình trở thành cừu non cho đám cò “chăn dắt”.
Khác với Gilmore, Sadio Mane thuận lợi hơn nhiều trong việc sang châu Âu chơi bóng nhờ sự hợp tác giữa Generation Foot (CLB của Mane ở Senegal) và các đội bóng Pháp. Salah thì giống Gilmore ở chỗ được nhiều tay “cò” châu Âu chèo kéo khi còn nhỏ tuổi. Nhưng Salah đã từ chối để gia nhập một CLB chuyên nghiệp trong nước ( Al Mokawloon), một bệ phóng “danh chính ngôn thuận” trước khi tới Basel.
Nhưng không nhiều cầu thủ châu Phi chọn được hướng đi đúng đắn như Mane, Salah… Đa phần đều sa vào vết xe đổ của Gilmore, vội vàng sang châu Âu theo sự dụ dỗ của những tay cò thay vì khoác áo một CLB nội để tạo dựng mối liên kết chính thống với bóng đá châu Âu.
Zamalek từng từ chối Salah
Năm 2011 khi còn khoác áo Al Mokawloon, Salah đã nhận được sự quan tâm từ đội bóng hàng đầu Ai Cập là Zamalek. Nhưng chủ tịch Zamalek lúc đó là Mamdouh Abbas từ chối Salah vì “cậu ấy chưa đủ giỏi để tới đây”. Salah không quên lời nhận xét đó, năm 2017 anh mời Abbas tới Anfield chứng kiến trận đấu với Chelsea. Cũng trong năm 2017, Abbas tặng một căn biệt thự cho Salah vì có công lớn giúp ĐT Ai Cập giành vé tới World Cup. Nhưng tiền đạo Liverpool đề nghị chuyển đổi căn biệt thự này thành khoản từ thiện để gửi về quê nhà Nagrig.
Mane không quên bàn thắng vào lưới Arsenal
Trả lời trên Instagram, Sadio Mane lựa chọn bàn thắng vào lưới Arsenal là pha lập công ấn tượng nhất trong màu áo Liverpool. “Tôi rất ấn tượng với bàn thắng trước Arsenal bởi đó là trận ra mắt của tôi tại Liverpool. Tôi không quên được cảm giác hưng phấn đã theo tôi suốt cả ngày hôm đó”, tiền đạo người Senegal cho biết. Ngày 14/08/2016, Mane ra mắt Liverpool bằng một pha solo ghi bàn trong chiến thắng 4-3 trước Arsenal.
16. Mohamed Salah đã ghi 16 bàn tại Premier League mùa này, nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác của Liverpool. Đứng thứ hai là Sadio Mane với 15 pha lập công.
Việt Hà
Liverpool thống trị đội hình cầu thủ châu Phi đắt giá nhất hiện nay
Các cầu thủ châu Phi ngày càng cho thấy giá trị của mình khi nhiều người được định giá lên tới hơn 100 triệu bảng. Và Liverpool đang là đội bóng sở hữu nhiều ngôi sao châu Phi đắt giá nhất.
Thủ môn của đội hình này sẽ là Andre Onana người Cameroon. Cầu thủ của Ajax chính là người gác đền hay nhất châu Phi hiện nay và đang được khá nhiều ông lớn để mắt. Anh hiện được Transfermarkt định giá 31,5 triệu bảng.
Bộ đôi trung vệ sẽ là Kalidou Koulibaly (Senegal) và Joel Matip (Cameroon). Nếu như hậu vệ của Napoli được định giá 67,5 triệu bảng thì cầu thủ của Liverpool có giá 31,5 triệu bảng.
2 hậu vệ cánh là Achraf Hakimi người Morocco và Youcef Atal người Algeria. Hakimi đang thi đấu cực hay khi được Real Madrid cho mượn tại Dortmund và anh được định giá 27 triệu bảng.
Trong khi đó, Atal là cái tên được HLV Patrick Vieira thường xuyên sử dụng ở Nice. Anh cũng góp mặt trong đội hình Algeria lên ngôi vô địch AFCON 2019. Hiện Atal đang được định giá 22,5 triệu bảng.
Hàng tiền vệ sẽ là sự góp mặt của bộ ba Naby Keita (Guinea, Liverpool, 45 triệu bảng), Thomas Partey (Ghana, Atletico Madrid, 45 triệu bảng) và Riyad Mahrez (Algeria, Man City, 54 triệu bảng).
Bộ ba trên hàng công là những cái tên đang thi đấu tại Premier League gồm Mohamed Salah (Ai Cập, Liverpool, 135 triệu bảng), Sadio Mane (Senegal, Liverpool, 108 triệu bảng) và Nicolas Pepe (Bờ Biển Ngà, Arsenal, 67,5 triệu bảng).
Không chỉ là những cầu thủ được định giá rất cao, đây cũng là một đội hình rất mạnh và đủ sức thách thức bất kỳ đội bóng nào trên thế giới.
Đội hình cầu thủ châu Phi đắt giá nhất hiện nay
Trung Nghĩa
Giải hạn, Vardy bứt tốc trong cuộc đua Giày vàng Cú đúp vào lưới Aston Villa không chỉ giúp Jamie Vardy giải cơn khát bàn thắng mà còn giúp anh độc chiếm vị trí dẫn đầu trong cuộc đua Vua phá lưới Premier League. Vardy vào sân từ ghế dự bị và lập cú đúp Từng chiếm thế thượng phong trong cuộc đua Vua phá lưới Premier League nhưng Jamie Vardy đã bất...