Con cua, cây lan hứa hẹn sự đổi đời
Nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM (TTKN) đang tăng cường chuyển giao nhiều mô hình thu hút nông dân (ND) tham gia sản xuất.
Theo ông Võ Ngọc Anh – Giám đốc TTKN thành phố, các mô hình mà TTKN đang thực hiện rất phù hợp với quá trình đô thị hóa, góp phần nâng cao lợi nhuận cho bà con.
Phù hợp với nhiều nông hộ
Thu hoạch lan cắt cành tại vườn lan của hộ ông Kiều Lương Hồng (Bình Chánh). Ảnh: T.Đ
Tổng kinh phí ngân sách thành phố phân khai chi tiết cấp bù lãi vay đợt 1 năm 2016 cho các quận, huyện và dự án được UBND thành phố phê duyệt theo chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2016 – 2020 là 35 tỷ đồng. Trong đó: Vốn hỗ trợ lãi vay hơn 30 tỷ đồng; vốn hỗ trợ các dự án do UBND thành phố phê duyệt hơn 4 tỷ đồng. (Nguồn: Sở NNPTNT TP.HCM)
Liên tiếp trong 2 tháng 7 và 8.2016, TTKN thành phố tổ chức đánh giá 2 mô hình: “Nuôi cua thương phẩm từ giống nhân tạo có sử dụng thức ăn công nghiệp” tại xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ) và “Trồng lan Denbrobium trong chậu” tại huyện Bình Chánh. Đây cũng là 2 huyện còn lại của thành phố đang phấn đấu đạt huyện nông thôn mới trong năm 2016.
Ông Nguyễn Hữu Bạc – một trong những ND tham gia mô hình nuôi cua cho biết, trước đây ông từng nuôi cua tự nhiên nhưng thu nhập rất bấp bênh vì không chủ động nguồn giống. Vừa rồi tham gia mô hình nuôi cua, ông được TTKN hỗ trợ 5.000 con giống cua nhân tạo. Sau 3 tháng nuôi, ông nhận thấy cua phát triển tốt, đồng đều và dễ sống. Trọng lượng trung bình hơn 200g/con.
Theo Trạm Khuyến nông huyện Cần Giờ, 3 tháng thực hiện mô hình cho thấy kết quả khá khả quan: Tỷ lệ cua sống đạt khoảng 50%, trọng lượng bình quân hơn 250g/con, năng suất hơn 1 tấn/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/1.000m2/vụ.
Video đang HOT
Đối với mô hình trồng lan do Trạm Khuyến nông Bình Chánh – Bình Tân triển khai tại các xã: Tân Kiên, Tân Quý Tây, Quy Đức và thị trấn Tân Túc cũng cho kết quả tốt. Theo đó, nguồn giống do TTKNhỗ trợ với nhiều loại, như Pink Stripe, Getting Red, Denbrobium Sonia… Sau 10 tháng triển khai mô hình, Trạm Khuyến nông Bình Chánh – Bình Tân đánh giá, tỷ lệ cây giống sống đạt 97%, một cành cho 5 – 10 hoa. Với trên 15.000 cây lan cắt cành, doanh thu sẽ đạt hơn 264 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận còn 31 triệu đồng. Trong khi đó, với 15.000 cây lan bán chậu, doanh thu hơn 330 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng.
Nên nhân rộng mô hình
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2016, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, giảm diện tích trồng lúa một vụ, hiệu quả kém sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố, như: Hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa… Ông Nguyễn Ngọc Anh khuyến cáo, để đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, bà con nông dân nên nhân rộng mô hình mà TTKN thành phố đã chuyển giao nhằm nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm ổn định.
Theo ông Lê Văn Được – Chủ tịch Hội ND huyện Cần Giờ, các mô hình mà TTKN thành phố chuyển giao cho ND trên địa bàn cho thấy hiệu quả rất tốt. Riêng mô hình nuôi cua bằng con giống nhân tạo không chỉ giải quyết được khó khăn về nguồn giống mà còn mang lại hiệu quả kinh tế ND nghèo, cận nghèo ít vốn, góp phần nâng cao thu nhập và mở ra hướng đi mới cho nông dân.
Theo Danviet
Trồng hoa lan, hướng đi của nông nghiệp đô thị
"Nghề chơi cũng lắm công phu...", những người trồng và kinh doanh hoa lan ở Hải Phòng còn có nhiều tìm tòi, sáng tạo.
Một góc vườn lan của anh Lê Xuân Hiến
Việc trồng và kinh doanh hoa lan đang nở rộ ở Hải Phòng không chỉ đem lại thu nhập cao, đáp ứng nhu cầu về tinh thần cho người dân đô thị mà còn góp phần cho thành phố thêm xanh, sạch, đẹp.
Phong trào chơi hoa lan phát triển mạnh mẽ tại Hải Phòng trong những năm gần đây. Số người chơi ngày càng đông đảo, và kiểu chơi cũng rất phong phú. Nhiều người thích chơi những giò lan "khủng", một số người lại mê các giống lan cổ, có người lại ưa những loài lan đột biến gen, "độc", lạ hoặc nhập từ nước ngoài...
Từ nhu cầu đa dạng đó, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều vườn lan quy mô tương đối lớn. Những cơ sở này không chỉ quy tụ rất nhiều loài lan khác nhau trong và ngoài nước mà còn lai tạo, cấy ghép được nhiều giống lan độc đáo. Chủ những vườn lan này đều xuất phát từ niềm đam mê hoa lan mà đến với ngành kinh doanh hoa.
"Làn sóng" lan rừng
Một trong những người thành công trong kinh doanh hoa lan là anh Nguyễn Tiến Dũng ở Chợ Hàng (phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân). Anh có hơn 1.000m2 vườn trồng 5.000 chậu lan, chủ yếu là địa lan. Theo anh Dũng, hiện nay phong trào chơi địa lan rất mạnh. Người ta chuộng loài lan này vì nó có dáng vẻ tao nhã, tươi lâu tới 2 - 3 tháng, hương thơm đặc biệt, khi kết hợp với đồ nội thất sẽ tôn lên vẻ đẹp của ngôi nhà.
Vườn lan của anh Dũng là một bộ sưu tập lan. Ngoài mạc lan với rất nhiều màu sắc khác nhau, còn có lan đuôi cáo, lan đuôi sóc, đai châu, quế lan hương, tam bảo sắc... Không chỉ thế, anh Dũng còn sở hữu nhiều giò lan đột biến gen đẹp lạ mắt, giá trị cao. Khu vườn này mang lại thu nhập vài trăm triệu mỗi năm cho gia đình anh Dũng.
Cũng tập trung vào loài lan rừng là địa lan, anh Phạm Văn Bằng ở tổ 3 (thị trấn An Dương, huyện An Dương) tiêu thụ được hàng nghìn chậu lan cảnh mỗi năm. Anh mua địa lan rừng từ các tỉnh miền núi phía Bắc về chăm sóc, đến Tết thì xuất bán. Đến nay, anh Bằng đã có thâm niên gần chục năm trồng địa lan.
Anh chia sẻ, khi mới mua cây về có nhiều cỡ cây khác nhau, cần trồng riêng từng loại. Cây to, cây nhỡ, cây nhỏ, mỗi loại một khu vực để tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch. Những cây to sẽ cho hoa ngay trong năm đầu tiên mang về trồng, cây nhỡ cho hoa vào năm thứ hai sau trồng, cây nhỏ ra hoa vào năm thứ ba. Cây to bán đi thì lại nhập một lứa cây mới về trồng, cứ thế luân chuyển.
Theo anh Bằng, trồng địa lan cần đặc biệt quan tâm đến bệnh thối cây, củ, rễ lan vào mùa hè nắng lắm, mưa nhiều. Thời gian đầu trồng lan, có năm anh đã mất toàn bộ vườn lan vì bệnh này. Nay anh đã có thể phòng bệnh tốt cho lan bằng cách phun thuốc chống nấm và một số bệnh do virus khác.
Ngoài ra, anh cũng khống chế được nhiều bệnh phổ biến khác trên cây lan và làm chủ được các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, tách cây con... Nhờ thế, trang trại của anh Bằng hiện không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.
Nhiều màu vẻ mới
"Nghề chơi cũng lắm công phu...", những người trồng và kinh doanh hoa lan ở Hải Phòng còn có nhiều tìm tòi, sáng tạo. Cũng trồng lan nhưng anh Đào Văn Quang (xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên) lại chọn cho mình một hướng đi riêng. Anh tạo kiểu dáng cho các loại lan rừng trên gỗ lũa, rất đẹp và lạ mắt. Khu trồng lan rộng 600m2 của anh có khoảng 3.000 giò lan. Đặc biệt, anh đã có nhiều sáng tạo trong việc cấy ghép, lai giống, tạo ra nhiều giò lan mới lạ.
Ảnh: Hân Minh
Hay anh Lê Xuân Hiến ở tổ 14 (phường Lãm Hà, quận Kiến An) đầu tư hàng tỷ đồng cho trang trại hoa cao cấp, đặc biệt là hoa lan. Trang trại của anh là điểm sáng của ngành nông nghiệp quận Kiến An. Hiện anh Hiến đang nắm bí quyết công nghệ điều khiển ra hoa lan hồ điệp.
Theo anh Hiến, hiện nay nhiều người trồng lan theo phương pháp tự nhiên, nếu cây ra hoa đúng dịp lễ tết thì tiêu thụ tốt, nhưng nếu cây ra hoa vào những ngày thường thì không bán kịp. Đối với lan hồ điệp, một loài lan có giá trị cao nhưng khó trồng, khó kiểm soát thời điểm ra hoa, anh Hiến có kỹ thuật điều khiển cho ra hoa quanh năm.
Anh Hiến nhận định, nhu cầu hoa cao cấp ở Hải Phòng rất lớn, thành phố đang phải nhập rất nhiều. Anh đang hướng tới sản xuất những loài hoa cao cấp, phù hợp với thổ nhưỡng của đất Cảng, áp dụng công nghệ cao như nhà kính, nuôi cấy mô, nhân giống và bảo quản giống trong kho lạnh...
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa lan Hải Phòng thì câu lạc bộ ngày càng đông hội viên, không chỉ là nơi tập hợp những người yêu hoa lan mà còn quy tụ nhiều chủ nhà vườn, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoa lan tại thành phố hoa phượng đỏ. Câu lạc bộ còn kết nối hội viên với các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đồng thời triển khai dự án hợp tác cùng hai doanh nghiệp, trong đó có một doanh nghiệp Pháp, để ứng dụng công nghệ nhà kính của Nhật Bản cho các nhà vườn trồng lan trên địa bàn Hải Phòng.
Theo Hân Minh (Nông Nghiệp Việt Nam)
Đổi đời nhờ "siêu cây tiền tỷ" Lan vàng hoàng đế là giống lan nuôi cấy mô, có thời gian chăm sóc, thu hoạch, chi phí đầu tư chỉ bằng 1 nửa so với những giống lan bản địa. "Siêu cây" này giúp ông Nguyễn Viết Xuân - Giám đốc hợp tác xã Hoa Mộc Châu - Sơn La thu về tiền tỷ. Cánh dày, hoa nở to, đẹp rực...