Con bê trắng ‘ứng nghiệm lời tiên tri’ được bộ lạc da đỏ Mỹ tôn vinh long trọng
Chú bê rừng trắng quý hiếm ra đời được coi là sự ứng nghiệm lời tiên tri thiêng liêng trong truyền thuyết bộ lạc Lakota, vì thế nó được tôn vinh trong nghi lễ lớn.
Tại hồ nước bên ngoài Công viên Quốc gia Yellowstone, Mỹ, hàng trăm người cùng reo hò khi một nhà lãnh đạo tinh thần người da đỏ bản địa đọc tên của chú bê rừng quý hiếm vừa được sinh ra hồi đầu tháng 6. Tên của nó được ghi trên tấm da: Wakan Gli, tiếng thổ dân Lakota có nghĩa là “trở về với sự thiêng liêng” .
Khoảnh khắc này là điểm nổi bật trong nghi lễ tôn giáo của người da đỏ bản địa nhằm chào mừng sự ra đời của chú bê rừng trắng quý hiếm. Họ đã múa, đánh trống, ca hát và kể lại truyền thuyết về một nữ thần bí ẩn mang đến thông điệp bình an trong thời kỳ khó khăn rất xa xưa.
Theo truyền thuyết, khoảng 2.000 năm trước, khi thức ăn cạn kiệt và bò rừng biến mất, một người phụ nữ bí ẩn bỗng xuất hiện, tặng các thành viên trong bộ lạc một cái tẩu và một bó gỗ. Cô bảo họ dùng cái tẩu để gọi bò rừng đến vùng này kiếm ăn, từ đó sinh sôi nảy nở.
Khi rời đi, cô biến thành một con bò rừng trắng mũi đen, mắt đen, móng đen và hứa sẽ quay trở lại dưới hình dạng đó mỗi khi bộ lạc gặp khó khăn.
Những người bản địa hát những khúc nhạc truyền thống trong lễ hội.
Arvol Looking Horse – thủ lĩnh tinh thần hiện nay của các bộ lạc Lakota, Dakota và Nakota Oyate ở vùng Nam Dakota – được coi là người canh giữ thứ 19 của những vật thiêng trong truyền thuyết bản địa. Ông nói tại buổi lễ: “Đây là thời điểm rất quan trọng trong lịch sử của chúng ta khi chú ‘trâu’ trắng mũi đen, mắt đen, móng đen này ra đời” .
Video đang HOT
Một số bộ lạc tôn kính bò rừng ở Mỹ gọi chúng là “trâu”. Với họ, sự xuất hiện của chú bê rừng trắng nói trên vừa là sự ứng nghiệm của lời tiên tri thiêng liêng, vừa là thông điệp kêu gọi chăm sóc Trái đất tốt hơn.
“Việc chăm sóc Trái đất tốt hơn vì tương lai của con em chúng ta có thể thành hiện thực hay không, điều đó tùy thuộc vào mỗi người trong số các bạn. Chúng ta phải chung tay và mang đến những nguồn năng lượng tốt đẹp”, thủ lĩnh Arvol Looking Horse nói tại buổi lễ.
Buổi lễ thu hút khoảng 500 người, bao gồm đại diện của bộ lạc Colville ở Washington, bộ lạc Lakota và Sioux ở Dakota, bộ lạc Bắc Arapaho ở Wyoming, và bộ lạc Shoshone-Bannock ở Idaho. Các nhóm bảo tồn cũng tham dự nhằm mục đích bảo vệ và tôn vinh chú bò rừng trắng.
Hình ảnh về chú bê rừng trắng quý hiếm.
Bò rừng trắng tuy hiếm nhưng không phải là chưa từng thấy ở các trang trại chăn nuôi, tuy nhiên đó chỉ là kết quả của sự lai tạo. Bò rừng trắng sinh ra trong tự nhiên đặc biệt quý hiếm, chưa từng được biết đến ở Yellowstone, khu bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất nước Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ một số ít người được nhìn thấy chú bê rừng trắng mà bộ lạc Lakota tôn vinh ngay sau khi nó chào đời vào ngày 4/6. Hầu hết mọi người chỉ được thấy nó qua những bức ảnh chứ không được tận mắt chiêm ngưỡng con vật đặc biệt này.
Jordan Creech, hướng dẫn viên ở Công viên Quốc gia Yellowstone và Grand Teton, là một trong số ít người chụp được hình ảnh chú bê rừng trắng. Creech đang hướng dẫn một đoàn khách tham quan chụp ảnh thì phát hiện một con bò rừng sắp sinh nở ở gần sông Lamar. Sau đó, con bò rừng biến mất trên một ngọn đồi. Một lúc sau, cả đoàn quay lại và nhìn thấy nó ở cùng chú bê trắng nhỏ.
Công viên Yellowstone không có hồ sơ nào về việc một con bê rừng trắng được sinh ra ở đây. Một người khác là Erin Braaten cũng chụp được hình ảnh con bê trắng, đã cố gắng tìm kiếm nó vài ngày sau khi nó chào đời nhưng không thấy.
Mấy tuần trôi qua mà không có thêm dấu hiệu nào về sự tồn tại của con vật, điều này làm tăng thêm nghi ngờ rằng chú bê rừng quý hiếm đã trở thành nạn nhân của những kẻ săn trộm hoặc những mối nguy hại khác. Nhưng dù thế nào, sự ra đời của sinh vật này vẫn được coi là dấu hiệu tốt lành, có nguồn gốc sâu xa từ những truyền thuyết và niềm tin tâm linh của bộ lạc Lakota.
“Vấn đề là tất cả chúng ta đều biết rằng nó đã ra đời, giống như một phép lạ vậy”, thủ lĩnh tinh thần Looking Horse nói.
"Dạng sống thứ 3" của Trái Đất đang tạo ra năng lượng
Khả năng đặc biệt của một dạng sống còn nhiều bí ẩn hứa hẹn giúp nhân loại trong cuộc chiến cứu vãn môi trường Trái Đất.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vi trùng học Pok Man Leung từ Đại học Monash (Úc) phát hiện ra rằng cổ khuẩn - dạng sống thứ 3 của Trái Đất - đã tạo ra năng lượng bằng một cách độc đáo mà trước đây người ta vẫn tin rằng nó không thể làm được.
Cổ khuẩn từng được tìm thấy trong môi trường nước sôi ở Công viên quốc gia Yellowstone của Mỹ - Ảnh: NATURE
Cổ khuẩn được gọi là dạng sống thứ 3 bởi chúng là một dòng sinh vật riêng biệt, tiến hóa theo một con đường hoàn toàn khác với 2 dạng sống còn lại là vi khuẩn và sinh vật nhân chuẩn.
Sinh vật nhân chuẩn chính là những sinh vật sở hữu tế bào đầy đủ, có nhân, bao gồm các động vật, thực vật trên Trái Đất. Tất nhiên, chúng ta cũng là sinh vật nhân chuẩn.
Trong khi đó, cổ khuẩn là các sinh vật đơn bào thiếu cấu trúc liên kết màng bên trong.
Hầu hết cổ khuẩn chỉ được biết đến nhờ các đoạn mã di truyền được tìm thấy trong những môi trường khắc nghiệt mà chúng tồn tại, nhiều loài chưa được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm vì điều đó rất khó thực hiện.
TS Leung và các cộng sự phát hiện ra ít nhất 9 ngành cổ khuẩn tạo ra khí hydro bằng cách sử dụng các enzyme được cho là chỉ tồn tại ở 2 dạng sống còn lại.
Hydro này chính là nguồn sống cho chúng, giúp nhiều loài cổ khuẩn tồn tại được ở "tử địa" của Trái Đất, những nơi hoàn toàn không phù hợp với các dạng sống khác.
Cổ khuẩn từng được tìm thấy trong những môi trường khắc nghiệt như suối nước nóng, hang động ngầm tăm tối, núi lửa và các miệng phun dưới biển sâu .
"Con người chỉ mới bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng hydro làm nguồn năng lượng gần đây, nhưng vi khuẩn cổ đã làm điều đó trong hàng tỉ năm" - TS Leung nói.
Phát hiện mới vừa được trình bày trong bài công bố trên tạp chí Cell, là gợi ý cho các nhà công nghệ sinh học hiện đại: Chúng ta có thể ứng dụng các cổ khuẩn kỳ lạ này để sản xuất hydro công nghiệp hoàn toàn "xanh".
Ngoài ra, phát hiện mới cũng giúp các nhà khoa học hiểu thêm về quan hệ giữa các dạng sống trên Trái Đất sơ khai, thông qua loại enzyme mà các dạng sống này cùng sở hữu; cũng như những điểm giống và khác nhau trong việc sử dụng enzyme đó sau hàng tỉ năm tiến hóa.
Phát hiện tàn tích gây choáng váng của sinh vật 3,5 tỉ tuổi Thế giới bí ẩn 3,5 tỉ năm trước với những sinh vật sống sơ khai nhất hành tinh trên một siêu lục địa đã mất vừa được "vén màn". Một nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Precambrian Research đã tìm thấy tàn tích của sinh khối 3,5 tỉ năm trước từ Thành hệ Dresser ở Tây Úc, giúp nhân...