Con dâu là trụ cột gia đình vẫn khổ sở vì bị bố chồng coi thường chỉ vì lý do này
Bố chồng thường xuyên chê bai con dâu lười biếng, nhà quê trong khi tôi đang là trụ cột gia đình.
Tôi lấy chồng cách đây 6 năm, hai vợ chồng tôi cùng cảnh ngộ, đều ở vùng thôn quê lên thành phố học tập và lập nghiệp. Chúng tôi xuất thân từ gia đình bình dân nên sớm có những điểm tương đồng, thương yêu và gắn bó với nhau. Sau khi ra trường, cả hai vất vả mưu sinh ở lại thành phố, qua bao gian khó để tìm kiếm việc làm, trang trải cuộc sống.
Chưa thoát khỏi cảnh ở nhà thuê, tôi đã lỡ có bầu và bạn trai cũng quyết tâm cưới nên tôi chấp nhận bị nhà chồng chê cười, dè bỉu. Bạn trai tôi kể, bố anh ấy không cho cưới nhưng con trai tuyên bố tự cưới vợ và sống với nhau nên ông đã phải khiên cưỡng đồng ý. Vậy là bao nhiêu tiền dành dụm, hai vợ chồng dốc hết vào đám cưới vì nhà trai không chịu chi trả một số khoản trong lễ cưới.
Sau khi sinh con, tôi nuốt nước mắt thương con còn nhỏ mà đã phải đi ở trẻ, nhưng biết làm sao được, tôi không thể sống phụ thuộc và trút hết gánh nặng lên chồng. Hai vợ chồng quyết tâm trong công việc, may mắn đến với chúng tôi khi cả hai đều rất thuận lợi. Tôi đi làm ở công ty với vị trí lương cao, còn chồng tôi mở công ty nhỏ kinh doanh, đơn hàng ngày một nhiều…
Tròn 5 năm cưới nhau, vợ chồng tôi đã thực hiện được ước mơ của mình đó là mua nhà riêng. Căn nhà không quá rộng và hiện đại, nhưng đó là thành quả của những năm tháng vất vả làm ăn, không dám chi tiêu của vợ chồng tôi. Mặc dù để sở hữu căn nhà này, tôi đã phải vay mượn người thân và ngân hàng. Nhưng mọi thứ đều nằm trong khả năng trả dần của vợ chồng tôi.
Bố chồng luôn chèn ép, toan tính để con dâu phải chịu thiệt thòi. (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Khi sinh con thứ hai, chồng tôi có mời bố mẹ chồng lên ở vừa chăm con và cũng là để anh ấy báo hiếu. Bố mẹ chồng lên ở, tôi vui lắm vì ông bà rất quý cháu và cũng muốn sống cùng con trai từ lâu. Tôi cố gắng vừa đi làm, chăm con và làm bổn phận của người con dâu. Nhưng mọi cố gắng đó không được ghi nhận, bố chồng vì không bằng lòng tôi từ trước nên hàng ngày tìm cách gây khó dễ cho con dâu.
Tôi đi làm công ty lương cao gấp đôi so với thu nhập của chồng, nhưng lại không có vai trò gì trong nhà. Bố chồng bỗng dưng kiểm soát hết mọi chuyện, kể cả thu nhập của chúng tôi cũng phải đưa ông lo liệu mọi chuyện chi tiêu trong nhà. Bố chồng luôn tỏ ra khó tính, ác cảm với con dâu khiến tôi nhiều phen ức chế, muốn khóc mà vẫn phải nín nhịn.
Có lần tôi nghe rõ lời bố chồng nói với chồng tôi trong lúc nóng giận: “Tôi vất vả cho con đi học đại học trên thành phố mà lên đó chẳng học được cái khôn ngoan nào. Ra trường không kiếm cô vợ thành phố mà lấy có phải sướng không, đi ra thành phố mà lại lấy vợ quê. Đi rước đứa nhà quê, lười nhác. Trông cái mặt nó đã thấy ghét rồi. Dốt lắm, khổ cả đời thôi con”.
Là trụ cột gia đình mà tôi lại bị đối xử ghẻ lạnh như vậy, tôi vất vả mua nhà, muốn báo hiếu bố mẹ chồng mà giờ đây lại thành ra như người thừa trong nhà. Mỗi khi bị bố chồng mắng, cả nhà không ai dám bênh, thậm chí vào hùa để trách tôi. Buồn hơn đó là bố chồng đang xúi con trai bán nhà mua nơi khác, bố chồng góp một ít tiền và sẽ đứng tên ngôi nhà mới.
Tôi rất bất bình về toán tính của bố chồng và chồng tôi, ấm ức vì bị chèn ép hơn một năm nay. Tôi chỉ mong về được cuộc sống trước đây, dù có ở trọ đi nữa còn thấy sướng hơn bây giờ. Để thoát khỏi tình cảnh hiện nay, tôi phải làm gì để bố chồng quý mến và tôn trọng con dâu? Tôi có nên bàn với chồng để mời ông bà về quê sống như cũ để vợ chồng tôi thảnh thơi, tập trung cho làm ăn và nuôi con?
Lấy chồng để... chống ế?
Minh và Hải vốn cùng làng, hai gia đình chỉ cách nhau 'cái dậu mùng tơi'. Dù lệch nhau đến mấy tuổi, cũng chẳng chơi với nhau từ bé, ấy vậy mà họ vẫn nên chồng nên vợ.
Ảnh minh họa
Âu cũng là duyên số, người nhà nói vậy, người làng nói vậy, nhiều lúc vợ chồng Minh - Hải cũng nghĩ như vậy. Chuyện tình của họ diễn ra như thế này: học xong trung học phổ thông, sau 2 năm nghĩa vụ quân sự, Hải đi lao động xuất khẩu rồi trốn ở lại xứ người đến hơn 10 năm; đến khi bị trục xuất anh mới về nước.
Ở tuổi tứ tuần, trai làng đã lên chức ông, ấy vậy mà Hải vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Còn Minh cũng xấp xỉ 30, mà ở cái làng này, ngoài 20 một chút, con gái đã yên bề gia thất. Một đàng trai 40, gái suýt 30, không đến với nhau được thì coi như hết cơ hội. Sau một đám cưới tương đối rình rang, họ về sống với nhau trong ngôi nhà mới xây nằm kẹp giữa hai bên nội - ngoại...
Thời gian trôi đi nhanh lắm, mới cưới nhau ngày nào, vậy mà giờ đây vợ chồng Minh đã có tới 3 đứa con, 1 gái, 2 trai; trong làng ai cũng khen cô là người tốt đẻ. Để quản được 3 đứa trẻ lít nhít kiểu trứng gà, trứng vịt không phải việc nhẹ nhàng... Nhiều phụ nữ trong làng thì cho rằng số Minh sướng "chỉ việc trông mỗi 3 đứa con, ngoài ra chẳng phải làm gì".
Còn trong mắt mẹ chồng, Minh là người sướng nhất. Đi đến đâu bà cũng nhắc đi nhắc lại câu nói: từ khi về nhà chồng, nó chỉ có mỗi việc ăn với đẻ - ngoài ra chẳng phải động chân tay vào việc gì, vì nấu cơm đã có nồi điện, quần áo đã có máy giặt, hút bụi đã có rô bốt!
Nhưng thói đời "ở trong chăn mới biết chăn có rận", mang tiếng là "sướng", nhưng kỳ thực cuộc sống của Minh thuộc diện đầu tắt mặt tối. Minh bảnh mắt đã phải dậy nấu đồ ăn sáng cho cả nhà, sau đấy đánh thức 3 đứa con rồi lần lượt làm vệ sinh cho từng đứa. Cho chúng nó ăn xong mới ngoài 6 giờ; bế xốc cu nhớn lên yên sau, đặt con nhỡ lên ghế trước, "cho đứa vào lớp 1, đứa đến trường mầm non"; quay về trông cu út và dọn bát đũa của bữa sáng; sau đó là đến tiết mục dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo.
Tiếng là gia đình cơ bản đã được "cơ giới hóa"; nhưng thiếu bàn tay con người thì máy móc cũng chỉ là cục sắt mà thôi. Khi cái máy "chạy bằng cơm" (theo cách gọi tếu táo của chồng) dọn dẹp xong nhà cửa, mặt trời đã đứng con sào, Minh lại tất tả lo bữa trưa cho gia đình, xong bữa trưa, vòng tuần hoàn rửa bát quét nhà lặp lại. Được hôm nào cu út mát tính thì còn được nghỉ ngơi một chút, bằng không cô phải dỗ dành chán chê nó mới chịu đi ngủ trưa.
Nhoáng một cái đã đến giờ đón con buổi chiều, rồi lại tắm rửa cho 3 đứa nhỏ, cơm nước buổi tối cho gia đình. Cơm xong, vòng quay rửa bát, dọn dẹp bếp núc lại diễn ra... Tám giờ tối, Minh lại kèm cu nhớn học bài, 10 giờ khuya công việc của một ngày mới tạm yên. Cái vòng xoáy chậm dần đều này đã diễn ra kể từ ngày Minh về làm dâu nhà Hải...
Giá như mẹ chồng và mẹ đẻ ở xa còn dễ chịu, đàng này bà nội - bà ngoại ngay cạnh mé nhà, thế nhưng cả 2 bà đều không giúp đỡ Minh trong nuôi dạy con cháu. Bà nội thì công việc là trên hết. Sáng sớm bà chỉ cần qua quýt cái gì lót dạ, sau đó vác cuốc ra đồng, làm một mạch đến trưa. Có hôm trời mát mà công việc chưa xong, bà có thể làm thông tầm đến chiều...
Còn mẹ đẻ, dù ngay sát vách nhà Minh nhưng bà cũng chẳng giúp gì được cho cô, do bà có 4 con trai đã lập gia đình, quanh năm suốt tháng lần lượt đi làm osin cho họ!
Nói về cuộc sống của Minh mà không nhắc đến Hải sẽ là một thiếu sót. Từ ngày về nước, Hải "tiếng là mang được một mớ tiền về", nhưng sau khi xây nhà, cưới vợ rồi sinh con, dẫu của núi cũng phải hết. Kinh tế gia đình bắt đầu sa sút khi sòn sòn 3 đứa trẻ ra đời. Vợ ở nhà trông con, mình Hải gánh vác chuyện kinh tế, vậy nên về đến nhà cũng bở hơi tai; cộng thêm thói gia trưởng nên anh ta không bao giờ mó vào việc nhà.
Hết giờ làm ở công ty, Hải lại bù khú với đám bạn, lắm hôm còn đi qua đêm, nói mãi vẫn chứng nào tật ấy nên Minh đâm chán... Lắm lúc cô cũng muốn làm toáng lên, nhưng vừa cất lời đã bị bà mẹ chồng chặn họng "nhà này không có chuyện gà mái biết gáy".
Thế là Minh lại phải ngậm bồ hòn... và nghĩ phận lấy chồng để chống ế của mình sao mà khổ. Dù vậy, cô cũng tự an ủi, dù sao mình cũng có chồng, còn có những 3 đứa con, hy vọng sau này chúng hiểu và báo hiếu mẹ.
Ngỏ ý muốn tái hợp, tôi sửng sốt với câu từ chối của chồng cũ Khi chồng cũ ân cần đút cháo cho tôi ăn, trong tim tôi đã nảy nở một cảm giác khó tả. Tôi bắt đầu hối hận vì đã ly hôn. Ảnh minh họa Sống với nhau 3 năm, giữa tôi và Kiệt đã nảy sinh quá nhiều mâu thuẫn, không thể hàn gắn được. Cuộc hôn nhân ngột ngạt kéo dài chỉ càng...